Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế gì cho Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2020?

04/01/2021 11:00

Với việc ban hành và có hiệu lực vào đầu năm 2021, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 đã tạo ra bước ngoặt mới cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để áp dụng các điều luật sao cho hiệu quả và an toàn, DN cần được hướng dẫn và lưu ý một cách kỹ lưỡng về các điều khoản, hệ quả pháp lý và các rủi ro có thể phát sinh.

(Ảnh: Internet)

Luật DN 2020 và Luật Đầu tư 2020 được ban hành và có hiệu lực mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Tuy vậy, để thực sự có được những cơ hội, DN cần phải hiểu và biết cách áp dụng luật mới sao cho hiệu quả, đúng hướng. Đặc biệt là vấn đề quản trị DN, từ đó tạo dựng môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quản quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Những thay đổi mang tính then chốt

Là một trong những thành viên chắp bút tạo nên dự thảo Luật Doanh nghiệp 2020, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực vào tháng 1/2021 đang được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn trên thị trường, ở cả góc độ doanh nghiệp và quản lý nhà nước. Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép doanh nghiệp được thuận lợi hơn không chỉ trong việc thành lập mà còn trong cả quá trình gia nhập thị trường và nhất là quản trị doanh nghiệp.

Tại Hội thảo “Những điểm mới và các lưu ý cho doanh nghiệp về Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020”, TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những đánh giá tích cực về những thay đổi trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020. Doanh nghiệp vừa trải qua một giai đoạn khó khăn khi hoạt động kinh doanh gặp trục trặc, doanh thu sụt giảm do Covid-19, việc thay đổi chính sách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển mình lúc này là điều rất cần thiết. Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 được ban hành và có hiệu lực mang nhiều ý nghĩa thiết thực, tuy vậy, để thực sự có được những cơ hội, doanh nghiệp cần phải hiểu và biết cách áp dụng luật mới sao cho hiệu quả, đúng hướng. Có thể nói, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 hướng đến mục tiêu tổng thể là quản trị tốt doanh nghiệp, từ đó tạo dựng môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Nhận định về triển vọng của Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 khi đi vào thực thi trong thời gian tới, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra những điểm mới nổi bật của hai văn bản pháp luật mới này.

Đối với Luật Đầu tư, ông Tuấn nhấn mạnh nội dung liên quan đến việc xóa bỏ hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đây là một trong những điểm mới nổi bật của Luật Đầu tư 2020, định hướng doanh nghiệp đến những phương thức đòi nợ văn minh hơn qua kênh tòa án, trọng tài, hòa giải.

Ông Tuấn đánh giá, hiện nay, trọng tài và hòa giải đang là xu hướng giải quyết tranh chấp được doanh nghiệp lựa chọn nhiều. Tại Việt Nam, xu hướng trọng tài cũng phát triển khá rõ rệt khi các vụ tranh chấp tăng ngày càng cao, theo cập nhật từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), số lượng các tranh chấp nộp đến trung tâm tăng theo thời gian và rất đa dạng; đây là cơ sở để doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp này khi dịch vụ đòi nợ không còn nữa.

Song song với đó, ông Tuấn cũng cho rằng các thay đổi nổi bật trong Luật Doanh nghiệp và tác động của quy định đối với doanh nghiệp mặc dù đánh giá cao nhưng những thay đổi về thủ tục còn nhiều chồng chéo vẫn cần được xem xét và tháo gỡ để môi trường kinh doanh ngày càng được cải tiến, hoàn thiện hơn.

Doanh nghiệp cần nắm rõ để tận dụng

Theo bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã được cập nhật và sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới tại Việt Nam, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và rộng trên trường quốc tế. Sự am hiểu về Luật Đầu tư cũng như Luật Doanh nghiệp rất quan trọng cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, hiểu biết về luật, nắm rõ luật sẽ giảm thiểu rủi ro, tạo sự ổn định cho công ty và đặc biệt giúp nhà đầu tư định hướng được chiến lược phát triển dài hạn cho doanh nghiệp mình. Trong quá trình hoạt động, các vấn đề mà các nhà đầu tư/doanh nghiệp luôn luôn đối mặt khi kinh doanh là: quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính, mô hình hoạt động, thuế, tranh chấp hợp đồng… các yếu tố rủi ro này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.

Còn theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho biết, thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp nơi, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân và đẩy nhiều nền kinh tế vào giai đoạn suy thoái. Việt Nam tuy đã có những biện pháp để kiểm soát dịch bệnh tốt cũng như đã đưa ra nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề vì nhu cầu của thị trường sụt giảm mạnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dòng tiền bị giới hạn, tình trạng thất nghiệp do thiếu những kỹ năng cần thiết mới tăng cao…

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết cao về mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế khu vực. Để có thể duy trì sản xuất và kinh doanh cũng như phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng, theo Phó chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 để có thể tận dụng được những cơ hội mang lại từ những sửa đổi của luật mới nhằm đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy hơn nữa đầu tư, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư, liên doanh và hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/doanh-nghiep-can-chuan-bi-tam-the-gi-cho-luat-dau-tu-va-luat-doanh-nghiep-2020.html

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế gì cho Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2020?" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin