Quy định này giúp xử lý triệt để những hành vi vi phạm pháp luật bất kể thời điểm nào và người đó còn công tác hay đã nghỉ hưu.
Tại kỳ họp Quốc hội này, đại diện Thanh tra Chính phủ đã trình bày tờ trình và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo sửa đổi. Vấn đề gây chú ý trong dự thảo luật là việc không quy định thời hiệu tố cáo, tức là cán bộ về hưu vẫn có thể bị xử lý nếu bị tố cáo. Nhiều ý kiến cho rằng đây là điểm tiến bộ cần được chính thức quy định.
Về hưu, chuyển công tác vẫn xử?
Theo tờ trình dự thảo luật, để tạo thuận lợi cho người dân, đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật, tránh tình trạng bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, dự thảo không quy định thời hiệu tố cáo. Đồng thời dự thảo bổ sung quy định giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức (khoản 4 Điều 12 dự thảo luật).
Cũng theo tờ trình, thời hiệu tố cáo đang có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần quy định thời hiệu tố cáo. Vì thực tế có nhiều khi tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra từ lâu, không còn gây nguy hại nhưng người dân vẫn tố cáo, cơ quan nhà nước phải thụ lý, giải quyết. Điều này gây tốn kém, lãng phí trong quá trình giải quyết tố cáo.
Loại ý kiến thứ hai thì ủng hộ dự thảo luật. Vì BLTTHS, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật hiện hành không quy định thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Việc tố cáo hành vi vi phạm xuất phát từ nhận thức của người tố cáo. Còn việc đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội, xử lý, giải quyết tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Do đó để tạo thuận lợi cho người dân, đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật, tránh tình trạng bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, không nên quy định thời hiệu tố cáo.
Có trách nhiệm trước cái sai
Ông Nguyễn Kim Tiếng, nguyên Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM, đồng tình với hai nội dung nêu trên trong dự thảo Luật Tố cáo. Theo ông Tiếng, các bộ luật, luật khác liên quan đều quy định thời hiệu giải quyết. Giả sử người tố cáo phản ánh một sự việc vi phạm rõ ràng thì cơ quan giải quyết sẽ đối chiếu với các quy định của luật khác xem có thể vận dụng xử lý được không. Nếu tất cả luật liên quan đều hết thời hiệu thì lúc đó nên dùng Luật Tố cáo để giải quyết chứ không thể để sai phạm đó trôi qua.
“Cán bộ, công chức, viên chức là hình ảnh của đất nước liên quan đến đạo đức và nguyên tắc xử sự trong xã hội, nếu họ vi phạm pháp luật thì dù đã nghỉ hưu, chuyển công tác vẫn nên xử lý. Nếu không nó sẽ làm giảm sút niềm tin của người dân với cơ quan công quyền” - ông Tiếng nói. Theo ông Tiếng, dù đã về hưu hay nghỉ việc thì hành vi sai phạm của người đó vẫn chưa được xử lý nếu tố cáo là có cơ sở. Chưa kể, nếu chuyển công tác và tiếp tục giữ các chức vụ cao hơn thì hậu quả càng nặng nề hơn. Nếu chỉ vì hết thời hiệu tố cáo mà không xử lý được sai phạm thì hình ảnh của người cán bộ, công chức ấy sẽ thế nào?
“Hiện tượng cán bộ nghỉ hưu rồi mới phát hiện sai phạm ngày càng nhiều nên việc dự thảo luật không quy định thời hiệu giải quyết là đúng, có vậy mới xử lý được gốc vấn đề” - luật sư (LS) Nguyễn Toàn Thiện, chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận, phân tích. Bởi việc xử lý cán bộ không chỉ hiểu là cảnh cáo, cách chức vì nếu họ về hưu rồi thì không còn chức để cách. Quan trọng là xử lý được những tài sản của họ có được do hành vi trái pháp luật vì lợi dụng vị trí công tác khi còn đương chức. Ngoài ra, giải quyết tố cáo còn là xử lý vấn đề về tư cách, đạo đức của cán bộ, công chức. Chẳng hạn, khi còn làm việc vì nhận “quà hối lộ tình dục” người cán bộ đó có con ngoài giá thú nhưng im bặt. Khi về hưu ông ta mới công khai con của mình và coi đó là chuyện đương nhiên. Trường hợp này cũng phải xem xét xử lý hành vi sai phạm về đạo đức, tư cách.
Một LS Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa bổ sung, có nhiều trường hợp cán bộ bị tố cáo lúc đương chức hoặc giữ chức vụ thấp nhưng hiện tại giữ chức vụ cao hơn. Nếu quy định thời hiệu tố cáo thì sẽ không xử lý được họ. Ngoài ra, không quy định thời hiệu tố cáo cũng không mâu thuẫn với nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm xảy ra trước đây nay đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.
Cùng quan điểm nhưng tại cuộc hội thảo gần đây, một chuyên gia tư pháp đề nghị phân biệt thời hiệu thành hai loại vụ việc khác nhau. Nếu vụ việc tố cáo liên quan đến vi phạm pháp luật về tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây thất thoát tài sản nhà nước, vi phạm về quản lý nhà nước… thì không cần thời hiệu. Nhưng đối với những vụ việc đơn lẻ, cá biệt thì cần phải quy định thời hiệu tố cáo cụ thể để thuận lợi cho việc giải quyết, tránh việc đã quá lâu không xác minh được.
Có thể tố cáo qua email, fax…?
Có ý kiến đề nghị dự thảo luật cần bổ sung các hình thức tố cáo như qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… Bởi thực tế có tình trạng nhiều người tố cáo sợ bị trả thù, bị trù dập nên ngại gửi đơn đích danh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng cần giữ nguyên như luật hiện hành là tố cáo phải bằng đơn có ký tên (hay điểm chỉ) hoặc người tố cáo đến trực tiếp. Nhưng nếu có đơn tố cáo nặc danh hoặc những thông tin tiếp nhận qua đường dây nóng có nội dung, sự việc cụ thể, đưa ra các dẫn chứng rõ ràng thì cơ quan chức năng cũng nên xem xét. Nếu luật cho phép các hình thức tố cáo khác như gửi email, gọi điện thoại thì người tố cáo có xu hướng lập ra các thông tin giả trong quá trình gửi thông tin. Lúc này việc giải quyết đơn tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Theo PLO