Chống tham nhũng chính sách và những vấn đề đặt ra trong hoàn thiện, thi hành pháp luật

25/01/2021 10:15

(Pháp Lý) - Ngày 24/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Nhiều vấn đề thiết thực đã được thảo luận, đưa ra kiến nghị, giải pháp để nâng cao chất lượng công tác này thời gian tới.

Tại hội nghị, Chính phủ đã nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016-2020.

Hội nghị đã thảo luận về các vấn đề: Công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ…

“Thể chế , thể chế và thể chế”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm này và nhắc lại câu của Bác Hồ “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” để khẳng định Chính phủ hành động dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, xác định hoàn thiện thể chế là then chốt, là khâu đột phá, chiến lược.

Thủ tướng cũng thường dẫn cuốn sách kinh tế kinh điển “Vì sao các quốc gia thất bại” của hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson để nói về vai trò quan trọng của “thể chế, thể chế và thể chế” và bày tỏ trăn trở phải làm sao thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã khẳng định quyết tâm "xây dựng Chính phủ kiến tạo”, một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế. Mỗi năm, Chính phủ tổ chức 2 đến 3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Việc xem xét các dự án, luật, pháp lệnh tại các phiên họp của Chính phủ được cải tiến. Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp cho ý kiến về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản của nhiều dự án luật quan trọng, phức tạp, nhằm định hướng cho việc nghiên cứu soạn thảo bảo đảm chất lượng và tiến độ trình dự án. Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, theo chỉ đạo của Thủ tướng, nội dung về xây dựng thể chế, chính sách thường được “đẩy” lên trước nội dung thảo luận kinh tế - xã hội. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập.

“Mỗi một vấn đề, khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp đều có nguyên nhân, cũng có thể do thể chế, do thực thi, nhận thức, cách làm của cán bộ. Các đồng chí cần theo dõi sát tình hình đất nước, cảm nhận được hơi thở cuộc sống, có ngay các tham mưu, đề xuất để chúng ta có phản ứng chính sách kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu Chính phủ đặt ra là quyết liệt hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

Thủ tướng từng nhắc nhở các cán bộ tư pháp: “Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó”.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu, không chỉ làm thay đổi phương thức sản xuất, thói quen, cách thức đầu tư kinh doanh, sử dụng nguồn lực… mà còn làm thay đổi cách thức tư duy xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật. Vì vậy, phải xây dựng được khung pháp lý, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp, phù hợp xu thế tiến bộ của thế giới và yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm an toàn, an ninh, chủ quyền quốc gia.

Chống tham nhũng chính sách

“Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng”. Cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật. Thủ tướng nhấn mạnh điều này khi kết luận Hội nghị.

Tại một hội thảo do VCCI tổ chức năm 2019 về vấn đề này, các chuyên gia đã nhận định, tham nhũng chính sách là một loại hình tham nhũng đặc biệt vì nó tạo ra hành lang pháp lý “thênh thang” cho việc trục lợi trong 5 năm, 10 năm hay lâu hơn thế.

Nó có thể là một dự án BT, BOT hay BTO, một cuộc đổi đất lấy hạ tầng đáng nghi ngờ. Nó có thể là một cuộc bán đấu giá tài sản nhà nước bị chi phối. Nhưng nó cũng có thể là một ưu đãi - nhưng mang tính hệ thống mà nếu không phát hiện sẽ giúp cho sự bất bình đẳng kéo dài.

Tham nhũng chính sách hoạt động công khai khi những dự thảo luật, những đề án, dự án lớn được đưa ra. Khác với những vụ tham nhũng bí mật, tham nhũng chính sách có thể được ngăn chặn từ đầu. Không khó khăn khi nhận diện việc tham nhũng chính sách của các quan chức chính quyền Đà Nẵng khi quyết định cho Vũ “Nhôm” mua các biệt thự đất vàng. Tham nhũng chính sách khi Phó Chủ tịch UBND TP HCM ký quyết định về quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm… Và mới đây nhất là Thông tư 15 của Bộ Y tế khác với Nghị định 54 của Chính phủ về đấu thầu thuốc …

Về vấn đề này, TS Nguyễn Sĩ Dũng từng nêu: Tham nhũng chính sách mang lại lợi ích siêu lớn hơn cho những kẻ tham nhũng, đồng thời cũng để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng cho đất nước. Một chính sách phát triển ngành méo mó được thông qua có thể làm lợi không thể kể xiết cho một số người, nhưng đồng thời cũng làm cạn kiệt các nguồn lực của đất nước. Một quyền năng không chính đáng được cài vào trong luật có thể hợp pháp hóa sự nhũng nhiễu vô tận của một số người, nhưng đồng thời cũng làm cho đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp hết sức khó khăn. Như vậy, tham nhũng chính sách có thể thể hiện dưới hai hình thức: Một là, ban hành một chính sách có lợi cho cá nhân và phe nhóm; Hai là, luật hóa các quyền năng không chính đáng để dễ bề nhũng nhiễu.

“Hậu quả to lớn của tham nhũng chính sách là điều rất dễ cảm nhận. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng chính sách lại không phải là điều dễ nhận biết”. TS Nguyễn Sĩ Dũng nên hai lý do cơ bản. Thứ nhất, ban hành chính sách là một công việc mang tính chính trị rất cao. Một chính sách được coi là tốt đẹp từ một góc nhìn này, vẫn có thể bị coi là tồi tệ từ một góc nhìn khác. Thí dụ, chính sách hạn chế nhập khẩu hàng hóa trong nước đã sản xuất được sẽ rất tốt đẹp cho những người sản xuất hàng hóa, nhưng chưa chắc đã tốt đẹp cho những người tiêu dùng. Chính sách bắt các xe ô-tô con phải có bình cứu hỏa sẽ rất tốt đẹp cho các doanh nghiệp sản xuất bình cứu hỏa, nhưng chưa chắc đã tốt đẹp cho những người có xe ô-tô. Chính vì thế khó có thể có một chuẩn mực khách quan, trung lập để nhìn nhận về một chính sách.

Thứ hai, hệ lụy của chính sách là điều rất khó nhận biết ngay từ đầu. Năng lực phân tích chính sách, năng lực đánh giá tác động của chính sách là những thứ chúng ta còn đang thiếu hụt khá nghiêm trọng trong quá trình lập pháp, cũng như trong quá trình ban hành chính sách.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, để chống lại tham nhũng chính sách, bảo đảm sự minh bạch của quy trình chính sách và bảo đảm trách nhiệm giải trình có lẽ là cách làm hiệu quả hơn.

Tính minh bạch bắt đầu từ nguyên tắc chính sách chỉ có thể được ban hành để xử lý một vấn đề quan trọng của đất nước, không thể ban hành vì ý thích của các nhà hoạch định. Phải có công cụ để nhận biết vấn đề và xác lập ưu tiên của việc xử lý vấn đề. Phải có năng lực nghiên cứu để xác định đúng nguyên nhân của vấn đề và đề ra phản ứng chính sách phù hợp. Phải có năng lực phân tích chính sách để thấy rõ những được, mất của chính sách và các hệ quả có liên quan.

Trách nhiệm giải trình bắt đầu từ việc cơ quan hoạch định chính sách cam kết chịu trách nhiệm về chính sách đã được đề ra. Nếu chính sách được đề ra không mang lại kết quả mong muốn, người đứng đầu cơ quan này sẽ từ chức để nhận trách nhiệm.

Ngoài ra, năng lực thẩm định chính sách, pháp luật của Quốc hội và HĐND cũng phải được nâng cao.

Tham nhũng chính sách có thể thể hiện dưới hai hình thức: Một là, ban hành một chính sách có lợi cho cá nhân và phe nhóm; Hai là, luật hóa các quyền năng không chính đáng để dễ bề nhũng nhiễu.

Đẩy lùi và tiến tới loại bỏ “tham nhũng chính sách” là một thách thức lớn đòi hỏi sự thống nhất cao trong toàn hệ thống. Những người có thẩm quyền ban hành chính sách không thể “vô can” khi cơ chế, chính sách, dự án luật có nguy cơ tham nhũng được thông qua. Với tính chất quan trọng của vấn đề, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống tham nhũng chính sách đặt nhiều nội dung phải giải quyết với một tinh thần thượng tôn pháp luật rất cao.

Chất lượng xây dựng pháp luật

Về vấn đề tham nhũng chính sách các chuyên gia từng nhận định, “khắc tinh” của tham nhũng chính sách là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đạo luật này có những qui định rất rõ ràng về công khai, minh bạch và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật. Thế nhưng, trong thực tế vẫn còn có rất nhiều văn bản trái luật được soạn thảo và ban hành không theo những quy định này hoặc chưa có đánh giá tác động kinh tế- xã hội của văn bản một cách toàn diện…

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các chuyên gia cho rằng, giải pháp xây dựng pháp luật trong thời gian tới là cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, tăng cường công khai, lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân…

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thể chế pháp luật chính là yếu tố quyết định “một quốc gia thành công hay không thành công” nhưng “chúng ta thường hay lo các công việc cháy nhà, chết người, dự án này, dự án kia mà chưa quan tâm đến công tác thể chế. Chúng ta phải thay đổi thói quen này” - Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, nhiều năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ qua, Quốc hội và Chính phủ đã coi trọng việc xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhưng vẫn còn các bất cập, hạn chế. Cụ thể, chất lượng một số dự án luật còn kém, vòng đời ngắn. Công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của các dự luật làm chưa kỹ, dẫn đến tình trạng “nhiều văn bản mới ra đời đã phải sửa chữa”.

“Đặc biệt là xin lùi, xin rút vẫn còn. Quốc hội phải kêu nhiều. Nhất là công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống còn chưa có cơ chế đồng bộ, hiệu quả” - Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật chưa khắc phục triệt để, nhiều văn bản trái luật về nội dung, thẩm quyền, nhiều quy định chồng chéo nhau. Sự phối hợp với bộ ngành yếu, cán bộ làm công tác pháp luật vừa thiếu vừa yếu. Nguồn tài chính cho công tác xây dựng pháp luật chưa đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

GS-TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhấn mạnh điều kiện tất yếu để một quốc gia thịnh vượng là phải xây dựng được một nhà nước pháp quyền, có hệ thống pháp luật hoàn thiện. Theo đó, hệ thống này phải đủ sức khắc phục được tình trạng làm ăn trái pháp luật, tham nhũng, tiêu cực. Nhà nước cần tận tụy thực hiện tốt các chức năng vốn có, không thực hiện những công việc mà người dân, khu vực tư nhân có thể làm được.

“Cùng với đó, chúng ta hoàn thiện thể chế để đấu tranh, tiến tới xóa bỏ cho được những thói xấu như cục bộ, cửa quyền, cát cứ, lãng phí của công, lạm dụng của công” - GS Liên nói.

Ghi nhận các ý kiến nêu lên những tồn tại trong công tác này, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung gồm "vòng đời" của một số dự án luật còn ngắn, phải sửa chữa. Công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật, pháp lệnh. Công tác thi hành pháp luật - “đưa pháp luật vào cuộc sống” còn bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; tình trạng “nợ đọng” quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để.

Thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng pháp luật. “Muốn một dự án luật hiệu quả, một nghị định phản ánh đúng tinh thần của luật đã được Quốc hội thông qua thì chúng ta phải đảm bảo chất lượng, không được hình thức”.

Khắc phục cho được sự phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan trong việc lấy ý kiến, lắng nghe lẫn nhau để hoàn thiện. Việc tổ chức thực hiện pháp luật “đến nơi đến chốn” rất quan trọng.

Công tác thi hành pháp luật - “đưa pháp luật vào cuộc sống” còn bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; tình trạng “nợ đọng” quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để.

Thủ tướng nêu rõ, Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Các bộ, ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. “Tại phiên họp Chính phủ hàng tháng, tôi yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phải báo cáo Chính phủ, công khai những bộ, cơ quan có liên quan nợ đọng”, Thủ tướng nói.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.

Thay lời kết

Có thể nói, Hội nghị đặt ra nhiều nội dung rất thiết thực nhưng cốt lõi là phải chống cho được nguy cơ tham nhũng chính sách và nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Chất lượng xây dựng văn bản pháp luật kém cũng gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế, gây phiền phức cho người dân cũng như các cơ quan thực thi pháp luật, và tạo điều kiện cho nhũng nhiễu có cơ hội hoành hành. Đặc biệt cũng cần quan tâm đến công tác thực thi pháp luật.

Tham nhũng chính sách là mầm mống của tham nhũng, gây nguy hại ở tầm vĩ mô về nhiều phương diện cho đất nước, không dễ nhận thấy và khắc phục khi hậu quả đã xảy ra. Vì thế từ cơ quan soạn thảo, Chính phủ đến Quốc hội phải đủ sáng suốt để kịp thời ngăn chặn khi thấy dấu hiệu lợi ích nhóm trong dự thảo văn bản pháp luật.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra quyết tâm với những chỉ đạo cụ thể tại Hội nghị là một tin vui và nhiều hy vọng, tin tưởng đối với các doanh nghiệp và người dân về một thể chế minh bạch, hiệu quả.

Thái Đăng

Bạn đang đọc bài viết "Chống tham nhũng chính sách và những vấn đề đặt ra trong hoàn thiện, thi hành pháp luật" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin