Chính sách mới có hiệu lực thi hành trong tháng 9-2017

Sửa đổi hồ sơ xóa nợ thuế với DN phá sản; Tổ chức kiểm tra sức khỏe cho trẻ em; Người dân được đánh giá sự hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính; Mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 9-2017.

Mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã

Mức trợ cấp đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là 1.846.000 đồng/tháng; nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký

Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã là 1.786.000 đồng/tháng; Đối với các chức danh còn lại, mức trợ cấp là 1.653.000 đồng/tháng.

Theo Thông tư, mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu nghỉ việc bằng mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6-2017 nhân (x) với 1,0744.

(Thông tư 04/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 1-7-2017 đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định 130-CP và Quyết định 111-HĐBT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9, chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 1-7-2017).

Bồi dưỡng 10 triệu đồng cho người cung cấp thông tin liệt sĩ

Từ 10-9, bồi dưỡng 3 triệu đồng cho người cung cấp thông tin chính xác để tìm kiếm, quy tập được 1 hài cốt liệt sĩ; 5 triệu đồng đối với thông tin chính xác về mộ tập thể có từ 2 đến 5 hài cốt liệt sĩ và 10 triệu đồng đối với thông tin chính xác về mộ tập thể có từ 6 hài cốt liệt sĩ trở lên (theo quy định cũ chỉ bồi dưỡng có 2 triệu đồng).

Cũng từ 10-9, tăng mức bồi dưỡng đối với đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ khi trực tiếp làm nhiệm vụ khảo sát, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước từ 100.000 đồng/người/ngày thực tế làm nhiệm vụ lên 220.000 đồng/người/ngày; tăng mức bồi dưỡng sức khỏe từ 280.000 đồng/người lên mức 500.000 đồng/người (không quá 2 lần/năm).

(Quyết định 35/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-9 quy định).

 Bồi dưỡng 10 triệu đồng cho người cung cấp thông tin liệt sĩ. Ảnh minh họa
Bồi dưỡng 10 triệu đồng cho người cung cấp thông tin liệt sĩ. Ảnh minh họa)

 

Người dân được đánh giá sự hài lòng

Từ 15-9, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, phân công công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã chủ trì, phối hợp công chức Tư pháp - Hộ tịch tổ chức đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC bằng Phiếu lấy ý kiến.

Việc đánh giá được thực hiện nhiều lần vào cuối tháng, cuối quý hoặc 06 tháng một lần tùy theo điều kiện thực tế của địa phương.

(Thông tư 07/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có hiệu lực từ 15-9 quy định).

Tổ chức kiểm tra sức khỏe cho trẻ em

Bộ Y tế yêu cầu tổ chức khám tổng quát và kiểm tra sức khỏe cho trẻ em mỗi năm một lần. Trẻ từ khi sinh đến trước khi vào học mầm non và trẻ dưới 6 tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn về các nội dung: Đo chiều cao, cân nặng để đánh giá về phát triển thể lực; Khám toàn diện để đánh giá về phát triển tinh thần, vận động, phát hiện bệnh tật, các dấu hiệu bất thường và nguy cơ về bệnh tật; Kiểm tra tiêm chủng theo lịch và tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đối với trẻ em chưa tiêm và có nhu cầu…

Trẻ em từ 7 đến dưới 16 tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã theo nội dung ghi trong Hồ sơ quản lý sức khỏe.

Trẻ là học sinh từ mầm non đến hết trung học cơ sở được kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe tại trường vào đầu năm học.

(Thông tư 23/2017/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em, có hiệu lực từ ngày 15-9 quy định).

Nhà mạng phải thông báo việc tự động gia hạn dịch vụ

Các nhà mạng di dộng phải gửi tin nhắn ngắn SMS tới các thuê bao đã đăng ký sử dụng dịch vụ định kỳ để thông báo về việc tự động gia hạn. Nội dung thông báo gồm các thông tin: Tên dịch vụ, mã, số cung cấp dịch vụ, chu kỳ cước, giá cước, cách hủy, tổng đài hỗ trợ tư vấn khách khàng. Với các dịch vụ định kỳ ngày, tuần, nhà mạng phải thông báo 7 ngày/lần kể từ ngày đăng ký thành công; với các dịch vụ định kỳ tháng, năm, phải thông báo 30 ngày/lần kể từ ngày đăng ký thành công. Thời gian gửi thông báo từ 7 giờ đến 22 giờ.

(Thông tư 08/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, có hiệu lực từ ngày 21-9 quy định).

Giấy phép hoạt động điện lực

Có 4 trường hợp miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, gồm: Phát điện để tự sử dụng, không bán cho tổ chức, cá nhân khác; Phát điện có công suất lắp đặt dưới 01 MW để bán cho tổ chức, cá nhân khác; Mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo; Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực.

Đáng chú ý, quy định về giấy phép phát điện, theo quy định mới, đối với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, giấy phát điện có thời hạn tối đa là 20 năm; 10 năm đối với các nhà máy điện còn lại.

(Thông tư 12/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, có hiệu lực từ ngày 14-9 quy định).

Hồ sơ xóa nợ thuế với DN phá sản

Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, hồ sơ xóa nợ tiền thuế bao gồm: Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án; Tài liệu phân chia tài sản của chấp hành viên thể hiện số nợ thuế thu hồi được và không thu hồi được; Quyết định về việc đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản của cơ quan thi hành án dân sự. Các tài liệu này phải là bản chính hoặc sao y bản chính. Theo quy định cũ, hồ sơ xóa nợ tiền thuế của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản chỉ bao gồm: Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản kèm theo phương án phân chia tài sản và Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án. Đồng thời, các tài liệu chỉ cần là bản sao có công chứng hoặc chứng thực.

(Thông tư 79/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung tiết b1 điểm b khoản 4 Điều 48 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực ngày 15-9).

Theo PLO

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin