Đề xuất sửa đổi, bổ sung qui định về Thời điểm lập hóa đơn
Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP hiện hành quy định về thời điểm lập hóa đơn gồm 4 khoản, trong đó quy định nguyên tắc chung về thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 9 có quy định thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như cung cấp dịch vụ số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần thời gian đối soát số liệu như dịch vụ viễn thông, hoạt động xây dựng, lắp đặt, tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng, tổ chức kinh doanh mua dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử, hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô, kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, hoạt động bán điện, bán xăng dầu, cung cấp dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ bảo hiểm qua đại lý, cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện có phát sinh một số trường hợp có tính chất đặc thù cần có quy định cụ thể như các trường hợp đã được quy định tại khoản 4 Điều 9 như: hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, dịch vụ quảng cáo truyền hình, chuyển tiền quốc tế, chứng khoán, xổ số điện toán, thu phí sử dụng đường bộ giữa các nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ thu phí, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, kinh doanh vé xổ số, hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng. Hoạt động cung cấp dịch vụ ngân hàng, hoạt động cho vay, hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế của tổ chức tín dụng cần có quy định cụ thể về thời điểm lập hóa đơn.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
- Bổ sung tại khoản 1 quy định về thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa xuất khẩu theo 02 trường hợp: +, Trường hợp người bán đáp ứng điều kiện chuyển dữ liệu hóa đơn thương mại bằng phương thức điện tử đến cơ quan thuế thì thời điểm lập hóa đơn thương mại điện tử do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định pháp luật về hải quan và chuyển dữ liệu hóa đơn thương mại điện tử đến cơ quan thuế; +, Trường hợp người bán không đáp ứng điều kiện chuyển dữ liệu hóa đơn thương mại bằng phương thức điện tử đến cơ quan thuế thì thời điểm lập hóa đơn giá trị gia tăng điện tử do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định pháp luật về hải quan.
- Tại điểm a, khoản 4 quy định thời điểm lập hóa đơn đối với các trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp và khách hàng là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước thì bổ sung thêm các dịch vụ được áp dụng thời điểm lập hóa đơn như trên gồm: dịch vụ ngân hàng (trừ hoạt động cho vay), dịch vụ quảng cáo truyền hình, chuyển tiền quốc tế, chứng khoán, xổ số điện toán, cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, thu phí sử dụng đường bộ giữa nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
- Bổ sung điểm o vào khoản 4 quy định về thời điểm lập hóa đơn của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là thời điểm ghi nhận doanh thu bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
- Bổ sung quy định điểm p khoản 4 quy định thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh vé xổ số truyền thống, xổ số biết kết quả ngay (vé xổ số) theo hình thức bán vé số in sẵn đủ mệnh giá cho khách hàng hàng trên cơ sở tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp kinh doanh xổ số, các Cục Thuế.
- Bổ sung điểm q thời điểm lập hóa đơn hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng: doanh nghiệp kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng căn cứ vào tổng doanh thu thu được trên Mẫu số 01/TH-DT để lập hóa đơn chậm nhất là 1 ngày kể từ thời điểm kết thúc ngày xác định doanh thu đồng thời chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế trong ngày lập hóa đơn.
Đề xuất sửa quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Theo dự thảo, các bên có quan hệ liên kết là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp: Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia; Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
Các bên liên kết nêu trên được quy định cụ thể như sau: Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp; doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đều có ít nhất 20% vốn điều lệ do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp; Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Dự thảo cũng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp cụ thể có giao dịch liên kết trên cơ sở danh sách do Cơ quan thuế yêu cầu, bao gồm dữ liệu về kim ngạch khoản vay, lãi suất, kỳ trả lãi, trả gốc, thực tế rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) và các thông tin liên quan khác (nếu có). Đồng thời phối hợp cung cấp thông tin về người liên quan của tổ chức tín dụng và Công ty liên kết của tổ chức tín dụng khi Cơ quan thuế yêu cầu.