Đã có nhiều bất cập xuất hiện khi triển khai Nghị quyết số 42 xử lý nợ xấu

28/08/2018 21:46

Nghị quyết 42 đã dần hình thành một thị trường mua bán nợ theo đúng nguyên tắc của thị trường và đã tạo tiền đề để các tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động tương đối theo nguyên tắc thị trường.

Trong Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (NQ 42) và Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg, ngoài những con số về nợ xấu được đưa ra thì bên cạnh đó còn có những vấn đề nan giải trong việc xử lý nợ.

Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng (NHNN) cho rằng, có hàng loạt bất cập cũng đã xuất hiện khi triển khai NQ 42 như: Việc thực hiện nội dung liên quan đến hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại NQ 42; Vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua; Công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các Tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; Vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản còn dở dang; Trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm thiếu chữ ký của bên thế chấp; Quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC….

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ)

“Cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm chưa đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng nên gặp khó khăn trong việc xác định tài sản bảo đảm nào đang tranh chấp, tài sản bảo đảm nào đang phải áp dung biện pháp khẩn cấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo NQ 42”, ông Du nói.

Trước tình hình trên, trong thời gian tới, NHNN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành và các đơn vị tổ chức có liên quan cần tiếp tục đảu mạnh hơn nữa quá trình phân loại; sắp xếp các doanh nghiệp trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện tái cơ cấu nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện để hệ thống Tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính. Mặt khác, NHNN cũng đề xuất Thủ tướng có văn bản gửi TANDTC xem xét phối hộ với VKSNDTC chỉ đạo về việc hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại NQ 42.

Nói về kết quả và hành trình xử lý nợ xấu, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội TS. Nguyễn Đức Kiên từng trao đổi trên Thời báo Ngân hàng, rằng đến thời điểm này kết quả thu được là tương đối tốt. Ở đây thấy rằng, không chỉ nhìn về con số, mua bán nợ sau NQ42 có bước tiến về chất. Các tổ chức và cá nhân đang có nợ tại các TCTD đều có nhìn nhận tương đối khách quan về trách nhiệm của mình phối hợp với người cho vay để xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu.

Chúng ta cũng thấy thông qua NQ42 cũng đã dần hình thành một thị trường mua bán nợ theo đúng nguyên tắc của thị trường và đã tạo tiền đề để các TCTD hoạt động tương đối theo nguyên tắc thị trường. Ngoài mua bán nợ, hoạt động thu nợ của các TCTD đặc biệt là VAMC kể từ sau khi có NQ42 có bước tiến đáng kể. Có những TSBĐ từ trước đến nay không bao giờ nghĩ là thu được, nhưng đến thời điểm này đã thu được rất tốt. Đấy cũng là hồi chuông cảnh tỉnh những người còn chây ỳ, dựa dẫm vào quan niệm Nhà nước chịu trách nhiệm an ninh tiền tệ thì Nhà nước phải đứng ra bảo lãnh vô điều kiện cho các khoản nợ xấu của DN đã không thành hiện thực.

TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, có hai điểm nhấn lớn nhất đã đạt được sau 1 năm triển khai NQ42. Thứ nhất là thay đổi nhận thức để chúng ta có thể điều hành lại nền kinh tế từng bước tiếp cận với nguyên tắc kinh tế thị trường. Thứ hai, những vấn đề dự báo tác động tích cực, tiêu cực của NQ42 đối với nền kinh tế, TCTD tương đối sát. Điều có ý nghĩa đặc biệt nữa của NQ42 khẳng định những “ưu ái” không chỉ đối với NHTM Nhà nước mà bao gồm cả các ngân hàng từ thành phần kinh tế khác nhau thể hiện bình đẳng quan tâm tới tất cả loại hình sở hữu chứ không phân biệt đến Nhà nước và tư nhân. Với những gì đang diễn ra tôi tin rằng NQ42 sẽ tiếp tục phát huy được hiệu lực trong cuộc sống.

Theo Thu Hà (antt.vn)

Nguồn bài viết: http://antt.vn/da-co-nhieu-bat-cap-xuat-hien-khi-trien-khai-nghi-quyet-so-42-xu-ly-no-xau-252418.htm

Bạn đang đọc bài viết "Đã có nhiều bất cập xuất hiện khi triển khai Nghị quyết số 42 xử lý nợ xấu" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin