Để tham nhũng thực sự run sợ...

(Pháp lý) - Tăng quyền cho Ủy ban Kiểm tra TW (UBKTTW); Cho phép áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt; Sửa luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhằm tăng cường các giải pháp kiểm soát tài sản; ... được người dân kì vọng là 3 mũi tấn công mới, tấn công trực diện vào “giặc” tham nhũng trong thời gian tới đây.

Tuy nhiên để các mũi tấn công thực sự hiệu quả, khiến tham nhũng thực sự run sợ..., thì còn nhiều việc phải làm.

Kiểm soát và xử lý tài sản bất minh

Kiểm soát tài sản không những là điều kiện tiên quyết quan trọng của PCTN mà còn phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước khác như chống rửa tiền, chống trốn thuế, chống gian lận thương mại, chống sở hữu chéo giữa các ngân hàng, chống chứng khoán ảo, chống tín dụng đen mang tính chất lừa đảo…

Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được xem là một biện pháp để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, nhưng việc thực hiện các quy định này một thời gian dài còn hình thức và mang tính đối phó.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).)

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 mới đây, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về dự Luật PCTN sửa đổi.

Theo Thanh tra Chính phủ, dự thảo quy định theo hướng bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Đây là một điểm mới hướng tới kiểm soát thực chất hơn tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác.

Dự thảo cũng mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, bao gồm: Khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực, không minh bạch hoặc khi có dấu hiệu tăng, giảm bất thường về tài sản, thu nhập, chi tiêu mà không giải trình hợp lý; khi có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập; quy định việc xác minh bắt buộc đối với những người dự kiến bầu, bổ nhiệm, phân công giữ chức vụ và hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 0,9 trở lên và các vị trí khác (do Chính phủ quy định).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không kiểm soát được sự lưu chuyển cả dòng tiền hay tài sản trong xã hội. Điều này đã được giải đáp từ rất nhiều những vụ án tham nhũng lớn, hầu như tài sản tham nhũng đã được chuyển giao cho người thân, họ hàng hoặc thậm chí chuyển ra nước ngoài. Chỉ khi kiểm soát được tài sản của mọi người trong xã hội thì tài sản mới không thể dịch chuyển bất hợp pháp được. Còn nếu chúng ta chỉ kiểm soát tài sản ở đối tượng cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn thì tài sản sẽ được chuyển hóa cho người thân hay những đối tượng khác.

Vì vậy, bất luận thế nào việc sửa đổi Luật PCTN cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để tiến tới kiểm soát tài sản.

Góp ý cho Dự thảo, không khỏi băn khoăn, ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp thẳng thắn chỉ ra, hiện nay chúng ta chỉ quy được trách nhiệm của người kê khai không trung thực, còn việc xử lý tài sản bất minh(tài sản khai không trung thực) thế nào trong dự thảo Luật này vẫn bỏ ngỏ. Đồng quan điểm với Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cũng chung nhận định: mặc dù dự thảo Luật PCTN có nhiều sửa đổi, bổ sung về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập, nhưng lại chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, trong khi đây lại là một trong những vấn đề quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu thập. Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng một số biện pháp cần phải lưu ý khi thực hiện việc kiểm soát tài sản như: "hoàn thiện chế định kiểm soát tài sản thu nhập, chi tiêu giá trị lớn phải qua tài khoản, phải giải trình tài sản tăng thêm đối với tất cả những người có chức vụ quyền hạn và đặc biệt cần tạo cơ chế tịch thu tài sản bất hợp pháp. ".

Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần tăng tính độc lập của các cơ quan phòng, chống tham nhũng với cơ chế giám sát hiệu quả. Đồng thời, pháp luật cần tạo ra cơ chế và quy định những trường hợp có thể áp dụng tịch thu tài sản phạm tội , tài sản bất minh không chứng minh được nguồn gốc mà không nhất thiết dựa trên bản án hình sự. Có như vậy, PCTN mới thực sự phát huy hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: mặc dù dự thảo Luật PCTN có nhiều sửa đổi, bổ sung về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập, nhưng lại chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, trong khi đây lại là một trong những vấn đề quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu thập.

Biện pháp điều tra đặc biệt

Phát hiện tham nhũng là công việc vô cùng khó và còn nhiều hạn chế tồn tại trong thời gian qua vì một mặt chúng ta chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của quan chức, mặt khác chúng ta vẫn chỉ áp dụng các biện pháp thông thường để phát hiện vi phạm, tội phạm về tham nhũng. Vì tham nhũng là tội phạm ẩn nhưng ta đang chống tham nhũng bằng các biện pháp thông thường như vụ Vinalines, Vinashin, 10 đoàn thanh tra, kiểm toán vào mà không phát hiện được vi phạm. Do đó cần thiết có biện pháp điều tra đặc biệt với tội phạm tham nhũng.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy đối với tội phạm đặc biệt ( tội phạm tham nhũng) cần phải có biện pháp đặc biệt và chủ thể đặc biệt để chống tham nhũng. Việc kiểm toán, thanh tra, điều tra đối với những vụ việc liên quan đến tham nhũng thường được tiến hành một cách đặc biệt hơn so với các vi phạm, tội phạm thông thường, từ trình tự thủ tục, phương pháp thực hiện, chủ thể tiến hành đến chế tài áp dụng… cũng phải đặc biệt. Điều này giúp họ phát hiện tham nhũng kịp thời, chính xác.

Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã cho phép áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt áp dụng với một số tội đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có tội phạm tham nhũng. Theo đó BLTTHS bổ sung một Chương gồm 6 điều (từ Điều 223 đến Điều 228) quy định về biện pháp điều tra đặc biệt như (ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật...) nhằm ghi nhận giá trị pháp lý của các thông tin, tài liệu thu thập được từ việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt và có thể sử dụng tài liệu này làm chứng cứ tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

 Cần hoàn thiện một số đạo luật quan trọng, tạo khung pháp lý “đủ và sắc” để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn
Cần hoàn thiện một số đạo luật quan trọng, tạo khung pháp lý “đủ và sắc” để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn)

Bên cạnh đó, BLTTHS cũng có những quy định để hạn chế lạm dụng biện pháp đặc biệt này. Đơn cử như chỉ áp dụng biện pháp này sau khi có quyết định khởi tố, hay chỉ có cấp thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên mới có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp này và phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Việc áp dụng này phải có thời hạn chứ không phải vô hạn. Tài liệu thu thập được từ biện pháp này có thể khác nhau nhưng cơ quan điều tra chỉ được áp dụng làm tài liệu để đấu tranh phòng chống tội phạm, còn những tài liệu khác nếu sử dụng là vi phạm pháp luật, là vi phạm xâm phạm đời tư.

Trước đây, khi soạn thảo Dự thảo BLTTHS sửa đổi, có ý kiến đề xuất nên có quy định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt theo yêu cầu của người tố cáo, nhưng sau đó lại không thấy đưa đề xuất này vào Luật. Trong khi đó trên thực tế, thông tin về tiêu cực tham nhũng thường được xuất phát từ người dân hoặc báo chí tố cáo. Vì vậy, một số chuyên gia pháp luật đánh giá đây là điều đáng tiếc và đề nghị nên cân nhắc vào một thời điểm nào đó cần bổ sung nội dung này vào BLTTHS.

Tăng quyền cho UBKTTW

Thời gian gần đây, Ủy ban Kiểm tra T.W (UBKTTW) công bố hàng loạt kết luận kiểm tra dấu hiệu vi phạm của một số cán bộ cấp cao diện Ban Chấp hành Trung ương và Ban Bí thư quản lý... Qua đó cho thấy không có vùng cấm trong công tác xử lý sai phạm kỉ luật đảng viên, rất nhiều đảng viên đã bị xử lý kỉ luật, trong đó có cả những cán bộ cấp cao như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Mới đây nhất, người bị soi bởi kính “chiếu yêu” của UBKTTW đó chính là ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ông Anh bị kết luận có nhiều sai phạm nghiêm trọng đến mức phải xem xét kỷ luật. Kết quả này làm dân rất phấn khởi, tin tưởng vào quyết tâm PCTN của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư đã làm đúng như những gì ông nói “lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.

Đặc biệt, Luật PCTN đang được cho ý kiến sửa đổi tới đây sẽ tăng quyền cho UBKTTW. Theo đó, Điều 72 dự thảo luật quy định rõ: UBKTTW Đảng kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của người thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Đây là quy định hoàn toàn mới trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng nhằm tăng cường, tăng sức mạnh cho cơ quan chống tham nhũng đặc biệt của Đảng.

Trong mắt người dân hiện nay, UBKTTW hiện là “thanh gươm công lý” trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, pháp luật cần trao thêm quyền hơn nữa cho Ủy ban đặc biệt này. Có ý kiến cho rằng, UBKTTW cần được trao thêm cả quyền điều tra truy tố đặc biệt với các quan tham. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, nếu không có người nhóm lò, thổi lửa quyết liệt, bài bản như vừa qua; nếu không huy động được tổng lực sức mạnh thì ngay cả củi khô cũng khó cháy, chứ chưa nói đến củi tươi.

Những thành công đáng khích lệ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhóm lò , thổi lửa quyết liệt, đã và đang lan tỏa trong toàn xã hội , không ít kẻ tham nhũng chưa bị lôi ra ánh sáng ít nhiều phải run sợ.

Để tham nhũng thực sự run sợ...

Ông Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng Singapore - quốc gia được xem là điển hình chống tham nhũng toàn cầu khi từ nước tham nhũng bậc nhất vào tốp ít tham nhũng nhất thế giới - đã gói gọn kỳ tích chống tham nhũng bằng câu nói ngắn gọn: Phải làm sao để quan chức không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng. Nói thế để thấy cuộc chiến cam go chống tham nhũng ở nước ta dù đã có những thành quả đáng ghi nhận nhưng còn cần phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được yêu cầu ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.

Các bị can, bị cáo bị truy tố nhóm tội tham nhũng (lần lượt từ trên xuống dưới, từ trái qua phải): Bị can Trịnh Xuân Thanh, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo Hà Văn Thắm và bị cáo Giang Kim Đạt
Các bị can, bị cáo bị truy tố nhóm tội tham nhũng (lần lượt từ trên xuống dưới, từ trái qua phải): Bị can Trịnh Xuân Thanh, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo Hà Văn Thắm và bị cáo Giang Kim Đạt)

Nhiều ý kiến cho rằng, để tham nhũng thực sự run sợ, thì bên cạnh việc bị kỷ luật về mặt Đảng, cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tiêu cực còn phải bị pháp luật hình sự trừng trị nghiêm minh và phải có cơ chế để thu hồi được tài sản tham nhũng, kể cả tài sản mà cán bộ, đảng viên không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.

Tham nhũng đang run sợ, song nếu vẫn còn những lỗ hổng luật pháp, lỗ hổng quy trình tạo ra các “ô dù”, các nhóm lợi ích, các bóng tối bao phủ che chắn cho “giặc” tham nhũng hay vẫn còn nể nang hoặc xử lý nhẹ, nửa vời... đối với cán bộ thoái hóa, tiêu cực... thì chúng vẫn có cơ hội đục khoét tiền của dân của nước và không thực sự biết sợ....

Có người nhóm lò, thổi lửa, nhưng nếu không có công cụ pháp luật đầy đủ hoàn thiện, hữu hiệu để tấn công, thì khó mà thiêu đốt tham nhũng và nếu không trao quyền đặc biệt độc lập cho cơ quan đặc biệt (UBKTTW)....thì khó mà chống tham nhũng thành công, khó mà khiến tham nhũng run sợ...

Cấm bổ nhiệm người thân vào vị trí có nguy cơ tham nhũng

Nhằm xây dựng chế độ liêm chính, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc hoặc mua bán hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Không bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người thuộc trường hợp:

Có bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó được dự kiến bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.

Có vợ, chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu là người quản lý, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp hoặc kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó được dự kiến bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu

Hà Trang

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin