(Pháp lý) - Là một phụ nữ dịu dàng, ân cần và đằm thắm ở cuộc sống đời thường, thế nhưng, ở cương vị Đại biểu Quốc hội, dường như bà lại là một con người khác: cương nghị, nhiệt huyết, thẳng thắn. Bà là đại biểu Quốc hội hiếm hoi có sáng kiến đề xuất xây dựng dự án Luật Hành chính công và sau đó được Quốc hội giao trọng trách Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật này. Bà cũng là đại biểu nữ có những chất vấn sắc sảo đối với Thủ tướng... Bốn khóa tham gia Quốc hội, bà đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng cử tri.
Không chỉ có sáng kiến xây dựng dự án Luật Hành chính công
Trước khi trở thành ĐBQH, bà Khánh là Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Hà Nội. Quãng thời gian đó, bà là người trực tiếp thực hiện những mảng việc lớn của ngành tư pháp ở thủ đô. Hai công việc còn in dấu những kỉ niệm đáng nhớ của bà là thực hiện hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở. Bà tâm sự: Đó là phần công việc cho tôi vốn thực tiễn phong phú để khi gánh lên vai trọng trách một đại biểu Quốc hội, tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Suốt những nhiệm kì đại biểu, tôi đã thực hiện nhiệm vụ lập pháp của đại biểu một cách tốt nhất.
Đến bây giờ bà Khánh vẫn còn nhớ, cảm giác khi trở thành ĐBQH và lần đầu tiên phát biểu trước Quốc hội. Đó là phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XI, trong ngay kì họp đầu bàn về cơ cấu nhân sự, xung phong phát biểu bà nói: Bàn về nhiệm vụ của Quốc hội, cơ quan này có 3 nhiệm vụ quan trọng như Lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước... Tuy nhiên cơ cấu của Quốc hội thì còn thiếu một Phó chủ tịch kết nối thực hiện nhiệm vụ giám sát và thiếu sót lớn là Quốc hội còn thiếu Luật để hoạt động giám sát thật sự hiệu quả? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khi ấy đã rất chăm chú lắng nghe ý kiến của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh. Ngay sau chất vấn đó, Chủ tịch Quốc hội đã có những chú ý trong việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt là thúc đẩy xây dựng Luật hoạt động giám sát của Quốc hội. “Chưa có một luật nào được xây dựng nhanh, có hiệu lực ngay như thế. Thế là từ ý tưởng khơi mào của Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, một dự án Luật đã được gấp rút xây dựng và nay Luật đã đi vào thực tế nhiều năm.
Thời kỳ giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, với quá trình công tác đầy nhiệt huyết, bà Khánh thường nghiên cứu thực tế khá kĩ trước khi góp ý xây dựng văn bản pháp luật, cũng như nắm rõ hiệu quả thực thi của văn bản pháp luật trên thực tế. Chính vì vậy khi phát biểu trước Quốc hội, ý kiến của bà rất xác đáng và được nhiều đại biểu đồng tình. Có lần trước Quốc hội, bà Khánh cảnh báo: Thủ đô Hà Nội có vị trí và tầm quan trọng về chính trị, xã hội, văn hóa với cả nước. Bởi thế quá trình xây dựng và phát triển thủ đô cần có những tiêu chí riêng. Nhận thức được sự quan trọng đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Thủ đô tuy nhiên trên thực tế thì việc chấp hành, thực thi Pháp lệnh này chưa nghiêm. Tôi cho rằng tới đây, cần nâng Pháp lệnh thành luật, để tăng tính ràng buộc thực hiện đối với công dân cũng như tổ chức. Ý kiến của bà Khánh được Quốc hội chấp thuận, nhưng nhiều cơ quan ban ngành của Thủ đô còn lúng túng, chậm trong việc làm tờ trình xây dựng Luật này. Vì tâm huyết và tấm lòng với thủ đô, ĐBQH Khánh đã chủ động làm tờ trình, chuẩn bị dự thảo sau đó mời cán bộ của Thành phố Hà Nội tới đề nghị bổ sung vào dự án Luật Thủ đô, tạo cơ chế pháp lý hiệu quả trong giải quyết những vấn đề then chốt của thành phố trong giai đoạn đó và đến tận bây giờ.
Dấu ấn lập pháp đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (cho đến nay) có lẽ là sự kiện từ sáng kiến của bà, bà được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Hành chính công đồ sộ. Trong ba nhánh của quyền lực nhà nước, hành pháp luôn là nhánh có nguy cơ lạm dụng quyền lực lớn nhất. Nhìn vào thực trạng hiện nay của nước ta, không ít chính sách một đằng nhưng bị biến tướng qua quá trình thực thi của các cơ quan hành chính nhà nước diễn ra phổ biến. Điều này đòi hỏi bộ máy hành chính phải được chuẩn hóa, bị giám sát bằng các nguyên tắc pháp quyền.
Các vấn đề về thủ tục hành chính, hợp đồng hành chính, kiểm tra hành chính, ra các quyết định hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính mới chỉ có quy định chuyên biệt trong từng lĩnh vực mà chưa có nguyên tắc chung. Bởi vậy Luật Hành chính công là cần thiết và được người dân mong đợi. Tháng 12/2016, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết số 317/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công. Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công gồm 27 người do đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội là người khởi xuất ý tưởng cũng là Trưởng Ban soạn thảo. Nhiệm vụ của Ban soạn thảo là đến tháng 12/2017 phải thảo luận, cho ý kiến; bổ sung, sửa đổi hoàn thiện dự thảo Luật Hành chính công.
Không ngại khi chất vấn Thủ tướng
Chủ đề chống tham nhũng luôn là chủ đề làm nóng Nghị trường Quốc hội. Còn nhớ, trong một phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu ý kiến nghe như một lời than: “Bao nhiêu tiền tham nhũng không thu hồi được và những công trình xây dựng để hoang lãng phí những năm qua, để cho đến hôm nay ngân sách trở nên khó khăn không thể nâng lương cho người lao động theo lộ trình, hay xây thêm những con đường, những trường học”.
Nói về vấn đề bồi thường oan sai, trước những hạn chế của công tác này, bà dứt khoát: “Đừng nói thương lượng trong bồi thường oan sai. Khi Nhà nước bồi thường cho người dân bị oan sai phải quy định cụ thể chứ không dùng khái niệm “thương lượng”. Cần có công thức tính đúng, tính đủ với người bị oan. Làm oan, người ta phải đi tù mà giờ cò kè bớt một thêm hai là không đúng”. Bà cũng cho rằng thủ tục giải quyết bồi thường phải gọn, dễ cho người bị oan, chứ không thể đặt ra nhiều thủ tục khó khăn, khiến phải xin - cho. Cho đến nay chưa có người nào được bồi thường mà được chi trả đúng thời hạn...
Không ngại các thông tin nhạy cảm, chỉ cần nói lên tiếng nói của cử tri là bà nói. Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh còn đề nghị kiểm tra thông tin phạm nhân ở tù mà như ở resort. Theo bà Khánh, trong khi có những trại giam quá tải khiến cả phạm nhân và giám thị đều vất vả thì nhiều cử tri lại phản ảnh một bộ phận phạm nhân được đối xử rất tốt, ở rất sướng như là ở resort. Đề nghị kiểm tra có đúng hay không? Ví dụ như tội phạm tham nhũng mà ở sướng như vậy thì phải cho kiểm tra, làm rõ có sự phân biệt hay không?.
Trong cách chất vấn của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh có những vấn đề được nói rất mạnh mẽ nhưng có những vấn đề lại được trình bày một cách thuyết phục, mềm dẻo. Như cách bà chất vấn Bộ trưởng Văn hóa về vấn đề Lễ hội: Dư luận bất bình trước việc tổ chức lễ hội tràn lan, một số lễ hội chém lợn, đâm trâu mang màu sắc mê tín gây ghê sợ cho người dân. Lễ hội Đền Trần vừa rồi gây hỗn loạn... Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam nhìn chung còn thấp, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, nhiều trẻ em vùng sâu vùng xa không được đi học... Xin hỏi tổng chi phí cho lễ hội từ đầu năm đến nay là bao nhiêu?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cũng được biết đến là đại biểu nữ chất vấn sắc sảo Thủ tướng. Nối tiếp câu chuyện Chủ tịch tỉnh Hà Giang năm lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, bà đặt ra những thắc mắc: “Vì sao Thủ tướng chưa thực hiện hết nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật giao, nhất là thực hiện quyền miễn nhiệm, cách chức một số lãnh đạo UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã không tuân thủ chỉ đạo của cấp trên? Thủ tướng còn gặp khó khăn gì hay ngại xử lý cán bộ lãnh đạo cấp dưới có sai phạm?”.
Thủ tướng khi đó là đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đã phải vừa khẳng định vừa phân trần: Có nhiều lãnh đạo địa phương rất nghiêm túc, rất trách nhiệm với mệnh lệnh của cấp trên, nghị quyết của cấp trên, có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước... Nhưng vẫn còn một bộ phận chưa nghiêm. Xử lý kỷ luật cũng phải theo trình tự quy định của pháp luật, theo tính chất, mức độ của từng sự việc, theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng. Việc này Chính phủ cũng như Thủ tướng hết sức cố gắng làm đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình...
Đến với dân rất chân thật và thương dân
Ở Nghị trường, bà cương nghị, mạnh mẽ bao nhiêu thì ở đời thường và đặc biệt khi tiếp xúc với dân, bà ân cần dịu dàng bấy nhiêu. Bà không ngại len tới từng con gác nhỏ, nơi có những người dân bé mọn, gặp nghịch cảnh kêu cầu để giúp đỡ.
Đến bây giờ, đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng ĐBQH Khánh còn nhớ và vẫn không thôi trăn trở về số phận của bà Bích ở số nhà 50 ngõ Ngũ Xá (Hà Nội). Bà Bích hiện đang sống tại tầng 2 của căn nhà do bố chồng để lại. Trước đó, bố chồng của bà đã bán một phần của căn nhà cho người khác. Gia đình bà bà Bích ở tầng 2 và chủ mới của ngôi nhà ở tầng 1. Hai bên có tranh chấp thì gia đình ở tầng 2 rất thiệt thòi. Người ta chèn lấn đường đi của bà Bích, gây khó khăn cho bà. Vụ việc được đưa ra phân xử tại tòa, tuy nhiên bản án của Tòa tuyên chung chung nên khó thực thi. Chính bởi vậy, trong suốt nhiều năm liền, tranh chấp vẫn còn, thiệt thòi rơi về phía người yếu thế. Khi nhận được đơn thư của bà Bích, nhiều lần ĐBQH Khánh đến tận nơi, thăm hỏi, lắng nghe nguyện vọng của bà Bích. Hơn cả vậy, chính bà Khánh cũng gặp các cơ quan tư pháp đề nghị có cơ chế để xem lại bản án đã tuyên không có khả năng thực thi. Tuy nhiên do hoàn cảnh khách quan, giấy tờ bị mất mát nên vụ việc nhiều năm chưa được giải quyết và nó thành nỗi ám ảnh và day dứt của đại biểu khi chưa thực hiện được việc mà cử tri gửi gắm.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cũng là người kiên trì đi tìm công lý giúp nhiều người dân nghèo khổ, oan khuất. Vừa trúng cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu Khánh nhận được đơn kêu cứu của gia đình ông Trần Vót (người được báo chí gọi là người tù thế kỉ ở Hà Nam). Suốt 23 năm qua, gia đình ông Vót đã làm nhiều đơn, báo chí cũng lên tiếng.
Ông Vót là một người có công, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương kháng chiến. Trong hồ sơ vụ án, có nhiều điểm không giải thích được, gia đình cũng có đề nghị ngay từ khi vụ án xảy ra nhưng không được giải quyết. Khi biết việc, bà Khánh đã liên hệ với lãnh đạo tỉnh Hà Nam để được vào gặp gỡ ông Vót trong trại giam. Ông Vót khẳng định: Ông bị án oan sai khổ nhất ở Việt Nam. Nhiều cán bộ hồi đó nói với ông Vót rằng: Ông cứ đi tù rồi giải quyết sau. Ông Vót đã tin tưởng và chờ đợi nhưng vô vọng.
Hiện ông Vót còn bị nặng tai, bị bệnh hiểm nghèo là lao kháng thuốc. Là đại biểu đến với ông, bà Khánh chỉ biết khuyên ông rằng: Ông đã tin tưởng vào pháp luật, thì cứ tiếp tục tin tưởng. Phần tôi sẽ cố gắng phản ánh với các cơ quan chức năng, các cơ quan tiến hành tố tụng về nỗi oan của ông, để ông được sớm trở về phụng dưỡng mẹ già, giảm được phần nào nỗi oan khuất mà ông phải gánh chịu 23 năm nay.
Trong hành trình tìm cách minh oan cho ông Vót, chính ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đã trực tiếp đi gặp những nhân chứng, những bị hại trong vụ án. Họ nói rằng: Họ không được ai mời đến để hỏi về vụ án trong quá trình tố tụng. Nhiều người còn bảo, nếu họ nói đúng sự thật thì lại bị dọa sẽ truy tố tội khai báo gian dối. Họ đề nghị ĐBQH phải lên tiếng, nói rõ cho các cơ quan nhà nước để sớm giải oan cho gia đình ông Trần Văn Vót. Vụ án có nhiều điểm rất đặc biệt khiến bà Khánh luôn day dứt: Cụ Trần Văn Điền, bố của bị hại là con trai duy nhất trong vụ án ném lựu đạn ngày ấy nhưng 23 năm qua, cụ Điền lại chính là người vác đơn đi kêu oan cho bị cáo Vót. Cụ Điền nói cụ rất đau lòng, đã gửi thư lên các cấp lãnh đạo nhưng đến giờ vẫn không ai xem xét. Nếu những sự việc như trong đơn là đúng, đó là một nỗi đau.
Không chỉ nhiệt tâm đi tìm chứng cứ, bà Khánh còn “khuấy động” cả những người có thẩm quyền, cơ quan chức năng cao nhất khi thấy nỗi oan và khổ cực của người dân. Khi nghiên cứu kĩ hồ sơ, vào kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV bà đã trao đổi với đồng chí viện trưởng VKSND Tối cao. Vào kỳ họp, bà đã gửi thư cho cả Chủ tịch nước, chánh án TAND Tối cao. Dù các cơ quan tố tụng nói không oan nhưng bà Khánh với nhìn nhận của riêng mình vẫn quyết theo đuổi đến cùng vụ án này.
“Cha ông Vót vì đau buồn đã qua đời, mẹ ông Vót lúc nào cũng khóc, suốt 23 năm nay. Lần đầu tiên, có lẽ trong cuộc đời làm ĐBQH, tôi đã phải viết một bản kiến nghị đầy nước mắt đối với vụ án của ông Trần Văn Vót. Tôi là đại biểu của nhân dân, nơi nào còn oan sai, tôi đã hứa với cử tri sẽ tham gia tháo gỡ. Một số luật sư, một số ĐBQH cũng đã ủng hộ tôi. Có lẽ chúng tôi sẽ kiến nghị thành lập một đoàn giám sát về vụ án này, để sớm trả tự do cho ông Vót, để ông Vót sớm đoàn tụ gia đình, chăm sóc phụng dưỡng mẹ già trong những ngày cuối đời. Nếu chưa thể minh oan cho ông Vót, thì ít nhất cũng nên cho ông Vót được tha tù có thời hạn theo những quy định tiến bộ của BLHS mới”.
Trong suốt cuộc nói chuyện với Phóng viên, bà luôn nhắc đến những số phận bất hạnh với lo âu như lo cho chính người thân. Bà Khánh tiếp dân, đối đáp với dân không theo kiểu “chuyên nghiệp” của một đại biểu đã có 4 khóa làm ĐBQH. Ở trong giọng nói của bà, lúc nào cũng có tâm huyết của một đại biểu vì dân, thương dân. Trong từng cử chỉ của bà với dân, luôn là cái cách người thân quan tâm đến người thân. Có lẽ bởi vậy, dân mến mộ bà, những người đồng nghiệp nể phục và luôn ủng hộ những việc làm của bà.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh còn được cử tri nhớ đến bởi cách chất vấn sắc sảo, theo đuổi đến cùng vấn đề, bằng các bài phát biểu giàu tính thực tiễn cuộc sống, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Là ĐBQH được dân tín nhiệm và đã tham gia 4 khóa Quốc hội, nên có nhiều kỉ niệm lúc nào cũng đong đầy trong suy nghĩ của bà... Có một “biến cố” nho nhỏ bà chia sẻ với chúng tôi cũng là nỗi lòng của bà: Trước QH khóa XIV, tôi nghĩ mình chỉ có duyên với Quốc hội 3 khóa và sau thời gian này mình vẫn sẽ làm việc vì dân theo cách của mình. Tôi đã có dự định học tin học để làm trang thông tin phổ biến giáo dục pháp luật, làm luật sư để kêu oan cho dân... Tuy nhiên Đảng Đoàn Quốc hội có nghị quyết mới về tuổi đại biểu. Nhận thấy mình tâm huyết, Quốc hội động viên ứng cử thêm khóa nữa. Tôi trung thành với cử tri Hà Nội và tiếp tục được cử tri Hà Nội chọn là đại biểu cho họ. Ở lại, tiếp tục một khóa làm Đại biểu nữa, tôi vẫn sẽ làm việc vì dân. Tôi tin rằng, chỉ những việc làm tốt mới còn lại mãi với thời gian...
Phan Tĩnh