Chuyện về những Nhà báo đạt Giải Báo chí Pulitzer

Pulitzer là giải thưởng vinh danh những thành tựu trong ngành báo chí, văn học và kịch nghệ. Hệ thống giải thưởng Pulitzer được thành lập vào năm 1917 bởi Nhà báo Joseph Pulitzer. Sau hơn 100 năm, Pulitzer đã trở thành giải thưởng danh giá bậc nhất nước Mỹ.

Những năm gần đây, Pulitzer tiếp tục khẳng định tinh thần của Nhà báo Joseph Pulitzer, về những nỗ lực làm việc say mê của các Nhà báo để tạo ra các tác phẩm có sức lan tỏa và gắn liền với đời sống. Hơn 100 năm qua, đã có hàng trăm tác phẩm, hàng trăm Nhà báo được vinh danh.

Nguyễn Thanh Việt - Người gốc Việt giành giải Pulitzer

Nguyễn Thanh Việt nhận giải Pulitzer năm 2016 ở hạng mục Tiểu thuyết, sánh vai cùng tác giả của các tác phẩm văn học và báo chí của hãng thông tấn lớn như Reuters, New York Times.

Nguyễn Thanh Việt và Tiểu thuyết The Sympathizer (nguồn ảnh: internet)
Nguyễn Thanh Việt và Tiểu thuyết The Sympathizer (nguồn ảnh: internet))

Nguyễn Thanh Việt từng có thời gian ngắn học tại Đại học California tại Riverside và Los Angeles trước khi chuyển sang Berkeley, nơi ông tốt nghiệp chuyên ngành nghiên cứu Anh.

Ông nhận bằng Tiến sĩ tại đây và bắt đầu giảng dạy tại Đại học South California từ đó đến nay. Cuốn tiểu thuyết Cảm tình viên từng đoạt giải First Novel Prize của giải thưởng Carnegie Medal và giải thưởng của Hiệp hội thư viện Mỹ châu Á/Thái Bình Dương.

Với tác phẩm The Sympathizer (Cảm tình viên), tác giả Nguyễn Thanh Việt được trao giải ở hạng mục Tiểu thuyết. Tác phẩm là câu chuyện về chiến tranh và xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là một người đàn ông mang hai dòng máu Việt - Mỹ.

Nguyễn Thanh Việt sinh năm 1971 tại Ban Mê Thuột (nay là Buôn Mê Thuột), Việt Nam, trong một gia đình di cư từ Miền Bắc (Việt Nam) năm 1954. Ông di tản cùng gia đình tới Hoa Kỳ năm 1975. Ban đầu gia đình Việt tạm trú tại Fort Indiantown Gap, Pennsylvania trước khi chuyển tới Harrisburg, Pennsylvania cho đến năm 1978 và sau đó là San Jose, California. Ông hiện là Phó Giáo sư tại Đại học South California, Mỹ.

Lớn lên tại San Jose, Việt học phổ thông tại Trường Phổ thông St. Patrick và Trường dự bị đại học Bellarmine. Sau khi tốt nghiệp tại Bellarmine, Việt theo học một thời gian ngắn tại Đại học California Riverside và UCLA trước khi lấy bằng Cử nhân Anh ngữ và Dân tộc học tại Đại học California, Berkeley tháng 5 năm 1992. Tháng 5/1997, ông lấy bằng Tiến sĩ Anh ngữ cũng tại UC Berkeley rồi chuyển tới Đại học Nam California để giảng dạy tiếng Anh và môn Hoa Kỳ học trong vai trò trợ lý giáo sư. Năm 2003, ông trở thành Phó Giáo sư tại đại học này. Bên cạnh việc giảng dạy và sáng tác văn học, ông còn là nhà phê bình văn hóa cho tờ The Los Angeles Times.

Tiểu thuyết đầu tay của ông, The Sympathizer (Grove Press/Atlantic xuất bản năm 2015) đã giành Giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 2016. The Sympathizer cũng giành nhiều giải thưởng khác như Giải Tiểu thuyết đầu tay của Center for Fiction hay Huy chương Carnegie cho Tiểu thuyết xuất sắc của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ. Tác phẩm này cũng lọt vào vòng tuyển chọn cuối cùng của nhiều giải thưởng văn học khác, cũng như được đưa vào trên 30 danh sách "Sách của năm", trong đó có danh sách của The New York Times, The Guardian, The Wall Street Journal, Slate.com, Amazon.com và The Washington Post.

Nữ nhà báo đoạt giải Pulitzer và cuốn sách về chiến tranh Việt Nam

Deborah Nelson – nữ nhà báo điều tra người Mỹ, Phóng viên của The Los Angeles Times, người đã từng đoạt giải báo chí danh giá Pulitzer năm 1997, là tác giả của cuốn sách phơi bày tội ác lính Mỹ gây ra ở Việt Nam trong cuộc thảm sát Mỹ Lai gần 50 năm về trước.

Deborah Nelson hiện là Phó Giáo sư báo chí điều tra tại Đại học Maryland. Nelson tốt nghiệp ngành Báo chí của Đại học Northern Illinois và ngành Luật của trường Đại học Luật DePaul vào năm 1987. Trước khi gia nhập khoa Báo, Đại học Maryland năm 2006, bà là biên tập điều tra cho tờ The Los Angeles Times, The Washington Post, The Chicago Sun-Times.

 Nhà báo Deborah Nelson
Nhà báo Deborah Nelson)

Năm 1997, Nelson giành giải thưởng Pulitzer về mảng Điều tra cho công việc điều tra của mình trên tờ Seattle Times, phơi bày "nạn tham nhũng và bất bình đẳng phổ biến trong chương trình nhà ở được tài trợ bởi chính phủ liên bang dành cho người Mỹ bản địa, điều này đã tạo ra những cải cách rất cần thiết.

Năm 2005, nữ nhà báo Deborah Nelson và nhà sử học quân sự Nicholas Turse đã cùng nhau bắt tay tìm hiểu sự thật phía sau những chồng hồ sơ mật. Những bài báo sau đó đã được đăng tải, và được in thành cuốn sách “Phía sau cuộc chiến” – câu chuyện đầy đủ nhất về quá trình hai tác giả đi tìm câu trả lời từ những người bị cáo buộc phạm vào tội ác chiến tranh, từ những nhân chứng cáo buộc và cả các quan chức cấp cao đã che giấu sự thật.

“Phía sau cuộc chiến” lần đầu tiên nhìn thẳng vào những bí mật đen tối nhất về cuộc chiến ở Việt Nam, cũng là lời bào chữa cho những cựu lính Mỹ đã dũng cảm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa cũng như những nhà hoạt động chính trị phản chiến của thời đại - những người kêu gọi sự cảm thông của cộng đồng với những sai lầm trong quá khứ.

Deborah Nelson vẫn không quên một chi tiết dù là nhỏ nhất về thời gian bà cùng cộng sự thực hiện điều tra vụ việc này. Bà nói, theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ, sau 30 năm, tất cả các hồ sơ mật – những thứ được cất giữ không được phép tiết lộ, sẽ không còn là mật nữa. Để tìm hiểu rõ bản chất sự thật, Deborah Nelson đã lên kế hoạch phải trực tiếp gặp những cựu binh tham gia cuộc thảm sát đó – những người có tội đối với những nạn nhân. Một nhóm đối tượng khác, đó là những nhân chứng, người nhà của các nạn nhân – những người mà bà chưa từng gặp, chưa từng đặt chân tới Việt Nam, nhưng không thể không đến, nếu như muốn điều tra sự việc một cách đầy đủ, toàn diện nhất.

Vượt nửa vòng trái đất, bà đã dành thời gian hàng năm trời để gõ cửa từng ngôi nhà những cựu binh tham gia cuộc thảm sát 19 người vô tội ở Việt Nam vào tháng 2/1968, Deborah Nelson thuyết phục họ lên tiếng về vụ việc tưởng như đã được lãng quên. Bà cũng là người nhiều tháng trời lặn lội ở Việt Nam tìm gặp những nhân chứng để tái hiện một câu chuyện kinh hoàng.

Thế nhưng, để biến những tài liệu khô cứng thu thập được, “giải mật” nó bằng những câu chuyện, những nhân chứng, những lời thú tội của tất cả các nhân vật có liên quan, gồm cả nạn nhân, nhân chứng và những lính Mỹ…, thì đó lại là một công việc khổng lồ và cần rất nhiều kỹ năng, nghiệp vụ nghề nghiệp mới làm được.

Đằng sau những bí ẩn “Phía sau cuộc chiến” đã đọng lại trong chúng ta một nhân cách, một nữ nhà báo bản lĩnh, cùng những chia sẻ về câu chuyện thể hiện lương tâm, trách nhiệm, Deborah Nelson đã trao cho những người lính Mỹ tham gia cuộc thảm sát mà họ phải thực hiện theo mệnh lệnh một cơ hội, đó là được nói lời xin lỗi những nạn nhân của họ!

Những nhà báo không “chùn bước” phanh phui bê bối của những người có quyền và có tiền

New York Times và New Yorker ngày 16/4/2018 đã thắng giải báo chí Pulitzer ở hạng mục Phục vụ Cộng đồng nhờ các bài viết cáo buộc quấy rối tình dục trong ngành điện ảnh Mỹ, liên quan đến ông trùm Hollywood Harvey Weinstein. Weinstein sau đó bị sa thải khỏi công ty do mình đồng sáng lập và bị khai trừ khỏi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh. Weinstein đang đối mặt với một số vụ kiện trong khi bị cảnh sát London, Los Angeles và New York điều tra.

Hai nữ nhà báo Jodi Kantor và Megan Twohey của New York Times là những người đầu tiên phanh phui bê bối. Bài báo được đăng ngày 5/10/2017 cáo buộc Weinstein trong ba thập niên qua đã quấy rối tình dục và sau đó trả tiền để dàn xếp với 8 nữ diễn viên và nhân viên công ty Miramax và Weinstein mà ông này đồng sáng lập.

Trong năm 2017, New York Times đã tập trung vào việc vạch trần các hành vi quấy rối tình dục, tiêu biểu là tuyến bài về nạn quấy rối ở thung lũng Silicon và việc người dẫn chương trình nổi tiếng Bill O'Reilly đã trả khoảng 50 triệu USD cho 6 phụ nữ để dàn xếp cáo buộc tấn công tình dục.

Jodi Kantor (phải) và Megan Twohey, hai nhà báo của New York Times.
Jodi Kantor (phải) và Megan Twohey, hai nhà báo của New York Times.)

Hai nhà báo dành 4 tháng để liên hệ với các nữ diễn viên, cựu nhân viên công ty của Weinstein và tìm kiếm bằng chứng cụ thể. Một trong những bằng chứng quan trọng mà họ thu được là tài liệu nội bộ của công ty Weinstein. Cựu nhân viên Lauren O'Connor năm 2015 viết một bản ghi nhớ, nói rằng một đồng nghiệp đã bị ép xoa bóp cho Weinstein trong phòng khách sạn khi ông ta không mảnh vải che thân.

Nhà báo Kantor cho biết một trong những lý do các nạn nhân sẵn sàng chia sẻ câu chuyện với các cô là họ cảm nhận được tác động tích cực từ những bài báo của New York Times về bê bối quấy rối tình dục của O'Reilly và thung lũng Silicon. Một số nguồn tin còn cho biết họ đồng ý nói chuyện vì hai nhà báo là phụ nữ. "Tất cả nhà báo khác tiếp cận tôi đều là nam, tôi muốn nói chuyện với phụ nữ về vấn đề này". Tuy nhiên, ông trùm Weinstein đã "đánh hơi" được việc điều tra của hai phóng viên và tìm cách tạo áp lực lên New York Times để họ không công bố bài báo. Weinstein thuê một đội ngũ luật sư máu mặt và dọa kiện New York Times.

Cùng với hai nhà báo nữ giành chung giải Pulitzer với New York Times là bài báo của tác giả Ronan Farrow trên New Yorker, đăng vào ngày 10/10/2017.

Công việc điều tra của Farrow hoàn toàn độc lập với hai nữ nhà báo của New York Times. Farrow khi đó đang làm việc cho NBC. Anh đã thu được đoạn ghi âm cho thấy Weinstein thừa nhận từng sàm sỡ diễn viên Ambra Gutierrez và lời kể của các cô gái khác. Anh muốn công khai những cáo buộc từ tháng 9/2017 nhưng NBC không đồng ý. Dù vậy, Farrow quyết không bỏ cuộc. Nhà báo Farrow đã tìm đến tạp chí New Yorker. David Remnick, Tổng Biên tập New Yorker, từ lâu đã biết về những cáo buộc chống lại Weinstein. 15 năm trước, Phóng viên của ông là Ken Auletta từng cố phanh phui nhưng không thể thuyết phục được các nạn nhân lên tiếng.

 Nhà báo Ronan Farrow. Ảnh: Reuters.
Nhà báo Ronan Farrow. Ảnh: Reuters.)

Theo Farrow, Weinstein đã tìm cách dập tắt câu chuyện của anh bằng cách dùng thám tử tư và cựu điệp viên Israel để đào bới những điểm yếu có thể hạ uy tín nhà báo và những người cáo buộc ông ta.

"Tôi nghĩ hầu hết mọi người không biết đến những công cụ đặc biệt và cực đoan mà những người đàn ông quyền lực và giàu có ở nước Mỹ dùng để dập tắt các cáo buộc nhằm vào họ", Farrow nói. "Họ điều tra lý lịch, xuất thân của bạn xem có điều gì để họ nắm thóp và thao túng bạn hay không".

Tuy nhiên, Farrow không phải là người "dễ chơi" - Anh là một luật sư và là con của nữ diễn viên, nhà hoạt động Mia Farrow. Farrow chia sẻ: "Bất cứ điều gì xấu về tôi mà họ có thể tìm ra đều đã phủ đầy trên các tờ báo lá cải. Đó vốn là điều rất khó chịu nhưng trong trường hợp này, đó lại là lợi thế của tôi".

Sau khi bê bối của Weinstein bị phanh phui, nhiều phụ nữ đã đứng lên tố cáo những người đàn ông quyền lực trên khắp thế giới, khiến nhiều người trong số họ bị mất ghế. Thành công của các Nhà báo của New York Times và New Yorker đã cho ra đời các tác phẩm báo chí bùng nổ, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, phơi bày được bộ mặt của những kẻ giàu có và uy quyền.

Thành Chung (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin