(Pháp lý) - Quốc hội khóa XIV có 17 đại biểu là Công an nhân dân. Họ là những tấm gương sáng, gánh trên vai hai trọng trách lớn được nhân dân giao phó. Tuy cách nói là khác nhau: Người công an nhân dân “vì nước quên thân vì dân phục vụ”, người ĐBQH “trung thành với Tổ quốc, với nhân dân”, nhưng họ cùng chung một mục tiêu, chí hướng đó là phụng sự nhân dân. Pháp lý xin giới thiệu về 3 vị Đại biểu Quốc hội có nhiều chiến công xây dựng lực lượng công an, lập nhiều thành tích trong trấn áp tội phạm và hết lòng vì sự bình yên của nhân dân..
Thiếu tướng Sùng A Hồng: Khắc tinh tội phạm vùng “tam giác vàng”
Thiếu tướng Sùng A Hồng hiện là Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên. Điện Biên là một khu vực có tình hình tội phạm phức tạp, giáp danh 3 nước Việt – Lào- Trung Quốc. Ông trưởng thành từ lính trinh sát ma túy và được bổ nhiệm Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên từ năm 2013. Hồi ông làm trinh sát, ông nổi tiếng là người gan dạ, dũng cảm, nhiều lần bị thương khi truy bắt tội phạm ma túy. Ông là một trong những sỹ quan cấp tướng của lực lượng Công an nhân dân đã nhiều lần vượt qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.
Với nhiều phóng viên theo dõi mảng an ninh trật tự thì Thiếu tướng Sùng A Hồng là "kho" tư liệu của lực lượng phòng chống ma túy ở đơn vị Công an nơi địa đầu Tây Bắc. Năm 1998, khi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy PC17 (nay là PC47) Công an tỉnh Điện Biên được thành lập, ông là một trong 15 cán bộ chiến sĩ về đầu quân cho đơn vị này. Chỉ sau một thời gian ngắn, Phòng PC17 đã trở thành “tay công” chính trong trận tuyến phòng chống tội phạm ma túy.
Dưới sự lãnh đạo của ông, với những đợt truy quét tội phạm đã khiến bọn tội phạm “xanh mặt”. Chính vì vậy mà có lúc bọn ma phi a Tam Giác Vàng treo giải 100.000 USD cho ai lấy được mạng Sùng A Hồng và có lần ông bị đối tượng chĩa súng vào bụng bóp cò... Trong hành trình đánh án ma túy, Thiếu tướng Sùng A Hồng đã phải trải qua hàng chục tình huống nguy hiểm, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Còn nhớ khi Phòng PC47 mới được thành lập, Sùng A Hồng đang giữ cương vị Đội trưởng trinh sát, dẫn đầu một tổ công tác triệt phá đường dây ma túy do Mùa A Dế và Mùa A Pó ở Na Ư, Điện Biên cầm đầu. Tổ công tác tổ chức đón lõng đối tượng ở khu vực Na Hai, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên. Khi phát hiện có 2 đối tượng nằm trong đường dây xuất hiện, Sùng A Hồng và đồng đội bất ngờ lao ra quật ngã đối tượng. Nhưng 2 tên "người rừng" to như trâu mộng, tuy bị bất ngờ vẫn chống trả quyết liệt. Sùng A Hồng ôm ghì lấy tên Mùa A Dế. Cả ông và đối tượng đều lăn xuống vực. Trong khi ông đang ghì nghiến và dùng cùi trỏ giáng nhiều đòn vào mặt hắn thì ông thấy mạng sườn đau nhói bởi một vật cứng thốc ngược vào nách đến khó thở kèm theo một tiếng… cạch khô không khốc của kim hoả súng ngắn. Ngay lập tức, Sùng A Hồng giáng cho hắn 3 đòn quyết định, tên này ngã vật ra bất động, khẩu súng K54 trong tay hắn văng ra xa. Hóa ra hắn đã rút súng chĩa vào ngực Sùng A Hồng bóp cò nhưng rất may đạn bị lép. Kể lại kỷ niệm "lạnh người" đó, Thiếu tướng Hồng cười vui: "Đánh án cũng cần có duyên, khi giáp mặt với tội phạm, bên cạnh lòng dũng cảm thì cán bộ công an phải mưu trí và trong nhiều trường hợp cần cả yếu tố may mắn nữa".
