Chuyện về những Luật sư đồng hành tìm công lý cho dân nghèo

25/05/2017 13:30

(Pháp lý) - Điểm nóng Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) được hạ nhiệt, Thanh tra đã vào cuộc. Có được kết quả đó, mấy ai biết rằng có vai trò lớn của các Luật sư...Thực tế cho thấy, không ít trường hợp khi gặp bế tắc trên hành trình đi tìm công lý, có người dân đã chọn cách tiêu cực, thậm chí là vi phạm pháp luật nghiêm trọng với mong mỏi được lắng nghe. Nhiều vụ việc, Luật sư đã vào cuộc kịp thời, bằng chuyên môn và nhiệt tâm của mình, các Luật sư đã góp phần mang lại công lý cho không ít dân nghèo...
Những luật sư gỡ “ngòi nổ” ở Đồng Tâm

Những ngày giữa tháng 4 vừa qua, khi thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) dậy sóng, nhiều người lo âu cho người nông dân đã chẳng thể ngủ một giấc thật ngon... Mãi đến khi “ngòi nổ” ở đó được gỡ bởi sự lắng nghe và cam kết có tình có lý của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nhiều người mới reo lên, yên tâm và tin tưởng rằng vụ việc sẽ được giải quyết đúng pháp luật. Âm thầm đóng góp vào quá trình gỡ “ngòi nổ” đó là các Luật sư Hoàng Văn Hướng, Lê Văn Luân, Trần Vũ Hải của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

 Các Luật sư giúp dân trong vụ việc ở Đồng Tâm (Mỹ Đức – Hà Nội)
Các Luật sư giúp dân trong vụ việc ở Đồng Tâm (Mỹ Đức – Hà Nội))

“Chúng tôi vào làng dưới sự dẫn dắt của người dân nên hết sức dễ dàng. Nhưng trái lại với điều dễ dàng đó, là vấn đề người dân chưa đặt hết niềm tin vào luật sư. Họ còn dò xét rất nhiều... Dù không nói ra, nhưng tôi biết khi ấy người dân, chính quyền, cả xã hội đã đặt câu hỏi: Chúng tôi có đi vì động cơ cá nhân hay chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi hay không? Chúng tôi có tư lợi gì không? Nhưng khi biết được chúng tôi đến chỉ với mong muốn có kết quả tốt nhất cho người dân, có lẽ sự chân thành đó đã khiến cho người dân Đồng Tâm tin tưởng” - Luật sư Lê Văn Luân chia sẻ.

Để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc, những luật sư đến với người dân Đồng Tâm đã ân cần phân tích, chia sẻ, tư vấn. “Nếu xét ở hoàn cảnh này, thì những người công vụ bắt người khi không có lệnh bắt, bắt khi mời họ ra đồng để xem đo kiểm đất đai là trái luật, thì việc người dân giữ người cũng không được, pháp luật không cho phép. Nhưng lúc đó, chúng tôi không phê phán người dân, không làm xấu đi tình hình. Chúng tôi không đổ thêm dầu vào lửa”. Có sự đồng cảm đó nên người dân đã tin tưởng vào các Luật sư.

Và sau đó, một trong số các Luật sư chúng tôi đã làm “cầu nối”, bày tỏ nguyện vọng của dân là muốn đối thoại với lãnh đạo Thành phố Hà Nội, để chính quyền hiểu nỗi bức xúc của người dân là có cơ sở.
Những cố gắng của luật sư đã mang lại kết quả bước đầu tốt đẹp. Người dân và chính quyền đã đạt được một sự thỏa thuận có thiện chí. Đó là cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự những người dân ở Đồng Tâm của ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Thế nhưng những Luật sư như Trần Vũ Hải, Lê Văn Luân, Hoàng Văn Hướng, Ngô Hà Luân... còn mong muốn một kết quả trọn vẹn hơn cho người dân. Đó là người dân được giải quyết thấu đáo, đúng pháp luật những vấn đề mà họ khiếu nại kiên trì nhiều năm qua về đất đai ở Đồng Tâm.

Luật sư Nguyễn Chiến – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp Hà Nội đã chia sẻ: “Tôi thực sự đánh giá cao khả năng giải quyết và sự quyết đoán khi xử lý công việc của người đứng đầu thành phố Hà Nội. Có được niềm vui của người dân Đồng Tâm hôm nay trước hết là do hành động hết sức có ý nghĩa của ông Nguyễn Đức Chung khi trực tiếp về với bà con, đối thoại thỏa đáng và đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp.

Trong niềm vui này, có sự đóng góp công sức của một số Luật sư Thủ đô và sự cổ vũ, động viên của giới luật sư cả nước. Tôi cùng các Luật sư đã sớm có mặt ở Đồng Tâm, tôi đã chia sẻ và động viên để các Luật sư làm an lòng dân, đúng pháp luật, không bị tác động bởi bất cứ thế lực nào, giữ được uy tín cho Luật sư cả nước. Các Luật sư rất tận tâm và có trách nhiệm khi thông tin sự việc cho tôi, cùng tôi song hành về thôn Hoành, về với bà con ở đó. Đóng góp vào thành công hôm nay là công lao, thành tích của các anh em Luật sư đồng nghiệp”.

Luật sư Vũ Văn Lợi: Thương dân “tức nước vỡ bờ”

Luật sư Vũ Văn Lợi (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) là luật sư luôn bận rộn với những vụ án mà thân chủ ở khắp ba miền Bắc Trung Nam. Trải qua nhiều cảm xúc thăng trầm trong nghề luật nhưng ông vẫn không quên được kí ức về vụ án của Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng). Kể với Phóng viên Pháp lý, ông không khỏi hoài niệm: “Đó là thời điểm giáp Tết, ai cũng chỉ mong yên ổn để kết thúc một năm dài. Thế nhưng chính quyền địa phương lại tổ chức cưỡng chế đất đai của gia đình ông Vươn, vì cho rằng chẳng còn cách nào khác, ông Vươn dùng súng hoa cải bắn vào đoàn cưỡng chế. Trong những ngày đầu vụ việc diễn ra, đọc thông tin báo chí và mạng xã hội, nghĩ về gia đình ông Vươn, tôi không ngủ được. Sau vài ngày suy nghĩ, tôi quyết định cùng vài đồng nghiệp và mấy nhà báo xuống Tiên Lãng, đề nghị giúp vợ chồng ông Vươn và vợ chồng ông Quý”. Trong vụ án ấy, luật sư Lợi bào chữa cho 4 người.

 Các Luật sư giúp dân trong vụ việc ở Đồng Tâm (Mỹ Đức – Hà Nội)
Các Luật sư giúp dân trong vụ việc ở Đồng Tâm (Mỹ Đức – Hà Nội))

Hỏi về lý do dẫn đến việc ông tình nguyện bỏ công sức, thời gian, tiền bạc thậm chí đối diện với cả hiểm nguy để bào chữa cho ông Vươn, Luật sư Lợi cho hay: “Tôi cho rằng, các thân chủ của mình là những người nông dân người thấp cổ, bé họng. Họ đã cố gắng áp dụng tất cả những biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình nhưng các cơ quan chức năng không chịu giải quyết. Họ bị buộc vào thế, phải tìm một con đường không đúng pháp luật để tạo sự quan tâm giải quyết đúng pháp luật”.

Luật sư Vũ Văn Lợi còn nhớ nguyên cảm giác phải “rón rén” đến nhà ông Vươn. “Sau mấy ngày vụ án diễn ra, không khí trong làng khá yên ắng. Thế nhưng, người dân xung quanh vẫn sợ hãi, run rẩy vì vẫn có những thế lực tìm hiểu, dò xét xung quanh nhà ông Vươn. Khi đến làng, chúng tôi phải đóng giả là những người mua cây và hoa để làm quen với người dân địa phương. Sau khi làm quen, lấy được lòng tin của họ, chúng tôi mới hỏi vào nhà ông Vươn. Ai cũng lắc đầu sợ hãi... Tôi phải cố gắng thuyết phục họ, họ mới đồng ý dẫn đường và chỉ nhà ông Vươn bằng ám hiệu”.

Khi vào được nhà ông Vươn, trái với không khí trong làng, Luật sư Lợi và những người đi cùng được tiếp đón nhiệt tình. Vợ ông Vươn giữ Luật sư Lợi ở lại ăn cơm, trong bữa cơm, họ chia sẻ với Luật sư những thông tin xung quanh vụ việc bằng thái độ thoải mái. Điều đó tháo gỡ những băn khoăn, củng cố niềm tin của Luật sư Lợi với những người nông dân thật thà, chất phác.

Trong phiên tòa bào chữa cho ông Vươn, Luật sư Vũ Văn Lợi nhấn mạnh: Về mặt tội danh, các luật sư đều thừa nhận rằng, hành vi của ông Vươn là có tội. Nhưng căn nguyên sâu xa của hành vi trái pháp luật của ông Vươn xuất phát từ lỗi của nhiều cơ quan ban ngành của xã, huyện, thành phố. Tội thì có nhưng mong tòa xem xét thấu đáo để áp dụng hình phạt nhẹ nhất cho ông Vươn. Nhờ bào chữa của các luật sư, ông Vươn nhận mức án 5 năm tù giam, và được đặc xá sớm.

Trong vụ án trên, nhờ sự đấu tranh kiên quyết của các luật sư, báo chí nên các bị cáo là quan chức có trách nhiệm liên đới trong vụ việc cũng bị xử lý thích đáng. Nguyên Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh và 3 bị cáo Phạm Xuân Hoa (nguyên trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cưỡng chế), Lê Thanh Liêm (nguyên Chủ tịch xã Vinh Quang) và Phạm Đăng Hoan (nguyên Bí thư xã) đã bị xử lý hình sự về tội Hủy hoại tài sản. Đồng thời, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bị khởi tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau 4 năm, còn ấn tượng mãi trong ký ức của Luật sư Vũ Văn Lợi là ngay cả bản thân bị cáo bị giam giữ, bị tuyên phạt tù nhưng thái độ của bị cáo cũng không hề có biểu hiện của sự gục ngã... Sau ngày mãn hạn tù, ông Vươn cùng vợ mình lên Hà Nội, mời Luật sư Vũ Văn Lợi và nhiều nhà báo ngồi ăn chung một bữa cơm, với lời cảm ơn sâu nặng.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Xót thương nông dân bị cướp rẫy

Vào cuối tháng 10/2016, hơn 20 công nhân, bảo vệ của Công ty Long Sơn với khiên đỡ, gậy gộc, dao rựa đã đến khu vực đất của gia đình ông Thắng ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông, dùng máy san ủi vườn điều. Tại đây, có một số người đã dùng súng bắn đạn hoa cải, súng thể thao bắn vào nhóm công nhân khiến 3 người chết tại chỗ, 16 người bị thương. Nguyên nhân xảy ra án mạng là do Công ty Long Sơn tự ý tổ chức lực lượng đi “cưỡng chế” mà không báo chính quyền địa phương.

Lại là một câu chuyện vì cưỡng chế đất đai mà người dân bức xúc. Sau khi cân nhắc, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng từ TP HCM đã quyết định đến Tây Nguyên trợ giúp người dân. Người đàn ông đã bắn đạn hoa cải vào đoàn cưỡng chế của Công ty Long Sơn tên là Hiến đã rời khỏi hiện trường và ẩn nấp sâu trong rẫy. Suốt 5 ngày, anh Hiến vẫn giữ liên lạc với gia đình và được vận động ra đầu thú. Khi ấy anh Hiến nói sẽ ra đầu thú khi có Luật sư và xin được đầu thú trước cán bộ điều tra Bộ Công an. Thông qua một thân chủ của Luật sư Hưng trong một vụ án khác, Luật sư Hưng đã đến hỗ trợ Hiến ra đầu thú.
Luật sư Hưng cho biết: Chiều 27/10, sau khi nhận lời giúp đỡ nghi can, ông đã liên hệ với Cục điều tra Bộ Công an để trình báo sự việc và yêu cầu được hỗ trợ. Ngay sau đó, cán bộ Cục điều tra cùng Luật sư lên huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, vào khu vực nghi can đang trốn. Khi đến đó, người thân đã đưa nghi can ra đầu thú. Cũng theo Luật sư Hưng, mọi việc diễn ra rất nhân văn, nghi can không bị còng tay, còn phụ giúp các trinh sát đẩy xe máy qua đoạn sình lầy. Hiến còn được các trinh sát cho gặp đứa con nhỏ và ẵm vào lòng khá lâu.

 Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh).
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh).)

Tham gia vụ án vì thương người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa, Luật sư Kiều Hưng luôn đặt câu hỏi: Lý do gì mà doanh nghiệp lại có thể thực hiện việc cưỡng chế trái pháp luật như vậy? Lý do gì mà các doanh nghiệp kiểu này lại có thể hoành hành và chèn ép, thậm chí đánh đập người dân đến mức kinh hoàng từ lâu mà không bị xử lý? Trong quá trình tìm hiểu thông tin, hỗ trợ, bào chữa cho Hiến thì Luật sư Kiều Hưng được nhiều người dân cho biết: Hiến đã hành động thay nhiều người khác và vì hàng trăm người dân ở đây đã uất ức trong suốt nhiều năm qua.

Từ việc nắm thông tin kĩ lưỡng về vụ việc, Luật sư Hưng nhận định: Tôi nhận thấy tại địa bàn này, nhóm lợi ích thường có những thủ đoạn khá giống nhau để ức hiếp người dân và trục lợi. Người dân thì ít am hiểu pháp luật, thấp cổ bé họng, kêu trời không thấu. Hầu hết người tố cáo đều bị đe dọa. Nội dung tố cáo bị bưng bít, che giấu sự thật. Hiện tượng này xảy ra một thời gian dài, gây bức xúc, dồn nén ngoài sức chịu đựng của người dân.

Luật sư Hưng đã sử dụng trang tin điện tử của văn phòng mình và facebook hàng nghìn người theo dõi của mình để kêu gọi sự ủng hộ của dư luận, thu thập các thông tin, cũng như chứng cứ để bào chữa cho Hiến. Sau 4 tháng từ lúc Hiến ra đầu thú, Luật sư Kiều Hưng tham gia từ buổi hỏi cung đầu tiên. Luật sư Hưng kể về thân chủ: Hiến vẫn khỏe, trắng và trẻ ra nhiều. Hiến đã bật khóc khi Luật sư nói chuyện về gia đình, người thân. Trước đó, Hiến nói không còn gì để mất cả... Bị người của công ty Long Sơn ức hiếp, Hiến không đành lòng ôm vợ, ôm con đứng nhìn bọn họ ủi rẫy, phá nhà, phá cửa nên chống cự.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng dành thời gian, tâm huyết cho vụ án này là vì cái tâm mình, vì thương người dân vùng sâu, vùng xa đã nghèo lại không được bảo vệ. Vụ án chưa được đưa ra xét xử nhưng dưới sự đấu tranh của Luật sư và dư luận, Bộ Công an đã phân công 13 điều tra viên làm vụ này. Hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Long Sơn cũng đã được khởi tố, trách nhiệm của chính quyền cũng sẽ được xem xét. “Hi vọng công lý sẽ được thực thi...” Luật sư Nguyễn Kiều Hưng nói.

Vì những sai sót có hệ thống của chính quyền cấp cơ sở, người dân mất niềm tin, bức xúc phản kháng để đòi lại công lý cho mình. Nhờ sự tranh đấu của luật sư giỏi và có tâm, công lý đã được thực thi dù rất gập ghềnh. Những luật sư như thế, giúp dân, công luận có thêm niềm tin... Quan trọng hơn cả là việc họ làm góp phần kiến tạo để xã hội phát triển công bằng hơn.

Tuấn Anh

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện về những Luật sư đồng hành tìm công lý cho dân nghèo" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin