"Thầy Thiên Đức" của tác giả Trần Việt Trung là câu chuyện về vị thầy có thật, là một danh y của Việt Nam, đồng thời là thầy dạy của tác giả.
Thông qua câu chuyện về thầy Thiên Đức, cuốn sách đã làm sống lại một nền văn hóa xưa, dựa trên nền tảng Nho học với những giá trị xưa của dân tộc.
Nho học và nếp Nho gia của một danh y
Trong lời dặn dò Thực, chàng trai sau này trở thành thầy Thiên Đức, người cha đã dạy: “Nhà mình theo nề nếp của tổ tiên, lấy học hành văn chương làm nền tảng, trong giữ hòa khí với họ hàng làng xóm, ngoài quan hệ rộng rãi với các bậc học cao biết rộng, thế nên ở đâu cũng được quý trọng”.
Chính bởi cái nền Nho học được tích tụ suốt chiều dài lịch sử đất nước ấy mà dù vào thời đại của thầy Thiên Đức, khi các khoa thi đã được bãi bỏ, ông vẫn cần mẫn học những Tứ thư, Ngũ kinh, “ngoài học ở nhà, con phải học thêm các bậc hãy chữ mà cha quen biết để mở rộng tầm mắt, khi ấy văn chương sẽ hay hơn”
Gia đình thầy Thiên Đức lưu giữ đầy đủ phần sách Nho học, ngoài nguyên bản những tác phẩm kinh điển còn có đầy đủ những phần bình luận của các Nho gia tên tuổi, để học hỏi, để trau dồi.
Cái nếp Nho học, thầy Thiên Đức được thấm đẫm nhuần nhuyễn, từ ấy mà có nền tảng cơ sở để học tập, và hoàn thiện bản thân mình về sau này.
Dù sau này, trải qua những thăng trầm biến đổi của đời sống xã hội, cùng với sự mai một của Nho học, với những cuộc chiến tranh liên miên và đói nghèo cực khổ, thầy Thiên Đức vẫn giữ cho tâm hồn được nhẹ nhõm, mà từ đó thâu nạp thêm một lượng kiến thức khổng lồ về y học, nhân tướng học, tử vi, phong thủy... đều nhờ cái gốc Nho học đó.
Điều đặc biệt hơn hết chính là giữ cho mình được cái tinh thần chính trực, nhiệt thành, cao quý của Nho gia. Những cốt lõi tinh túy nhất của Nho học đã giúp thầy Thiên Đức vững vàng trong những khó khăn.
Khi đất nước rơi vào cảnh chiến tranh loạn lạc, thầy quyết đưa cả gia đình lên Hà Nội lập nghiệp. Gia đình gồm vợ chồng con cái, lại thêm mẹ mà phải sống tạm bợ trong một căn nhà lợp mái tôn lụp xụp. Năm hết tết đến, thầy phải đem nghiên bút ra đường “bán chữ”. Chính từ cái ngày bán chữ ấy, mà cuộc đời thầy Thiên Đức đã tìm ra được một hướng đi đầy thiện tâm, và cao quý. Ấy là trở thành một thầy thuốc.
Dùng tất cả những kiến thức y học lâu đời, thầy đã chữa bệnh, bốc thuốc suốt đời mình. Không những thế, thầy còn là thế hệ Thập nhị bát tú lương y đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thầy làm việc cần mẫn, chỉ chuyên chú vào bệnh nhân, không màng danh lợi, tích cực tham gia những hoạt động tập thể.
Cả đời thầy Thiên Đức, lấy Nho học làm nền tảng cho cả sự nghiệp và đời sống. “Cuộc đời của thầy từ lúc sinh ra, lớn lên, trưởng thành, làm việc, thế cũng là đủ mùi thế vị”, để nhận thấy rằng “Cao thấp vơi đầy, thế thời thế/ An vui thanh thản, ta hiểu ta”. Ấy là cái cốt của một nhà Nho, cũng là cái cốt của một nét đẹp văn hóa xưa cũ mà ngày nay đang có nguy cơ bị mai một.
“Nho học chính là nền tảng của rất nhiều học thuật mà ông cha để lại. Cái gì đã có sẽ không mất đi, khi ta chưa nhìn thấy chỉ là lúc nó đang ẩn mình. Sẽ đến một ngày, người Việt cần phải xem lại, học lại những gì ông cha ta đã thấm đẫm nhiều trăm năm, góp phần tạo nên quá khứ rực rỡ của dân tộc, trong đó có nền văn hóa Việt. Không có văn hóa, sẽ không có tư tưởng, không có bản sắc”
Nho học là cái cốt căn bản định hướng đời sống của thầy Thiên Đức, và là chỗ dựa vững chắc khiến thầy kiên trì theo đuổi mục tiêu của cuộc đời.
Tâm hồn cao quý và tình thầy trò cảm động
Cuốn sách Thầy Thiên Đức do tác giả Trần Việt Trung, cũng là học trò của thầy Thiên Đức viết. Trong câu chuyện về cuộc đời của thầy Thiên Đức, ngoài những thành tựu trong sự nghiệp của ông, cuốn sách còn lưu giữ rất nhiều những câu chuyện giản dị mà cảm động về đời sống riêng tư của thầy Thiên Đức.
Bên cạnh khám chữa bệnh, thầy Thiên Đức còn mở lớp dạy nghề y. Học trò của thầy không nhiều, nhưng ai đã bền gan mà theo, thì theo đến cùng, rất mực kính trọng, rất mực gần gũi với thầy. Như lời tác giả Trần Việt Trung chia sẻ, “Tôi đã lặng lẽ đi từng bước một trên con đường dằng dặc, hun hút của học thuật như thế, bởi vì trong lòng ngự trị một đức tin của đạo thầy trò”.
Học ở thầy không chỉ học nghề, mà còn học đạo, học văn chương, còn là chia sẻ tâm tư, trằn trọc, âu lo trong đời sống. Lấy gương thầy mà noi theo, mà dấn bước, trưởng thành.
Cái lối viết rất mực chân thành, giản dị của tác giả Trần Việt Trung trong cuốn sách thực là lối viết của một tấm chân tình, cũng là sự tri ân và ngưỡng mộ đối với một người thầy “đức cao vọng trọng”, như thầy Thiên Đức.
Không cần những kỹ thuật viết tân tiến, không cần lên gân, tác giả cứ nhẩn nha mà kể, nhưng lại vô cùng cuốn hút bởi bản thân cuộc đời ấy vốn đã chứa đầy những điều hấp dẫn.
Đọc cuốn sách, độc giả không chỉ cảm động bởi được biết đến một con người có tấm lòng hướng thiện đẹp đẽ trong thiên hạ mà còn được biết đến những truyền thống Y học cổ truyền lâu đời của dân tộc, với danh y Tuệ Tĩnh, người được phong là ông tổ ngành dược Việt Nam và là người mở đầu cho nền y học cổ truyền Việt Nam.
Các bộ sách Nam Dược thần hiệu và Hồng Nghĩa tư giác y thư của ông được nhắc đến trong cuốn sách, không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học Việt Nam.
Hay danh y Hải Thượng Lãn ông, người đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc.
Tác giả đã khắc họa thành công chân dung của một danh y sâu sắc, hiểu biết, cao quý với những nét trầm mặc hiếm có. Bằng những ngôn từ dung dị, gần gũi với đời sống, nhưng thông qua thủ pháp chương hồi, đã tạo nên được một không khí lưu ảnh, dư âm điềm đạm của Nho gia. Ấy cũng là bởi tài năng và tình cảm đậm đà.
Thầy Thiên Đức không chỉ là một tác phẩm hay mà cuốn sách còn là một tài liệu quý giá, đem lại thêm nhiều hiểu biết cho độc giả về một nền y học cổ truyền phát triển của Việt Nam.
Theo Zing