Trên cương vị là lãnh đạo, ông đã đưa công an tỉnh Điện Biên phát triển thành một lực lượng anh hùng. Trong báo cáo thành tích đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới, trong những năm trở lại đây, Phòng PC47 Công an tỉnh Điện Biên đã điều tra, làm rõ 5.973 vụ, bắt giữ 8.535 đối tượng, thu giữ 871 kg thuốc phiện, 186,2 kg heroin, 17.234 viên ma túy tổng hợp, 44 súng các loại, 154 viên đạn, 19,1 kg thuốc nổ và 20 tỷ đồng… Có lẽ cũng hiếm có đơn vị nào có lực lượng thiện chiến như ở đây. 90% quân số của Phòng PC47 được tặng thưởng Huân chương chiến công các hạng và bằng khen Chính phủ và Bộ Công an, một cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Không chỉ trong hoạt động phòng, chống tội phạm, trong quan hệ với dân, Thiếu tướng Sùng A Hồng còn là một người cán bộ công an gần dân. Công tác ở một khu vực đặc biệt khó khăn, cách trở về giao thông nhưng ông không hề ngại khó, ngại khổ. Có lần ông dẫn đầu đoàn công tác đi bộ 4 tiếng đồng hồ vào thăm hỏi, động viên bà con nhân dân chịu hậu quả lũ lụt tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Năm 2016, người dân đã tin yêu, tín nhiệm bầu ông là ĐBQH khóa XIV với tỉ lệ phiếu cao.
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao: Khắc tinh của tội phạm ở vùng “tam giác đen”
Từ lâu, khu vực 3 tỉnh Đồng Nai – Bình Dương – Thành phố Hồ Chí Minh được mệnh danh là “tam giác đen”. Khu vực với các địa bàn trọng điểm, vùng ven, địa bàn giáp ranh, địa bàn có nhiều khu công nghiệp. Đại tá Nguyễn Hoàng Thao – Giám đốc công an tỉnh Bình Dương là người đã có những đóng góp lớn trong đấu tranh với tội phạm ở khu vực này. Ông được mệnh danh là cán bộ công an chuyên vạch mặt những tội phạm ẩn mình trong bóng tối, khắc tinh của tội phạm ở vùng “tam giác đen”.
Từ năm 1986, Nguyễn Hoàng Thao được cử ra nước ngoài học tập. Về nước, ông được phân công công tác tại Công an tỉnh Bình Dương, trong các đơn vị mũi nhọn về phòng chống tội phạm. Bình Dương thời điểm những năm 2011-2013, người nhập cư gia tăng chóng mặt, vấn đề khó khăn nổi lên là sự gia tăng các loại tội phạm. Từ những loại tội phạm như giết người, cướp của, trộm cắp tài sản, buôn lậu… hoạt động manh động, tinh vi, xảo quyệt, sử dụng cả hung khí "nóng" gây án, đến các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tín dụng đen, cờ bạc xuyên biên giới…
Tội phạm từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung bằng nhiều phương thức, thủ đoạn ẩn vào lập "cứ địa", hoạt động núp bóng doanh nghiệp, gây ra nhiều vụ thanh toán kiểu "xã hội đen", cưỡng đoạt trong buôn bán bất động sản, các hợp đồng buôn bán vật liệu… Bấy giờ, trên cương vị Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao đã trăn trở rất nhiều. Sức ép dư luận, áp lực cấp trên liên tục xoáy vào những vấn đề nổi cộm về an ninh trật tự của Bình Dương. Cùng lúc đó, trên địa bàn tỉnh xảy ra liên tiếp các vụ án gây chấn động dư luận.
Điển hình là "trùm" giang hồ bảo kê "Dũng ben" từ TP Hồ Chí Minh mang vũ khí "nóng" xuống Bình Dương thanh toán con nợ giữa thanh thiên bạch nhật. Mấy ngày sau, xuất hiện một nhóm khoảng 20 người đi trên xe ôtô từ tỉnh ngoài về Bình Dương chém người. Tiếp đến là băng nhóm vùng "tam giác đen" gây ra hàng loạt vụ trộm xe, bảo kê. Sức ép bủa vây, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao như người ngồi trên chảo lửa. Trách nhiệm của người đứng đầu Cơ quan CSĐT cấp tỉnh, và lớn hơn nữa là trách nhiệm với lòng tin của nhân dân vào lực lượng Công an đã thúc giục anh cấp bách hơn bao giờ hết. Nút thắt được lật mở bắt đầu với băng nhóm trộm cướp, tiêu thụ hàng ngàn xe gian do Vũ Đức Tuấn (tự ''Tuấn chó'') cầm đầu.
Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, những cán bộ tinh nhuệ được tung ra, chỉ trong vòng ba ngày, băng "Tuấn chó" bị "đánh gục". Đây là trận đấu mà Đại tá Thao không thể nào quên trong cuộc đời làm án của mình. Bởi, lúc chỉ còn 30 phút nữa là bước sang ngày mới, hết thời hạn tạm giữ "Tuấn chó" thì ông nhận được tin báo từ đồng đội là hắn nhận tội. Từ mắt xích đó, vụ án được phá. Cuộc chiến chống tội phạm ở đất Bình Dương tiếp đà xông lên. Các "trùm" bảo kê như Nguyễn Đức Tiến (tự "Đức chó"), Minh "đen", Phi "đen, Mười Thu, Sáu Thế… lần lượt sa lưới. Con đường hoạt động của các băng nhóm "xã hội đen", bảo kê, trộm cắp bị bẻ gãy, tạo sức răn đe mạnh mẽ và làm chùn bước tội phạm. Tên gọi "tam giác đen" dần lùi vào dĩ vãng, giờ thì chỉ còn trong tiềm thức.
Sau khi đánh bật các băng nhóm tội phạm khỏi Bình Dương, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao báo cáo với Ban Giám đốc một số chiến lược cho hướng đi tiếp theo, trong đó trọng tâm là việc chuyển hóa địa bàn tại khu vực phức tạp. Ông trực tiếp chỉ huy những đợt truy quét thần tốc vào vùng giáp ranh thị xã Dĩ An - Biên Hòa (Đồng Nai) - Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), sau đó tiếp tục nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực giáp ranh trở lại bình yên từ khu phố đến tổ dân cư. Sau những trận thắng oanh liệt trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao không nhận bất cứ một tấm huân chương nào, ông dành phần thưởng ấy cho đồng đội của mình, bởi không có họ chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi, sẽ không có được thành công vang dội như thế. Với ông, tấm huân chương cao quý nhất chính là đã lấy lại lòng tin của nhân dân vào lực lượng công an, đảm bảo vững chắc tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Bình Dương.
Năm 2016, ông được cử tri tin yêu bầu làm ĐBQH. Vừa giữ cương vị Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, thêm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao luôn rất bận. Làm lãnh đạo, họp ĐBQH, tiếp xúc cử tri, nhưng ông không quên và vẫn dành phần nhiều thời gian cho lĩnh vực điều tra tội phạm. Với ông đây là lĩnh vực rộng, hội tụ nhiều mặt của các lĩnh vực, nên kiến thức yêu cầu cũng phải sâu rộng, toàn diện vừa là thử thách vừa là để phục vụ nhân dân tốt nhất dựa trên chuyên môn của mình.
Đại tá Đào Thanh Hải: Không cho côn đồ có đất lộng hành ở thủ đô
Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội, nơi được gọi với cái tên quen thuộc "nhà số 7", nơi mà chỉ cần nhắc đến là các loại tội phạm, kể cả loại cộm cán nhất cũng đều khiếp sợ. Đại tá Đào Thanh Hải đã trải qua rất nhiều cương vị ở địa chỉ huyền thoại này, từ trinh sát đến Đội trưởng, Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng. Thế nhưng ở đời thường, anh là người hết sức giản dị. Nếu có một ngày, trong quán phở bình dân ở phố Đỗ Hạnh, gần “nhà số 7” Thiền Quang, có ai đó vô tình ngồi chung bàn với một người đàn ông luống tuổi, gương mặt nom có vẻ hơi lạnh nhưng nói năng lại cực kỳ khiêm nhường thì đó là anh. Dù là người cầm quân của một lực lượng mạnh trong trấn áp tội phạm, người trải qua nhiều trận mạc nhưng trong đời thường khi sáng sáng, lững thững đi bộ trên con phố rợp bóng cây từ Đỗ Hạnh về Thiền Quang, anh luôn mỉm cười với cả những người bán hàng quà vặt trên những con phố đậm đặc chất Hà Nội này.
Một trong những vụ án đáng nhớ của Đại tá Đào Thanh Hải là vụ án bắt cóc em bé sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Khi ấy dư luận như sôi lên và Đại tá Đào Thanh Hải khi ấy với cương vị là người cầm quân ở “nhà số 7”, cũng như trên chảo lửa. “Nhà số 7” khi ấy, đêm nào cũng sáng đèn và đồng chí Nguyễn Đức Chung – khi đó là Giám đốc Công an TP Hà Nội - chỉ đạo sát sao từng giờ, từng phút với mục tiêu trong thời gian sớm nhất phải tìm thấy em bé, phải truy bắt được kẻ gây ra vụ bắt cóc động trời này.
Sau khi lực lượng trinh sát hình sự tìm ra nơi kẻ bắt cóc giấu cháu bé, nhận chỉ thị của Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Chung rằng, bằng mọi cách phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cháu bé, Đại tá Đào Thanh Hải trực tiếp lên đường cùng với các trinh sát. Khi cùng đồng đội bước vào nhà thì kẻ bắt cóc vẫn đang bế cháu bé trên tay. Đó thực sự là phút giây sinh tử. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ là rất có thể nguy hiểm đến tính mạng cháu bé khi mà ở vào khoảnh khắc này, kẻ phạm tội đã nhận ra rằng, vậy là âm mưu đen tối mà bấy lâu cô ta cất công dàn dựng một cách tinh vi đã bị phát hiện. Thế nhưng bằng sự nhạy cảm, kĩ năng được tôi luyện, anh đã mang cháu bé về an toàn.
Tối ấy, sau khi em bé đã được trở về với vòng tay mẹ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong niềm vui tột đỉnh của gia đình, khi bản tin thời sự VTV1 phát đi những hình ảnh về cuộc bàn giao cháu bé của Công an TP Hà Nội cho gia đình, khi trên mạng Internet liên tục đăng tải hàng trăm ý kiến bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tài năng của lực lượng truy tìm thì ngang qua cổng “nhà số 7”, thì Đại tá Hải, lặng lẽ đứng nhìn đường phố Thủ đô, giờ ấy đã sáng đèn, lung linh và bình yên đến lạ…
Đại tá Đào Thanh Hải hiện là Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội. Ông là 1 trong 17 ĐBQH của ngành công an trúng cử Quốc hội khóa XIV. Ông từng được mệnh danh là “khắc tinh" của tội phạm, ông khẳng định sẽ tiếp tục trấn áp, không cho những kẻ côn đồ có “đất” lộng hành ở Thủ đô. “Trở thành ĐBQH, tôi sẽ bám sát dân hơn nữa, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để thấu hiểu và giải quyết được tất cả vấn đề nhân dân đang bức xúc, từ vấn đề an ninh trật tự cho đến các vấn đề đời sống dân sinh”, ông Hải tâm tình sau ngày trúng cử.
Minh Hải
(tổng hợp từ nguồn các báo: cand.com.vn; vtc.vn; infonet.vn)