Cố TBT Trường Chinh - hậu duệ xuất sắc của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Anh em ông Trường Chinh (tức Đặng Xuân Khu) thuộc đời thứ 11 của cụ Đặng Chính Pháp, người thuộc dòng tộc Đặng Trần Lâm (tức Trần Lâm) ở Chương Mỹ, Hà Nội chạy về làng Hành Thiện (huyện Xuân Trường, Nam Định bây giờ) lập nghiệp sau đợt bị triều nhà Lê sơ truy sát.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư (TBT) Trường Chinh (9.2.1907-9.2.2017), tôi lần giở cuốn "Trường Chinh - Tiểu sử" do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2007 để đối soát với những gì mình nắm được lâu nay do được nghe kể trực tiếp từ những người thân của ông, nhưng do thời gian nên chỉ còn nhớ mang máng. Mục đích là để giúp cho mình yên tâm hơn về tư liệu khi cầm bút.

Theo đó, anh em ông Trường Chinh (tức Đặng Xuân Khu) thuộc đời thứ 11 của cụ Đặng Chính Pháp, người thuộc dòng tộc Đặng Trần Lâm (tức Trần Lâm) ở Chương Mỹ, Hà Nội chạy về làng Hành Thiện (huyện Xuân Trường, Nam Định bây giờ) lập nghiệp sau đợt bị triều nhà Lê sơ truy sát. Các cụ chính là hậu duệ của bậc thánh hiền Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Khi tôi tìm hiểu kĩ thì quả cũng có nhiều thứ rất kỳ lạ và rất đáng để viết về các vị.

Từ trái qua: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, TBT Trường Chinh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày ở chiến khu Việt Bắc
Từ trái qua: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, TBT Trường Chinh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày ở chiến khu Việt Bắc)

Tìm hiểu thêm tài liệu thì được biết, cụ Đặng Trần Lâm là con trai của tiến sĩ Trần Văn Huy, cháu Trần Quốc Hiệu, (tức Hưng Trí Vương) là người con trai thứ tư của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ( theo cuốn" Trường Chinh, Tiểu sử", NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, trang 23). Như vậy đã cho thấy ở con người Trường Chinh, ông đã được thừa hưởng truyền thống gia đình, quê hương (cả mới và cũ), lại được kế thừa dòng dõi nhà Trần danh giá với nhiều phẩm chất đặc biệt mà tôi sẽ nói sau đây.

Theo sử sách, vào năm 1511 (triều Lê sơ), Trần Tuân (cháu Trần Cận) cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở vùng Hưng Hoá ,Sơn Tây và Vĩnh Phúc. Họ đã từng kéo xuống vùng Từ Liêm uy hiếp kinh thành Thăng Long. Triều đình khép Trần Tuân vào tội phản loạn và truy nã nên họ Trần (nhánh Trần Cận, Trần Du, Trần Lâm) đã phải đổi sang họ Đặng.

Việc các liệt tổ liệt tông họ Trần nói trên chuyển sang họ Đặng, ngoài lý do an toàn để trốn chạy do bị quy tội tạo phản, còn có ngầm ý với hậu thế không được quên gốc gác lai lịch dòng tộc nhà Trần (chữ Trần có bộ liễu leo bên trái, chữ Đặng có bộ liễu leo bên phải). Nhiều người còn "quyến luyến", tuy đổi họ nhưng vẫn gắn chữ Trần làm đệm, thành "Đặng Trần..." như nhiều người ở làng Hành Thiện cũng là thế.

Cụ Đặng Chính Pháp về Hành Thiện lập nghiệp nhưng chẳng bao lâu, với truyền thống gia tộc nổi tiếng ở Chương Mỹ, họ này đã tiếp tục sinh ra tại Hành Thiện (mảnh đất cũng có truyền thống khoa bảng) các cụ Phó bảng Đặng Kim Toán, Tổng đốc Nghệ An; Phó bảng Đặng Đức Địch, Thượng thư bộ Lễ; Cử nhân Đặng Đức Cường, Tổng đốc Hải Dương và Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (ông nội ông Trường Chinh), Tuần phủ Hải Dương...

Cụ Đặng Xuân Bảng được coi là một người nổi tiếng về ý chí rèn luyện, học hành và thành đạt trên con đường khoa bảng. Thực ra, cụ Đặng Xuân Bảng xứng đáng đậu Hoàng giáp, nhưng vì bạo gan dám khuyên nhà vua "đừng quá mải vui săn bắn mà quên việc nước" khiến vua không bằng lòng, bị giáng xuống chỉ cho đỗ đầu Tam giáp Tiến sĩ. Nhà cụ ở làng Hành Thiện đồng thời còn là thư viện tư nhân lớn nhất vùng đồng bằng Bắc bộ thế kỉ thứ 19. Có một điều lạ là cụ không hề được cắp sách đến trường mà chỉ được thụ giáo kiến thức từ người cha của mình, cụ Đặng Viết Hoè, người từng 7 lần đỗ tú tài rồi thành danh...

Với Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1226-1300), một nhân cách được coi là vĩ đại của lịch sử dân tộc đã để lại cho hậu thế những di sản thật tự hào, đó là tư tưởng được coi như một chủ thuyết quan trọng: luôn vì Dân và nghĩ đến Dân. Ông từng trăng trối với đức Vua trước khi mất: "Khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc, là thượng sách để giữ nước !".

Và rồi, trong dòng tộc của Người, vào khoảng hơn 600 năm sau đã có thêm một nhân vật đi vào lịch sử hiện đại của nước nhà, đó là cố TBT Trường Chinh. Ông là vị lãnh tụ có nhân cách lớn, mà nhân cách đó gắn với tư tưởng yêu nước, thương dân. Bài học "lấy dân làm gốc" của TBT Trường Chinh phải chăng chính là việc ông học được từ các bậc tiền nhân- thánh hiền của ông? Theo tôi, đó cũng chính là sự tương đồng rất thú vị giữa 2 vị.

Chúng ta cần nhớ, tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ X (10.1986), Hà Nội có vinh đự được đón TBT Trường Chinh tới dự. Tại đây, lần đầu tiên ông chính thức phát đi thông điệp: "Đổi mới là mục tiêu sống còn của đất nước". Ông phát biểu: "... Đối với nước ta, đổi mới cũng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nước ta, vừa phù hợp với xu thế của thời đại...".

 

 Cố Tổng bí thư Trường Chinh (giữa) trong một cuộc gặp gỡ.
Cố Tổng bí thư Trường Chinh (giữa) trong một cuộc gặp gỡ.)

Cũng đã nhiều lúc tôi tự đi tìm lời giải, vì sao một nhà lãnh đạo xuất sắc như ông, rồi cũng đã có lúc bị xem là lớp người "bảo thủ" mà lại có thể có những tư duy rất mới, xuất thần đến vậy khi ông được quay trở lại nhận trọng trách TBT của Đảng một lần nữa, dù tuổi ông lúc đó đã 79, cái tuổi đã trên gấp đôi khi ông được Đảng phân công đảm trách cương vị TBT Đảng (34 tuổi), rồi trực tiếp làm "Tổng Tư lệnh" của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành độc lập dân tộc (38 tuổi).

Hồi ký của giáo sư triết học Trần Nhâm, người thư ký riêng (nay gọi là trợ lý) của TBT Trường Chinh, đồng thời là người tham gia trong tổ nghiên cứu đặc biệt phục vụ đề án đổi mới do ông Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo đã nhận xét: "Trong một thời điểm bước ngoặt, tất yếu sẽ xuất hiện các nhân vật lịch sử có chí lớn, có trí tuệ hơn người để giải quyết các vấn đề trọng đại mà cuộc sống đặt ra. Trường Chinh chính là con người như thế..." (Trường Chinh, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam - NXB Chính trị QG; HN.2012-trang 432). Có một câu chuyện trước đó đã 4 năm (1982), ông Trường Chinh có một bài viết trên báo Nhân dân với chủ đề: Sự thật về vấn đề Trung Quốc.

Tôi có may mắn được tiếp cận ông nhân việc ông cho gọi tôi lại nhà để tặng sách của ông vừa tái bản. Khi đó tôi đang là một sỹ quan trẻ, làm báo trong Quân đội. Tôi bạo miệng khen bài viết của ông rất sắc sảo, đầy ắp tư liệu quý và được dư luận hết sức quan tâm. Ông cười hồn nhiên rồi bảo: "Nhưng bây giờ ông cũng đã 75 tuổi rồi. Ông cũng thuộc lớp lão tướng của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Vì vậy, mỗi khi mình viết hoặc phát biểu gì cũng cần lưu ý thận trong với từng câu chữ. Việc mình viết ra như thế liệu có lẫn không và việc mình nói ra liệu có gàn không? Người già thì cần cảnh giác với những thứ đó ..."

Điều này cho thấy thật kỳ lạ bởi sau đó 4 năm, có thể ông càng cảnh giác hơn trong lối tư duy của mình. Ấy vậy mà tầm trí tuệ ở con người ông quả là kiệt xuất. Ông đã xem tư tưởng Đổi mới là vấn đề then chốt, là yếu tố sống còn đối với đất nước trong lúc gặp nhiều biến cố nó đặc biệt quan trọng thế nào, kỳ lạ thế nào?

Có lẽ, xuất phát điểm quan trọng và là mấu chốt để phần nào lý giải cho trí tuệ xuất thần nói trên ở ông khi đã 79 tuổi. Theo tôi, đó là từ tư tưởng yêu nước, thương dân vô bờ bến. Ông hiểu rất rõ Dân là Gốc của Nước. Và trên con thuyền cách mạng vượt qua bão tố gian nguy, người chèo thuyền là dân mà người lật thuyền cũng là dân. Vì thế, muốn chế độ được trường tồn, người lãnh đạo phải biết nghĩ đến Dân, như bậc tiền nhân của ông trên 600 năm trước- Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã từng nói với nhà vua trước phút đi xa.

Hậu duệ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, cố TBT Trường Chinh đã kế thừa tư tưởng lớn của các bậc tiền nhân rất đúng lúc. Ông là vị "Tổng công trình sư" đã góp phần làm thay đổi sinh mệnh đất nước cũng từ tư tưởng yêu nước, thương dân và luôn lấy dân làm gốc được nhìn nhận đúng mức.

Chúng tôi xin lưu ý một chuyện và hãy thử nghĩ xem, liệu chi tiết này có phải là sự tương đồng kỳ bí đến độ lạ lùng không ? Đó là cái ngày mà Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn mất, năm 1300 (20 tháng Tám năm Canh Tý) cũng lại chính là ngày cố TBT Trường Chinh trở về cùng tổ tiên (cũng 20 tháng Tám âm lịch) trong tâm thế những nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, thật đáng tự hào!

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin