Nhiều tỉnh thành thu hút được hàng tỷ USD vốn đầu tư từ nước ngoài trong năm 2020. Trong đó, địa phương dẫn đầu về thu hút FDI năm 2020 là TP.HCM với 4,4 tỷ USD.
Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam ước đạt 28,5 tỷ USD
Năm 2020, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với 2019 vì tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, vốn thực hiện là 19,9 tỷ USD.
Dẫn đầu về thu hút FDI trên cả nước năm 2020 là TP.HCM với 4,4 tỷ USD. Xếp thứ hai là Bạc Liêu với 4 tỷ USD.
Các tỉnh, thành khác thu hút được từ 1 tỷ USD vốn FDI gồm Hà Nội (3,6 tỷ USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (2,2 tỷ USD), Bình Dương (1,9 tỷ USD), Hải Phòng (1,5 tỷ USD).
4 tỉnh còn lại trong top 10 địa phương dẫn đầu về FDI, gồm: Đồng Nai (928 triệu USD), Bắc Ninh (901 triệu USD), Bắc Giang (894 triệu USD), Long An (810 triệu USD).
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành điểm sáng khi thu hút 13,6 tỷ USD, gần 50% tổng vốn FDI năm qua. Những ngành, nghề xếp phía sau gồm sản xuất, phân phối điện, khí (5,1 tỷ USD); kinh doanh bất động sản (4,2 tỷ USD); bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe (1,6 tỷ USD); khoa học công nghệ (1,3 tỷ USD); vận tải kho bãi (611 triệu USD), xây dựng (559 triệu USD).
Trong nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam 2020, Singapore dẫn đầu với 9 tỷ USD, chiếm 32%. Tiếp theo là Hàn Quốc (3,9 tỷ USD), Trung Quốc (2,5 tỷ USD), Nhật Bản (2,4 tỷ USD), Đài Loan (2,1 tỷ USD), Hong Kong (2 tỷ USD), Thái Lan (1,8 tỷ USD).
Một số dự án lớn trong năm 2020
Đến cuối năm 2020, Việt Nam có tổng cộng hơn 33.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD và tổng vốn thực hiện 232 tỷ USD. Ba quốc gia đứng đầu về số vốn FDI đầu tư lũy kế vào Việt Nam là Hàn Quốc (70,6 tỷ USD), Nhật Bản (60,3 tỷ USD), Singapore (56,6 tỷ USD).
TP.HCM là địa phương thu hút FDI nhiều nhất với tổng số vốn lũy kế 48,2 tỷ USD. Các địa phương khác trong top 5 gồm Hà Nội (35,9 tỷ USD), Bình Dương (35,5 tỷ USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (32,7 tỷ USD), Đồng Nai (32 tỷ USD).
Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG (cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 16/01/2020).
Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ (cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cấp ngày 18/4/2020).
Dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây (Hàn Quốc) tại thành phố Hà Nội, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD (cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cấp ngày 29/6/2020).
Dự án Pegatron Việt Nam (Đài Loan), vốn đầu tư 481 triệu USD với mục tiêu sản xuất thiết bị chơi game, phụ kiện điện thoại, loa thông minh, bộ điều khiển game; các loại máy tính tại thành phố Hải Phòng (cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 30/10/2020).
Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Tây Ninh (cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 21/01/2020).
Dự án Victory - Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam (Đài Loan), tổng vốn đầu tư 273 triệu USD với mục tiêu sản xuất, lắp ráp các thiết bị máy tính điện tử và ngoại vi máy tính; sản xuất các thiết bị âm thanh và hình ảnh điện tử dân dụng (cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 01/4/2020).
Dự án Công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai (Singapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD (giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cấp ngày 31/3/2020).
Dự án Nhà máy dệt kim tại Khu công nghiệp Texhong Hải (Hồng Kông), vốn đầu tư 214 triệu USD với mục tiêu sản xuất vải dệt kim tại Quảng Ninh.
Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo được tại Hải Phòng.
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/dia-phuong-nao-vuon-len-dan-dau-ca-nuoc-ve-thu-hut-von-fdi.html