(Pháp lý) - Nếu phạm vi là bí mật Nhà nước quá rộng sẽ khiến dư luận băn khoăn, có nguy cơ cản trở quyền tiếp cận thông tin của công dân... Đó cũng là vấn đề quan trọng cần lưu ý, cân nhắc khi xây dựng Luật BVBMNN để không xảy ra xung đột giữa quyền quy định bí mật Nhà nước và quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Nhiều đầu mối được quy định về “bí mật”... dễ dẫn đến lạm quyền?
Theo Hiến pháp 2013 thì tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của công dân. Công dân có quyền tiếp cận thông tin, có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của đất nước. Thông tin (bao gồm cả thông tin mật) là tài sản quốc gia mà không phải là của một nhóm người hay của một giai đoạn lịch sử. Thế nhưng, thực tế xảy ra không ít trường hợp lạm dụng mật hóa để cản trở quyền tiếp cận thông tin. Và cũng chính vì vậy, có nhiều lo ngại nếu không có cơ chế khoa học, giám sát, xử lý hay ngăn chặn xu hướng mật hóa, có thể hạn chế quyền tiếp cận thông tin.
Bất kỳ quốc gia nào, vì lợi ích của đất nước, dân tộc, đều có những bí mật cần được bảo vệ. Tuy nhiên cần tránh xu hướng lạm dụng mật hóa gây cản trở quyền tiếp cận thông tin của người dân. Trước đây, khi Phóng viên Pháp lý thực hiện loạt bài góp ý để Luật Tiếp cận thông tin đi vào cuộc sống, Luật sư Lê Đức Tiết đề nghị, phải xác định lại thẩm quyền quy định tài liệu mật. Nói về quyền tiếp cận thông tin của dân, Luật sư Lê Đức Tiết dẫn chứng một câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Dân chủ là làm cho dân mở miệng”. Sau này, trong quá trình xây dựng đất nước, thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân mới đúc kết được thành 9 chữ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tư tưởng, quan điểm đó đã được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, trong các văn bản chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, khâu yếu hiện nay là khâu thực hiện. Do không thực hiện tốt tư tưởng, yêu cầu này nên tình trạng lạm quyền, bưng bít thông tin để dễ bề tiêu cực tham nhũng vẫn nhức nhối, khiến dân bức xúc.
Dự thảo Luật BVBMNN mới nhất, có quy định: Danh mục bí mật Nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật quy định độ mật của bí mật Nhà nước. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có trách nhiệm lập danh mục bí mật Nhà nước, gồm: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; người đứng đầu tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực mình quản lý; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập danh mục bí mật Nhà nước của địa phương.
Đây là quy định về thẩm quyền cơ quan được xem xét, quy định tài liệu nào là mật. Theo Luật sư Tiết, quy định này dành quyền cho cả cơ quan lập pháp và hành pháp là quá rộng. Luật sư Tiết góp ý nên quy định cơ quan lập pháp mới là cơ quan được quyền xem xét đâu là bí mật quốc gia (chỉ Quốc hội mới được quyền xem xét đâu là tài liệu mật – PV). Quy định như vậy nhằm hạn chế những “vùng cấm” tùy tiện của cơ quan hành pháp cản trở quyền tiếp cận thông tin của người dân, hạn chế việc người dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Dự thảo Luật BVBMNN có quy định Chủ tịch UBND tỉnh có quyền và trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước địa phương. Như vậy, sẽ có hơn 63 danh mục bí mật nhà nước của mỗi địa phương khác nhau. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, với lý do bảo vệ bí mật “chiến lược kinh tế - xã hội” (là một trong những nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước theo dự thảo luật), có thể có địa phương sẽ quy định thông tin về các dự án đầu tư, hay các vấn đề về quy hoạch các ngành nghề sản xuất, chẳng hạn. Quy định như vậy sẽ gây bất lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình...
“Phạm vi bí mật nhà nước” nếu quá rộng: Nguy cơ bưng bít thông tin?
Điều 10 dự thảo Luật ghi rõ phạm vi Bí mật nhà nước. Theo đó, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chiến lược bảo vệ Tổ quốc; phòng thủ đất nước; giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ quốc gia; chiến lược phát triển kinh tế, xã hội; chính sách đối ngoại đặc biệt quan trọng; Phát minh, sáng chế, sản xuất, trang bị các loại vũ khí, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ của đất nước; Tổ chức và hoạt động nghiệp vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; hoạt động cơ yếu, sản phẩm mật mã; Ngân sách đặc biệt bảo đảm quốc phòng, an ninh; Dự trữ quốc gia, tài chính quốc gia; tài nguyên quý hiếm; Phương án, kế hoạch bảo vệ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; các đoàn khách quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam; bảo vệ các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng do Đảng, Nhà nước tổ chức; Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ; hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước; Khu vực cấm, địa điểm cấm; Các vấn đề quan trọng thuộc các lĩnh vực khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 9 của Luật này.
Một số chuyên gia pháp luật cho rằng quy định phạm vi như vậy là rộng, nó bao quát nhiều lĩnh vực của chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Quy định này không khéo có thể mâu thuẫn với quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Bởi Luật tiếp cận thông tin quy định: Những thông tin mà cơ quan nhà nước buộc phải công khai như: Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước; Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước; Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ…
Từ lâu trong các ngành then chốt là Quốc phòng, an ninh vốn có nhiều thông tin, tài liệu được xem là bí mật nhất. Tuy nhiên trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng cần tách bạch điều này. Trong quốc phòng, kinh phí đầu tư súng công, khí tài, kết quả nghiên cứu hiệu quả hoạt động phương tiện, khí tài, quân số… có thể được xếp vào nhóm thông tin, tài liệu mật. Nhưng nguồn tiền nghiên cứu khóa học quốc phòng, tiền đầu tư công, tiền đầu tư nâng cao tiềm lực bảo vệ chủ quyền quốc gia nên được coi là các thông tin phải được công khai để người dân được biết. Trong ngành công an, các phương tiện phòng, chống tội phạm, các biện pháp nghiệp vụ có thể coi là bí mật nhưng các thông tin về nguồn lực phục vụ công tác phòng chống tội phạm, thông tin về quá trình cải tạo của phạm nhân, phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn, thông tin về quản lý phạm nhân cần là các thông tin công khai để người dân được biết.
Cần bổ sung cơ chế giám sát vấn đề “giải mật”
Một trong những quy định đáng lưu ý trong dự thảo Luật BVBMNN là quy định về vấn đề giải mật. Theo đó, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước được tính từ ngày đóng dấu chỉ độ mật của bí mật nhà nước. Căn cứ vào yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định như sau: a) 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật; b) 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật;c) 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.
Ngoài ra, Luật cũng quy định về gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Theo đó: Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có thể gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước phải được thực hiện trước khi hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước ít nhất 30 ngày. Mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này. Trước khi hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, cơ quan, tổ chức tạo ra bí mật nhà nước quyết định việc gia hạn và thông báo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Liên quan đến quy định này, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định về cơ chế giám sát vấn đề giải mật để tránh tình trạng lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Việc ban hành một luật riêng liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên cần lưu ý các quy định để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo thông thoáng cho nền kinh tế - xã hội, hạn chế sự lạm quyền, tùy tiện trong việc mật hóa như hiện nay.
Minh Minh