(Pháp lý) - LTS: Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là thể hiện tư tưởng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Tư tưởng, quan điểm này đã được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, trong các văn bản chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, khâu yếu hiện nay là khâu thực hiện. Do thực hiện chưa tốt tư tưởng, yêu cầu này, nên tình trạng lạm quyền, tham nhũng vẫn nhức nhối, khiến dân bức xúc.
Luật Tiếp cận thông tin đã ra đời và được đánh giá là một đạo Luật có nhiều quy định tiến bộ. Luật được kỳ vọng sẽ giúp dân có quyền tiếp cận thông tin, giúp “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Song, để Luật Tiếp cận thông tin đi vào cuộc sống, còn là cả một hành trình. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Yêu cầu đặt ra là các văn bản hướng dẫn luật cần thể hiện đúng tinh thần nội dung các điều luật. Đặc biệt, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận thông tin.
Bài 1: Một đạo luật quan trọng, giúp “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”
Là một đạo Luật quan trọng, liên quan mật thiết đến các quyền cơ bản của công dân, Luật Tiếp cận Thông tin (TCTT) được Quốc hội khóa XIII thông qua, sẽ có hiệu lực vào 1/7/2018.
Trong giai đoạn hiện nay, việc ban hành Luật tiếp cận thông tin nhằm tạo cơ hội cho công dân được tiếp cận các thông tin chính thức của Nhà nước; từ đó góp phần giảm rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước kịp thời nắm bắt thông tin (cũng là nắm bắt cơ hội đầu tư) để có thể mở rộng, phát triển kinh doanh, xây dựng các kế hoạch đầu tư dài hạn; góp phần tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Việc tiếp cận thông tin chính thức của Nhà nước cũng góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế và đẩy mạnh quá trình hội nhập một cách chủ động, tích cực của các thành phần kinh tế nói riêng và của đất nước nói chung.
Được nhiều chuyên gia pháp luật đánh giá là một đạo Luật với nhiều quy định tiến bộ và văn minh. Luật TCTT 2016 )bao gồm các quy định cụ thể về chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin, chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, nội dung, cách thức, thời điểm, chế tài xử lý vi phạm về tiếp cận thông tin...
Điều 4 của Luật quy định về Chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin bao gồm: Công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Luật này. Bên cạnh đó, Luật còn quy định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật (khoản 2, khoản 3 Điều 4). Luật còn tính đến việc cung cấp thông tin cho các trường hợp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được bảo hộ một số quyền, lợi ích chính đáng theo nguyên tắc đối xử quốc gia hoặc có đi có lại, bởi vậy, Luật quy định họ chỉ được yêu cầu cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ (khoản 1 Điều 36).
Công khai thông tin trong nhiều lĩnh vực quan trọng của nhà nước. Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo Luật điều chỉnh mối quan hệ về tiếp cận thông tin giữa Nhà nước và công dân, do đó, Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ quan lập pháp cung cấp thông tin cho công dân; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Điều cần lưu ý là các cơ quan chỉ có trách nhiệm cung cấp các thông tin do mình tạo ra.
Nhà nước chủ động cung cấp thông tin cho công dân và công dân có quyền yêu cầu được cung cấp thông tin. Theo đó, công dân được tiếp cận tất cả thông tin của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này, trừ thông tin công dân không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của Luật và được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 của Luật. Thông tin các cơ quan nhà nước phải công khai trên trang/cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo, niêm yết.
Khoản 1 Điều 17 Luật quy định các thông tin phải được công khai bao gồm:
« a) Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước;
b) Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;
c) Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính;
d) Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước;
đ) Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước;
e) Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản ðóng góp của Nhân dân, các loại quỹ;
g) Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn;
h) Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đại diện chủ sở hữu; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước;
i) Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường; kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động;
k) Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan và của đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân; nội quy, quy chế do cơ quan nhà nước ban hành;
l) Báo cáo công tác định kỳ; báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực; thông tin về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học;
m) Danh mục thông tin phải công khai theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 của Luật này; tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nhà nước hoặc người làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin;
n) Thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng;
o) Thông tin về thuế, phí, lệ phí;
p) Thông tin khác phải được công khai theo quy định của pháp luật ».
Tại Điều 23 của Luật cũng quy định về thông tin được cung cấp theo yêu cầu: Thông tin phải được công khai nhưng chưa được công khai; đã hết thời hạn công khai hoặc đang được công khai nhưng vì lý do khách quan người yêu cầu không thể tiếp cận; Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đủ điều kiện cung cấp theo quy định tại Điều 7 của Luật này; Thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc loại thông tin quy định tại Điều 17 của Luật này và khoản 2 Điều này.
Nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc chủ động công khai các thông tin, từ đó sẽ giảm tải cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, giảm chi phí hành chính cũng như chi phí tiếp cận thông tin cho người dân, Luật cũng quy định: Ngoài thông tin quy định tại khoản 1 nêu trên, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ (khoản 2 Điều 17); và quy định các thông tin cụ thể bắt buộc phải đăng tải trên trang thông tin/cổng thông tin điện tử để người dân có thể tiếp cận (Điều 19).
Luật cũng quy định trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu. Theo đó, Luật quy định trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin (Điều 29); trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua mạng điện tử (Điều 30) và trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax (Điều 31). Về thời hạn cung cấp thông tin, đối với yêu cầu cung cấp thông tin đơn giản, có sẵn và có thể cung cấp ngay, cơ quan được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin ngay cho người yêu cầu hoặc trong thời hạn chậm nhất là 03 hoặc 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ; Đối với các thông tin phức tạp thì thời hạn cung cấp thông tin chậm nhất là 15 ngày làm việc.
Luật Tiếp cận thông tin là một đạo Luật tiến bộ nhưng để Luật đi vào cuộc sống đòi hỏi cần có những văn bản dưới Luật hướng dẫn cụ thể, chính xác và thể hiện đúng tinh thần nội dung các điều luật.
Minh Minh (tổng hợp)