Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh.
Trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội, nhiều quy định của pháp luật được xây dựng, ban hành, hoàn thiện kịp thời, nhất là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 13 luật và 15 Nghị quyết; ban hành 190 nghị định, 185 nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ ban hành 52 quyết định về quản lý, điều hành. Các Bộ, ngành, địa phương ban hành 6.277 văn bản; sửa đổi, bổ sung 589 văn bản nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, qua đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần hạn chế những sơ hở, bất cập trong quản lý dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường xây dựng, trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ hơn để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả như: Luật tố cáo (sửa đổi), Luật quy hoạch, Luật quản lý nợ công...; khẩn trương hoàn thiện dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật bảo vệ bí mật nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công; rà soát, đề xuất sửa đổi các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư, kiểm tra chuyên ngành; xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh giúp giảm chi phí không chính thức, hạn chế nhũng nhiễu doanh nghiệp; góp phần làm tăng niềm tin của doanh nghiệp vào bộ máy chính quyền, thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Trong kỳ báo cáo, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội đã tiến hành rà soát 345 thủ tục hành chính và đề xuất đưa ra khỏi danh mục 26, bãi bỏ 54, đơn giản hóa 113 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề nghị cắt giảm 241/345 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm tỷ lệ 69,8%); Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, dự kiến sẽ cắt giảm 53/78 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực hàng không, giảm khoảng 66% số điều kiện thuộc lĩnh vực đường bộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 110 điều kiện kinh doanh (chiếm gần 52% tổng số điều kiện kinh doanh)...
Trên cơ sở Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03-02-2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương đã ban hành kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, tinh gọn và giảm đầu mối tổ chức bên trong; giảm tối đa các tổ chức liên ngành; giảm số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực như: Bộ Công an (giảm 6 tổng cục và 60 đơn vị cấp cục), Bộ Tài chính (giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh), Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiều bộ, ngành khác (thực hiện giảm đơn vị đầu mối, giảm cấp phòng trong các vụ, cục); các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn...
Theo noichinh.vn
Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/201901/cong-tac-xay-dung-hoan-thien-the-che-ve-phong-chong-tham-nhung-tiep-tuc-duoc-day-manh-304949/