Chỉ ra những “kẽ hở” lớn trong chính sách pháp luật về đất đai (Bài 8) : Đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp luật kiến nghị gì?

17/09/2018 13:37

(Pháp lý) - Tham nhũng, trục lợi từ nguồn lợi đất đai nhiều năm nay gây bức xúc xã hội. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và chuyên gia cho rằng phải khẩn trương “bít” các “kẽ hở” của Luật Đất đai để tránh nguy cơ “lửa bùng lên từ đất”.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Phải xem lại các quy định về thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại) chia sẻ: Lĩnh vực đất đai là lĩnh vực rất nóng và luôn nóng. Nóng là vì đa số khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai và nóng là vì thất thoát lớn nhất ở tài sản quốc gia cũng là đất đai.

 ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương)

Dù Luật Đất đai đã được sửa đổi nhiều lần theo hướng tiệm cận với cơ chế thị trường, nhưng tình trạng khiếu kiện không những không giảm mà còn gia tăng. Trước một thực tế chính sách quy định giá đất hàng năm các tỉnh công bố chỉ bằng 10-20 phần trăm giá thị trường, cộng với việc chính quyền đứng ra thu hồi đất giao cho doanh nghiệp rồi doanh nghiệp làm hạ tầng, thậm chí nhiều nơi chẳng cần làm gì đã lập bản đồ, phân nền ra bán với giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần khiến người dân vô cùng bức xúc và đi khiếu kiện khắp nơi thì cũng là điều dễ hiểu.

Nhu cầu phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cần nghĩ tới quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, không giải quyết thỏa đáng, đúng mức thì không những khó phát triển bền vững mà còn tiềm ẩn nhiều bất ổn cho xã hội. Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng ngàn m2 đất (dù chỉ là đất ruộng, thậm chí đất không sử dụng để canh tác được) mà người dân không mua nổi 1 suất đất hay 1 căn chung cư của dự án để sinh sống, đó là chưa kể việc phải tạo kế sinh nhai cho người dân có đất bị thu hồi một cách thực chất chứ việc thu hồi đất lâu nay khiến một số lượng không nhỏ người dân không có đất sản xuất, phải di cư tự phát tới các đô thị làm thuê, làm mướn, khai thác khoáng sản, phá rừng hay buôn bán bất hợp pháp… Điều đó chỉ ra rằng thu hồi đất không còn chỉ là một bài toán về phát triển kinh tế mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý xã hội, quản lý dân cư, giải quyết nạn thất nghiệp, phòng chống tội phạm,vv…

Việc thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng và công trình công cộng là cần thiết và được xã hội đồng tình cao, nhưng còn thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội (KTXH), nhất là thu hồi đất giao cho doanh nghiệp thì cần phải thay đổi, thay đổi cả cơ chế lẫn quy định của pháp luật theo hướng: doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với dân theo giá thị trường, chính quyền không thu hồi đất thay doanh nghiệp và trước khi phê duyệt dự án phải lấy ý kiến của người dân chứ đừng để tình trạng ở một số nơi đến khi thu hồi đất mà người dân vẫn không biết là có dự án như Truyền hình VN đã từng đưa tin. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải quan tâm giải quyết vấn đề thu hồi đất với mục tiêu bảo đảm quyền lợi tương xứng và cuộc sống bình thường của người dân và sự phát triển bền vững cho quốc gia.

Một vấn đề nữa, ai cũng biết đất đai là tài sản vô cùng quý giá của đất nước. Ấy vậy mà nhiều năm qua, đất công và cả nhà đất công sản bị “xà xẻo”. Những vụ việc nhập nhèm biến đất công thành đất tư, mua bán đất công với giá rẻ bị phanh phui ở một số địa phương trong thời gian gần đây đã minh chứng cho nhận định đó. Có chuyên gia đã đưa ra dẫn chứng là: có những doanh nghiệp bên bờ vực phá sản nhưng được một cơ chế và nhờ quan hệ thân hữu với chính quyền và người có chức, có quyền nên được cung cấp cho một mảnh đất mà không thông qua đấu giá hay phương thức, quy trình theo quy định. Nhờ vậy mà doanh nghiệp lại phất lên và hậu quả là ngân sách bị thất thoát rất lớn.

Một tình trạng đáng lo ngại nữa là các dự án BT, nói nôm na là “đổi đất lấy công trình” đang diễn ra tại nhiều địa phương khiến một lượng đất trong đó có cả đất công không nhỏ ở những vị trí đắc địa cứ lần lượt rơi vào tay doanh nghiệp. Lẽ ra các dự án đổi đất này sẽ phải mang lại những công trình giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân như: bệnh viện, trường học hay những công trình phục vụ cho cộng đồng... Nhưng thật đáng tiếc! Hàng trăm, hàng ngàn héc ta đất vàng, đất kim cương của nhà nước và người dân bị thu hồi, giải tỏa chỉ để đổi lấy nào là trụ sở, trung tâm hội nghị, thậm chí cả cổng chào hay tượng đài. Theo tôi thì Quốc hội, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm để tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, hạn chế, tiến tới ngăn chặn nguy cơ và hậu họa từ đất mang lại. Có như vậy mới tránh được “lửa bùng lên từ đất” như cách nói ví von của Thủ tướng Chính phủ. Và việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải soi xét lại một cách kỹ lưỡng, chặt chẽ các quy định về thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế.

Luật sư Vũ Lợi: Cần “siết” các quy định liên quan đến thu hồi, chuyển đổi mục đích và quy hoạch sử dụng đất

Trong các quy định của Luật Đất đai 2013 thì các quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, tái định cư về đất được quy định khá cụ thể trong chương VI. Tuy đã khá chặt chẽ và cụ thể nhưng vẫn còn có những quy định có kẽ hở gây thiệt hại cho dân và “giúp” cho cán bộ và doanh nghiệp hưởng lợi. Đầu tiên là hiện tượng nhiều doanh nghiệp (qua chính quyền) đứng ra thu hồi đất nông nghiệp, nhưng trả dân tiền bồi thường với giá rẻ mạt, rồi sau đó doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm gia tăng giá trị lên nhiều lần. Quan điểm của Luật sư Vũ Lợi cho rằng: Trong trường hợp này, nhà nước đã trao cho doanh nghiệp (có tiền, có quan hệ) quá nhiều quyền. Trong các quan hệ này, chính nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính (để thu hồi, để cưỡng chế) rồi giao cho doanh nghiệp làm ăn thậm chí là chỉ phục vụ mục đích kinh doanh, kinh tế của doanh nghiệp. Sau khi thu hồi đất của dân là đất nông nghiệp (quy hoạch lúc đó là đất dành cho nông nghiệp) nhưng sau đó lại cho doanh nghiệp chuyển đổi thành những loại đất khác (chính nhờ cơ quan nhà nước sửa đổi quy hoạch) làm giá trị tăng lên nhiều lần…. Đây là điều rất bất bình đẳng, doanh nghiệp được lợi, thì không có lý gì mà không quay lại lại quả cho quan chức đã giúp họ, đó là nguồn gốc của tham nhũng.

 Luật sư Vũ Lợi
Luật sư Vũ Lợi)

Ngoài ra, các quy định thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc gia, công cộng (tại Điều 62) nhất là tại khoản 3 điều này – các dự án có thu hồi đất do HĐND cấp tỉnh quyết là dễ lách luật nhất. Doanh nghiệp ban đầu có thể lập dự án với mục đích để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng sau đó có thể sẽ xin chuyển đổi mục đích của một phần hay toàn dự án. Hoặc doanh nghiệp cố tình lập các dự án trong danh mục hưởng ưu đãi đầu tư, sau khi hưởng hết các ưu đãi đầu tư thì lại chuyển mục đích của dự án.

Về quy hoạch trong sử dụng đất, Điều 35 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhấn mạnh: Quy hoạch và kế hoạch phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế – xã hội… Và quy hoạch phải dân chủ và công khai. Điều 43 của Luật này cũng quy định việc lập quy hoạch và kế hoạch phải hỏi ý kiến của nhân dân… Tuy nhiên thời gian qua, các cấp thẩm quyền sửa đổi quy hoạch với thủ tục cũng khá đơn giản, việc đó tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp “đi đêm” với quan chức, tạo ra những quyết định sửa đổi quy hoạch có lợi cho doanh nghiệp. Đó chính là nguyên nhân của thất thoát tiền của nhà nước, thiệt thòi cho dân.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm: Cần bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực và tăng cường chế tài xử lý vi phạm trong công tác quản lý đất đai

Bàn về những kẽ hở của Luật Đất đai, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) người trực tiếp hỗ trợ giúp dân các thủ tục pháp lý trong các vụ kiện đất đai chia sẻ: Trong hoạt động thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng thì tôi nhận thấy thái độ của người dân là luôn ủng hộ. Có thể thấy ở các dự án làm đường, hay các công trình an ninh, quốc phòng, trường học, công viên. Tuy nhiên, người dân thường bức xúc về những vi phạm về trình tự thủ tục khi thu hồi đất và việc áp giá đền bù khi thu hồi đất. Hiện không có chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa những vi phạm từ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ trên. Vì thiếu cơ chế xử lý nên cán bộ vi phạm thì ngang nhiên vi phạm, người dân khiếu kiện ở cơ sở không được giải quyết thấu đáo, kéo lên trung ương khiếu kiện nhưng chưa có cơ chế giải quyết khiếu kiện hợp lý nên khiếu kiện kéo dài, không có điểm dừng.

 Luật sư Nguyễn Văn Kiệm
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm)

Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm: Hiện nay việc xác định thời gian sử dụng đất, xác định mục đích sử dụng đất là căn cứ để xác định mức giá đền bù thuộc Hội đồng giải phóng mặt bằng trực thuộc cơ quan hành chính nhà nước quyết định. Đó là bảng giá đất riêng, ứng với từng dự án. Tuy nhiên, giá đất trên thực tế và giá đất người dân được bồi thường vẫn có một khoảng cách lớn. Theo luật sư Kiệm thì cần có hoạt động thẩm định giá khách quan, đồng thời thời gian ban hành quyết định của dự án và quyết định thu hồi đất cần sát nhau. Với nhiều dự án kéo dài, lúc có quyết định thu hồi đất giá rất thấp, nhiều năm sau giá đất đã tăng cao... người dân bị thu hồi đất sẽ bị thiệt thòi. Đồng thời, nếu chiểu theo các quy định như hiện nay thì công chức nhà nước có quyền quyết định rất lớn trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Luật có không ít kẽ hở để nhiều công chức nhà nước có thể nhũng nhiễu người dân để trục lợi, từ đó sinh ra tham nhũng. Luật Đất đai cũng quy định, hoạt động tái định cư phải được thực hiện trước khi thu hồi đất, đồng bộ cho nhiều dự án, nơi ở tái định cư phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ, nhưng hầu như không có dự án nào thực hiện được yêu cầu về tái định cư cho người dân bị thu hồi đất đúng theo quy định của pháp luật. Vi phạm này không hề ít, nhưng không có chế tài xử lý vi phạm.

Về vấn đề quy hoạch sử dụng đất, từ kinh nghiệm thực tế, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng: Hiện tôi thấy có tỉnh thành, có hiện tượng chính quyền giao cho doanh nghiệp tư nhân nghiên cứu quy hoạch, lập quy hoạch như vậy là không đảm bảo sự khách quan. Một số địa điểm trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang có hiện tượng này. Theo tôi, nhà nước phải đứng ra làm quy hoạch nền tảng, mời các chuyên gia quy hoạch phản biện. Dựa trên nền tảng đó, doanh nghiệp đầu tư, phát triển theo quy hoạch định sẵn. Hạn chế tình trạng thường xuyên xin điều chỉnh làm biến dạng quy hoạch ban đầu.

Bàn về các vụ án liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian gần đây, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng: Khi có các dự án liên quan đến đất đai, thường thì các cơ quan tham mưu, làm các văn bản đệ trình để các cán bộ quyết định kí. Giữa các bộ phận có quy chế làm việc riêng. Tuy nhiên, trong các vụ việc có sai phạm thì quy chế làm việc bị lạm dụng. Qua rất nhiều vụ việc mà Ủy ban kiểm tra đã làm có đưa ra kết luận về sự chuyên quyền, độc đoán của không ít cán bộ đứng đầu. Các bộ phận giúp việc không dám phản ứng, bị vô hiệu. Cơ chế kiểm tra giám sát quy chế làm việc không được quan tâm. Các vụ việc kéo dài mà không bị phát hiện…. do có nhiều quyết định cá nhân, nhân danh tập thể, đã tạo điều kiện để tham nhũng, lợi ích nhóm hoành hành.

Phan Tĩnh (Ghi)

Bạn đang đọc bài viết "Chỉ ra những “kẽ hở” lớn trong chính sách pháp luật về đất đai (Bài 8) : Đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp luật kiến nghị gì?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin