Chuyên gia phân tích các khía cạnh pháp lý vụ Facebook kiện 4 người đánh cắp tài khoản, chiếm đoạt 36 triệu USD

01/07/2021 21:11

(Pháp lý) – Gần đây một số phương tiện truyền thông thông tin mạng xã hội Facebook thông báo kiện 4 người Việt vì gây thiệt hại 36 triệu USD tiền quảng cáo trên nền tảng này. Chuyên gia pháp luật cho rằng, nếu hành vi trên là có thật thì đây là một hình thức xâm phạm tài khoản mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, vụ việc có tính tư pháp quốc tế, cho nên phải tùy thuộc vào việc 4 người Việt  này đang cư trú thực tế ở đâu,  thì mới xác định pháp luật áp dụng, cơ quan có thẩm quyền thụ lý xử lý vụ kiện và những giải pháp chế tài cho các bên nếu họ vi phạm.

Qua vụ việc này, Chuyên gia khuyến cáo người dùng mạng xã hội cần cảnh giác hơn, cẩn trọng hơn với cách dùng tài khoản mạng xã hội của mình. Đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng Việt Nam cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để giải quyết các vi phạm về mạng xã hội có thể xảy ra.

11-1625148467.jpg
Facebook thông báo kiện 04 người Việt vì cho rằng họ đánh cắp tài khoản, chiếm đoạt 36 triệu USD

Facebook khởi kiện 4 người  Việt  vì đánh cắp tài khoản, chiếm đoạt 36 triệu USD

Ngày 30-6, Facebook cho biết đã đệ trình đơn kiện chống lại thủ phạm lừa đảo trực tuyến đã vi phạm điều khoản và chính sách quảng cáo của mạng xã hội này. Người bị kiện là bốn cá nhân cư trú tại Việt Nam, gồm: Nguyễn Th., Lê K., Nguyễn Q.B và Phạm H.D.

Facebook cáo buộc những người trên đã sử dụng một kỹ thuật được gọi là “đánh cắp phiên” hay “đánh cắp cookie” để xâm nhập vào tài khoản của nhân viên các đại lý quảng cáo và tiếp thị, sau đó chạy các quảng cáo trái phép.

Theo Facebook, các bị cáo đã lừa các nạn nhân cài đặt một ứng dụng di động từ kho ứng dụng Google Play với tên gọi giả mạo là “trình quản lý Quảng cáo cho Facebook”. Ứng dụng này yêu cầu người dùng chia sẻ thông tin đăng nhập Facebook và các thông tin khác. 
Các bị cáo sử dụng thông tin đó sử dụng để truy cập tài khoản của họ và chạy quảng cáo. Trong một số trường hợp, những quảng cáo này còn khuyến khích lừa đảo trực tuyến. 

12-1625148524.jpg
 Nguyễn Th. (trái), Nguyễn Q.B (giữa) và Phạm H.D (nguồn ảnh:  Báo Thanh Niên)

Facebook cũng cho biết nhóm người Việt này đã chạy các quảng cáo trái phép có giá trị hơn 36 triệu USD. Với những trường hợp này, Facebook đã hoàn tiền cho các nạn nhân và giúp họ bảo mật tài khoản.

Trong đơn kiện, Facebook đề nghị Tòa án quận Nam California xét xử các cáo buộc với bị đơn. Mạng xã hội này yêu cầu được phán xét để cấm nhóm bị đơn truy cập nền tảng Facebook, và đòi bồi thường số tiền ít nhất 36 triệu USD.

Dưới góc độ pháp lý, chuyên gia pháp luật đánh giá gì về vụ việc?

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý, Luật sư Lê Cao – Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, trong vụ việc mà Facebook khởi kiện 4 người Việt Nam tới Tòa án quận Nam California, hành vi vi phạm được nhận diện và thông tin là “đánh cắp cookie” để truy cập vào tài khoản Facebook của nhân viên tại nhiều công ty quảng cáo và tiếp thị, sau đó chạy quảng cáo trái phép nhằm quảng bá cho một ứng dụng Android độc hại có tên "Ad Manager for Facebook", từ đó gây thiệt hại trị giá hơn 36 triệu USD đối với Facebook. Nếu hành vi trên của 4 người Việt là có thật thì có thể thấy đây là một hình thức xâm phạm tài khoản mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản. 

Theo đánh giá của vị Luật sư, đây mới là thông tin từ Facebook nên chưa thể kết luận cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên nếu các thông tin đó được xác thực qua các quy trình tố tụng thì vấn đề này cho thấy hình thức xâm phạm tài khoản mạng xã hội đang được đẩy lên một mức độ cao hơn với các thủ thuật tinh vi hơn. 

Xâm phạm tài khoản mạng xã hội bất hợp pháp để từ đó dùng các tài khoản mạng xã hội đã bị xâm phạm thực hiện các hành vi khác nhau để chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc làm thiệt hại đến chủ thể khác theo những cách khác nhau là vấn đề không còn mới trên môi trường mạng xã hội. 

“Thực tế hiện tượng từ nhỏ đến lớn đã xuất hiện các hành vi tương tự này, ví như lâu lâu chúng ta thấy có người bị chiếm quyền quản lý tài khoản mạng xã hội để lừa vay mượn tiền, rồi các vụ án liên quan đến việc đánh cắp tài khoản mạng xã hội để lừa đảo cũng đã được xử lý không ít. Điển hình như nhóm đối tượng chuyên “hack” vào các tài khoản mạng xã hội Facbook để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng của nhiều bị hại trên địa bàn cả nước bị Công an tỉnh Thanh Hoá triệt phá hồi tháng 2/2021. Hay trước đó, hồi tháng 6/2020, Công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) cũng đã triệt phá được ổ nhóm tin tặc (hacker) chuyên hack Facebook nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng…”  - Luật sư Lê Cao dẫn chứng.

Riêng đối với vụ việc khởi kiện của Facebook với 4 người Việt Nam, theo nhận định của Luật sư Lê Cao, hiện vụ kiện đang diễn ra với trình tự tố tụng của tòa án quận Nam California, việc tiến hành khởi kiện dựa trên các hành vi vi phạm gây thiệt hại cho Facebook nên trước hết vấn đề đánh giá trên cơ sở tính chất vi phạm phải được làm rõ trong quá trình tố tụng của tòa án. 

Vấn đề là khi Facebook cung cấp các chứng cứ, tài liệu, các thông tin cho Tòa án hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan thì từ đó mới xác định mức độ vi phạm của những người này đến đâu theo quy định của pháp luật ở Mỹ mới xem xét chế tài đối với họ. 

image003-1625148586.jpg
 Luật sư Lê Cao – Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng)

Trước hết qua vụ kiện tùy diễn biến và chứng cứ được cung cấp mới xem xét trách nhiệm pháp lý của những người bị kiện theo pháp luật Mỹ. Tuy nhiên, với những vấn đề mang tính tư pháp quốc tế, phải tùy thuộc vào việc 4 người Việt Nam này đang cư trú thực tế ở đâu, sau đó mới xác định thẩm quyền xét xử, qui định pháp luật áp dụng, về yếu tố miễn trừ có hay không, về các thủ tục tố tụng đặc thù liên quan đến hoạt động tư pháp và hoạt động tố tụng hình sự nếu có . Từ đó mới có thể có những giải pháp chế tài cho các bên nếu họ vi phạm. Luật sư Lê Cao phân tích.

Đối với những thiệt hại cho các cá nhân khác nếu có ở Việt Nam, Luật sư Lê Cao khuyến cáo, những người bị thiệt hại phải có quy trình tố giác hoặc khởi kiện đúng trình tự pháp luật với các chứng cứ được cung cấp mới có cơ sở xử lý. Với những hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam, thì các cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được các vi phạm mới có thể có những phương thức xử lý theo luật định. 

Như vậy, với các hành vi vi phạm trên không gian mạng xã hội, ở đây là vấn đề chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm pháp luật khác, cho thấy tác động tiêu cực ở nhiều phương diện, ngày càng có nhiều phương thức thực hiện, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn… Điều này cũng mang đến những vấn đề phức tạp hơn trong công cuộc đấu tranh chống lại các loại hành vi vi phạm này. 

Chuyên gia pháp luật khuyến cáo gì?

Cũng theo Luật sư Lê Cao, tại Việt Nam hiện nay, quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với vấn đề an toàn, an ninh về thông tin, dữ liệu của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng xã hội đã khá đầy đủ. Không những thế nhiều quy định của Luật an ninh mạng 2018 và các quy định trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) đã xác lập các rào cản an ninh chặt chẽ, người vi phạm lỡ vướng là bị các chế tài rất khắt khe của luật. 

Tuy nhiên, luôn luôn có một khoảng cách giữa chế tài và hiệu quả xử lý các hành vi vi phạm. Đây không phải đơn giản là vấn đề xử phạt vi phạm giao thông, anh cảnh sát có thể đứng bên lề đường, thấy người tham gia giao thông đi tới không bật xi nhan, lấn lề đường, vượt đèn đỏ … là bắt chặn xử lý được. Vấn đề ở đây là các hành vi xâm phạm tài khoản mạng xã hội thì ngay chủ nhân của các tài khoản mạng xã hội cũng thiết lập các cơ chế sở hữu tài khoản mạng trên môi trường, không gian mạng, do đó các hành vi vi phạm   trên không giống các hành vi khác giữa đời thực. Hơn nữa, các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook lại thường có máy chủ đặt nước ngoài, vì vậy tính liên kết xử lý và hợp tác xử lý trong việc truy vết, xác lập chứng cứ vi phạm để xử lý đối với các đối tượng vi phạm an ninh mạng là khá khó khăn. 

Do đó, chúng ta cần năng lực quản trị an ninh mạng của tự thân những người dùng, ở khía cạnh quản lý nhà nước, các chuẩn mực ứng xử trên mạng xã hội được luật hóa được thể hiện dưới dạng thức quy trách nhiệm với các hành vi vi phạm sát với thực tiễn hơn. 

Ngoài ra, trong các tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), rõ ràng đến nay vẫn không thấy xuất hiện từ nào liên quan đến hành vi sử dụng không gian mạng để thực hiện tội phạm. Trong khi đó, định nghĩa về tội phạm mạng theo Luật an ninh mạng thì tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự.

“Do đó, cần có  sự thống nhất, sát thực giữa các quy định pháp luật, phải tiệm  cận với thực tiễn nhiều hơn để có các quy phạm pháp luật thực tế hơn để giải quyết rốt ráo hơn các vi phạm về mạng xã hội có thể xảy ra.” - Luật sư Lê Cao kiến nghị

Các hành vi xâm phạm tài khoản mạng xã hội để từ đó chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện các hành vi trái luật khác ngày càng phức tạp hơn, tinh vi hơn. Do đó, Luật sư Lê Cao khuyến cáo người dùng cần cảnh giác hơn, cẩn trọng hơn với cách dùng tài khoản mạng xã hội của mình. Giữ gìn tài khoản mạng xã hội có trách nhiệm, cẩn trọng với nó là điều nên làm trước những thủ thuật tinh vi trên nền tảng mạng xã hội.

Ngoài ra, khi xảy ra những vấn đề xâm phạm, thì như việc Facebook khởi kiện các cá nhân vi phạm là một cách hành xử cần tham khảo, các bên có quyền bảo vệ quyền lợi của mình bằng các công cụ pháp lý hợp pháp, người dụng mạng xã hội Việt Nam có thể tiếp cận theo hướng này khi bị tấn công tài khoản mạng xã hội. Phản ứng với các sai phạm là người dùng cần thu thập các chứng cứ, có các báo cáo sớm cho nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, có những thao tác lưu trữ thông tin để chứng minh việc bị thiệt hại làm cơ sở cho việc bảo vệ quyền lợi của người dùng là điều rất cần thiết.

Đinh Chiến
 

Bạn đang đọc bài viết "Chuyên gia phân tích các khía cạnh pháp lý vụ Facebook kiện 4 người đánh cắp tài khoản, chiếm đoạt 36 triệu USD" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin