Vừa qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức họp lấy ý kiến về Dự thảo Luật Công an xã. Nhiều ý kiến liên quan đến trình độ, nghiệp vụ của công an xã được cộng đồng mạng tranh luận sôi nổi, nhưng chế độ đãi ngộ với công an xã thì hầu như bị lãng quên.
Bạn tôi làm công an viên được hai năm, anh thường đi sớm về khuya, giờ giấc thất thường để giải quyết những vụ trộm cướp, xô xát, đánh nhau. Nhưng đến cuối tháng, anh chỉ nhận được một khoản trợ cấp bằng 95% lương cơ sở (khoảng 1 triệu đồng). Hết việc, anh lại xuống đồng làm nông dân để nuôi vợ con. Thi thoảng bị đám trai làng hăm doạ khi can thiệp vào các vụ ẩu đả, cô vợ khuyên anh bỏ nghề vì thu nhập chẳng đáng là bao.
Đó là hoàn cảnh điển hình của công an xã ở nước ta. Là lực lượng có mặt sớm nhất ở hiện trường các vụ việc vi phạm pháp luật, nhưng phần lớn công an xã được trang bị rất thô sơ. Khi đương đầu với những tội phạm nguy hiểm, đôi khi họ phải trả giá bằng cả sinh mạng.
Ngược lại với rủi ro cao, chế độ đãi ngộ của họ rất thấp. Nhiều công an viên ngoài phụ cấp không được đóng bảo hiểm. Nhiều người gặp tai nạn trong lúc làm nhiệm vụ không được công nhận thương binh, liệt sỹ do các thủ tục, do cách hiểu và áp dụng luật bất cập. Rủi ro trong nghề nghiệp không chỉ mình họ gánh chịu, mà còn là những gia đình phía sau lưng, nơi mà họ là trụ cột.
Dự luật Công an xã có một điểm mới đáng chú ý, bổ sung điều khoản về công nhận thương binh, liệt sỹ cho công an xã. Điều này không có trong Pháp lệnh Công an xã năm 2008. Nhưng chế độ đãi ngộ với công an viên và Phó Công an xã không có gì thay đổi, vẫn chỉ là "phụ cấp", chỉ có Trưởng Công an xã mới được hưởng lương và biên chế.
[caption id="attachment_146795" align="aligncenter" width="410"] Công an xã là lực lượng có mặt sớm nhất ở hiện trường các vụ việc vi phạm pháp luật. Khi đương đầu với những tội phạm nguy hiểm, đôi khi họ phải trả giá bằng cả sinh mạng, thế nhưng chế độ đãi ngộ của họ rất thấp (Ảnh Yến Anh/Báo Mới)[/caption]
Những năm qua, nhiều vụ lạm quyền của công an xã đã gây nên ấn tượng xấu về lực lượng này, khiến những khó khăn của những người công an xã khác, đang làm tốt nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an bị lu lấp.
Khi dự thảo luật được đưa ra, số đông dư luận lo ngại trình độ công an xã thấp, lo ngại việc giao quyền sẽ dẫn đến lạm quyền. Ít ai biết về những người vợ mặt buồn so khi cuối tháng chồng đem về 1 triệu "phụ cấp". Ít ai nghĩ đến những công an xã đã đổ máu khi đối đầu với những tội phạm manh động. Những công an xã bị thương, hi sinh để lại gánh nặng cho gia đình.
Vấn đề ở đây là sự bất tương xứng trong chức năng, nhiệm vụ so với vị trí của họ trong con mắt của cấp trên và người dân. Trong Pháp lệnh công an xã và Dự thảo luật mới đều quy định "Công an xã là lực lượng bán chuyên trách", và trình độ tối thiểu chỉ cần bậc tiểu học, nhưng nhiệm vụ của họ thì không "bán chuyên trách" chút nào.
Chế độ đãi ngộ và chính sách theo kiểu "bán chuyên trách" là nguyên nhân khiến "chuẩn đầu vào" thấp. Điều này cũng giải thích phần nào cho sự lo ngại của dư luận về chuyện lạm quyền hay khả năng chịu trách nhiệm cho việc lấy lời khai của công an xã.
Và khi cả xã hội coi họ là lực lượng "bán chuyên trách", thì bản thân những người công an xã ấy làm sao có đủ cái "uy" để bảo vệ trật tự trị an? Những hành vi lạm quyền của công an xã, có thể xuất phát từ bản năng khi có quyền trong tay, nhưng cũng có thể xuất phát từ tâm thế không có gì nhiều để mất.
Công an xã là cấp thấp nhất trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, nhưng chức thấp không đồng nghĩa với công việc nhẹ nhàng. Để hạn chế những bất cập liên quan đến lực lượng này, có lẽ cần thay đổi quan niệm "bán chuyên trách", chính nó là khởi nguồn cho sự "phân biệt đối xử" từ cả chính quyền lẫn người dân.
Theo Khampha