Đại biểu Quốc hội khóa XIII, TS. Bùi Thị An: Cần có cơ chế thiết thực để bảo vệ các Nhà báo tham gia chống tham nhũng

(Pháp lý) - Nhiều năm trở lại đây, báo chí đã khẳng định được vai trò tiên phong của mình trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bằng những tác phẩm mang đầy sức chiến đấu, báo chí không chỉ phanh phui, phê phán và “điểm mặt chỉ tên” từng đối tượng, vụ việc tham nhũng cụ thể mà những kết quả điều tra công phu của họ còn là cơ sở quan trọng giúp các cơ quan chức năng vào cuộc.

Để làm rõ hơn vai trò của báo chí trong công tác tham gia phòng, chống tham nhũng, từ đó có những giải pháp giúp báo chí phát huy hơn nữa vai trò quan trọng này, Pháp lý đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII.

 Bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII
Bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII)

Báo chí có công đầu trong nhiều vụ việc

Phóng viên: Vài năm trở lại đây, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực được báo chí phát hiện và “nổ phát súng đầu tiên”, nhờ đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra và xử lý.

Dưới góc độ một người từng là Đại biểu dân cử, bà đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay?

Bà Bùi Thị An: Phải khẳng định rằng báo chí ngày càng có vai trò to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và cần được nhìn nhận như một kênh quan trọng mang tính tiên phong trong hệ thống các kênh phòng, chống tham nhũng của nước ta . Một thực tế dễ thấy và cũng rất trớ trêu là các vụ việc tiêu cực, các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn thời gian qua hầu hết đều xảy ra ở các cơ quan, ban ngành, chính quyền từ T.Ư đến địa phương nhưng lại không phải do người của các cơ quan, ban ngành, chính quyền, địa phương phát hiện mà phần lớn là do quần chúng nhân dân và đặc biệt là do báo chí điều tra, phát hiện ra. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh – từ vụ việc chiếc xe sang gắn biển xanh của ông Trịnh Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chạy trên đường phố miền Tây, báo chí đã liên tục “phanh phui” ra hàng loạt sai phạm liên quan đến quá trình đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ của Bộ Công thương cùng các hành vi tham nhũng của Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khi còn làm lãnh đạo DNNN. Hay gần đây, Tổng Bí thư đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ việc sở hữu khối tài sản “khủng” của Thứ trưởng Bộ Công thương, của một số lãnh đạo Tỉnh, TP. Trực thuộc T.Ư… Phát hiện ra những vụ việc này, công đầu của báo chí.

Nhìn từ các vụ việc cụ thể mà báo chí có công đầu trong việc “phanh phui” gần đây như vụ Trịnh Xuân Thanh, hay trước đó như vụ PMU18, vụ cán bộ lãnh đạo Thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) chia chác hàng chục mảnh đất trị giá hàng chục tỷ đồng, vụ tham nhũng của cựu ĐBQH Mạc Kim Tôn… càng cho thấy báo chí đã thực hiện tốt và hiệu quả vai trò của mình như thế nào trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cũng từ đây, tôi nghĩ Đảng và Nhà nước cần gửi tới các cơ quan báo chí một lời cảm ơn và cần biểu dương, khuyến khích hơn nữa tinh thần dũng cảm, tích cực đi đầu của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, một câu hỏi mà nhiều người đặt ra: tại sao hầu hết các vụ tham nhũng, tiêu cực nói trên lại do báo chí “nổ phát súng đầu tiên” – phát hiện, phanh phui đầu tiên mà không phải do bản thân các cơ quan chức năng của Nhà nước phát hiện ra? Phải chăng các cơ quan chức năng đã “thua” báo chí về khả năng trong điều tra, phát hiện sai phạm, tham nhũng? Hay còn lý do nhạy cảm nào khác? Đây cũng là một vấn đề rất đáng suy ngẫm.

Tham nhũng ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp với quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng phổ biến, hình thức biểu hiện ngày càng tinh vi với sự cấu kết lợi ích nhóm chặt chẽ và có hệ thống. Chống tham nhũng bằng “ngòi bút” là một hoạt động chứa đựng nhiều mối nguy hiểm đối với các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí . Nhân ngày Báo chí CMVN, bà có chia sẻ gì với các Nhà báo ?
Khi chống tham nhũng, các nhà báo gặp nhiều rủi ro vì đối tượng tham nhũng có quyền lực và những mối liên hệ lợi ích chồng chéo. Khi nhà báo, phóng viên dùng ngòi bút và tác phẩm báo chí để đấu tranh với tham nhũng thì khó tránh khỏi những đối tượng phạm tội tham nhũng luôn tìm mọi cách ngăn cản, chống lại, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên, nhà báo tìm đến các cơ quan, tổ chức, chính quyền thì không phải ở đâu và lúc nào họ cũng được tạo điều kiện để thu thập thông tin phục vụ cho điều tra, phát hiện cũng như chứng minh các hành vi tham nhũng bởi không ít cá nhân, cơ quan, tổ chức còn nhìn nhận một cách thiếu tích cực, thiếu coi trọng và thiếu đúng đắn về vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, ngay chính bản thân các nhà báo không phải lúc nào cũng có đủ nhận thức, tri thức và kỹ năng tác nghiệp, để vừa tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn nghề nghiệp cho bản thân và cho cơ quan báo chí. Do đó, mặc dù tinh thần chiến đấu của báo chí, của các nhà báo, phóng viên về cơ bản là khẳng khái, nhiệt huyết và nhờ đó đạt được những hiệu quả, thành tích đáng kể trong phòng, chống tham nhũng nhưng chắc chắn vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”
Hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”)

Tạo điều kiện, hỗ trợ báo chí thế nào ?

Báo chí có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng – đó là thực tế mà nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Theo bà, thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách hợp lý, tạo điều kiện như thế nào để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực?

Đảng và Nhà nước đã khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan báo chí tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chung của đất nước. Đồng thời Đảng và Nhà nước cũng luôn chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, ban ngành, chính quyền…phải tích cực hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình. Tinh thần đó đã được thể hiện trong nhiều văn kiện Đại hội Đảng và cụ thể hóa trong Luật Báo chí, Luật Phòng, chống tham nhũng…

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) đã nhấn mạnh: “Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…”

Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như Luật Báo chí đã trao cho các cơ quan báo chí nhiều trách nhiệm, quyền hạn rộng rãi để có thể thực hiện tốt vai trò tiên phong trong phòng, chống tham nhũng của mình: Cơ quan báo chí có quyền và trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh với những người có hành vi tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng và khi nhận được yêu cầu của cơ quan báo chí, nhà báo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan báo chí, nhà báo, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời. Cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp và chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, tạo điều kiện để cơ quan báo chí phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho các phóng viên, nhà báo trong công tác phòng, chống tham nhũng, pháp luật cũng ngăn cấm các hành vi đe doạ, trả thù, trù dập các phóng viên, nhà báo là người đã phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng. Trong quá trình tác nghiệp, khi có căn cứ cho rằng việc thông tin về vụ việc tham nhũng có thể dẫn đến nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của mình, nhà báo, cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ mình.

Tuy nhiên, có không ít vụ việc báo chí quyết tâm theo đuổi để phanh phui tiêu cực ra ánh sáng, nhưng dường như lại thấy “bế tắc”, thấy “nản” vì có một thực tế như Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra: “Có vụ việc đăng tới 10 bài báo mà Chủ tịch tỉnh vẫn im lặng”. Thực tế này là do đâu, thưa bà? Và theo bà, cần có giải pháp nào để các vấn đề báo chí nêu không rơi vào “im lặng”?

Xét về mặt pháp luật, hiện nay tôi chưa thấy có quy định pháp luật nào nói rõ về cơ chế, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phải làm rõ thông tin báo chí phản ánh về tham nhũng, tiêu cực mà về cơ bản pháp luật chỉ quy định một số cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi có yêu cầu gửi đến dưới dạng khiếu nại, tố cáo (theo Luật khiếu nại, tố cáo) cũng như khi có tin báo về tội phạm theo quy định của Bộ luật TTHS. Luật Phòng, chống tham nhũng mới chỉ quy định “Cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý kịp thời báo cáo, tố giác, tố cáo và thông tin khác về hành vi tham nhũng”, nhưng cũng không chỉ ra một cách rõ ràng, bắt buộc về trách nhiệm phải vào cuộc để làm sáng tỏ các thông tin về tham nhũng mà báo chí phản ánh.

Như vậy, để các thông tin tham nhũng, vấn đề tiêu cực mà báo chí nêu được quan tâm và xử lý thỏa đáng thì xét về mặt pháp luật, bắt buộc các cơ quan báo chí cũng phải thông qua thủ tục tố cáo, tố giác…gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này sẽ gây ra một thực tế khó tránh khỏi là nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do báo chí phát giác và chỉ đơn thuần phản ánh dưới dạng các tác phẩm báo chí, sẽ dễ bị rơi vào im lặng. Thực tế này đã được chứng minh khi hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thời gian qua do báo chí “nổ phát súng đầu tiên” và thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận thì chỉ sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ban Nội chính T.Ư, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng quan tâm tới và ra chỉ đạo, yêu cầu phải làm rõ thì các cơ quan chức năng bên dưới mới bắt đầu vào cuộc. Do đó, theo tôi tới đây, Quốc hội cần sửa một số Luật để điều chỉnh rõ vấn đề này để tăng cường hơn nữa quyết tâm của báo chí chống tham nhũng và giúp báo chí không chùn bước.

Báo chí phải soi lại mình

Bên cạnh những mặt tốt, những thành tích đã đạt được, chắc chắn vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, yếu kém của một số phóng viên, nhà báo khi tham gia công tác phòng, chống tham nhũng. Quan điểm của bà về những biểu hiện hạn chế này của phóng viên báo chí?

Có khá nhiều vụ việc đáng tiếc của một bộ phận nhỏ các phóng viên, nhà báo đã lợi dụng nghề nghiệp để thực hiện các hành vi sai phạm, đi ngược lại với quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Trong khi tác nghiệp, phát hiện ra các vấn đề tiêu cực, tham nhũng, một số nhà báo, phóng viên lại sử dụng chúng để đe dọa, tống tiền các đối tượng có hành vi tham nhũng nhằm trục lợi cho bản thân. Hoặc có những nhà báo, phóng viên lại là trung gian cho những cuộc thương lượng, trao đổi trong các vụ việc đưa hối lộ. Thậm chí tôi được biết còn có một số nhà báo cấu kết với những cá nhân có quyền lực, vì lợi ích phe nhóm mà dùng những bài viết của mình nhằm bôi nhọ, hạ bệ “đối thủ”.

Những “con sâu làm rầu nồi canh” nói trên đã làm cho không ít người có cái nhìn thiếu thiện cảm và đúng đắn về báo chí, do đó ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng mà Nhà nước đã trao cho báo chí.

Việc thiếu kiến thức pháp luật cũng là một yếu kém đáng kể của không ít các phóng viên, nhà báo khi tham gia điều tra, viết bài về phòng, chống tham nhũng. Chúng ta phải thừa nhận rằng, tội phạm tham nhũng là những người có trình độ cao và có kiến thức pháp luật vì đây là nhóm các tội phạm về chức vụ. Rõ ràng là muốn lên án và đấu tranh với những người này thì bản thân các phóng viên, nhà báo trước hết phải nắm thật vững kiến thức pháp luật. Chính vì thiếu hiểu biết pháp luật mà một số vụ việc rất đáng tiếc đã xảy ra như: tìm cách gài bẫy, dàn xếp, tạo hiện trường giả…để mau chóng có tư liệu phục vụ cho bài viết và cuối cùng chính các phóng viên, nhà báo đó lại vô tình trở thành đối tượng phạm tội.

Luật Báo chí và Luật Phòng, chống tham nhũng đã trao cho các cơ quan báo chí quyền hạn và trách nhiệm để thực hiện tốt vai trò tiên phong trong công cuộc đấu tranh với tham nhũng, lãng phí
Luật Báo chí và Luật Phòng, chống tham nhũng đã trao cho các cơ quan báo chí quyền hạn và trách nhiệm để thực hiện tốt vai trò tiên phong trong công cuộc đấu tranh với tham nhũng, lãng phí)

Cần có cơ chế thiết thực bảo vệ báo chí

Để báo chí thực hiện tốt, tích cực và hiệu quả hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì theo bà cần phải có những giải pháp nào từ phía Nhà nước; từ bản thân các phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí?

Nhà nước đã khẳng định tạo mọi điều kiện thuận lợi cho báo chí thực hiện vai trò của mình trong phòng, chống tham nhũng và Nhà nước cũng cần phải hành động nhiều hơn nữa, để làm sao tinh thần đó không chỉ “đứng yên” trong các văn bản pháp luật. Nhà nước cần có các biện pháp để các cơ quan, tổ chức, ban ngành nhìn nhận một cách tích cực việc phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí là một điều cần thiết, tốt đẹp vì lợi ích chung chứ không phải là “gánh nặng” là nỗi e sợ, để từ đó biến trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin này trở thành một thói quen, thành “guồng” công việc thường nhật. Bên cạnh đó, cơ chế công khai, minh bạch về thu nhập và tài sản của cán bộ, công chức cũng phải được cải cách sao cho thực hiện có hiệu quả, thực chất thì người dân và các cơ quan báo chí mới có điều kiện giám sát và phát hiện ra những dấu hiệu tham nhũng. Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho việc tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo bằng các quy định cởi mở hơn, thuận lợi hơn về ghi âm, ghi hình…

Và đặc biệt cần có sự chỉ đạo thiết thực đối với các cơ quan công an về vấn đề bảo vệ phóng viên, nhà báo nói riêng và người đi tố cáo nói chung khi họ có công đưa các vụ việc tiêu cực tham nhũng ra ánh sáng. Ngoài ra, vẫn biết rằng việc quan tâm để làm rõ mọi thông tin mà báo chí nêu là rất khó vì khối lượng thông tin diễn ra hàng ngày, hàng giờ là “khổng lồ”, nhưng theo tôi cũng cần có quy định rõ ràng bằng một điều luật cụ thể rằng đối với những thông tin quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và rộng rãi liên quan đến các vụ việc tham nhũng thì các cơ quan chức năng (cụ thể như Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng các cấp…) cần có trách nhiệm làm rõ thông tin báo chí đã nêu.

Về phía các cơ quan báo chí: Quan điểm của tôi, bản thân các nhà báo, phóng viên chỉ cần đảm bảo cho mình ba yếu tố - một là có đạo đức, phẩm chất chính trị vững mạnh; hai là có khả năng chuyên môn và kiến thức pháp luật sâu rộng; ba là có tinh thần dũng cảm, chiến đấu vì lợi ích chung. Với ba yếu tố này, các bạn nhà báo, phóng viên có thể “thỏa sức” sử dụng “ngòi bút” của mình để lên án và đấu tranh với những người có hành vi tham nhũng. Mặt khác, các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản cũng cần là chỗ dựa vững chắc, tạo điều kiện, hỗ trợ và bảo vệ các phóng viên, nhà báo của mình để họ luôn giữ được tinh thần chiến đấu. Đồng thời, không bao che, tiếp tay cho những phóng viên, nhà báo có những biểu hiện suy thoái về mặt đạo đức, lợi dụng nghề nghiệp, lợi dụng uy tín của đơn vị để trục lợi cho bản thân mà che giấu các hành vi tham nhũng. Những đối tượng như vậy cần kiên quyết xử lý, kỷ luật để “thanh lọc” và đem lại cái nhìn đúng đắn của công chúng đối với báo chí!

Cảm ơn bà rất nhiều vì những trao đổi thẳng thắn và đóng góp đầy tâm huyết!

TS. Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW: “Cơ thể” xã hội sẽ mất sức đề kháng nếu báo chí không mạnh mẽ chống tham nhũng

Lãnh đạo nước ta đã nói nhiều lần rằng, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực thì không có vùng cấm, nhưng trên thực tế, theo tôi có không ít vụ việc chưa được minh bạch thông tin một cách đầy đủ. Khi nói về trách nhiệm thì có những vụ việc còn dừng lại nửa chừng, không dám truy đuổi đến cùng, nhất là đụng đến các vị có chức vụ to.

Trong thời gian qua, tôi thấy báo chí đã tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đã phát hiện nhiều vụ việc, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả những vụ lớn, liên quan đến cán bộ có chức to. Báo chí phát hiện nhiều hơn hẳn so với việc phát hiện của các cơ quan chức năng. Đó là sự tiến bộ của báo chí cũng như công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, mặc dù chưa phải đã đủ nhiều so với tình hình tham nhũng hiện nay. Thực tế cho thấy, nếu báo chí không đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, tiêu cực th́ cũng có nghĩa là “cơ thể” xã hội sẽ mất sức đề kháng, một loại bệnh chết người rất nguy hiểm.

Mấy năm gần đây, đặc biệt sau Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo mạnh mẽ và kiên quyết hơn đối với công tác chống tham nhũng. Rất nhiều cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tình, hoan nghênh. Tuy nhiên công việc cũng mới là bước đầu, còn phải làm nhiều hơn nữa. Lãnh đạo cao nhất của Đảng đã có chỉ đạo như vậy. Đó là việc đúng và rất cần thiết. Báo chí cần tích cực tham gia để góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống chính trị và chấn hưng văn hóa nước nhà.

Tuy nhiên theo tôi, vẫn còn có những hạn chế khi báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng. Báo chí chưa tích cực truy đuổi đến cùng trách nhiệm của người quản lý, nhất là đối với những cán bộ có chức vụ cao, chưa chỉ ra các nguyên nhân sâu xa và giải pháp hữu hiệu để phòng, chống một cách hiệu quả, nhất là các giải pháp về đổi mới cơ chế, thể chế quản lý. Riêng báo chí của khối nội chính, theo tôi cần đi sâu hơn nữa để tìm ra và kiến nghị các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện một cách tích cực, chủ động và mạnh mẽ việc cải cách trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Mấy năm gần đây, với cố gắng đáng khích lệ của các cơ quan khối nội chính, nhiều vụ oan sai đã được làm rõ và các cơ quan tư pháp đã thực hiện việc điều chỉnh, bồi thường, sửa sai, xin lỗi, minh oan. Đó là công việc rất cần thiết, nhân văn, nhân đạo và công bằng. Tôi nghĩ chắc hiện vẫn còn không ít những trường hợp oan sai khác chưa được xem xét giải quyết. Các cơ quan chức năng cần hết sức cố gắng. Các cơ quan báo chí cần tiếp tục vào cuộc.

Cuối cùng, tôi mong báo chí nước ta lành mạnh hơn. Nói điều này là vì thấy hiện nay, bên cạnh số đông những người làm báo có trách nhiệm với xã hội, đã có, đang có một bộ phận không ít những người viết báo tham gia vào các “nhóm lợi ích” tiêu cực, vì tiền mà viết để bao che, đánh bóng, hoặc “đâm thuê, chém mướn”, làm cho trắng đen lẫn lộn. Họ đã hành động gây hại cho xã hội và làm mất uy tín của những người làm báo.

Phan Minh (lược ghi)

Tuệ Lâm (thực hiện)

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin