Doanh nghiệp đáp ứng 3 tiêu chí mới được vay vốn hoặc miễn, giảm lãi vay

14/03/2020 10:14

Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thực hiện bằng nguồn vốn của ngân hàng thương mại, vì vậy các doanh nghiệp muốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí.

Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí mới được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay (Ảnh minh hoạ: Internet)

Chiều 12/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện từ ngày 13/3.

Như vậy, NHNN là cơ quan đầu tiên ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Đáp ứng 3 tiêu chí

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay được các doanh nghiệp đặc biệt mong chờ, vì đây là sự hỗ trợ thiết thực nhất với doanh nghiệp hiện nay. Các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay không chỉ để thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ mà còn thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp.

"Nếu như năm 2009, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp được thực hiện bằng nguồn ngân sách (cấp bù lãi suất), thì lần này, việc hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn bằng nguồn của ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại chia sẻ lợi nhuận của mình với khó khăn của doanh nghiệp”, Phó thống đốc khẳng định.

Theo đó, thông tư mới ban hành nêu rõ các doanh nghiệp muốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí:

Thứ nhất, phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Thứ ba, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết các tổ chức tín dụng phải ban hành các quy định nội bộ hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Còn việc giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 trong thời gian cơ cấu lại đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định tại thông tư này và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.

Cơ sở để ngân hàng triển khai

Bình luận về ý nghĩa của thông tư mới, trao đổi với báo chí, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: Việc ban hành thông tư mới đã hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp được giảm, miễn lãi tuỳ theo năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.

Tại Vietcombank, mức giảm miễn lãi là 1 – 1,5% đối với khoản vay bằng VND và 0,5% với dư nợ ngoại tệ. Doanh nghiệp được giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Về phía ngân hàng, đây là hành lang pháp lý để ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ. Các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay mới với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết đến thời điểm này, ước tính số dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không thể trả nợ đúng hạn là 926.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ.

Cũng theo ông Hùng, thời gian qua, NHNN đã nhận được nhiều văn bản, đơn từ của các hiệp hội đề nghị NHNN xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trực thuộc hiệp hội, đơn cử như hiệp hội các ngành: vận tải, da giày, sắn, cà phê, dệt may, giáo dục ngoài công lập, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ…

Đến nay, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.500 khách hàng với dư nợ 85.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã miễn phí hoàn toàn hoặc giảm phí dịch vụ giao dịch. "Ngành ngân hàng sẵn sàng đủ vốn để đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế, cả trong và sau dịch. Trong thời gian tới, gói tín dụng hỗ trợ có thể lớn hơn, nhưng do các tổ chức tín dụng tự cân đối tình hình tài chính của mình", ông Hùng cho hay.

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/ngan-hang/doanh-nghiep-dap-ung-3-tieu-chi-moi-duoc-vay-von-hoac-mien-giam-lai-vay-1066146.html

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp đáp ứng 3 tiêu chí mới được vay vốn hoặc miễn, giảm lãi vay" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin