Để không còn lợi ích nhóm và thất thoát tài sản Nhà nước khi cổ phần hóa DNNN

30/05/2016 07:00

(Pháp lý) - Lâu nay, các nhà quản lý vẫn hay nhấn mạnh rằng, cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không phải là quá trình tư nhân hoá. Nhưng với những gì diễn ra trên thực tế trong nhiều năm qua ở các DNNN đã được CPH, có không ít tiền của, giá trị tài sản của Nhà nước, bằng nhiều cách, đã được chuyển hoá không đúng quy định, không đúng giá trị thực, thành tài sản của doanh nghiệp tư nhân, cho các cá nhân…Đã có nhiều đề xuất kiến nghị đưa ra nhưng dường như chưa có chế tài biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn. Thực tế này nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ gây ra hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế.

Bài 1: Trăm chiêu “hô biến” tài sản Nhà nước khi định giá tài sản CPH

DNNN thường không được đánh giá cao về hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhưng đến khi từng doanh nghiệp “công” được định giá để tiến hành CPH, nhà đầu tư sẽ phải nhìn các doanh nghiệp ấy một cách thèm thuồng. Bởi, đơn giản, nhiều DNNN thường sở hữu những khối tài sản giá trị khổng lồ: khoáng sản, đất đai, địa lợi… Và theo ý kiến của một số chuyên gia thì thất thoát nhiều nhất trong quá trình CPH chính là ở khâu định giá khối tài sản giá trị khổng lồ ấy.

Theo đánh giá chung của Thanh tra Chính phủ, khi xác định giá trị tài sản là hiện vật, các công ty tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp thường không thực hiện theo đúng nguyên tắc “giá thị trường”. Nhiều nơi viện lý do: thị trường không có tài sản tương đương nhưng thường các đơn vị đó lại không thực hiện đầy đủ quá trình định giá. Người ta thường dùng số liệu kế toán cũ, lạc hậu làm căn cứ nên giá trị tài sản của doanh nghiệp đưa vào CPH thường bị đánh giá thấp hơn giá trị thực tế. Có tình trạng chung là các hội đồng xác định giá trị tài sản doanh nghiệp cố ý hiểu khác đi quy định về cách xác định chất lượng tài sản trong thông tư hướng dẫn (của Bộ Tài chính) để hạ thấp chất lượng nhiều tài sản xuống 20% kể cả nhà cửa, phương tiện giao thông... đang sử dụng.

[caption id="attachment_141436" align="aligncenter" width="410"]Rất nhiều “chiêu” hô biến tài sản Nhà nước khi định giá tài sản CPH (ảnh minh họa) Rất nhiều “chiêu” hô biến tài sản Nhà nước khi định giá tài sản CPH (ảnh minh họa)[/caption]

Tài sản giá trị nhất của nhiều DNNN là giá trị sử dụng đất thì ở nhiều doanh nghiệp đã CPH, tài sản này bị thất thoát ở mọi dạng thức: doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị đất, chỉ làm thủ tục thuê một phần diện tích đang sử dụng (thực chất là chiếm dụng đất, trốn thuế), sử dụng lãng phí, tuỳ tiện cho thuê, mượn... thậm chí còn chuyển nhượng trái phép cho cá nhân.

Cho đến khi gần hoàn thành quá trình CPH, giá trị tài sản nhà nước lại bị thất thoát theo một dạng khác: chuyển nhượng, bán cổ phần ưu đãi sai đối tượng (không đủ điều kiện), sai quy định (quyết toán tăng, khống để hưởng chế độ ưu đãi khi mua cổ phiếu)… Ở hàng loạt các doanh nghiệp lớn, nhỏ của Nhà nước trước đây, nay là doanh nghiệp cổ phần, đều diễn ra thực tế này. Chẳng hạn, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chuyển nhượng 3.000.000 cổ phần ưu đãi sai với giá trị 15,6 tỉ đồng; Vinaconex bán cổ phần ưu đãi sai cho bảy nhà đầu tư không đáng là “chiến lược” hơn 10.000.000 cổ phần, trị giá trên 53 tỉ đồng. Các công ty cổ phần May sông Hồng, Dược Nam Hà, May Mỹ Tho – Tiền Giang… mỗi nơi đều làm mất hàng tỉ đồng với cách thức bán cổ phần sai đối tượng như trên.

Tình trạng dây dưa chậm nộp tiền CPH để chiếm dụng vốn, việc quản lý nguồn quỹ trên có sự lỏng lẻo, sử dụng sai mục đích có thể thấy ở khá nhiều đơn vị CPH.

Tất cả những dạng thức sai phạm trong quá trình CPH đã phần nào cho thấy thực trạng quản lý ở các DNNN đã và đang tiến hành CPH. Các cuộc kiểm toán tiến hành tại các doanh nghiệp lớn, nhỏ đã CPH gần đây cũng cho một bức tranh tương tự.

Ngoài “bức tranh” tiêu cực trên về CPH, một bất cập nữa hiện nay cần nhắc đến là tình trạng trì hoãn CPH vẫn còn phổ biến.

Trong Hội nghị tổng kết tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 và chuẩn bị cho giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương nằm trong số các đơn vị bị Chính phủ phê bình vì tiến độ cổ phần hóa quá chậm. Cả năm 2015, Bộ này chỉ cổ phần hóa được 2/12 doanh nghiệp và đều là các công ty nhỏ. Bởi, đây là bộ đang quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty, DNNN lớn, hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh độc quyền, hoặc sinh lợi rất lớn. Năm vừa qua, Bộ Công Thương kế hoạch IPO Tổng công ty Giấy Việt Nam hay Tổng công ty Thuốc lá, Tập đoàn Hóa chất... đang diễn ra hết sức chậm chạp. Vì sao?

Đây là lý do mà Tập đoàn Hóa chất đưa ra trong văn bản báo cáo Bộ về khó khăn: “Tập đoàn chịu sức ép phải đảm bảo tiến độ cổ phần hóa. Do vậy nếu thực hiện theo tiến độ thì tập đoàn phải chịu lỗ, có thể bị các nhà đầu tư “dìm giá” cổ phiếu”.

Hoặc như Tổng Công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội, doanh nghiệp đã cổ phần hóa rồi nhưng nay vẫn xin Nhà nước cho giữ lại khoản đầu tư tương đương 40% vốn điều lệ (trị giá hơn 27 tỉ đồng) tại Công ty Đầu tư và Thương mại Harec với lý do công ty đang làm ăn hiệu quả. Nói khác đi là công ty không muốn thoái vốn và xin ý kiến chủ sở hữu vốn nhà nước, cho dù đã là công ty cổ phần và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

[caption id="attachment_141435" align="aligncenter" width="410"]Thanh tra Chính phủ kiểm tra cổ phần hóa tại Vinaconex Thanh tra Chính phủ kiểm tra cổ phần hóa tại Vinaconex[/caption]

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì phàn nàn rằng, cổ phần hóa như trường hợp của Công ty cổ phần Thủy điện Hàm Thuận Đa Nhim thuộc EVN là doanh nghiệp tốt nhưng chỉ bán được 0,07% số cổ phần. Việc phát hành cổ phiếu không thành công khiến lãnh đạo doanh nghiệp và thậm chí lãnh đạo EVN chán nản. Lãnh đạo EVN còn đề nghị để EVN mua lại và đánh giá lại giá trị tài sản doanh nghiệp của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim.

Nhiều doanh nghiệp khác thuộc Bộ Công Thương cũng e ngại rằng, việc Nhà nước chỉ bán ra dưới 50% số cổ phần sẽ không giúp cho các đợt IPO, cổ phần hóa thành công vì bản chất việc cổ phần hóa không làm thay đổi nhiều về phương diện quản lý điều hành doanh nghiệp.

Theo giải thích nguyên nhân đến tháng 11/2015, bộ này mới cổ phần hóa được 2/12 doanh nghiệp, là vì quá trình thực hiện gặp khó khăn về xử lý tài chính, công nợ của doanh nghiệp... Những gì mà Bộ Công Thương nêu trên thực tế đã được giải quyết. Ví dụ: lúc trước, Nghị định 59/CP quy định phải đối chiếu công nợ toàn bộ mới được xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Theo đó, Nghị định 189/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 59 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đã cho phép trường hợp đối chiếu, xác định toàn bộ công nợ lâu năm của DNNN mà không khả thi thì có thể đối chiếu 80% tổng giá trị công nợ là xác định giá trị. Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm cách đối chiếu.

Quy định đã có, vậy mà Bộ Công Thương vẫn đề xuất cơ chế đặc thù về xử lý công nợ không khác gì đứng “bên lề” dòng chảy cổ phần hóa. Trong khi bộ khác, như Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị và được áp dụng cơ chế đối chiếu công nợ này từ lâu.

Không loại trừ có những nhóm lợi ích làm chậm quá trình cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương - nơi nắm giữ các doanh nghiệp hiện đang độc quyền nhà nước, kinh doanh nhiều ngành mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối...

Chính phủ sẽ áp dụng biện pháp mạnh đối với lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa hay tái cơ cấu mà không có lý do hoặc lý do không được Thủ tướng chấp thuận bằng cách không tái bổ nhiệm, không quy hoạch lên những chức vụ cao hơn. Có lẽ cũng đến lúc biện pháp đó cần được áp dụng với những địa chỉ rõ ràng.

Q.T – H.A (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết " Để không còn lợi ích nhóm và thất thoát tài sản Nhà nước khi cổ phần hóa DNNN" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin