Chuyện về những nhân cách đẹp chốn “quan trường”

06/01/2019 08:09

(Pháp lý) - Những ngày này, khi câu chuyện chống tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền đang nóng rực, thì chuyện về những tấm gương cán bộ có cả đức và tài, những nhân cách đẹp chốn “quan trường” lại được nhớ đến nhiều hơn bao giờ hết. Họ là những cán bộ, quan chức lặng lẽ từ chối những bổng lộc, chức tước để sống và cống hiến theo cách riêng. Pháp lý xin nhắc lại một số tấm gương trong nhiều tấm gương cán bộ, quan chức thanh liêm, cống hiến hết mình cho xã hội, không màng chức tước địa vị.

Xin cha là lãnh đạo cấp cao giúp để không phải làm Thứ trưởng

“Tôi không quan tâm đến chức vụ mà tôi quan tâm đến công việc của mình, làm sao để có thể cống hiến được nhiều nhất mới là quan trọng”. Tiến sĩ Lê Xuân Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường Sư phạm mẫu giáo trung ương 3, tâm tình với báo chí như thế. Bà Hồng (con gái của nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh) đã 2 lần từ chối làm thứ trưởng Bộ GD-ĐT vì quan điểm đó.

Tiễn sĩ Lê Xuân Hồng cùng các cháu thiếu nhi
Tiễn sĩ Lê Xuân Hồng cùng các cháu thiếu nhi)

Bà Hồng sinh ra ở xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Cả thời ấu thơ, bà sống với ông ngoại và các cậu vì ba má đi kháng chiến. Thời đó chiến tranh ác liệt, bà chỉ được đi học đến lớp 3 rồi nghỉ. Đến khi 13 tuổi, bà được đưa ra miền Bắc và học tiếp tiểu học. Hết bậc THPT, bà có tên trong danh sách đi Liên Xô học ĐH sư phạm ngành tâm lý giáo dục trẻ em trước tuổi học. Năm 1978 bà về nước và nhận giấy phân công về làm giảng viên Trường Sư phạm mẫu giáo trung ương 3 (nay là Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM). Thời ấy, đất nước vừa mới hòa bình, khó khăn trăm bề, những người như bà cứ ban ngày lên lớp giảng bài, ban đêm về nhà dịch tài liệu và biên soạn giáo trình giảng dạy. Bà hăm hở không chỉ trong công tác chuyên môn mà còn xông xáo trong công tác phong trào, dẫn sinh viên đi thâm nhập thực tế, đi kiến tập rồi thực tập – không chỉ ở TP.HCM mà còn đi các tỉnh xa như Bình Dương, Đồng Nai… Sau 11 năm làm giảng viên, tổ trưởng chuyên môn, năm 1989 bà được đề đạt làm Hiệu phó. Năm 1992, bà được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.

Với chức tước đó, bà chia sẻ thẳng thắn: Tôi không thích lên hiệu trưởng. Thời kỳ đó trường chúng tôi xảy ra mâu thuẫn nội bộ mà nguyên nhân sâu xa chính là cái ghế của người đứng đầu. Thậm chí, tôi đã xin chuyển công tác sang một trường khác, chuyển sang chỉ để làm giảng viên chứ không làm cán bộ quản lý nhằm tránh những áp lực về tinh thần. Rồi sau đó, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Trần Chí Đáo làm trưởng đoàn đã vào trường tôi, bỏ phiếu bầu Hiệu trưởng. Tôi còn nhớ anh Trần Chí Đáo đã công bố kết quả bỏ phiếu đồng thời hỏi tôi trước cuộc họp: “Tập thể đã tín nhiệm cô như vậy, cô có nhận nhiệm vụ không?”. Lúc ấy tôi đã trả lời rằng: “Nếu hỏi nguyện vọng của cá nhân tôi rằng có muốn làm hiệu trưởng không? Tôi sẽ trả lời ngay: Hoàn toàn không có. Nhưng tập thể đã tín nhiệm tôi, vì trách nhiệm của Đảng viên, tôi sẽ nhận nhiệm vụ. Tôi mong mọi người hãy hỗ trợ cho tôi vì tôi còn non nớt lắm. Nhận nhiệm vụ hiệu trưởng là một sự mạo hiểm nhưng tôi hứa sẽ cố gắng hết mình”. Thế rồi sau đó, bà lại được đề bạt làm thứ trưởng. Bà kể lại: Cuối năm 1996, anh Trần Hồng Quân là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ đã ngỏ ý kêu tôi về làm thứ trưởng. Và tôi đã từ chối. Nhưng sau đó, khi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, tôi lại nghe Bộ GD-ĐT tiến hành lấy phiếu tín nhiệm để tôi giữ chức Thứ trưởng. Tôi vội vàng gọi điện cho ba tôi nhờ ba can thiệp để tôi không phải làm Thứ trưởng. Sau này, khi anh Nguyễn Minh Hiển lên làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, anh cũng kêu tôi ra làm Thứ trưởng phụ trách bậc học mầm non nhưng một lần nữa tôi lại từ chối.

Hỏi bà tại sao lại không nhận một vị trí mà nhiều người mơ ước? Bà nói rằng: “Tôi hiểu rất rõ bản thân mình. Tính tôi thẳng thắn, đã không nhận việc gì thì thôi, khi đã nhận phải làm hết sức mình và ít nhiều phải có hiệu quả. Nói ra có vẻ sáo rỗng nhưng thực sự trong lòng tôi luôn tâm niệm rằng nếu không có Đảng và Nhà nước, tôi chỉ là một đứa trẻ thất học. Nhờ Đảng và Nhà nước mà tôi được học hành đàng hoàng, học đến nơi đến chốn. Tôi nguyện sẽ làm việc hết sức mình để trả ơn cho Đảng và Nhà nước, không nề hà bất cứ việc gì. Tôi biết làm thứ trưởng thì sẽ gặp phải nhiều chuyện phức tạp mà bản thân tôi sẽ khó dung hòa được. Như thế công việc khó đạt hiệu quả như mong muốn. Trước những chuyện như thế, bạn bè bảo bà đi làm chuyện ngược đời: Người ta nhờ ba mình để được thăng quan tiến chức, còn tôi nhờ ba mình để không phải thăng quan tiến chức.

Chức tước như nhiều người vẫn mong đi kèm là quyền lợi, bổng lộc. Thế nhưng bà Hồng lại từ chối những vị trí đó để say sưa với chuyên môn, để sống thanh thản trong đời sống của người giáo viên trồng người. Đó có thể là một lựa chọn lạ trong xã hội hiện thời, nhưng là một quyết định, một nhân cách cán bộ được nể trọng.

Trách nhiệm khi làm quan và trách nhiệm cả khi từ quan

Khác với Tiến sĩ Lê Xuân Hồng, ông Nguyễn Sự lại làm quan và từ quan vì trách nhiệm. Với 36 tuổi Đảng và 21 năm nắm giữ cương vị chủ chốt ở Hội An, ông Nguyễn Sự đã để lại cho mảnh đất đó một dấu ấn lớn. Từ một đô thị cổ đìu hiu, chỉ trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, dưới sự lèo lái của ông đã trở thành một thương hiệu du lịch nổi tiếng toàn cầu với di sản kiến trúc cổ Hội An được bảo tồn nguyên vẹn, được UNESCO công nhận và trao giải thưởng. Đời sống cư dân Hội An ngày một giàu lên nhờ biết cách làm du lịch bền vững. Họ luôn ghi nhớ công lao của ông, một người đã tận tâm, tận lực cho sự bảo tồn và phát huy di sản quý giá của tiền nhân để lại cho con dân Hội An.

Ông Nguyễn Sự vẫn là một cái tên tiếp tục “nóng” cho đến giai đoạn hiện nay
Ông Nguyễn Sự vẫn là một cái tên tiếp tục “nóng” cho đến giai đoạn hiện nay)

Trong quá trình làm quan, ông Sự nổi tiếng vì là một quan chức tận tâm và rất có trách nhiệm. Ông Sự khẳng khái kể về những lần mình có sai lầm và có nhận sai: Một chuyện xảy ra năm 1995, khi bãi bồi An Hội quá nhếch nhác, ô nhiễm, nhà dân xập xệ, có doanh nghiệp xin làm nhà hàng ở đó. Tôi hội ý với tập thể và quyết định đồng ý. Nhưng khi nhà hàng xây lên thì dân phản ứng, cho rằng nhà hàng chõi với quang cảnh chung của sông Hoài. Dân nói đúng, chúng tôi sau đó ra quyết định tháo dỡ, đền bù cho doanh nghiệp.

Lúc đó tôi đã lên tiếng nhận trách nhiệm về mình, dù là quyết định của tập thể. Chúng tôi đã sửa sai kịp thời. Thứ hai là chuyện trồng cây xanh ở Hội An. Tôi vốn mê hoa sữa, cứ mong muốn Hội An có những con đường rợp hoa sữa, lãng mạn kiểu "hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp...". Thế nhưng trồng rồi, có lúc mùi nồng nặc không chịu được. Tiếp xúc cử tri, dân phê bình anh em quản lý đô thị rất dữ. Tôi cũng nhận đó là trách nhiệm của tôi, dù hồi đó tôi chỉ đạo miệng về việc trồng hoa sữa. Tính tôi là vậy, không có chuyện được là của anh, không được là của người khác. Người ta có thể chê tôi không giỏi, không sáng tạo; tôi có thể sai lầm chuyện này chuyện nọ, nhưng tôi không để người ta khinh vì việc chạy trốn trách nhiệm.

Những năm trước, dù còn hơn hai năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Sự đã quyết định thôi làm Bí thư Thành ủy, mà theo ông, để những người kế nhiệm tiếp tục làm cho Hội An phát triển vững bền. Trước ngày “treo ấn từ quan”, ông Sự bộc bạch: “Chuyện nghỉ hưu tất yếu xảy ra với bất cứ người nào và đối với tôi là việc bình thường. Đến lúc cảm thấy có thể do tuổi tác hay do mình không nhất thiết phải tham gia nữa cũng nên rút lui, bởi có làm vài ba năm nữa cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Cứ “đường xưa lối cũ em về” như vậy mãi làm cho thành phố không bứt phá được, chưa kể là sẽ cản trở sự đi lên của anh em.

Trong khi nhiều người đến tuổi nghỉ hưu vẫn muốn tại chức, còn ông lại thấy vui vì được nghỉ sớm. Nguyễn Sự quan niệm: Tôi quan niệm rằng chủ tịch hay bí thư, vị trí lãnh đạo không phải là gia tài điền sản do ông bà, cha mẹ để lại cho mình mà nó là của xã hội. Vị trí cũng do xã hội đặt anh lên, Đảng giao cho anh. Tôi không muốn làm kẻ tư duy lá chuối. Cây nào đến mùa cũng thay lá non, duy nhất chỉ có cây chuối là tàu lá nó chết còn bám trên cây, người ta phải cắt đi... Mình giữ bản thân một cách trọn vẹn để đến hôm nay mình trở về một cách thanh thản.

Không chỉ đầy trách nhiệm khi làm việc, ông còn cho rằng, người làm quan phải có trách nhiệm và tự trọng cả khi mình nghỉ hưu. Khi thấy một lãnh đạo nghỉ hưu phát biểu vô trách nhiệm, ông đã nói: Tôi cho rằng phát biểu như vậy là liều mạng. Không chỉ là với một cán bộ lãnh đạo, mà với một con người có trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm với tất cả những gì mình làm, dù bất cứ thời gian nào, trong quá khứ hay hiện tại. Đến tận bây giờ, Nguyễn Sự vẫn là một cái tên nóng. Những bài phỏng vấn Nguyễn Sự trên báo vẫn rất đông người đọc và đi vào lòng người bởi nó được nói bởi một vị quan chức đầy trách nhiệm…

Giáo sư Lương Định Của: Sự vĩ đại dưới ruộng lúa

Giáo sư, bác sỹ nông học Lương Định Của từng lấy việc dạy nông dân cải tiến động tác trồng lúa làm đại sự của mình. Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học về Giáo sư, Bác sỹ nông học Lương Định Của, quê ở Đại Ngải, Sóc Trăng- người được đánh giá là nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về nông nghiệp ở thế kỷ 20.

Giáo sư Lương Định Của (người bên phải)
Giáo sư Lương Định Của (người bên phải))

Nói về ông, các diễn giả đều cho biết ông đã không có những di sản hiện vật xứng tầm giống như người ta vẫn thường thấy ở những nhà khoa học khác. Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Tùng cho biết, trong gia tài khoa học của mình, giáo sư Lương Định Của không để lại nhiều các ấn phẩm, giáo trình hay tài liệu khoa học nào khác. Đã có ý kiến cho rằng phải chăng ông không muốn chia sẻ với người khác công việc nghiên cứu khoa học của mình…Tuy nhiên, giáo sư Tùng đã đưa ra một lý giải: “Như chúng ta đã biết, vào thời kỳ đầu của chiến tranh lạnh, sự đối đầu quyết liệt giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trên thế giới diễn ra không chỉ ở các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa mà còn ở cả lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Một ví dụ điển hình là cuộc chiến trong chuyên ngành di truyền học – trái tim của sinh học. Nhờ giá trị khoa học đúng đắn, học thuyết di truyền Mendel-Morgan đã được áp dụng rộng rải trên toàn thế giới từ khá sớm, kể cả nước Nga sau Cách Mạng Tháng 10. Thế nhưng, vì có xuất xứ từ phương Tây nên từ năm 1948, học thuyết này đã bị đã phá và loại bỏ khỏi hệ thống đào tạo, nghiên cứu khoa học của Liên Xô, thay bằng một học thuyết của Nga mang tên di truyền học Mitsurin... Tư tưởng “gió Đông thổi gió Tây” ấy cũng tồn tại ở Việt Nam thời điểm đó, tức những năm 50-60 thế kỷ trước, lúc Bác sỹ nông học Lương Định Của mang trọng trách lớn trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Nặng nề hơn, lúc bấy giờ, việc ủng hộ hay phản đối hai học thuyết di truyền nói trên không đơn thuần là vấn đề học thuật mà được nâng lên thành quan điểm chính trị”.

Giáo sư Tùng giải thích thêm có thể hình dung, vào lúc đó, nếu phải nói Bác sỹ nông học Lương Định Của sẽ nói và nghiêng về di truyền học phương Tây, Mendel-Morgan. Và ông hiểu rõ, ở cương vị của mình, cách phát biểu như vậy vào thời điểm đó là không có lợi cho công việc chung. “Và ông đã chọn giải pháp im lặng, đầy khôn khéo” – Giáo sư Tùng khẳng định.

Dù không viết thành văn, không nói bằng lời, nhưng Bác sỹ nông học Lương Định Của vẫn thực hiện nghiêm túc trách nhiệm một nhà khoa học với đất nước, với nhân dân. Kiến thức khoa học đúng đắn của ông vẫn được áp dụng vào thực tế, tạo ra lợi ích cho xã hội, vẫn truyền đạt cho các thế hệ học trò đầy đủ, qua những buổi thực tập trên đồng ruộng, với nông dân, với học trò.

Nói về tính vĩ đại, chân chính của thầy mình, Lương Định Của, Giáo sư Tùng kể một giai thoại, vào những năm 60 của thế kỷ trước, có lần, một nhà báo Liên Xô biết tiếng bác sỹ nông học Lương Định Của là nhà di truyền học chọn giống hàng đầu Việt Nam nên đã đến phỏng vấn về những dự án nghiên cứu mà ông đang theo đuổi. Rất tự nhiên, nhà di truyền học nổi tiếng của chúng ta hào hứng trả lời là ông đang nghiên cứu cải tiến một số thao tác cũng như thói quen làm việc cho người nông dân Việt Nam, để nhằm tăng năng suất lao động và năng suất lúa.

Nhà báo Liên Xô tỏ ra rất bất ngờ và hụt hẫng. Nhưng liền đó, khi được nghe bác sỹ nông học giải thích thì nhà báo ấy đã rất thán phục sự vĩ đại chân chính của ông.
Giáo sư đã giải thích với nhà báo này như sau: với một nền nông nghiệp Việt Nam còn chưa phát triển lúc đó thì tác động kỹ thuật nào cũng quý, cũng cần thiết. Phải chăm lo bồi dưỡng năng lực cho người nông dân, bắt đầu từ những thao tác đồng ruộng cho đến cách suy nghĩ, tính toán trong công việc hằng ngày của họ. Theo ông, từ ngàn đời nay, người nông dân đã tự mày mò, bươn chải để sinh tồn, chẳng ai chăm lo, chỉ bảo họ cách làm đúng hơn, khoa học hơn để có năng suất cao hơn.
Ông chỉ bảo rằng, với thời đại mới hôm nay, cán bộ kỹ thuật phải biết thương nông dân, chăm lo nâng cao năng lực sản xuất và đời sống cho họ. Bản thân ông đã dành rất nhiều thời gian, công sức làm việc trực tiếp với nông dân, chỉ dẫn họ cải tiến đến từng động tác cấy lúa, làm đồng…

“Là một nhà khoa học, ông hiểu việc xắn quần lội ruộng để giảng dạy, hướng dẫn nông dân thực hành thao tác này, hay áp dụng kỹ thuật nọ chẳng thể xem là phát minh hay công trình khoa học để công bố trên sách báo, để nổi tiếng. Do đó, giáo sư đã chẳng bận tâm đến những điều đó, đây chính là sự vĩ đại của những điều giản dị ở người thầy, giáo sư, bác sỹ nông học Lương Định Của” giáo sư Tùng kết luận.
***
Những tấm gương cán bộ, quan chức sống và cống hiến hết mình, có ích cho nhân dân như thế, đáng để những cán bộ, quan chức thời nay ngẫm lại và soi mình…

Minh Hải (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện về những nhân cách đẹp chốn “quan trường”" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin