Đại biểu Quốc hội đề nghị nên giảm thuế VAT từ 3 - 4% và kéo dài đến hết 2024

31/05/2023 15:14

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỉ lệ giảm thuế VAT đến 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu; kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để chính sách phát huy hiệu quả.

1-1685520699.jpg

Đại biểu Quốc hội đề nghị nên giảm thuế VAT từ 3 - 4% và kéo dài đến hết 2024

Đối với chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa XV, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Chính phủ huy động các kênh thông tin, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng biết và đón nhận. Quốc hội tiếp tục xem xét mức giảm thuế VAT xuống từ 3% - 4% và kéo dài đến hết năm 2024.

“Trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh nặng thuế cho DN để thu hút đầu tư, Việt Nam cũng nên xem xét giảm thuế VAT ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua. Từ đó DN có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy DN, góp phần cho sự ổn định và phát triển KT-XH các địa phương trong cả nước”, Đại biểu Tô Ái Vang đề nghị.

Một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Việt Nam, nhấn mạnh giảm thuế đồng bộ sẽ gỡ nút thắt của nền kinh tế. Bối cảnh khó khăn, các loại hình kinh doanh có sự đan xen, chồng chéo và liên đới với nhau nên việc giảm với mặt hàng, lĩnh vực này mà không giảm đối với mặt hàng kia gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là hiện nay các doanh nghiệp đã và đang hoạt động đa ngành, có mua bán, công nợ nhiều mặt hàng, doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình khác nhau.

"Cần giảm 2% thuế GTGT với tất cả mặt hàng. Mọi cơ hội kinh doanh đều quý giá, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, việc giảm thuế này sẽ kích cầu, giải quyết khó khăn thị trường - nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp lúc này" - ông Lộc nhấn mạnh.

Cũng cho rằng không nên loại trừ các lĩnh vực khi giảm thuế VAT, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất cần mở rộng đối tượng hỗ trợ theo hướng giảm 2% cho hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất VAT 10%, không loại trừ đối với một số hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khoáng sản, không kể khai thác than (than cấp, dầu mỏ tinh chế), sản phẩm hóa chất và sản phẩm hàng hóa và chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây cũng là những lĩnh vực khó khăn, cần kích cầu tiêu dùng nên không loại trừ.

Ông Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội phân tích: "Đã là khó khăn là khó khăn chung, nếu chi li ra thì có những ngành khó khăn nhiều có những ngành khó khăn ít. Tuy nhiên, đại đa số là khó khăn cho nên việc mở rộng các loại hình ngành nghề lĩnh vực để cùng giảm thuế 2% là cần thiết để cũng thể hiện là chính sách của chúng ta công bằng".

Bạn đang đọc bài viết "Đại biểu Quốc hội đề nghị nên giảm thuế VAT từ 3 - 4% và kéo dài đến hết 2024" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin