Một trong những biện pháp mà các lực lượng thi hành công vụ thường áp dụng để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính. (XLVPHC) là tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Nhưng do chỉ có 2 trường hợp được tạm giữ người trong khi trên thực tế rất nhiều trường hợp khác cần phải áp dụng biện pháp này nhằm tránh tình trạng người vi phạm bỏ trốn hoặc tẩu tán, tiêu hủy tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Chặt chẽ về các điều kiện áp dụng
Qua báo cáo tổng kết, các lĩnh vực xảy ra nhiều hành vi vi phạm hành chính là lĩnh vực giao thông, bảo vệ môi trường, cư trú, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, thương mại, an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội…
Chẳng hạn, đối với lĩnh vực giao thông, các hành vi vi phạm phổ biến là điều khiển phương tiện không có giấy phép, điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép, chở hàng hóa quá tải, không bố trí đủ định biên thuyền viên… Hay đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường, các hành vi vi phạm phổ biến là xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không có giấy phép khai thác khoáng sản…
Để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc XLVPHC, các lực lượng thi hành công vụ thường áp dụng nhiều biện pháp được quy định tại Luật XLVPHC năm 2012, trong đó có biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Đối với biện pháp tạm giữ người, Luật XLVPHC quy định 2 trường hợp được tạm giữ người, đó là: “Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác”.
So với Pháp lệnh XLVPHC, biện pháp này và các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo XLVPHC khác có sự thay đổi khá lớn về điều kiện, thẩm quyền áp dụng, quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng, hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp liên quan đến nhân thân, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vi phạm và bảo đảm tính khả thi của quy định. Trong thực tế, biện pháp tạm giữ người là biện pháp ít được sử dụng do quy định của Luật XLVPHC giới hạn hành vi vi phạm để áp dụng biện pháp này.
Đề xuất mở rộng đối với một số lĩnh vực “nóng”
Tuy nhiên, ngoài việc cần xử lý những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác thì rất nhiều trường hợp khác cần phải áp dụng biện pháp này nhằm tránh tình trạng người vi phạm bỏ trốn hoặc tẩu tán, tiêu hủy tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Cụ thể, các trường hợp tạm giữ người theo quy định tại Điều 122 Luật XLVPHC và Điều 102 Luật Hải quan chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là đối với trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bởi vì trong quá trình lập hồ sơ, xem xét áp dụng, chuẩn bị thi hành các biện pháp này thì những người này đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, bỏ đi khỏi cơ sở bảo trợ xã hội nên hiệu quả áp dụng các biện pháp này không đạt yêu cầu đặt ra.
Thực tiễn cũng còn rất nhiều hành vi vi phạm hành chính cần phải tiến hành thủ tục tạm giữ người để tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc để ngăn chặn người vi phạm hành chính bỏ trốn, tẩu tán, tiêu hủy hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính như trộm cắp, chiếm đoạt tài sản, vận chuyển hàng cấm, đánh bạc… nhưng Điều 122 Luật không quy định nên gây rất nhiều khó khăn, tốn kém, lãng phí không cần thiết trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, Điều 122 Luật XLVPHC quy định thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ. Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm là quá ngắn nên cơ quan, người có thẩm quyền không đủ thời gian để tiến hành xác minh, giám định, thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Vì vậy, một số ý kiến đề nghị sửa đổi quy định tại Điều 122 Luật XLVPHC về thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo hướng kéo dài thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính để cơ quan, người có thẩm quyền có đủ thời gian để tiến hành xác minh, giám định, thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhất là đối với vụ việc thuộc lĩnh vực môi trường, thương mại, an toàn thực phẩm…
Theo Bao Phapluat