ĐBQH đề nghị thay đổi quy trình xây dựng luật

24/05/2017 09:48

Quy trình xây dựng luật cần thay đổi và phải duyệt nội dung đề cương chỉ đạo trước rồi mới cho tiến hành xây dựng luật, mới đưa ĐBQH góp ý là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội).

Sáng nay (23-5), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và thảo luận tại tổ về Chương trình này.

ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đánh giá, sau khi Luật ban hành VBQPPL 2015 có hiệu lực, việc xây dựng văn bản đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, Chương trình vẫn thay đổi quá nhiều, nợ văn bản hướng dẫn thi hành cũng quá nhiều.

Theo ông Bình, quy trình xây dựng luật cần thay đổi, cần phải duyệt nội dung đề cương chỉ đạo trước rồi mới cho tiến hành xây dựng luật để tránh lãng phí thời gian, tránh những ý tưởng của lợi ích nhóm, mang quan điểm cá nhân của bộ, ngành xây dựng.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng, Quốc hội phải thay đổi quy trình về làm luật, vì với quy trình hiện tại, ĐBQH khó đọc và góp ý sâu vào các dự luật được. Theo ông Cường, Quốc hội phải thông qua đề cương chi tiết, trong đó phải lý giải rõ tại sao cần ban hành luật này, còn sau đó biên soạn thành văn thế nào là do các cơ quan chuyên môn.

ĐBQH Vũ Lưu Mai (Hà Nội) cơ bản tán thành với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018. Về định hướng ưu tiên đưa vào chương trình các dự án nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, ĐBQH Vũ Lưu Mai cho rằng, Nghị quyết đặt ra cả những vấn đề cần giải quyết trước mắt và lâu dài. Vì vậy, Chương trình cần ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt, còn những vấn đề cần lộ trình lâu dài, thì chưa nhất quyết phải đưa vào Chương trình ngay.

ĐBQH Nguyễn Quốc Bình đề nghị thay đổi quy trình xây dựng luật
ĐBQH Nguyễn Quốc Bình đề nghị thay đổi quy trình xây dựng luật)

Bên cạnh đó, ĐBQH Vũ Lưu Mai cho rằng, cần xem xét điều kiện, nguồn lực thực hiện các luật vì đã có những dự án sau khi thông qua gặp khó khăn do thiếu nguồn lực. Ví dụ, Dự án luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, nếu được ban hành cần xem xét đến tác động nguồn lực ngân sách.

Theo ĐBQH Bùi Huyền Mai (Hà Nội), Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, với cùng lý do được nêu ra từ nhiều năm nay. Vì vậy, ĐB đề nghị nghị trước khi xem xét điều chỉnh, phải có báo cáo rõ nguyên nhân của hạn chế nêu trên.

Bà Mai cũng nhìn nhận, tiêu chí quan trọng để xây dựng một dự án luật là yêu cầu của tình hình thực tiễn và nguồn lực thực hiện. Ví dụ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với số lượng hơn 95% DN hiện nay là DNNVV, sau khi luật ban hành, nguồn lực để hỗ trợ về mặt bằng, nguồn vốn... cho DN như thế nào?

Đồng thời, theo bà Mai, cần cân nhắc kỹ tính cần thiết với Dự án Luật quản lý phát triển đô thị và Luật Kiến trúc vì hiện nay đã có nhiều quy định về quản lý đô thị, chưa kể Luật quy hoạch sắp được ban hành. Bên cạnh đó, ĐBQH Bùi Huyền Mai cũng đề nghị xem xét lại nôi hàm của Luật trồng trọt và Luật chăn nuôi.

Phó trưởng đoàn ĐNQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải cầu thị và lắng nghe vì có “nhiều dự thảo đã góp ý rồi nhưng cơ quan soạn thảo vẫn khư khư quan điểm của mình”. Đồng thời, ông Hiểu đề nghị sửa hai Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương và ban hành Luật về đơn vị sự nghiệp công lập. Theo ông Hiểu, hiện cả nước có khoảng 57.000 đơn vị sự nghiệp công lập, với khoảng 1 triệu viên chức, quản lý lượng tài sản rất lớn mà chủ trương hiện tại là các đơn vị sự nghiệp công lập tiến tới hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần, tự chủ toàn bộ, nên để quản lý, cần có luật để điều chỉnh vấn đề này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 13 luật, 03 nghị quyết và cho ý kiến về 05 dự án luật khác. Đến nay, 13/13 dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua và các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã được chuẩn bị, bảo đảm điều kiện trình Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng, công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành được quan tâm hơn.

Tuy nhiên, Chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều; chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc gửi tài liệu của nhiều dự án vẫn chưa bảo đảm thời gian theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, Chính phủ đề nghị đưa 21 dự án luật vào Chương trình năm 2018, trong đó có tại kỳ họp thứ 5 thông qua 09 luật, cho ý kiến 08 dự án luật, kỳ họp thứ 6 sẽ thông qua 09 luật và cho ý kiến 03 dự án luật.

Theo PL&XH

Bạn đang đọc bài viết "ĐBQH đề nghị thay đổi quy trình xây dựng luật" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin