Các chuyên gia cho rằng nhiều chi phí bất hợp lý đang là gánh nặng cho doanh nghiệp, vì thế cần phải có các giải pháp mạnh để kiểm soát các chi phí chính thức lẫn không chính thức.
Ý kiến trên được đưa ra tại hội thảo “Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp: Thực trạng và đề xuất” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 24-8.
Lợi nhuận teo tóp vì chi phí
Theo ông Đặng Quang Vinh (CIEM), các chi phí bất hợp lý (bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức) chưa được đề cập đầy đủ trong các giải pháp cải cách hiện hành, nhiều quy định bất hợp lý nhưng chưa được sửa đổi.
Chẳng hạn, để có được thông tin, nhất là thông tin về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải tự ghi mã ngành cấp 4 trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, với nội dung phức tạp, không rõ ràng và quy định ở nhiều văn bản khác nhau.
Tương tự, khi đăng công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải đóng lệ phí 300.000 đồng/lần là bất hợp lý.
Ông Trương Văn Cẩn, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Dệt may doanh nghiệp, cho biết doanh nghiệp kêu rất nhiều, đưa ra nhiều kiến nghị sửa đổi, nhưng quá trình đi đến quyết định sửa đổi... rất gian nan, thậm chí nhiều quy định bất cập vẫn không được sửa đổi dù đã được kiến nghị nhiều lần.
Quy định nhập khẩu máy in trên vải xuất khẩu là một ví dụ.
Theo ông Cẩn, việc yêu cầu chủ doanh nghiệp phải có bằng cao đẳng về hoạt động in hoặc tham gia lớp bồi dưỡng do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức trong vòng 3 tháng mới đủ điều kiện nhập khẩu là bất hợp lý nhưng vẫn chưa được sửa đổi, dù được kiến nghị nhiều lần.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng dẫn chứng trường hợp doanh nghiệp dệt may than thở rằng nhiều khoản chi phí cho vận tải, logistics ngày càng tăng khiến lợi nhuận ngày càng teo tóp.
Không chỉ các chi phí chính thức, những chi phí không chính thức cũng ngày càng tăng, tạo áp lực cho doanh nghiệp.
Ngại lên doanh nghiệp do chi phí?
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty tư vấn Economica, khẳng định những chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả đang là rào cản khiến các hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp.
Theo tính toán, một hộ kinh doanh cá thể quy mô 10 người khi chuyển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp phải nộp các chi phí thuế, bảo hiểm xã hội... ít nhất 50 triệu đồng.
Việc phải chi trả nhiều chi phí khiến các hộ kinh doanh cân nhắc việc chuyển đổi thành doanh nghiệp, chưa kể nó gây ảnh hưởng nhiều đến quá trình cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo ông Bình, tư duy xây dựng chính sách hiện nay chưa coi doanh nghiệp là bạn, mà là đối tượng quản lý, nên đẩy phần khó khăn về doanh nghiệp.
Do đó theo các chuyên gia, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, trước hết phải đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật kinh doanh, đảm bảo các yếu tố đồng bộ, nhất quán, minh bạch, ổn định, cần thiết, hợp lý và hiệu quả.
Đặc biệt, cần thiết lập cơ chế, bộ máy độc lập về kiểm soát chất lượng thể chế kinh doanh và giám sát trách nhiệm thi hành pháp luật của bộ, ngành và địa phương.
Đổi mới thực chất bộ máy hành chính thực thi pháp luật kinh doanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp tục cải cách cơ chế điều phối, phối hợp liên cấp, liên ngành.
“Phải tạo kênh tiếp nhận và xử lý hiệu quả thông tin phản ánh của doanh nghiệp trong quá trình thực thi tuân thủ pháp luật” - một chuyên gia đề xuất.
Nhũng nhiễu, phiền hà DN
Theo ông Đậu Anh Tuấn, nhiều cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp phải nộp những loại giấy tờ, văn bản bất hợp lý, yêu cầu công chứng, tạo sự tốn kém và gánh nặng lớn.
“Nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành ở nhiều lĩnh vực trùng lặp, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp ” - ông Tuấn nói.
Theo Tuoitre