Cơ hội và giải pháp lớn để “dân biết, dân kiểm tra”

(Pháp lý) - Chỉ còn hơn 1 năm nữa, Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) sẽ có hiệu lực thi hành. Đây là đạo luật rất quan trọng. Người dân kỳ vọng khi luật đi vào cuộc sống sẽ góp phần tăng cường minh bạch, góp phần phòng, chống tiêu cực tham nhũng hiệu quả. Đặc biệt, thực thi Luật TCTT là cơ hội và giải pháp để “dân biết, dân kiểm tra”.

Hội thảo tham vấn về hoàn thiện cơ chế kê khai, kiểm soát và minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (Hội thảo do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc -UNDP tại Việt Nam tổ chức)
Hội thảo tham vấn về hoàn thiện cơ chế kê khai, kiểm soát và minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (Hội thảo do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc -UNDP tại Việt Nam tổ chức))

Thực trạng xã hội hiện nay có một số vấn đề nổi cộm, khiến dân bức xúc. Thứ nhất là vấn đề liên quan đến đất đai. Khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao so với tổng số các vụ khiếu kiện. Tại Hội nghị tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo trên địa bàn TPHCM, ông Võ Văn Đồng, Cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ cho biết 83% số vụ khiếu nại tố cáo ở TPHCM và các tỉnh liên quan đến đất đai, bồi thường giải tỏa. 4 năm qua, 20 tỉnh, thành phía Nam có khoảng 200.000 đơn khiếu nại tố cáo thì TPHCM chiếm hơn 10% (20.500 đơn). Nội dung khiếu kiện đất đai trong cả nước chủ yếu là thu hồi đất không đúng qui định, trình tự, thủ tục, áp giá đền bù không minh bạch, không công bằng.

Vấn đề nổi cộm thứ hai, đó là tham nhũng. Các hoạt động liên quan đến dự toán ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng cơ bản; sử dụng vốn ngân sách nhà nước; sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ; đấu thầu; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư... là những lĩnh vực rất dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng do thông tin không được cung cấp cho người dân một cách công khai, minh bạch để kiểm soát.

 Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực vào 1/7/2018.
Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực vào 1/7/2018.)

Cả 2 vấn đề trên đều liên quan đến việc cung cấp thông tin; việc công khai; minh bạch còn nhiều hạn chế. Đó là những lý do quan trọng cho việc ra đời Luật TCTT.

Luật Tiếp cận thông tin đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp, bảo đảm để công dân được thực hiện đầy đủ quyền của mình.

Để bảo đảm tính khả thi của Luật, tính chính xác của thông tin được cung cấp cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước và không tạo kẽ hở cho việc lạm dụng yêu cầu cung cấp thông tin, Luật quy định cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp thông tin do mình tạo ra, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của Luật.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, Luật quy định khuyến khích cơ quan Nhà nước tùy theo điều kiện, khả năng thực tế của mình có thể cung cấp thông tin khác do cơ quan mình tạo ra và nắm giữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Luật cũng quy định các loại thông tin công dân không được tiếp cận gồm thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia... Việc tiếp cận, sử dụng và quản lý tin mật được quy định trong các văn bản pháp luật khác theo quy trình, thủ tục rất chặt chẽ.

Trong giai đoạn hiện nay, việc công khai thông tin về tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước nhằm thực hiện dân chủ trực tiếp phải được coi là quá trình chủ động, tự giác đổi mới để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ cơ chế hành chính, tập trung quan liêu sang một bộ máy quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật thì hoạt động cung cấp thông tin có vai trò rất quan trọng. Để bộ máy nhà nước quản trị tốt thì phải liên tục cung cấp thông tin chính xác tới mọi cá nhân và tổ chức trong xã hội và các thông tin đó phải đầy đủ, dễ truy cập, dễ hiểu.

Công khai thông tin về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tham nhũng. Bởi lẽ, một nền dân chủ thực sự chỉ có khi quyền lực nhà nước được kiểm soát, hạn chế bởi những thiết chế dân chủ, người dân được tham gia vào các quá trình quản trị xã hội. Như một thuộc tính, các quan quyền lực luôn tiềm ẩn nguy cơ lạm quyền, lộng quyền, nên không mong muốn bị kiểm soát, bị hạn chế quyền lực, dẫn đến né tránh cung cấp thông tin, hạn chế phạm vi công khai, minh bạch là một “phản xạ” nhất định sẽ xảy ra.

Trong một lần trả lời báo chí , Đại sứ Anh Anthony Stokes nhấn mạnh, minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là một thách thức với Việt Nam. Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) đã nỗ lực hàng năm đánh giá chỉ số minh bạch đối với từng quốc gia bằng cách phân tích các quy định của pháp luật, đánh giá việc thực thi pháp luật và đo mức độ cảm nhận của người dân. Sau đó, dựa vào chỉ số này, các quốc gia được xếp hạng trên thế giới để đánh giá mức tiến bộ hay thụt lùi đối với từng quốc gia. Thực tiễn thế giới cũng đã chứng minh, việc thực hiện công khai và minh bạch luôn gặp những thách thức vô cùng lớn ở các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi.

Vì vậy, triển khai Luật Tiếp cận thông tin là một cơ hội, một giải pháp lớn, mang theo nhiều kỳ vọng của người dân nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm soát quyền lực Nhà nước hướng tới một mục tiêu chung là xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Người dân khiếu nại đông người xung quanh việc thu hồi đất phục vụ  một dự án do những thông tin về dự án chưa minh bạch, rõ ràng (ảnh minh họa)
Người dân khiếu nại đông người xung quanh việc thu hồi đất phục vụ một dự án do những thông tin về dự án chưa minh bạch, rõ ràng (ảnh minh họa))

Vấn đề đặt ra là làm sao để Luật đi vào cuộc sống, đáp ứng mục tiêu mà nhà làm luật mong đợi, cũng như đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, tránh những rào cản bằng nhiều cách khác nhau có thể được dựng lên như “giấy phép con”, đưa ra những lý do để né tránh nghĩa vụ cung cấp thông tin... có thể sẽ xuất hiện. Ngay trong Luật đã quy định trường hợp “thông tin được yêu cầu vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mình” thì cơ quan Nhà nước được từ chối cung cấp thông tin. Đây có thể sẽ là lý do để các cơ quan có nghĩa vụ từ chối cung cấp thông tin. Do đó, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ cần phải cụ thể, chi tiết, lường hết những nguy cơ rào cản để Luật được thực thi một cách dễ dàng.

Quyền được biết là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị, được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền năm 1948. Mở rộng quyền tiếp cận thông tin, quyền được biết là một biểu hiện, là một tiêu chí đánh giá mức độ dân chủ trong xã hội. Có thể nói Luật Tiếp cận thông tin là một bước tiến dài, nâng cao tính công khai, minh bạch của Nhà nước pháp quyền và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đáp ứng nhu cầu của công dân, của doanh nghiệp.

       Thái Đăng

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin