Chính sách mới về đất đai tác động thế nào đến thị trường bất động sản?

(Pháp lý) - Nhiều chính sách pháp luật về đất đai mới có hiệu lực sẽ tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản. Theo dự báo, giá và thuế về đất sẽ tăng và các quan hệ trong giao dịch bất động sản sẽ minh bạch hơn.

Giá đất và thuế đất sẽ tăng?

Theo khoản 1 điều 114 Luật Đất đai 2013, từ ngày 1/1/2020, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải công khai bảng giá đất mới của địa phương. Giá này sẽ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính tiền và thuế sử dụng đất, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, và để tính tiền trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước…

Tại nhiều thành phố lớn, giá đất dự kiến tăng. Cụ thể, như ở Hà Nội. HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua tờ trình các loại giá đất trên địa bàn, áp dụng từ tháng 1/2020 đến 12/2024. Theo đó, bảng giá điều chỉnh mức tằng bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019.

Cụ thể, giá đất đô thị trong nội thành tối đa thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, trên các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ, có giá gần 188 triệu đồng/m2; giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông hơn 4,5 triệu đồng/m2.

Khi khung giá đất quy định giá đất cao hơn thực tế hiện nay, kéo theo các loại thuế về đất sẽ tăng. Như vậy, với chính sách điều chỉnh trên dự báo giá đất và thuế sẽ tăng theo.

Thị trường đất đai sẽ minh bạch hơn

Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020, thay thế nghị định Nghị định số 102/2014/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nhưng chưa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 194 của Luật đất đai thì hình thức và mức xử phạt từ 20 – 500 triệu đồng tùy theo diện tích.

Đáng chú ý, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phần lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ từ hai điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP trở lên thì hình thức và mức xử phạt từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng tùy diện tích.

Nghị định này cũng quy định biện pháp khắc phục là buộc làm thủ tục trình UBND cấp tỉnh cho phép phân lô, bán nền đối với trường hợp chưa có văn bản cho phép của UBND cấp tỉnh; Buộc chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai; Buộc chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thành xây dựng nhà theo đúng thiết kế được phê duyệt; Buộc chủ đầu tư nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…

Quy định như trên được kì vọng sẽ ngừa những cơn sốt bất động sản ảo do mua đất phân lô bán nền chưa đủ điều kiện kinh doanh, góp phần làm lành mạnh hơn thị trường bất động sản. Tăng mức xử phạt với việc chuyển nhượng bất động sản là đất nền chưa đủ điều kiện sẽ làm giảm đáng kể lưu lượng bất động sản giao dịch nhưng lại làm lành mạnh thị trường bất động sản.

Làm giảm các giao dịch về bất động sản?

Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau: Có Giấy chứng nhận; Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất.

Theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 91/2019, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện như trên bị phạt tiền. Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 40 triệu đồng).

Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đăng ký biến động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra biến động (thường sẽ là ngày hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho có hiệu lực).

Theo khoản 2, 3 Điều 17 Nghị định 91/2019, trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định bị phạt tiền như sau: Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 20 triệu đồng). Không sang tên sổ đỏ bị phạt tới 20 triệu đồng

Có thêm những điều kiện khắt khe trong giao dịch bất động sản, các quy định trên sẽ góp phần thắt chặt các hoạt động của thị trường bất động sản, làm giảm các giao dịch bất động sản.

Giao dịch mua bán chung cư sẽ dễ dàng hơn

Theo Nghị định 91/2019, đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nếu không nộp hồ sơ, không cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua làm thủ tục cấp sổ đỏ sẽ bị phạt tùy vào mức độ vi phạm.

Trong đó, mức thấp nhất là từ 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ mức 10 triệu đến 100 triệu đồng; mức vi phạm 6-9 tháng sẽ bị phạt tối đa 300 triệu đồng; 9-12 tháng mức phạt tối đa là 500 triệu đồng; từ 12 tháng trở lên mức phạt tối đa là 1 tỷ đồng.

Biện pháp khắc phục buộc nộp hồ sơ, cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua nhà, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp sổ đỏ theo quy định.

Gần đây, phổ biến tình trạng nhiều chủ đầu tư trây ì, kéo dài thời gian làm thủ tục cấp sổ đỏ cho chung cư. Phía người dân đã mua chung cư thì bị động, chờ đợi nếu muốn chuyển nhượng ngay sẽ gặp vô vàn khó khăn. Sau khi có quy định này, chủ đầu tư phải thêm trách nhiệm với khách hàng. Khi có được sổ đỏ, việc chuyển nhượng chung cư trên thị trường sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Phan Phan

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin