Chuyện người Quân khu 3 ở Trường Sa

04/06/2017 09:04

Ở quần đảo Trường Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, những cán bộ, chiến sĩ ở mọi miền quê đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, ngày đêm chắc tay súng giữ gìn chủ quyền biển đảo. Trong những chuyện kể về người lính Trường Sa ấy, có nhiều câu chuyện cảm động về những người con vùng châu thổ sông Hồng ở địa bàn Quân khu 3.

 Đoàn ca múa kịch Thái Bình biểu diễn trên đảo Trường Sa Đông
Đoàn ca múa kịch Thái Bình biểu diễn trên đảo Trường Sa Đông)

Đoàn công tác chúng tôi đi Trường Sa vào những ngày cuối tháng 5 - thời điểm chuyển từ gió Đông Bắc sang Tây Nam nên thời tiết diễn biến phức tạp. Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Nho - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Phó trưởng đoàn công tác cho biết con tàu chở chúng tôi đi có thể chịu được sóng gió cấp 12 nên mọi người an tâm với hành trình dài ngày trên biển.

Tại đảo đầu tiên - đảo chìm Đá Lát, chúng tôi gặp khá nhiều đồng hương Quân khu 3. Thượng uý Vũ Quang Khắc - Chính trị viên đảo, quê Quỳnh Phụ, Thái Bình cho biết, có tới gần một nửa số cán bộ, chiến sĩ quê ở các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 3 làm nhiệm vụ ở đây. Thượng úy Khắc tâm sự: “Dù ở đảo xa, nơi quê nhà gia đình còn nhiều khó khăn nhưng anh em vẫn yên tâm công tác, xác định tốt trách nhiệm của người chiến sĩ giữ đảo. Chuyện Đại úy Đoàn Văn Hiển - Đảo trưởng, quê Ý Yên, Nam Định, bố mất không thể về chịu tang vẫn gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ nơi đây”.

Rời đảo Đá Lát, chúng tôi tới đảo Trường Sa. Trò chuyện với Ban chỉ huy đảo, chúng tôi khá bất ngờ khi biết có tới 2/3 số cán bộ chỉ huy ở đây quê Quân khu 3, trong đó Đảo trưởng, Chính trị viên và Đảo phó quân sự cùng quê Thái Bình. Buổi tối trên đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp làm quen với hạ sĩ Phạm Minh Trí (quê xã Hải Phong, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Trí sinh năm 1996, bố là sỹ quan Tổng cục Chính trị. Sau khi tốt nghiệp trung học, Trí viết đơn nhập ngũ và được điều ra Trường Sa làm Pháo thủ pháo 37 ly.

Vốn yêu thích biển đảo lại được công tác ở đơn vị anh hùng Trí đã mau chóng trưởng thành. Tháng 3 vừa qua, Trí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành đảng viên trẻ nhất của đảo. Trí cho biết, ước nguyện của em là được phục vụ Quân đội lâu dài để tiếp tục sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo mà các thế hệ cha anh đã đổ máu xương gìn giữ.

Cách đảo Trường Sa không xa, đảo Trường Sa Đông cũng là nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ quê Quân khu 3. Trung tá Trần Văn Đức - Chính trị viên đảo cho biết nhà anh ở phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Vợ anh là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân Trường THPT Bạch Đằng.

Trung tá Đức vốn là cán bộ Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân. Nhận nhiệm vụ ra đảo từ năm ngoái khi đứa con đầu tám tuổi, đứa con thứ 2 mới một tuổi lại có dấu hiệu tự kỷ, song anh đã động viên vợ cố gắng khắc phục khó khăn, một mình đưa con đi chữa trị. Còn anh, đã là người lính thì phải đặt nhiệm vụ lên trên hết. Tình cảm với gia đình càng khiến anh thêm quyết tâm vượt khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trung sĩ Vũ Anh Tuấn - Khẩu đội trưởng Pháo 37 ly, quê xã Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng ở đảo Trường Sa Đông chia sẻ: “Cùng ra Trường Sa đợt tháng 5/2016 với em có rất nhiều người ở các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên... trong đó, riêng Hải Phòng quê em đã có mấy chục người. Với em được ra đây là niềm vinh dự, tự hào. Bởi gia đình em có bố và anh trai cũng từng là người chiến sỹ trên đảo Cô Tô...”.

Ở đảo Trường Sa Đông có một ngôi mộ gần bờ kè đá. Trung tá Vũ Văn Xanh, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Đông cho biết đó mộ anh Ngô Quyết Thắng - nhân viên Quản lý đảo Đá Tây A, sinh năm 1988, quê Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Anh Thắng mất năm 2014 do bệnh nặng nhưng vì đảo Đá Tây A là đảo chìm, không có đất nên thi thể anh được chuyển về chôn cất tại đây. Ngày rằm, mồng một cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều thắp hương cho anh như người thân yêu ruột thịt của mình.

Đảo Tiên Lữ có lẽ là đảo xa nhất quần đảo Trường Sa, nằm cách đất liền 374 hải lý. Đại uý QNCN Bùi Văn Ngôn - y sĩ trên đảo, quê Kiến Thuỵ, Hải Phòng cho biết: “21 năm phục vụ trong Quân đội, tôi đã có 5 năm công tác ở Trường Sa”. Trước đó, anh Ngôn đã từng ở đảo Sinh Tồn, Nam Yết. Ra Tiên Lữ được gần một năm nay, anh đã khám, điều trị, cấp thuốc cho hơn 100 lượt ngư dân và người lao động trên đảo.

Có nhiều ca nguy hiểm như anh Phạm Văn Trọn (19 tuổi) ngư dân tàu cá tàu BĐ 94658TS bị viêm ruột thừa cấp; bác Trần Xuân Trường (62 tuổi) ngư dân tàu BĐ 97810TS bị cây xuyên cá đâm vào cánh tay trái, làm đứt mạch máu, đứt gân cơ tam đầu... đã được anh sơ cứu kịp thời, hướng dẫn di chuyển vào đảo Phan Vinh nơi có Tổ Quân y của Bệnh viện Quân y 7, Cục Hậu cần Quân khu 3 phẫu thuật, điều trị.

Ngày cuối cùng ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi tới thăm đảo Thuyền Chài. Thượng uý Đỗ Ngọc Kình - Phó Chỉ huy trưởng điểm B, đảo Thuyền Chài, quê Giao Thuỷ, Nam Định bộc bạch: “Mấy hôm trước nghe tin có đoàn các anh ra đảo, cả đảo chúng em vui lắm. Gặp các anh, các chị, được nghe những lời ca, tiếng hát, được biết thêm những thông tin về hậu phương gia đình, chúng em có thêm nguồn động viên tinh thần to lớn để vượt qua khó khăn, vững vàng tay súng...”.

Chia tay những người lính con em đồng bằng châu thổ sông Hồng trên quần đảo Trường Sa dạn dày phong ba, nắng gió, chúng tôi thấy tràn ngập niềm vui và tự hào, bởi họ đã và đang cùng với những người con trên khắp mọi miền Tổ quốc góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo  Bao Phapluat

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện người Quân khu 3 ở Trường Sa" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin