Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tiến hành hoạt động cho thuê hàng hóa khi chưa được cấp Giấy phép kinh doanh. Hành vi này có thể làm phát sinh nhiều rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Ảnh minh hoạ
1. Điều kiện bắt buộc đối với hoạt động cho thuê hàng hóa
Cho thuê hàng hóa là một trong những hoạt động kinh doanh có điều kiện đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP (“Nghị định 09”). Để thực hiện hoạt động này một cách hợp pháp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không chỉ phải tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp mà còn phải đảm bảo tuân thủ quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa. Điều kiện pháp lý tiên quyết để hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực cho thuê hàng hóa là phải có Giấy phép kinh doanh, bên cạnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (“IRC”) (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (“ERC”), đây là quy định bắt buộc kể từ Nghị định 23/2007/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định 09 vẫn duy trì hướng tiếp cận này. Theo đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được cấp Giấy phép kinh doanh trước khi bắt đầu hoạt động cho thuê hàng hóa tại Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho thuê hàng hóa cần lưu ý rằng, pháp luật hiện hành đã đặt ra chế tài đối với hoạt động cho thuê hàng hóa khi chưa có Giấy phép kinh doanh. Mặc dù Điều 70 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (“Nghị định 98”) không đề cập trực tiếp đến vi phạm của hoạt động cho thuê hàng hóa khi chưa có giấy phép kinh doanh nhưng hành vi này có thể bị xem xét xử phạt theo quy định chung về giấy phép kinh doanh. Việc kinh doanh mà không có giấy phép kinh doanh trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là trái với quy định của pháp luật. Theo quy định hiện nay, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng[1].
Tuy nhiên, việc bị xử phạt vi phạm hành chính chỉ là một trong những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi tiến hành hoạt động kinh doanh khi chưa có Giấy phép kinh doanh. Giấy phép kinh doanh không chỉ là yếu tố pháp lý bắt buộc mà còn là minh chứng cho việc tuân thủ các quy định của pháp luật, tạo nền tảng cho sự minh bạch và uy tín trong hoạt động kinh doanh.
Thứ nhất, thiếu Giấy phép kinh doanh trong quá trình hoạt động có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp. Nếu thông tin về việc vi phạm và quyết định xử phạt vi phạm hành chính của doanh nghiệp bị công khai trên các phương tiện truyền thông, doanh nghiệp không chỉ mất lòng tin từ khách hàng mà còn đối mặt với nguy cơ mất đi các hợp đồng quan trọng và đối tác kinh doanh. Hệ quả này không chỉ ảnh hưởng đến phương diện hình ảnh mà còn làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Thứ hai, việc không có Giấy phép kinh doanh làm gia tăng nguy cơ bị kiện tụng và phát sinh tranh chấp liên quan đến điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, vì Giấy phép kinh doanh là một điều kiện bắt buộc mà pháp luật quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có khi kinh doanh cho thuê hàng hóa. Do đó, nếu không có Giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị xem là không đủ điều kiện kinh doanh. Trường hợp giao kết hợp đồng cho thuê hàng hóa với khách hàng, đối tác và có phát sinh tranh chấp, hợp đồng này có khả năng bị tuyên vô hiệu bởi Tòa án. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu vì một trong các bên không đủ điều kiện kinh doanh liên quan đến giấy phép kinh doanh theo quy định[2]. Việc hợp đồng bị tuyên vô hiệu trường hợp này xuất phát từ lỗi của doanh nghiệp (là bên cho thuê hàng hóa những không đủ điều kiện kinh doanh), do đó, doanh nghiệp có thể phải chịu các khoản bồi thường lớn, làm tổn hại về mặt tài chính cũng như buộc phải tạm dừng hoạt động kinh doanh thường nhật của doanh nghiệp cho đến khi được cấp giấy phép đầy đủ theo quy định.
2. Tránh sai phạm từ bước đầu cho doanh nghiệp
2.1. Xác định thủ tục hành chính cần thiết cần phải thực hiện
Ngay từ ban đầu, doanh nghiệp cần xác định hoạt động cho thuê hàng hóa phải được chấp thuận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, như một cơ chế quản lý hành chính tại địa phương. Đáp ứng yêu cầu này không chỉ đảm bảo sự hợp pháp trong hoạt động mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam. Giấy phép kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, giảm thiểu các rủi ro pháp lý tiềm ẩn. Bởi lẽ, việc bị xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh hàng hóa không chỉ dừng lại ở hình thức phạt tiền mà còn bao gồm các hình thức xử phạt bổ sung khác. Doanh nghiệp có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm, điều này không chỉ tăng thêm gánh nặng tài chính mà còn có khả năng làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Hơn nữa, mức xử phạt vi phạm hành chính không chỉ đơn thuần là một khoản tiền phạt mà còn tạo ra những áp lực vô hình về việc bảo vệ uy tín trên thương trường cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật và đảm bảo đầy đủ các giấy tờ pháp lý cần thiết trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
2.2. Lưu ý khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép
Nhằm tránh những rủi ro về mặt pháp lý và đảm bảo hoạt động kinh doanh hợp pháp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật trước khi tiến hành hoạt động cho thuê hàng hóa.
Trước hết, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng và rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cho thuê hàng hóa, đồng thời đối chiếu với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp. Hoạt động này bao gồm việc nắm rõ các điều kiện, trình tự, và thủ tục cần thiết để được cấp Giấy phép kinh doanh. Việc nắm vững các quy định pháp luật sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ cần thiết, từ đó tránh được các sai sót trong quá trình đề nghị cấp phép.
Hiện tại, theo Biểu Cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Việt Nam đang chưa cam kết cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường theo hình thức hiện diện thương mại đối với dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác. Do đó, theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 8 Nghị định 09, việc cấp Giấy phép kinh doanh phải được lấy ý kiến của Bộ Công thương. Đồng thời, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện khác như: Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh, không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên, phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành, phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động, khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước, khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước. Có thể thấy, việc giải trình đáp ứng những điều kiện này cũng như lấy ý kiến từ Bộ Công thương có thể sẽ khiến doanh nghiệp tốn một khoảng thời gian đáng kể.
Về thời điểm thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh, hiện nay cả Nghị định 09 và Nghị định 98 đều không đặt ra quy định cụ thể về thời hạn phải xin cấp Giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, theo Điều 6 của Nghị định 98, việc xử phạt vi phạm hành chính có thể được thực hiện khi doanh nghiệp kinh doanh hoạt động cho thuê hàng hóa không có giấy phép cho thấy doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục này trước khi bắt đầu kinh doanh. Do đó, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh nên được thực hiện ngay sau khi doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập mới và doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau giao dịch góp vốn, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần).
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật từ bước đầu sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực cho thuê hàng hóa tại Việt Nam. Giấy phép kinh doanh không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là minh chứng cho tính hợp pháp và sự uy tín của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Do đó, đây là một trong những lưu ý quan trọng dành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực cho thuê hàng hóa.
------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Điểm a Khoản 3 Điều 6, Điểm b Khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
[2] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta902858t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 04/7/2024.