Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế - Jeanne Mirer: Dành cả sự nghiệp hoạt động để kết nối cộng đồng quốc tế vì hoà bình và công lý

15/01/2020 14:15

(Pháp lý) - Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII diễn ra hồi tháng 9 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trao Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cho bà Jeanne Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, vì những đóng góp tích cực của bà vào công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa giới Luật gia quốc tế và giới Luật gia Việt Nam.

[caption id="attachment_213561" align="aligncenter" width="410"]Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao Huân chương Hữu nghị cho bà Jeanne Ellen Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế. Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao Huân chương Hữu nghị cho bà Jeanne Ellen Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế.[/caption]

Câu chuyện quá khứ …

Chia sẻ về những ấn tượng đặc biệt dành cho Việt Nam, bà Mirer cho biết: Lần đầu tiên tôi được biết đến Việt Nam trong những năm ở tiểu học, khi học về bộ môn địa lý. Đó là vào cuối những năm 1950 khi mà nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn là thuộc địa, chủ yếu là của Pháp và Anh, các bản đồ chúng tôi học được bôi màu để đánh dấu quốc gia nào là thuộc địa của đế quốc nào. Việt Nam vào thời điểm đó không phải là thuộc địa mà là một thuộc địa cũ của Pháp và bị chia rẽ 2 miền Nam và Bắc. Tôi nhớ rằng đáng ra phải có một cuộc bầu cử để thống nhất đất nước nhưng điều đó đã không xảy ra. Tôi tự hỏi tại sao cuộc bầu cử đã không xảy ra và tại sao người Việt Nam không thể có đất nước của riêng họ và không thể thống nhất đất nước. Tôi không nhận được câu trả lời nào từ giáo viên của tôi. Nhưng điều này đã làm cho tôi càng quan tâm đến Việt Nam, với những cảm nhận rất đặc biệt chưa bao giờ rời bỏ khỏi tâm trí tôi.

Vào đầu những năm 1960, bà Mirer đã tích cực tham gia vào các phong trào dân quyền. Tháng 8/1963, lúc đó mới mười sáu tuổi, bà đã tham gia vào cuộc biểu tình tại Washington, được gọi là Martin Luther King và các đồng minh… Khi Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ được thông qua vào năm sau kêu gọi Mỹ có hành động quân sự chống lại Việt Nam, bà Mirer bắt đầu học đại học tại trường Đại học Pittsburgh. Từ đầu cuộc chiến tranh của Mỹ chống lại Việt Nam đến cuối cuộc chiến tranh năm 1975, bà là thành viên tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh ở Mỹ và tiếp tục hoạt động trong những cuộc đấu tranh tiến bộ khác. Đầu tiên là bắt đầu theo một chương trình mang tên “Học sinh vì Hòa bình” tại trường Đại học, trong khi vẫn hoạt động tích cực trong phong trào chống chiến tranh cho đến khi chiến tranh chấm dứt.

Mùa thu năm 1968, bà Mirer bắt đầu học Luật tại trường Đại học Boston và tiếp tục tham gia các hoạt động chống chiến tranh. Thời điểm đó, bà đặc biệt lo ngại về việc sử dụng chất độc da cam và các hóa chất khác trong cuộc chiến chống Việt Nam. Vào mùa hè năm 1969, sau năm đầu tiên của trường luật, bà tham gia làm việc cho một luật sư bảo vệ người tiêu dùng tên là Ralph Nader. Tại đây, một người bạn cùng phòng có tên là Anita Johnson cũng làm việc cho Nader đã được tiếp cận Phòng thí nghiệm Bionetics tiết lộ một báo cáo nghiên cứu về chất độc da cam, theo đó cho thấy chất độc da cam, với các hoạt chất dioxin của nó, rất có hại đối với nhiều loài động vật. Anita Johnson đã đưa nghiên cứu này cho Nader và Nader đã chuyển nó cho hai giáo sư Harvard để giúp đưa ra công bố công khai. Sau khi nghiên cứu được công bố, Chính phủ Mỹ đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của công chúng và buộc phải ngừng sử dụng chất độc da cam vào đầu năm 1970.

Trong suốt thời gian ở trường luật và những năm sau đó, bà Mirer đã nỗ lực đóng góp để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và sử dụng các kỹ năng pháp lý của mình để thúc đẩy quyền của những người dân thường, đồng thời yêu cầu Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về các vi phạm quyền của người dân với tư cách là thành viên của Hội Luật sư Quốc gia (Hoa Kỳ) từ năm 1969 và Hội Luật sư quốc gia Hoa Kỳ là thành viên của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL).

Năm 1996, bà Mirer được bầu vào Ban thường vụ của IADL. Vào tháng 10/2001, bà đã tham dự Hội nghị Luật sư Châu Á Thái Bình Dương (COLAP) tại Hà Nội. Tại hội nghị này, nhiều diễn giả đã nhắc đến những hậu quả về sức khoẻ của các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Chính những thông tin từ hội nghị đã thôi thúc bà cân nhắc khả năng đưa vụ kiện tại Hoa Kỳ để tìm kiếm bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Từ đó, việc thành lập một nhóm luật sư để làm việc và đến Việt Nam nhiều lần để gặp gỡ các thành viên của Hội Luật gia Việt Nam và nạn nhân chất độc da cam. Vụ kiện đã được đệ trình vào đầu năm 2004 và trong 5 năm tiếp theo, bà Mirer cùng nhóm pháp lý đã thúc đẩy và theo đuổi đấu tranh đến cùng vụ việc. Mặc dù vụ kiện không thành công nhưng nó đã gây được sự chú ý của quốc tế về hậu quả của chất độc da cam mà người dân Việt Nam phải hứng chịu, đồng thời khiến cộng đồng quốc tế có những cam kết mạnh mẽ hơn đối với các nạn nhân chất độc da cam.

Kết nối tương lai vì hòa bình và công lý

Dấu mốc quan trọng khi làm việc ở IADL đã gắn kết bà Mirer cơ hội được cộng tác gần gũi với nhiều người bạn ở Hội Luật gia Việt Nam trên nhiều vấn đề quan trọng. Đặc biệt bà Mirer đã được tiến cử và trở thành Chủ tịch của IADL tại Hội nghị của IADL ở Hà Nội. “Gắn bó với người dân Việt Nam, hình ảnh người dân và sự kiên cường đấu tranh giành độc lập của họ luôn ở trong trái tim và tâm trí tôi và đã thực sự truyền cảm hứng cho tôi phấn đấu đóng góp cho đất nước và con người nơi đây” – bà Mirer tâm sự.

[caption id="attachment_213562" align="aligncenter" width="410"]Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam và bà Jeanne Ellen Mirer tại Đại hội đại biểu toàn quốc HLGVN lần thứ XIII (tháng 9/2019) Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam và bà Jeanne Ellen Mirer tại Đại hội đại biểu toàn quốc HLGVN lần thứ XIII (tháng 9/2019)[/caption]

Năm 2009, IDAL tổ chức một Toà án Lương tâm Nhân dân quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam tại Paris. Bà Mirer đã làm việc với tư cách bên nguyên cho Toà án và củng cố chứng cứ cũng như kết luận cho phán quyết cuối cùng, được công khai trên website của IADL. Sự chú ý từ vụ kiện và Toà án đã giúp mọi người thấy được sự cần thiết phải có một sự hoà giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam (VAVA) ở Việt Nam và hỗ trợ Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAORRC) ở Mỹ. Với niềm tin vào công lý, bà Mirer đã tiếp tục làm việc với VAORRC và VAVA để cho công chúng thấy hết được sự khó khăn mà những nạn nhân Việt Nam gặp phải, cũng như đã làm việc với Quốc hội Mỹ để có các quy định luật pháp nhằm hỗ trợ các nạn nhân. “Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cho đến thời khắc chiến thắng” – bà Mirer cho biết.

Bà Mirer chia sẻ: Tham gia IADL cũng đã cho bà cơ hội hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp ở Hội luật gia Việt Nam về nhiều vấn đề quan trọng. Tôi đã hân hạnh được bầu làm Chủ tịch IADL tại Đại hội của IADL ở Hà Nội năm 2009. Trong quá trình làm việc tại IADL, tôi luôn lo ngại về những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông và điều này khiến tôi học hỏi thêm được nhiều khía cạnh của Luật Biển. IADL đã, đang và sẽ luôn hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình về các tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một vấn đề mà tôi biết là tôi và IADL sẽ tiếp tục phải theo đuổi cùng với những người bạn Việt Nam của chúng tôi.

Trong tương lai, IADL cũng như cá nhân tôi sẽ tiếp tục hợp tác với với Việt Nam và tôi thấy rất vinh dự khi các bạn đã trao Huân chương Hữu nghị cho tôi hôm nay và khẳng định tôi sẽ tiếp tục kết nối mọi người trong cộng đồng quốc tế thông qua IADL để cống hiến cho sự nghiệp hoạt động vì hoà bình và công lý.

Thành Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế - Jeanne Mirer: Dành cả sự nghiệp hoạt động để kết nối cộng đồng quốc tế vì hoà bình và công lý" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin