Chuyện giờ mới kể về vị Bộ trưởng '30 năm ngoài Đảng'

GS. TS Nguyễn Văn Huyên là người giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục trong thời gian dài nhất với 28 năm, 350 ngày.

GS. TS Nguyễn Văn Huyên cùng vợ (bà Vi Kim Ngọc)
GS. TS Nguyễn Văn Huyên cùng vợ (bà Vi Kim Ngọc))

Ông có những đóng góp quan trọng và quyết định trong xây dựng nền giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều đặc biệt và có lẽ không nhiều người biết là dù có học vấn uyên thâm, nhưng trong suốt thời gian tại vị, ông là... người ngoài Đảng.

Một thanh niên yêu nước và ưu tú

Một ngày gần cuối tháng 10, gặp con trai út của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là PGS. TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong ngôi nhà ấm cúng vẫn còn in đậm dấu ấn của cụ, chúng tôi được nghe ông Huy kể chuyện về cha với giọng đầy tự hào và yêu thương.

PSG. TS Nguyễn Văn Huy kể lại, cha ông là một thanh niên trí thức Tây học. Về nước từ năm 1935, ông dạy ở trường Bưởi, sau đó làm việc ở trường Viễn Đông Bác cổ, nơi chỉ có 5 thành viên chính thức, gồm 4 người Pháp, và cụ Huyên là người Việt Nam duy nhất. Ngay từ khi còn rất trẻ, cha ông đã có khát khao cháy bỏng là giành lại độc lập cho đất nước, cho nên năm 1928, khi chuẩn bị chọn đề tài làm luận án tiến sĩ, cha ông đã chọn đề tài “Mối quan hệ Pháp và Đông Dương từ những năm 1800-1880” với mong muốn tìm hiểu tại sao và bằng cách nào, người Pháp lại quan tâm đến Đông Dương và mong muốn chiếm được nó như thế. Tuy nhiên, khi trình đề tài này cho cơ quan lưu trữ của Pháp để xin được đọc các tài liệu liên quan, thì cố Bộ trưởng không được cho phép tiếp cận.

Vì thế, ông chuyển hướng sang nghiên cứu dân tộc học, để từ đó đi tìm những vấn đề liên quan đến văn hoá, khẳng định vị trí của đất nước, khẳng định Việt Nam có nền văn minh riêng, khẳng định người Việt đã xây dựng đất nước trên một nền văn minh độc đáo.

Và với lòng yêu nước nồng nàn, ngay khi bắt đầu cuộc Cách mạng tháng 8/1945, ông cùng các trí thức yêu nước khác đã nhập cuộc ngay với ước vọng cao cả giành độc lập cho đất nước.

Vị Bộ trưởng hiếm hoi

Vào thời điểm đó, GS. TS Nguyễn Văn Huyên được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tin cậy, giao nắm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ tháng 11/1946 - trong bối cảnh đất nước vô cùng khó khăn, có đến 95% người dân mù chữ.

Thời kháng chiến, Bộ trưởng cũng chỉ đi bộ và xe đạp, thế nhưng Bộ trưởng Huyên nhiều lần đạp xe từ Tuyên Quang qua Hòa Bình, vào Thanh Hóa, xuống tận Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ông đi suốt cả tuyến đó để xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống giáo dục.

Đến lúc điều kiện đi lại dễ dàng hơn, đã có ô tô, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thường xuyên đi đến các vùng xa xôi, hẻo lánh nhất như: Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Mường Tè… để động viên phong trào giáo dục miền núi, làm sao để giáo viên miền núi yên tâm công tác, để học sinh vùng xa xôi đi học. “Sự tin cậy của Đảng với một vị Bộ trưởng ngoài Đảng như cha tôi là có cơ sở, với nền tảng rất sâu xa”, ông Huy tự hào.

Với bối cảnh đến 95% người dân mù chữ, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về việc “người biết nhiều dạy người biết ít”, Bộ trưởng Huyên khi ấy đã nghiên cứu và quyết định cải cách giáo dục phổ thông, rút ngắn thời gian từ 12 năm xuống 9 năm để có thể tạo ra được đội ngũ cán bộ mới trong thời gian ngắn. Rồi khi hoà bình lập lại, lại nâng thời gian phổ thông lên 12 năm. Đó là sự sáng tạo, năng động cho phù hợp với xu thế của đất nước. “Trước đó, có những anh bộ đội nằm trong chiến hào Điện Biên không hề biết chữ, thư nhà gửi đến phải có người đọc hộ, muốn viết thư cũng phải có người viết hộ. Nhưng sau đó, dưới thời cha tôi làm Bộ trưởng, đa số cán bộ chiến sĩ đều có trình độ cao hơn”, ông Huy kể lại.

Xin thôi Bộ trưởng để đi làm Luật sư

Tuy nhiên, với danh phận là người ngoài Đảng, PTS. TS. Nguyễn Văn Huy cho biết, cha ông cũng gặp không ít khó khăn trong công việc. Nhưng Bộ trưởng Huyên lại hiểu rất rõ và vượt qua tất cả những khó khăn đó, luôn học tập, nắm vững các đường lối, chủ trương của Đảng để vận dụng vào hoạt động giáo dục một cách nhuần nhuyễn nhất. Cùng với đó, là nhà khoa học, trí thức, Bộ trưởng cũng phải xây dựng cho mình bản lĩnh vững vàng để mạnh dạn áp dụng tất cả những thứ đã nghiên cứu. “Chính vì vậy, nền giáo dục 30 năm cụ làm Bộ trưởng là nền giáo dục trong điều kiện khó khăn nhất nhưng lại phát triển nhất, có nhiều dấu ấn, chất lượng”, con trai cố Bộ trưởng chia sẻ.

Vào thời ấy, cái tiếng “Bộ trưởng chưa phải là đảng viên” cũng gây không ít khó khăn cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Ông Huy kể, có khi cha ông xuống công tác tại một tỉnh nhưng người đứng đầu tỉnh đó nghĩ “Bộ trưởng chưa là đảng viên” nên không dành thời gian làm việc cùng. Bộ trưởng dù không quan trọng việc đó, vẫn đi xuống cơ sở làm việc của mình, nhưng nghe nói, khi việc này đến tai Bác Hồ, Bác đã gọi người đứng đầu tỉnh đó lên phê bình. Bác nhắc nhở: “Sự nghiệp cách mạng không phải chỉ của riêng đảng viên mà của cả nước, nên phải tôn trọng những người lãnh đạo ở các ngành, các cấp, dù họ có là đảng viên hay không”.

Năm 1959, chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, ông Huy kể, cha ông đã viết đơn xin vào Đảng. Bộ trưởng Huyên khi ấy đã làm bản tự khai lý lịch, chi bộ, Đảng bộ Bộ Giáo dục thông qua nhưng vẫn thận trọng báo cáo lên Bộ Chính trị và Bác Hồ. Bộ Chính trị lúc đó có một Nghị quyết vận động một số trí thức cao cấp vì nhiệm vụ cách mạng nên ở ngoài Đảng thì có lợi hơn. Rồi một buổi trưa, Bác Hồ mời Bộ trưởng Huyên lên ăn cơm và ôn tồn nói: “Chú ở ngoài Đảng thì có lợi cho cách mạng hơn, nên sẽ không kết nạp vào trong Đảng. Nhưng tất cả các cuộc họp chi bộ, Đảng bộ, Đảng đoàn đều phải mời Bộ trưởng tham dự”.

Đã có lúc trăn trở, suy nghĩ, là người “ngoài Đảng” sẽ khó khăn trong công tác chỉ đạo ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gặp Bác Hồ và xin thôi giữ chức Bộ trưởng để làm luật sư, để cho người khác là đảng viên giữ chức này sẽ thuận lợi hơn, nhưng Bác nói: “Chú đã làm việc rất tốt, điều đó chứng tỏ không phải cứ là đảng viên thì mới làm việc hiệu quả. Vấn đề cốt yếu là có tư tưởng yêu nước, thương dân, có phương pháp làm việc đúng, nhiệt tình và công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chú có đủ những yếu tố đó, vì vậy Bác khuyên chú cứ tiếp tục giữ trọng trách mà Chính phủ giao. Đây cũng là chú làm việc vì dân, vì nước”.

Sau đó, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Đức Thọ đã về Bộ Giáo dục phổ biến lại chủ trương đó. Từ đó, tất cả hoạt động của Đảng đều mời Bộ trưởng Huyên tham dự, đóng góp ý kiến như một đảng viên, chỉ trừ 2 điều khác đảng viên là không đóng Đảng phí và không được biểu quyết. Đó là một trường hợp ngoại lệ.

Dù là người ngoài Đảng, nhưng ông Huy kể, cha ông luôn đấu tranh kiên quyết với cái sai. Ví như có trường hợp ở Hà Tây, ông Bí thư Tỉnh ủy đề bạt vợ mình làm Trưởng ty Giáo dục (nay là Giám đốc Sở Giáo dục), nhưng bà này mới có trình độ phổ thông, mà Trưởng ty Giáo dục thì phải lãnh đạo hệ thống giáo dục các cấp. Bộ trưởng Huyên thấy chưa đủ năng lực lãnh đạo hệ thống giáo dục của một tỉnh, nên kiên quyết không chấp thuận và đề nghị tỉnh phải cử lại. Cuối cùng, tỉnh phải điều bà này đi làm việc ở nơi khác.

Còn một chuyện nữa, khi cha là Bộ trưởng nhưng không phải đảng viên, các con ông đều rất khó khăn để phấn đấu vào Đảng. “Vì họ thấy trong gia đình tôi không có ai là đảng viên, thành phần giai cấp lại rất đặc biệt”, ông Huy lý giải. Nhưng đó cũng không phải chuyện bất biến. Năm 1972, ông Huy công tác tại Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Khi cân nhắc quyết định kết nạp ông vào Đảng, tổ chức đã cẩn thận đến Bộ Giáo dục hỏi rõ chuyện “Bộ trưởng ngoài Đảng” của cha ông và được giải thích rõ việc này. Hai chị gái của ông sau đó cũng lần lượt trở thành đảng viên.

“Khi đất nước thống nhất và miền Nam được giải phóng, cha tôi rất phấn khởi. Khi đó cụ vẫn khỏe, tràn trề niềm hy vọng rằng đất nước thống nhất thì giáo dục phát triển, nên ngay trong thời kỳ chiến tranh, Bộ Giáo dục và cụ là Trưởng ban Cải cách giáo dục đã chuẩn bị đợt cải cách lần thứ 3 (lần thứ nhất vào năm 1950, lần thứ hai vào năm 1956-PV). Nhưng đáng tiếc là khi cụ chưa kịp thực hiện cuộc cải cách đó thì đã ra đi”, ông Huy trầm ngâm.

Và giờ đây, để kể lại cuộc đời của cha mẹ mình, cũng là để viết tiếp những tâm huyết của cha, PGS. TS Nguyễn Văn Huy đã và đang chăm sóc cho Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được đặt ở quê nhà (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Hơn 400 hiện vật trưng bày tại đây chính là tuổi trẻ, là cuộc đời và dấu ấn trong suốt 30 năm của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

GS. TS. Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nguyên quán tại xã Kim Chung, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Năm 18 tuổi, ông được gia đình cho đi Pháp du học. Ông học tú tài, rồi Cử nhân Văn khoa năm 1929, Cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne. Năm 1934, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại nước ngoài. Năm 1935, ông trở về nước, khước từ làm quan, dạy học tại trường Bưởi. Năm 1938, ông tham gia Hội truyền bá chữ quốc ngữ và chuyển sang nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác cổ.

Trong cuộc Cách mạng tháng Tám, ông là một trong những người đại diện trí thức Thủ đô cùng với Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Hồ Hữu Tường ký bức điện yêu cầu Vua Bảo Đại thoái vị, nhường quyền kiểm soát đất nước cho nhân dân qua Chính phủ cách mạng.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 11/1946, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) và giữ chức vụ này trong gần 29 năm, cho đến khi mất vào tháng 10/1975 dù không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo báo Giao thông

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin