Công bố 3 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

01/03/2018 08:33

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chính thức công bố 03 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Ngày 07/02/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 21 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 02 dự án Luật và thông qua 02 Nghị quyết.

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 21; Căn cứ Quy định tại khoản 2, Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; ngày 26/02/2018, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chính thức công bố 03 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV ban hành gồm:

1 - Nghị quyết số 484/NQ-UBTVQH14, ngày 07/02/2018, "Về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc".

Cụ thể, Nghị quyết số 484/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày 7/2/2018, quyết nghị thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Thành lập phường Tiền Châu trên cơ sở toàn bộ 7,14 km2 diện tích tự nhiên và 12.689 người của xã Tiền Châu. Địa giới hành chính phường Tiền Châu: Đông giáp các phường Hùng Vương, Trưng Trắc, Trưng Nhị; Tây giáp huyện Bình Xuyên; Nam giáp thành phố Hà Nội; Bắc giáp phường Nam Viêm.

Thành lập phường Nam Viêm trên cơ sở toàn bộ 5,88 km2 diện tích tự nhiên và 8.489 người của xã Nam Viêm. Địa giới hành chính phường Nam Viêm: Đông giáp thành phố Hà Nội; Tây giáp huyện Bình Xuyên; Nam giáp các phường Trưng Nhị, Phúc Thắng, Tiền Châu; Bắc giáp xã Cao Minh và phường Xuân Hòa.

Thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở toàn bộ 120,13 km2 diện tích tự nhiên và 155.435 người của thị xã Phúc Yên. Địa giới hành chính thành phố Phúc Yên: Đông và Nam giáp thành phố Hà Nội; Tây giáp huyện Bình Xuyên; Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên.

Sau khi thành lập 2 phường và thành phố Phúc Yên, Thành phố Phúc Yên có 10 đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện và 2 thành phố; 137 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 110 xã, 15 phường và 12 thị trấn.

Về tổ chức thực hiện, theo Nghị quyết, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2 - Nghị quyết số 485/NQ-UBTVQH14, ngày 08/02/2018, "Về giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến hết tháng 6 năm 2017".

Nghị quyết số 485 /NQ-UBTVQH14 về giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến hết tháng 6 năm 2017 ngày 8/2/2018 nêu rõ: Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong nhiệm kỳ 2016-2021, UBTVQH yêu cầu các cơ quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây: Chính phủ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chú trọng kiểm tra việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; chỉ đạo nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật trong việc phân cấp, phân quyền; giao quyền chủ động cho cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương... theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 735 – KH/ ĐĐQH ngày 18/01/2018 của Đảng đoàn Quốc hội.

Chính phủ chỉ đạo việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan của Chính phủ tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, 2019 sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Ban Công tác đại biểu tiếp tục tăng cường công tác tham mưu giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội trong việc tổ chức các Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động cho Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ban Công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động Hội đồng nhân dân trong Quý 3 năm 2018; tiếp tục phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các khu vực trên toàn quốc.

Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn chỉnh các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quốc về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật và văn bản cá biệt; thời gian thẩm tra dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương....

Các Tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục chỉ đạo kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tham gia cấp ủy, bảo đảm nghiêm túc theo đúng quy định tại Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 31/01/2016 của Ban Tổ chức Trung ương; quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đối với đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; tiếp tục bố trí đủ số đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách theo quy định của pháp luật. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân.

Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi ban hành nghị quyết, nhất là nghị quyết quy phạm pháp luật phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng chất lượng công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, ý kiến của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, chủ trì trình nghị quyết nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết.

Tăng cường hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp, hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, nghiên cứu ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Hội đồng nhân dân các cấp chủ động triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân vào cuối năm 2018 theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội.

Việc tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật phải thực chất, đến được với người dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đẩy mạnh công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

3 - Nghị quyết số 487/NQ-UBTVQH14, ngày 12/02/2018, về "Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2021".

Nghị quyết số 487/NQ-UBTVQH14 phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2021 ngày 12/2/2018 đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm 2 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2021 tại một số quốc gia. Cụ thể phê chuẩn đồng chí Phạm Vinh Quang, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Indonesia kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Timor Leste và Nhà nước Độc lập Papua New Guinea. Đồng chí Tạ Văn Thông, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại New Zealand kiêm nhiệm Cộng hòa Fiji và Nhà nước Độc lập Samoa. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Theo Congly

Bạn đang đọc bài viết "Công bố 3 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội" tại chuyên mục Sự kiện nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin