Đại biểu HĐND TP. Hà Nội, LS. Hoàng Huy Được: Dũng khí người lính đã giúp tôi làm tốt hơn vai trò Luật sư

(Phap ly) - “Tôi chỉ là một trong hàng triệu người lính bước vào cuộc chiến và may mắn được trở về. Cũng bởi từ tâm thế ấy nên tôi nghĩ những việc mình làm được đều rất nhỏ bé với mong muốn cống hiến cho đất nước, nhân dân”. Đại biểu HĐND TP. Hà Nội, Luật sư Hoàng Huy Được đã rất khiêm tốn khi chia sẻ với Phóng viên Pháp lý về cuộc đời binh nghiệp và quãng thời gian ông hành nghề Luật sư giúp dân nghèo và tham gia bào chữa trong một số vụ án kinh tế lớn.

Đến với nghề luật rất đỗi tự nhiên

Vào những năm đất nước chiến tranh, thế hệ những thanh niên khi đó chẳng bao giờ dám ước ao được học tập rồi trở thành Luật sư. Bởi khi ấy, thấy đất nước cần là những thanh niên lên đường, họ luôn tâm niệm, nhắc nhớ tất cả cho tiền tuyến. “Thanh niên thế hệ chúng tôi, ghim trong tim câu nói của anh hùng Lê Mã Lương: Cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến chống quân thù. Quân đội là trường đại học rèn luyện tốt nhất… Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, thế hệ tôi có hàng triệu anh em đã ra đi và không trở về. Nhắc đến những hi sinh của họ, tôi luôn thấy xót xa, tôi luôn thấy mình nhỏ bé”.

 Luật sư Hoàng Huy Được
Luật sư Hoàng Huy Được)

Có lẽ đã trải qua những thời khắc chiến tranh khốc liệt, nên cứ nhắc về những kí ức cũ, Luật sư Hoàng Huy Được luôn bồi hồi. “Sự tham gia, sự trở về của tôi là may mắn. Còn rất nhiều đồng đội của tôi phải nằm xuống… Đặt mình trong những hi sinh của đồng đội, tôi thấy mình như hạt cát giữa đại dương. Ví như trong công nghệ số, tôi chỉ là một điểm ảnh trong hàng triệu điểm ảnh. Tôi đến với nghề Luật sư hết sức tự nhiên. Sau khi xuất ngũ, tôi được mời làm việc tại Sở Công an Hà Sơn Bình nhưng tôi không vào ngành công an mà chọn tiếp tục đi học, thi vào Đại học Pháp lý. Khi đi học đại học, tôi cũng không hề có khái niệm trở thành luật sư… Tôi ra trường và làm cán bộ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thế nhưng như cái nghiệp đã vận vào thân, chỉ sau một vụ việc giải quyết ở tòa với vai trò là người bào chữa, ông Được quyết định đổi nghề. “Năm 1988, người quen của tôi vướng vào một vụ tranh chấp hợp đồng mua nhà. Biết tôi học đại học Pháp lý nên người ta nhờ bào chữa. Lần đầu tiên thực hiện vai trò người bào chữa trong phiên tòa hôm ấy, tôi chỉ biết thể hiện hết mình, được HĐXX khen rằng việc tôi chứng minh, dẫn giải rất hay. Người được tôi giúp bào chữa thắng cuộc. Tôi nhận ra rằng công việc luật sư cũng không quá khó khăn, khi chạm đến thành công nghề luật sư sẽ giúp đỡ được rất nhiều người.

Và tôi quyết định chuyển sang nghề Luật sư chỉ trong một thời gian ngắn sau phiên bào chữa nhiều ấn tượng đó.

Luật sư của người nghèo

Trong suốt cuộc trò chuyện với Phóng viên Pháp lý, ông Được thường hay suy tư về nghề Luật sư. Nói về ưu thế của người Luật sư đã từng mặc áo lính, Luật sư Được tin rằng: Với phẩm chất của bộ đội cụ Hồ, kỉ luật quân đội thì người từng mặc áo lính sẽ làm luật sư tốt hơn. Nghề luật sư cũng là nghề cần dấn thân, dễ gặp nguy hiểm nên những người từng trải qua khó khăn sẽ được tiếp thêm động lực, trân quý nghề nghiệp hơn, từ đó dấn thân bảo vệ cho những số phận và những hoàn cảnh tốt hơn.

Từ tâm thế của người lính, Luật sư Hoàng Huy Được có sự cảm thông sâu sắc với những người công nhân, nông dân nghèo. “Tôi từng là Luật sư đại diện cho một gia đình bị hại là công nhân dầu khí. Năm 1993, anh công nhân đó yêu một cô nhân viên tổng đài 1080. Trong ngày nghỉ, hai người họ đang ngồi tâm tình trên bãi biển thì bị cướp chiếc xe máy là phương tiện đi lại ở đằng sau. Anh công nhân chống cự và bị cướp giết chết. Trong vụ án đó có tình tiết là bị hại mới 15 tuổi nhưng đã dám lấy chiếc dây thừng thắt cổ anh công nhân đến chết.

Sau khi bị hại mất, gia đình bị hại không nhận được sự hỏi han nào từ gia đình bị cáo. Trong vụ việc, các luật sư khác chú tâm tìm ra chứng cứ chứng minh bị cáo vô can, vô tội mà không cảm thông cho nỗi mất mát của gia đình bị hại. Họ cũng không nhắc gia đình bị cáo hỏi han, xoa dịu nỗi đau cho gia đình bị hại… Tôi đã chứng kiến những hi sinh, những cái chết nên tôi thấy nỗi đau mất người thân của gia đình bị hại quá lớn, tôi đã phải rất tập trung, cố gắng lập luận để đòi lẽ công bằng cho bị hại. Những điều đó tôi nghĩ không phải ai cũng nghĩ và làm được..

Luật sư Được trao đổi với thân chủ
Luật sư Được trao đổi với thân chủ)

Luật sư Được còn được biết đến là người sẵn sàng bỏ tiền túi để đi bào chữa cho thân chủ nghèo. Ông kể cho Phóng viên nghe về một kỉ niệm theo ông đến giờ. Đó là vụ gia đình của một bà cụ neo đơn sống cùng 2 đứa cháu làm nghề chăn vịt. Vịt đàn giữa đồng rộng mênh mông, đôi khi bị lẫn vào đàn nhà khác dẫn đến việc mâu thuẫn của 2 người cháu và gia đình khác. Vì nóng giận, 2 cháu đã lao vào đánh người khác bị thương. Trong vụ việc, Luật sư Được đã cố gắng chứng minh dù 2 thanh niên có hành vi đánh người nhưng mức độ vi phạm không đến mức cấu thành tội danh cố ý gây thương tích. Lỗi vụ việc là từ 2 phía. Sau khi phân tích tính chất, mức độ, vị trí, vai trò và ảnh hưởng của vi phạm, HĐXX tuyên trả tự do cho 2 thanh niên tại tòa. Ngày thấy cháu mình được tự do, người bà lấy chiếc nhẫn vàng nhiều năm dành dụm tích góp đem ra để trả công cho luật sư. Không những không nhận thù lao, ông còn ân cần nói với thân chủ: Hai cháu đánh nhau chỉ vì mấy con vịt. Tôi biết gia đình mình rất khó khăn nên bà cầm nhẫn về bán lấy tiền mua vịt giống cho 2 cháu trông nuôi, có công việc rồi thì hai cháu cũng đỡ chơi bời và không mắc vào những lỗi lầm xưa nữa.

Hay một kỷ niệm khác. Năm 2015, có một cặp vợ chồng mới cưới ở Lai Châu vướng vòng lao lý vì chuyện vay nợ. Hai vợ chồng họ nghèo, không có tiền. Trong chuyện vay nợ của họ, có những uẩn khúc, gian dối từ người cho vay. Luật sư Được biết được vụ án nên đã lặn lội lên tận Lai Châu bào chữa giúp. Khi nghe luật sư trình bày với những luận cứ thuyết phục chứng minh bị cáo không gian dối, không bỏ trốn nên không cấu thành tội.. HĐXX đã tuyên trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa. “Tôi đã bỏ tiền túi đi bào chữa cho họ… Chứng minh xong họ vô tội và trở về Hà Nội, tôi khép lại hồ sơ, dành tâm huyết cho những vụ việc khác. Sau đó thân chủ của tôi ngày gần Tết gọi điện lại, đề nghị thanh toán tiền. Nghĩ cảnh thân chủ nghèo khó, tôi không lấy tiền, thấy họ hàm ơn mình, tôi chỉ nhắc nhở, động viên họ vun vén làm ăn”, Luật sư Được chia sẻ.

Trăn trở về tội phạm tham nhũng

Không chỉ được biết đến là Luật sư của người nghèo, ông còn được biết đến là Luật sư của nhiều quan chức. Là Luật sư bào chữa cho bị cáo trong nhiều vụ án kinh tế lớn như vụ buôn lậu 11 nghìn tấn thuốc lá ở Lào Cai, vụ tham nhũng đề án tin học của Chính phủ, vụ rút ruột tượng đài Điện Biên Phủ, vụ Dương Chí Dũng, vụ án Oceanbank… Tâm sự về những lần bào chữa cho bị cáo tại những vụ án kinh tế lớn, Luật sư Được cho hay: Tôi không phân biệt án nhỏ, án lớn và người được bào chữa là ai. Tôi đối xử công bằng nhất với các thân chủ, kể cả họ là Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT hay chỉ là anh công nhân. Điều tôi luôn quan tâm là phải lần tìm ra những lý lẽ, dẫn chứng thuyết phục nhất để thuyết phục HĐXX. Và với mỗi thân chủ, tôi có cách nói tiếng nói của họ khác nhau, nói sao cho HĐXX nghe được…

Tâm tư về việc xét xử bị cáo là quan chức tham nhũng, cụ thể là trong vụ án Dương Chí Dũng, Luật sư Được chia sẻ: tôi là luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines), tôi mang nhiều băn khoăn khi các cơ quan tố tụng xác định hành vi vi phạm và quy tội cho bị cáo này… Cho đến bây giờ bản án đã có hiệu lực pháp luật thì tôi cho rằng việc xử lý như vậy có phần chưa thấu đáo. Tôi luôn cho rằng, tất cả những hành vi tham ô, tham nhũng tiền thuế của người dân cần bị xử nghiêm minh nhưng chứng minh tội phạm phải minh thị, buộc tội thỏa đáng thì người phạm tội mới tâm phục, khẩu phục.

Hết mình với trách nhiệm đại biểu của dân

Luật sư Hoàng Huy Được hiện là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và ông còn giữ trọng trách là Đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội. Trong quá trình làm đại biểu, ông đã luôn thể hiện trách nhiệm là người đại biểu của dân. “Tôi nhận trên vai trách nhiệm đại biểu, tôi nghĩ là đại biểu thì cần luôn lắng nghe dân và cần có kĩ năng, sự khéo léo trong truyền tải ý kiến của họ. Khi đã là đại biểu của cơ quan dân cử ngoài gần dân, lắng nghe dân thì không được thờ ơ với những bức xúc, kiến nghị của dân…”.

Còn nhớ, trước khi Thủ tướng Chính phủ lên tiếng phê phán về hiện tượng nhiều khu chung cư, nhà cao tầng mọc ở nội đô gây ách tắc giao thông nghiêm trọng thì chính ĐB Hoàng Huy Được là người đầu tiên nêu ra vấn đề này. Ông nói: Trước đây, Thủ tướng Chính phủ có chủ trương di dời nhiều cơ sở sản xuất ở nội thành ra ngoại thành để giảm ùn tắc giao thông nhưng thực tế thì các cơ sở di dời chưa được bao nhiêu thì lại kéo vào những nhà cao tầng, nhà chung cư gây ùn tắc giao thông… Thế nhưng khi nói về trách nhiệm trong vấn đề này, nhiều người cho rằng tại ý thức giao thông, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của người dân kém. Luật sư Được đã “gỡ tội” cho dân bằng những lập luận sắc sảo. Ông cho rằng chịu trách nhiệm cho thực trạng giao thông ách tắc là cơ quan nhà nước nhất là cơ quan quy hoạch của Hà Nội. Ông không chỉ đưa ra góc nhìn mà còn bằng những lý lẽ, dẫn chứng biện giải, thuyết phục buộc các cơ quan chức năng phải nhìn thẳng vào vấn đề.

Tâm niệm về công việc của một đại biểu của dân, ông cho rằng: Trước khi trở thành đại biểu của dân, mỗi đại biểu thường đặt ra những mục tiêu và có những lời hứa trước dân. Tôi cho rằng những lời hứa ấy gắn liền với danh dự của đại biểu. Tôi đã hứa và sẽ luôn phấn đấu để thực hiện lời hứa đó một cách trọn vẹn…

“Tôi học cùng anh Được trong khóa học đầu tiên của trường Đại học Pháp lý. Tôi thấy ngoài đời anh Được là một người anh tốt, trong hành nghề anh là một luật sư tài và có tâm. Tham gia cùng anh trong một số vụ án, tôi thấy anh là một luật sư cứng, sẵn sàng lên tiếng, không ngại động chạm khi tham gia tố tụng. Có lần, ngồi cùng anh trong phiên tòa tại huyện An Dương Hải Phòng, VKS có những vi phạm về tố tụng khi cho thêm kiểm sát viên vào vụ án mà không thực hiện các thủ tục cần thiết. Anh Được đã lên tiếng, cương quyết không để cơ quan kiểm sát làm ẩu, không để kiểm sát viên vào vụ án khi không thực hiện đầy đủ các quy định về tố tụng.

Tham gia nhiều vụ án cùng anh, tôi thấy anh luôn mang nhiều tình thương, sự đồng cảm với thân chủ. Anh quyết tâm theo nhiều vụ việc giải oan cho thân chủ mà không đặt ra vấn đề thu phí. Anh cũng tham gia nhiều vụ án ở vùng sâu, vùng xa mà không ngại khó, ngại khổ và không ngại thân chủ không có tiền để trả cho dịch vụ pháp lý cần thiết…

(Luật sư Vũ Văn Lợi - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Phan Phan

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin