Đề xuất tăng thuế VAT: Vì sao dân chưa phục?

(Pháp lý) - Đề xuất tăng thuế VAT để tăng nguồn thu trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhưng chính sách quản lý thuế phí còn nhiều lỗ hổng, các kẽ hở dẫn đến đầu tư công gây thất thoát lãng phí, chưa được “bịt”... Thực tế đó khiến người dân không phục…

Đề xuất tăng thuế VAT trong tương quan với thất thu thuế

Bộ Tài chính đã và đang lấy ý kiến sửa đổi một số luật về thuế, trong đó có đề xuất sửa đổi thuế VAT theo hướng tăng thuế, giảm nhóm hàng hóa ưu đãi thuế. Cụ thể, với thuế VAT thông thường, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: Tăng thuế VAT mức 10% hiện hành lên 12% từ ngày 1/1/2019; hoặc tăng theo lộ trình lên 12% từ năm 2019 và lên 14% từ 1/1/2021.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai - người phát biểu tăng thuế không ảnh hưởng đến người nghèo
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai - người phát biểu tăng thuế không ảnh hưởng đến người nghèo)

Lý giải vấn đề này quan chức ngành thuế là ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đơn vị soạn thảo nghiêng về phương án tăng thuế VAT lên 12% (phương án 1). Ông Thi dẫn kinh nghiệm quốc tế cũng làm vậy khi nợ công tăng cao. Khi nợ công tăng cao, các nước cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng thuế gián thu (thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt), để bù hụt thu từ giảm thuế thu nhập (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân), ưu đãi thuế xuất - nhập khẩu. Qua đó đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp thông lệ quốc tế…

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ quy định miễn thuế VAT cho hoạt động chuyển quyền sử dụng đất. Thay vào đó, hoạt động này vẫn phải chịu thuế VAT theo mức thông thường (theo mức đề xuất 12% vào năm 2019). Nhóm hàng hóa ưu đãi giảm 50% thuế VAT cũng phải tăng mức thuế theo từ 5% hiện hành lên 6% năm 2019. Nhóm hàng hóa này ưu đãi chủ yếu phục vụ lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, sản xuất và chế biến nông sản…

Đề xuất trên thời gian qua đang bị dư luận phản ứng vì thuế VAT là chính sách thu nhằm vào người dân, kể cả dân nghèo. Đặc biệt, đề xuất tăng thuế VAT đưa ra, trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay với những giải pháp để siết và chặn việc thất thu thuế khác. Cụ thể là thiếu giải pháp căn cơ để chặn những vụ chuyển giá, trốn thuế của những ông lớn như Metro, Keangnam, Pepsi, Coca Cola , Big C... hay trường hợp của Uber hiện nay. Giữa lúc các cơ quan ban ngành đang tranh cãi dịch vụ kết nối vận tải của Uber là loại hình kinh doanh cung cấp vận tải hay cung cấp công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động vận tải thì doanh thu từ hoạt động vận tải tại VN vẫn được chuyển về Uber Hà Lan.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đặt đề xuất tăng thuế VAT trong mối tương quan với chính sách thu hiện tại, cụ thể như thu phí của các dự án BOT thì dư luận lại càng bất bình. Có ý kiến cho rằng, người dân phải chịu thuế chồng phí trong khi đó doanh nghiệp tư nhân đầu tư kiểu “chơi chơi” nhưng lại “ăn dày” của người dân. May mà cơ quan kiểm toán đã nghiêm túc chỉ rõ, giảm thời gian thu phí của các dự án BOT, nếu không người dân phải nộp tiền oan cho các công ty tư nhân kiếm lời.

Trên thực tế, nếu lấy ví dụ về thực trạng thất thu thuế, có thể còn nhiều ví dụ khác...như việc thất thu thuế từ hoạt động khai thác khoáng sản đã được báo chí và các chuyên gia chỉ ra...

Đề xuất tăng thuế VAT và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công

Đề xuất tăng thu thuế VAT còn bị phản ứng của nhiều chuyên gia kinh tế.Họ cho rằng nhiều lỗ hổng chống thất thu thuế vẫn chưa được bịt kín, nhiều đối tượng gây thất thu ngân sách chưa bị xử lý trong khi đó lại đề xuất tăng thuế VAT, khiến dư luận hiểu rằng phần thất thu ấy lại đổ lên đầu những người dân làm ăn lương thiện, doanh nghiệp làm ăn đúng luật.

Thời gian qua, không ít DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của các DNNN là hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng tổng doanh thu của các DNNN chỉ đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng.

Các dự án nghìn tỉ thua lỗ vẫn chưa được xử lý dứt điểm ảnh hưởng lớn đến ngân sách (ảnh minh họa về một dự án “trùm mền” gây lãng phí ngân sách)
Các dự án nghìn tỉ thua lỗ vẫn chưa được xử lý dứt điểm ảnh hưởng lớn đến ngân sách (ảnh minh họa về một dự án “trùm mền” gây lãng phí ngân sách))

Theo báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần, trong đó có 25 DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, đứng đầu là Tổng công ty Phát thanh truyền hình thông tin, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty Cơ khí xây dựng….

Báo cáo này cho thấy, số nợ các DNNN vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cũng là vấn đề nhức nhối được Chính phủ chỉ ra, với những cái tên điển hình như Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Vinalines...

Có thể kể ra một số DNNN với những khoản nợ nần và thua lỗ khổng lồ dưới đây như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ 475.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính 6 tháng năm 2016 của EVN ghi nhận doanh thu đạt gần 131.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Song chi phí tài chính tăng mạnh hơn 15.500 tỷ đồng đã khiến EVN bất ngờ báo lỗ 716 tỷ đồng, lỗ của công ty mẹ gần 930 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2016, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu hợp nhất của EVN đạt lần lượt là 663.000 tỷ và 187.700 tỷ đồng. Nợ phải trả của EVN tăng lên 475.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính lên tới 395.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm tập đoàn đã phải chi tổng cộng 6.900 tỷ đồng trả lãi. Năm 2015, EVN cũng phải chi hơn 12.000 tỷ đồng trả lãi vay.

Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) nợ 100.000 tỷ đồng. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), tính đến cuối năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của tập đoàn này âm 478 tỷ đồng, tổng nợ phải trả lên tới gần 100.344 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn 62.734 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ và nợ của TKV được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra chủ yếu do hàng loạt những dự án đầu tư chậm tiến độ, đội vốn. Tuy nhiên, bất chấp việc nợ nần lớn, kinh doanh thua lỗ, TKV vẫn nung nấu ý định xây dựng hai trụ sở hoành tráng ở Hà Nội và Quảng Ninh.

Đáng chú ý, 12 dự án thua lỗ ngành công thương cũng để nợ 55.000 tỷ đồng. 12 dự án nghìn tỷ này đang lay lắt hoặc “đắp chiếu” không thể hoạt động, chậm tiến độ, kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, điển hình là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình… Cho đến nay, tổng số lỗ của 12 nhà máy này đã lên đến khoảng 16.000 tỷ đồng, tổng số nợ lên đến 55.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản là hơn 57.600 tỷ đồng.

Mặc dù đã được điểm mặt, chỉ tên nhưng trách nhiệm còn rất hạn chế. Cần tìm ra trách nhiệm đầu tư sai để có thể thu hồi, truy thu một phần tài sản về cho nhà nước. Đồng thời cần nhanh chóng xử lý các dự án nghìn tỉ thua lỗ, để tránh những thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với những dự án thua lỗ triền miên mà không tìm được giải pháp khắc phục thì phải buộc cho phá sản, thu hồi lại tài sản, còn hơn là cứ tiếp tục mà gây thua lỗ thêm và giá trị tài sản ngày càng giảm đi thì còn thiệt hại nhiều hơn.

Không chỉ làm ăn kém hiệu quả, chìm trong thua lỗ, khối DNNN còn “tai tiếng” bởi những vụ án tham nhũng kinh tế lớn, phức tạp trong nhiều năm qua. Những vụ việc điển hình có thể kể đến như vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty In, thương mại, dịch vụ Agribank; vụ án đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam; vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines) mà Giang Kim Đạt bị đề nghị án tử hình. Gần đây là đại án xảy ra ở Oceanbank, PVN...

Phải chăng những khoản thua lỗ, nợ nần khổng lồ này của các DNNN là một trong những nguyên nhân dẫn đến phải tăng thuế VAT??? Nếu đúng vậy thì dân không phục.

Phan Phan

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin