Chủ tịch Hội Luật gia VN, ĐBQH, TS. Nguyễn Văn Quyền: Bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, vì dân, vì công lý luôn là mục tiêu hành động của Hội Luật gia Việt Nam

02/03/2018 13:15

(Pháp lý) - LTS: 2017 là năm có tính chất bản lề của nhiệm kỳ khóa XII (2014-2019) Hội Luật gia VN. Các cấp Hội Luật gia từ T.W tới địa phương tiếp tục thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia VN trong giai đoạn mới. Nhờ có những giải pháp năng động, sáng tạo và sự đoàn kết, đồng lòng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội ngày càng được tăng cường rõ nét. Hội Luật gia VN đã tập hợp, phát huy trí tuệ, nội lực của 63.000 Hội viên trong cả nước đóng góp quan trọng vào các nhiệm vụ chính trị pháp lý được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân giao phó.

Trước thềm Xuân mới 2018, Chủ tịch Hội Luật gia VN, Đại biểu Quốc hội, TS. Nguyễn Văn Quyền đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Tạp chí Pháp lý.

Chủ tịch Hội Luật gia VN, ĐBQH, TS. Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại Hội nghị lần thứ sáu, khóa XII Ban Chấp hành Trung ương HLGVN tháng 12/2017
Chủ tịch Hội Luật gia VN, ĐBQH, TS. Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại Hội nghị lần thứ sáu, khóa XII Ban Chấp hành Trung ương HLGVN tháng 12/2017)

Đóng góp thiết thực, hiệu quả vào các nhiệm vụ chính trị pháp lý của đất nước

Phóng viên: Còn nhớ khi Phóng viên có dịp phỏng vấn ông vào mùa xuân đầu tiên ông nhận nhiệm vụ tại Hội Luật gia VN, khi đó, ông rất trăn trở việc làm thế nào để phát huy sức mạnh trí tuệ của 63.000 Hội viên Luật gia đang công tác tại các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương trong cả nước. Và trăn trở đó đã được ông cùng tập thể Ban Lãnh đạo Đảng đoàn, Ban Thường vụ chuyển thành những chương trình hành động cụ thể. Đặc biệt hơn 2 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn, Ban Thường vụ và trực tiếp dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của ông với cương vị Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia VN, Hội Luật gia T.W và các cấp Hội Luật gia đã có nhiều cải cách, vai trò, vị thế, tiếng nói của giới Luật gia VN ngày càng được đánh giá cao. Xin ông chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Tôi cho rằng, để phát huy sức mạnh của giới Luật gia, cần đoàn kết, cần có biện pháp thu hút và phát huy được năng lực, trí tuệ tiềm tàng của đội ngũ Luật gia ở 63 tỉnh thành của cả nước và ở các Bộ, Ngành, đoàn thể ở Trung ương. Xuất phát từ mục đích ấy, trong thời gian qua, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã thường xuyên đi thực tế, tranh thủ sự ủng hộ tạo điều kiện của các cơ quan T.W và địa phương, từ đó có những định hướng, chỉ đạo phù hợp thực tiễn, linh hoạt tới từng cấp Hội địa phương, các đơn vị, Chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Nếu bạn để ý, trong thời gian gần đây và đặc biệt năm vừa qua, Hội Luật gia T.W và Hội Luật gia ở nhiều tỉnh thành đã luôn gắn kết, đoàn kết tổ chức triển khai nhiều chương trình hành động, thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội pháp lý được giao. Tiếng nói, vị thế, vai trò của Hội Luật gia ở nhiều địa phương đã được đề cao xuất phát từ những đóng góp thiết thực của Hội Luật gia tới nhiệm vụ chính trị pháp lý ở các địa phương. Có rất nhiều dấu ấn, nhiều điểm sáng ở các tỉnh, thành Hội địa phương và đặc biệt là vai trò cá nhân, tấm gương của nhiều Luật gia được phát huy trong công tác xây dựng pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hợp tác quốc tế...

Đoàn công tác của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình tháng 8/2017 (nguồn ảnh: nguoiduatin.vn)
Đoàn công tác của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình tháng 8/2017 (nguồn ảnh: nguoiduatin.vn))

Phóng viên: Hội Luật gia VN luôn xác định tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Được biết trong năm 2017, Thường trực Trung ương Hội đã triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực này. Xin ông chia sẻ những đóng góp cụ thể?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và theo đề nghị của các cơ quan chủ trì soạn thảo, năm 2017, Trung ương Hội đã tổ chức gần 30 Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm góp ý cho nhiều Dự án Luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015; Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và thủ tục bắt giữ tàu biển, tàu bay; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật chuyển giao công nghệ; Luật Hành chính công; Luật Thuế bảo vệ môi trường…

Trong công tác này, có thể thấy vai trò định hướng của Trung ương Hội và sự năng nổ, nhiệt tình của các cấp hội địa phương. Theo số liệu báo cáo của 60 tỉnh, thành Hội, các cấp Hội Luật gia đã tổ chức hơn 1.200 hội nghị, tham gia đóng góp hơn 18.000 lượt ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của địa phương; thẩm định, rà soát gần 7.500 văn bản. Nhiều ý kiến đóng góp của các Luật gia đang công tác tại Hội Luật gia các tỉnh, thành Hội được Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành ghi nhận và đánh giá cao.

Trong năm 2017, các cấp Hội đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tham gia góp ý kiến, phản biện nhiều dự thảo văn bản của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và những chính sách lớn ở địa phương. Có nhiều tỉnh, thành hội đã làm tốt công tác này, điển hình là Hội Luật gia TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội Luật gia các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Nam, Quảng Ngãi, An Giang, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Phóng viên: Năm 2017 và năm 2018 là năm mà nhiều đạo luật mới có hiệu lực thi hành, Hội Luật gia VN đã và sẽ làm gì để thúc đẩy việc phổ biến và đưa những đạo luật mới đó vào cuộc sống?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Ngay từ Quý I/2017, Thường trực T.W Hội đã chỉ đạo ban hành Kế hoạch số 79/KH-HLGVN ngày 08/3/2017 về việc hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017 và kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội Luật gia VN.

Ngay sau khi có kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội Luật gia VN và Kế hoạch của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội Luật gia các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng Kế hoạch, tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức và phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản luật mới có hiệu lực thi hành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới...Theo báo cáo của 60 tỉnh, thành Hội, Hội Luật gia các tỉnh/ thành phố đã phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được gần 127.000 cuộc cho hơn 7.000.000 lượt người tham dự; cấp, phát gần 2.180.000 tài liệu tuyên truyền. Nhiều tỉnh, thành Hội tiếp tục có sự đổi mới về nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật và đạt được kết quả cao như: Hội luật gia Tây Ninh, Lai Châu, Sơn La, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hà Nội…

Đặc biệt, các cơ quan báo chí (cả phương tiện báo, Tạp chí giấy và điện tử) của Hội rất tích cực và hiệu quả trong công tác này. Theo đó, dung lượng, thời lượng các tin bài tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các ấn phẩm báo, Tạp chí của Hội diễn ra hàng ngày và đa dạng thể loại tuyên truyền.

Quang cảnh buổi Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tháng 3/2017 (Ảnh: Thành Long – nguoiduatin.vn)
Quang cảnh buổi Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tháng 3/2017 (Ảnh: Thành Long – nguoiduatin.vn))

Tích cực trợ giúp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân

Phóng viên: Được biết, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2018. Đây là một đạo luật có liên quan chặt chẽ đến công tác của Hội Luật gia VN, đặc biệt là công tác của các Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội. Hội đã có kế hoạch gì để triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến Luật trên thực tế?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Điểm sáng của hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) nhiều năm gần đây là sự đóng góp của các Trung tâm TVPL thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo số liệu báo cáo của Hội Luật gia 60 tỉnh, thành Hội, riêng năm 2017 vừa qua, các cấp Hội đã thực hiện tư vấn pháp luật được hơn 120.000 vụ việc, trợ giúp pháp lý được gần 31.000 vụ việc, tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại ở cơ sở được hơn 12.700 vụ việc. Nhiều Hội Luật gia các tỉnh, thành phố đã có những giải pháp mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, trong đó có Hội Luật gia Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hà Nội, Sơn La, Hồ Chí Minh, Long An, Bình Thuận…

Ngoài ra, trong việc thực hiện TGPL, các Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội đã và đang chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch hoạt động, thu hút được các nguồn lực xã hội cho công tác này.

Luật TGPL sửa đổi có hiệu lực năm 2018 có nhiều nội dung mới liên quan đến việc xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý và huy động các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, nhất là Nhà nước có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Do đó, Thường trực Trung ương Hội đã có ý kiến chỉ đạo Hội Luật gia các tỉnh, thành phố bám sát các nội dung mới của Luật để tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội đã tham gia góp ý kiến vào các văn bản liên quan như: Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL; Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL.

Phóng viên: Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cấp Hội Luật gia với các cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong công tác tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở cũng rất đáng ghi nhận?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Trong năm 2017, các cấp hội Luật gia đã tham gia hòa giải thành hơn 33.000 vụ tranh chấp lớn nhỏ. Nhiều tỉnh, thành hội đã ký quy chế phối hợp trong việc thực hiện phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo với địa phương. Cụ thể, ngày 20/9/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã có Quyết định ban hành Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai với Hội Luật gia tỉnh và các cơ quan liên quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Đặc biệt năm qua, T.W Hội đã cử đại diện tham gia Đoàn giám sát theo Chương trình phối hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo đó đã tham gia giám sát việc chấp hành thực thi pháp luật tại 05 tỉnh, thành phố và 05 Bộ, Ngành ở Trung ương. Sau khi tham gia giám sát tại các đơn vị, Hội đã có văn bản góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo thực hiện giám sát gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đây là một trong những cơ sở, nhiệm vụ quan trọng để Hội Luật gia phát huy vai trò và khẳng định vị thế trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Chủ trì Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp”: Vinh dự và trách nhiệm

Phóng viên: Một tin vui với Hội Luật gia VN và người dân là năm 2017 vừa qua, Chủ tịch Nước, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.W đã đồng ý để Hội Luật gia VN nghiên cứu, chủ trì Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp”. Xin ông cho biết ý nghĩa quan trọng của sự kiện này đối với Nhân dân, đối với công tác cải cách tư pháp và với riêng Hội Luật gia VN?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Nghị quyết cũng nêu rõ: “Đòi hỏi của công dân và xã hội đối với  các cơ quan tư pháp ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người”.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp là nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu trong công tác cải cách tư pháp, là yêu cầu khách quan về giám sát, đo lường chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật của cơ quan tư pháp. Trong thời gian qua, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp đã được tiến hành ở nhiều quy mô, cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tư pháp thì việc đánh giá từ phía xã hội với sự tham gia tích cực từ người dân là hết sức quan trọng.

Xuất phát từ thực tế này, việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp là rất cần thiết nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, bổ sung một kênh đánh giá quan trọng đối với chất lượng hoạt động tư pháp. Bộ chỉ số tư pháp là một công cụ định lượng được xây dựng để chuyển tải ý kiến và đánh giá của các chủ thể có liên quan về hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Kết quả của việc xây dựng Bộ chỉ số tư pháp sẽ góp phần đánh giá một cách toàn diện chủ trương cải cách tư pháp và trên cơ sở đó đề xuất với Bộ Chính trị định hướng cải cách tư pháp sau năm 2020.

Hội Luật gia VN là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc VN có nhiệm vụ, quyền hạn: “Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với các cơ quan nhà nước những vấn đề về xây dựng và thi hành pháp luật” và “Tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của các cơ quan nhà nước”. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hoạt động tư pháp như đã nêu trên, trên cơ sở kinh nghiệm và thành công trong việc đã hai lần tổ chức khảo sát và công bố Chỉ số công lý vào năm 2012 và 2015, Đảng đoàn Hội Luật gia VN đã được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao chủ trì xây dựng Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp” và trình Ban Chỉ đạo vào cuối năm 2018. Đây là vinh dự to lớn và cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Hội Luật gia VN có trách nhiệm thực hiện trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Đóng góp tích cực trên mặt trận đấu tranh PCTN

Phóng viên: Có thể nói, năm 2017, công tác chống tham nhũng được Đảng mà đứng đầu là Đ/c Tổng Bí thư chỉ đạo rất quyết liệt, chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết định, không có vùng cấm. Xin Ông cho biết, giới Luật gia VN đã có những đóng góp tích cực gì trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trong thời gian gần đây?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Trong năm qua, tôi nhận thấy Đảng đã củng cố niềm tin với dân khi đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thu được những kết quả quan trọng. Giới Luật gia nói riêng và Nhân dân rất vui mừng chứng kiến từng đợt, từng đợt các cơ quan bảo vệ pháp luật công phá mạnh mẽ vào các “thành lũy” của tội phạm tham nhũng. Theo đó, năm 2017 các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố điều tra, đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng tiêu cực lớn xảy ra ở một số Tập đoàn, Doanh nghiệp Nhà nước. Chống tham nhũng năm qua cho thấy không có vùng cấm, đã có cán bộ cấp cao của Đảng bị pháp luật trừng trị.

Phát huy thế mạnh, chức trách nhiệm vụ được giao, Luật gia đang công tác tại nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật đã góp phần nhỏ bé vào công cuộc chống tham nhũng của đất nước. Nhiều Luật gia hiện đang công tác trong ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án đã nỗ lực cao tham gia phá các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Đặc biệt, từ thực tiễn của công tác đấu tranh PCTN thời gian qua, giới Luật gia đã chỉ ra những hạn chế của pháp luật về PCTN gây khó trong công tác PCTN, từ đó góp ý đề xuất kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật hình sự, pháp luật về PCTN. Những ý kiến của Luật gia đã được ghi nhận và thể chế trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) và nhiều văn bản pháp luật khác.

Có tiếng nói mạnh mẽ, sắc sảo trong công tác lập pháp của Quốc hội, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc

Phóng viên: Quốc hội khóa XIV đã trải qua 4 kỳ họp, với cương vị Chủ tịch Hội Luật gia VN và với trọng trách một ĐBQH, ông có đánh giá gì về vai trò, tiếng nói của các Luật gia là ĐBQH trong Quốc hội khóa XIV?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, thực hiện nhiệm vụ giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đó là những nhiệm vụ nặng nề mà để thực hiện tốt những nhiệm vụ này thì Quốc hội cần có những đại biểu có kiến thức pháp luật và hiểu biết sâu rộng, đặt lợi ích nhân dân và Tổ quốc lên trên hết. ĐBQH là Luật gia có lợi thế là những người có trình độ pháp luật cao, am hiểu pháp luật sâu và được thử thách từ thực tiễn, nhiều kinh nghiệm thực tiễn! Trong các khóa Quốc hội gần đây, nhiều ĐBQH là Luật gia đã và đang đóng góp những ý kiến sắc sảo trong công tác thẩm định nội dung các chính sách pháp luật, xây dựng pháp luật. Trong hoạt động giám sát, phản biện, nhiều ĐBQH là Luật gia đã chủ động đưa ra những kiến nghị phản biện sắc sảo để khắc phục tồn tại, hạn chế của lĩnh vực, chương trình giám sát. Có thể nói, vai trò tiếng nói của giới Luật gia VN trong các khóa Quốc hội gần đây ngày càng được khẳng định và có ảnh hưởng nhất định tới các hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động xây dựng pháp luật...

Phóng viên: Được biết 2 năm liền, Hội Luật gia VN được Ban Đối ngoại T.W tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc. Xin ông cho biết tới đây, Hội Luật gia VN sẽ có những chương trình hoạt động cụ thể nào để tiếp tục phát huy thế mạnh, thành tích, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Phát huy vị thế và uy tín của Hội Luật gia VN trong khu vực và trên thế giới, đồng thời tận dụng sự ủng hộ của các tổ chức Luật gia quốc tế mà Hội Luật gia VN là thành viên như Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL), Hội Luật gia Châu Á Thái Bình Dương (COLAP), Hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA), trong hai năm vừa qua, Hội đã triển khai những hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong công tác đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, trong đó nội dung được Hội chú trọng là bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia trên Biển Đông. Những hoạt động này vừa đảm bảo theo đúng chức năng của Hội, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn diễn ra tại Biển Đông.

Với những kết quả đạt được, năm 2016 Hội được Ban Đối ngoại Trung ương tặng Cờ thi đua, năm 2017 Hội được tặng Bằng khen. Thành tích này là vinh dự lớn đối với Hội, đồng thời thể hiện sự ghi nhận của Đảng đối với hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội. Do đó, đây sẽ là một sự động viên để năm 2018, Hội tiếp tục triển khai những hoạt động với mục tiêu đã xác định là góp phần đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trên vũ đài chính trị pháp lý quốc tế.

Thứ nhất, Hội sẽ phối hợp với Hội Luật gia In-đô-nê-xi-a tổ chức Hội thảo bên lề về Tây Thái Bình Dương, trong đó có chủ đề về Biển Đông kết hợp với Hội nghị Ban Chấp hành COLAP tại In-đô-nê-xi-a. Hội sẽ cử các chuyên gia có kinh nghiệm để tham dự Hội thảo này.

Thứ hai, Hội sẽ liên lạc và phối hợp với Hội Luật gia Nga để giúp IADL tổ chức Hội thảo về Biển Đông tại Mát-cơ-va Liên bang Nga trong năm 2018, đồng thời, cử các chuyên gia có kinh nghiệm của Hội tham dự Hội thảo này. Trước đây, IADL đã từng có kế hoạch tổ chức một Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Liên bang Nga, nhưng do không có đầu mối liên lạc để triển khai công tác chuẩn bị nên đã chuyển sang tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 1/2017 và Hội thảo này đã rất thành công. Các thành viên IADL đều nhất trí rằng cần có những cuộc Hội thảo kế tiếp trong các năm tiếp theo, trước mắt là trong năm 2018. Hội Luật gia VN đã ký thỏa thuận hợp tác với Hội Luật gia Liên bang Nga nên việc triển khai hoạt động này sẽ có thuận lợi.

Thứ ba, Hội sẽ phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ X với chủ đề như thông lệ những năm trước là “Biển Đông – Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, trong đó sẽ tập trung vào vấn đề đưa ra các giải pháp để thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Ngoài ra, trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại khác, Hội cũng sẽ tận dụng các cơ hội để huy động sự ủng hộ của giới Luật gia quốc tế đối với Việt Nam trước các vấn đề chính trị - pháp lý nảy sinh bằng việc cung cấp thông tin khách quan có liên quan, đặc biệt là quan điểm, chủ trương đúng đắn của Nhà nước ta để bạn bè quốc tế có định hướng trong việc ủng hộ lập trường của Việt Nam.

Lãnh đạo HLGVN tham dự Hội nghị Hội đồng điều hành Hiệp hội Luật các nước Đông Nam Á lần thứ 38 (tổ chức tại Việt Nam)
Lãnh đạo HLGVN tham dự Hội nghị Hội đồng điều hành Hiệp hội Luật các nước Đông Nam Á lần thứ 38 (tổ chức tại Việt Nam))

Phóng viên: Năm 2018, đối với Hội Luật gia VN là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Hội. Ông có nhắn nhủ gì tới đội ngũ Luật gia cả nước trước thềm Xuân mới để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong năm mới?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Với truyền thống hơn 62 năm xây dựng và phát triển, Hội Luật gia VN luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và xã hội giao phó, hoàn thành các nhiệm vụ quy định tại Điều lệ của Hội. Có được kết quả đó, trước hết là có sự đóng góp và phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ, năng lực và lòng nhiệt thành của mọi Hội viên Hội Luật gia trong cả nước. Năm 2018 là năm bản lề, tất cả các cấp Hội và Hội viên Hội Luật gia phải nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia VN lần thứ XII, nhiệm kỳ 2014-2019 đã đề ra, tiến hành Đại hội Hội Luật gia các cấp để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Hội, nhiệm kỳ 2019-2024. Năm 2018 cũng là năm cần phải triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là năm giới Luật gia được tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ mới. Do vậy, tôi mong muốn các cấp Hội và toàn thể 63.000 Hội viên Hội Luật gia trong cả nước tiếp tục phát huy truyền thống để nỗ lực thực hiện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đã đề ra, với phương châm “đoàn kết, dân chủ, phát triển, chủ động sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động”; mỗi tổ chức Hội, mỗi Luật gia trong năm 2018 sẽ tạo ra điểm nhấn mới đóng góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước nói chung và sự phát triển của các cấp Hội Luật gia VN nói riêng.

Các đ/c trong Ban Thường vụ HLGVN chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Ban Chấp hành HLGVN tổ chức tại TP. Đà Lạt (27/12/2017).
Các đ/c trong Ban Thường vụ HLGVN chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Ban Chấp hành HLGVN tổ chức tại TP. Đà Lạt (27/12/2017).)

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Phóng viên Tạp chí Pháp lý. Nhân dịp năm mới, kính chúc Chủ tịch sức khỏe!

Phan Tĩnh – Phương Anh (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Chủ tịch Hội Luật gia VN, ĐBQH, TS. Nguyễn Văn Quyền: Bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, vì dân, vì công lý luôn là mục tiêu hành động của Hội Luật gia Việt Nam" tại chuyên mục Sự kiện nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin