Để Việt Nam cường thịnh và có nhiều tỷ phú USD hơn nữa

12/02/2020 14:22

(Pháp lý) - Năm 2019 khép lại trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động nhưng Việt Nam đã gặt hái được kết quả tăng trưởng đầy ấn tượng. Đóng góp vào thành công đó không thể phủ nhận vai trò của 750.000 doanh nghiệp (trong đó có gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh). Mặc dù vậy so với tiềm năng đang có và nhìn ra “bốn bể năm châu”, những đóng góp đó còn quá khiêm tốn. Cần phải làm gì và làm như thế nào, để năm 2020, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp và doanh nhân thành đạt, nhiều triệu và tỷ phú USD hơn nữa… góp phần cho quốc gia cường thịnh là điều rất đáng trăn trở ?

Vingroup là một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất Châu Á với giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 16 tỷ đô la Mỹ.

Tự hào… nhưng chưa tương xứng

Sau 30 năm hệ thống pháp luật Việt Nam từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là kể từ khi có Nghị quyết số 10 – NQ/TW của Trung ương ra đời (tháng 7/2017) khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ủng hộ mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn phát triển mới, đã tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Việt Nam đông đảo, giải quyết công ăn việc làm và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Đến cuối năm 2019, cả nước có gần 750.000 DN đang hoạt động, trong đó, gần 98% là DN nhỏ và vừa, hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Các tập đoàn kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, với những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp vị thế của Việt Nam thăng hạng trên trường quốc tế.

Ảnh minh họa

Bằng chứng thuyết phục nhất là trong số 954.100 tỷ đồng của khu vực DN đóng góp vào ngân sách Nhà nước năm 2017 (tăng 11% so với năm 2016), thì trong đó có tới 407.600 tỷ đồng (tăng 22% so với năm 2016) của DNTN đóng góp; trong khi đó khu vực DNNN đóng góp 280.500 tỷ đồng; khu vực FDI là 265.000 tỷ đồng. Năm 2019, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách Nhà nước. Khối tư nhân cũng đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nghĩa là cứ 100 lao động, thì 85 người làm việc trong khối tư nhân…
Đã đến lúc DNTN có thể làm được những thứ mà trước đây chỉ DN Nhà nước mới làm như xây dựng sân bay, cảng biển quốc tế trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Cách đây gần 9 năm, dù là trong mơ cũng không có dám ai nghĩ tới Vân Đồn (Quảng Ninh) trở thành một trong 9 sân bay quốc tế hiện đại nhất Việt Nam tính thời điểm này. Ngày đó, khi xây được cây cầu nối từ đất liền ra Vân Đồn, theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng bộc bạch, người dân địa phương đã coi như một “kỳ tích”. Ông Hưng thừa nhận, nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách, thì không biết đến bao giờ địa phương mới có đủ hàng nghìn tỷ để xây dựng một sân bay quốc tế. Còn tại Cát Hải (Hải Phòng), vốn là vùng đất cát ven biển, người dân sống lay lắt với nghề nuôi trong thủy sản quảng canh, nhưng chỉ sau 02 năm, với sự có mặt của Tập đoàn Vingroup, nơi đây đã mọc lên một nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Việt đầu tiên – VinFast có vốn đầu tư lên tới 4,2 tỷ đồng, trở thành một niềm tự hào của người Việt về “thủ phủ” sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước. Không hề thua kém, kể từ khi bắt đầu cất cánh vào cuối năm 2011, Vietjet Air đã giúp định vị lại ngành Hàng không Việt Nam và vươn lên trở thành hãng hàng không lớn thứ hai Đông Nam Á, với hàng loạt hợp đồng mua máy bay trị giá lên đến cả chục tỷ USD…
Đồng hành với sự lớn mạnh của các DNTN là tên tuổi của những doanh nhân - những tỷ phú USD của Việt Nam xuất hiện, như: Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), Trần Bá Dương (Thaco),... Trên thực tế, còn rất nhiều CEO khác của khu vực kinh tế tư nhân đang thầm lặng tạo công ăn việc làm cho người lao động, đưa sản phẩm hàng hóa Việt đến với thế giới…

Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, khối kinh tế tư nhân sẽ còn phát triển hơn nữa khi mà vốn đầu tư của khối này đã tăng nhanh trong nền kinh tế. Từ chỗ chỉ chiếm 36,1% (năm 2010), đến năm 2018, vốn tư nhân đầu tư đã tăng lên 43,27% (tương đương 803.000 tỷ đồng). Trung bình mỗi năm có gần 123.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Số doanh nghiệp đã tăng 49,3% về số lượng và 156% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó.

Tuy nhiên, nếu nhìn ra thế giới, những đóng góp của khối kinh tế tư nhân còn quá “khiêm tốn”, hay nói cách khác chưa tương xứng với tiềm năng. Các cường quốc kinh tế có đặc điểm chung là luôn sở hữu những tập đoàn, công ty tư nhân đóng vai trò đầu tàu, là nền tảng đảm bảo sự phát triển vững mạnh của quốc gia. Tỷ lệ đóng góp trên GDP của khu vực kinh tế tư nhân tại các quốc gia phát triển luôn ở mức cao. Theo Tạp chí Fortune, năm 2018, 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất nước Mỹ có tổng doanh thu đạt 12,8 nghìn tỷ USD, đóng góp 2/3 GDP và sử dụng 28,2 triệu lao động trên toàn cầu. Trong khi đó, Hàn Quốc có các chaebol (tập đoàn gia đình tài phiệt) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Năm 2017, 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc ghi nhận doanh thu lên đến 677,8 tỷ USD, tương đương 44,2% tổng GDP của cả nước năm 2017…

“Chưa dám lớn”, vì sao (!?)

Theo các chuyên gia kinh tế, việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam khá đa dạng, một số đi lên từ bất động sản nhờ vào tích lũy vốn từ đất đai; số khác khởi nghiệp bằng kinh doanh thương mại, mở các cửa hàng bán buôn, bán lẻ ở trong nước và xuất nhập khẩu; không ít DN nhờ vào tích lũy vốn từ kinh doanh ở nước ngoài… Điển hình trong số đó là Tập đoàn Vingroup hùng mạnh của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, trước khi về nước đầu tư và trở thành người giàu nhất Việt Nam đến thời điểm này, ông Vượng đã khởi nghiệp từ mì gói huyền thoại trên đất nước Ukraine, với số vốn vay mượn của bạn bè chỉ 10.000 USD… Còn nữa, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) là điển hình của quá trình phát triển từ một công ty công nghiệp quy mô nhỏ thành một tập đoàn hàng đầu trong ngành chế tạo. Thaco hiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, phân phối, cung ứng dịch vụ bảo trì, sửa chữa và phụ tùng ô tô gồm xe thương mại (xe tải và xe bus); xe du lịch các thương hiệu Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), BMW (Đức) với tỷ lệ nội địa hóa 16 - 50%. Năm 2014 và 2015, Thaco là doanh nghiệp đứng đầu bảng xếp hạng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA)…

Những năm gần đây, Thaco đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, từng bước hiện thực hóa chiến lược tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà trước hết là nhắm đến các thị trường đa phương, song phương đã ký FTA với Việt Nam.

Không thể phủ nhận, đội ngũ doanh nhân Việt Nam, nhất là đội ngũ CEO của các DNTN lớn hiện nay, đều là những doanh nhân có tài, nhạy bén trong kinh doanh. Tuy nhiên, con số CEO hội đủ các tiêu chí đó còn quá ít ỏi. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, 2 nút thắt căn bản đang cản trở sự phát triển của DNTN cần được giải quyết. Đó là nút thắt DNTN sợ lớn và DNTN muốn lớn nhưng không lớn được. Đây là 2 vấn đề của hệ thống mà thể chế kinh doanh cần quan tâm xử lý. Và chỉ khi nào nút thắt cản trở sự phát triển của khu vực DNTN này được tháo gỡ, khi đó, lực lượng CEO tư nhân mới thực sự hùng hậu, lớn mạnh. Nguyên nhân hình thành các nút thắt, đó là thể chế và pháp luật ban hành chưa thực sự hoàn thiện và ổn định, thực thi chưa hiệu quả, khiến cho DN luôn cảm thấy không an toàn trong hoạt động kinh doanh và bảo vệ tài sản của mình; trong khi đó hệ thống công chức vẫn chưa thật sự cần mẫn, tận tâm vì sự phát triển của DN… Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 12 tại Hội nghị Trung ương 5 cũng xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đảng và Chính phủ đã xác định phát triển kinh tế tư nhân là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế… Đến thời điểm này, có thể nói hành lang pháp lý cho DNTN hoạt động cũng đã có một bước tiến khá dài về chất. Từ chỗ chỉ được phép kinh doanh những ngành, nghề mà cơ quan Nhà nước cho phép (theo quy định của Luật Công ty và Luật DN tư nhân năm 1990), đến nay DNTN được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà luật không cấm. Ở góc nhìn này, Luật DN đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh phát triển, mở rộng quyền tự do kinh doanh và đã tạo sự an toàn cho hoạt động kinh doanh… Tuy nhiên, nếu chỉ có đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh thôi chưa đủ; và nếu chỉ dừng lại ở chủ trương, định hướng thì chưa đủ để xây dựng được đội ngũ doanh nhân hùng hậu, thay đổi hình ảnh về các CEO tư nhân hiện nay ?

Vietjet được vinh danh là doanh nghiệp tốt nhất ngành hàng không tại Đông Nam Á năm 2019

Đất nước đang cần cơ sở hạ tầng để phát triển, trong khi Nhà nước không đủ nguồn lực để đầu tư. Cho nên, việc có cơ chế, chính sách để kêu gọi được vốn đầu tư xã hội cho các công trình lớn là rất quan trọng. Trong khi đó lực lượng DNTN – nguồn lực to lớn của đất nước vẫn còn tiềm tàng, các CEO vẫn còn chần chừ, do dự hay nói cách khác vẫn còn đứng ngoài cuộc. Vì sao? Vì họ sợ những cơ chế chính sách chưa minh bạch, sòng phẳng, chưa nhất quán của Nhà nước, để vững tin khi đầu tư. Như vậy để tháo gỡ nút thắt giúp các DN muốn lớn là lớn được, theo chúng tôi, mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh cần phải được đẩy lên một bước cao hơn nữa. Đó là, ngoài việc tạo sự an toàn cho DNTN trong hoạt động kinh doanh, còn phải tạo sự an toàn trong bảo vệ tài sản của DNTN. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật phải được thực thi hiệu quả, có tính tiên liệu được; hệ thống công chức phải “có tâm” vì DN…

Đánh thức tinh thần và khát vọng quốc gia

Đặc biệt phải biết đánh thức và nuôi dưỡng đội ngũ CEO tư nhân nói riêng luôn thường trực một tinh thần và khát vọng vì quốc gia. Muốn thế phải tạo ra môi trường thuận lợi thực sự để tinh thần và khát vọng của đội ngũ CEO được “đơm hoa, kết trái” khi hội đủ điều kiện. Thực tế cho thấy, những DN mạnh, khát khao làm giàu chính đáng thì việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mới là điều họ cần. Với họ, những kêu gọi đầu tư về tài chính không phải là những khoản đầu tư ban đầu, hay là khoản đầu tư để DN có thể tồn tại, mà là những khoản đầu tư khi DN đã kinh doanh hiệu quả và nếu được “tiếp sức” sẽ tạo ra sự đột phá lớn hơn, nhất là ở những mảng, lĩnh vực mà đất nước đang cần.

Trong bối cảnh Việt Nam đang muốn tăng tốc phát triển trong Cách mạng công nghiệp 4.0, hãy lắng nghe doanh nhân Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT trăn trở: “Nếu không có cơ sở dữ liệu sẽ không có AI (trí tuệ nhân tạo), người tài sẽ không về nước làm việc, không có hạ tầng dữ liệu cho ý tưởng, sáng tạo”. Như thế, cái mà các DN kinh doanh trong lĩnh vực này cần, theo ông Bình là chia sẻ dữ liệu từ các các Bộ, ngành, địa phương, quan trọng hơn cả vốn và đất đai./.

MINH TRUNG

Bạn đang đọc bài viết "Để Việt Nam cường thịnh và có nhiều tỷ phú USD hơn nữa" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin