Chế định án treo: Quan trọng là bảo đảm nguyên tắc công bằng và chặn tiêu cực khi áp dụng

(Pháp lý) - Vì cho rằng có nhiều vụ cho hưởng án treo không đúng, gây nghi ngờ có tiêu cực nên thu hẹp phạm vi áp dụng án treo được đặt ra đối với ngành Toà án trong những năm qua. Tuy nhiên, án treo là một chế định thể hiện chính sách nhân đạo và rất cần thiết, nên thu hẹp phạm vi án treo là không phù hợp với xu thế chung và qui định của pháp luật. Điều quan trọng là bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và có giải pháp chặn tiêu cực khi áp dụng chế định quan trọng này.

Thu hẹp hay mở rộng phạm vi áp dụng án treo?

Tòa án Nhân dân tối cao vừa tổ chức Hội thảo “Tổng kết thực tiễn thi hành Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06-11-2013 hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo”.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng: Nghị quyết 01 đã giúp cho thẩm phán, hội thẩm đỡ khó khăn hơn trong quyết định về án treo, đã “cầm tay chỉ việc” cho họ trong xét xử. Tuy nhiên, một số hướng dẫn khá máy móc, khô cứng. Điều này đã thu hẹp phạm vi án treo luật định, thu hẹp khả năng tùy nghi - một điểm đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của thẩm phán; chưa đáp ứng chính sách hình sự hướng thiện, vì con người, coi trọng tính phòng ngừa, thu hẹp phạt tù… Khoản 1 Điều 65 BLHS 2015 qui định: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần thiết bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo”. Điều luật quy định “căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ...” nghĩa là điều luật không hề đòi hỏi người phạm tội phải có nhân thân tốt như vẫn quan niệm trong thực tiễn gần đây”. Ông cho biết có thời kỳ tình tiết này được hướng dẫn theo hướng chỉ cần người phạm tội “có nhân thân không xấu” là có thể cho hưởng án treo.

 Hội thảo “Tổng kết thực tiễn thi hành Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo” (nguồn ảnh: congly.vn)
Hội thảo “Tổng kết thực tiễn thi hành Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo” (nguồn ảnh: congly.vn))

Theo khảo sát và tìm hiểu của ông Trần Văn Độ, trong khoảng 10 năm (2007-2016), tỉ lệ bị cáo được hưởng án treo tăng đến năm 2009 và giảm dần; đặc biệt là từ năm 2014, sau khi Nghị quyết 01 được ban hành và có hiệu lực. Năm 2008 tỉ lệ các bị cáo được hưởng án treo chiếm khoảng 28% người bị kết án; năm 2013 là 20%-22% và năm 2016 là 16%-18%.

Kết quả xét xử phúc thẩm cũng cho thấy số bản án sơ thẩm bị sửa từ phạt tù chuyển sang cho hưởng án treo thường cao gấp 3-4 lần số bản án sơ thẩm bị sửa từ án treo sang phạt tù. Từ đó cho thấy nhiều bị cáo đáng lẽ có thể được hưởng án treo nhưng tòa không mạnh dạn quyết định. Ở các nước, tỉ lệ người phạm tội bị kết án phạt tù chỉ chiếm 50%-60%, còn ở Việt Nam khoảng 96%.

Cũng theo ông Trần Văn Độ, hướng dẫn áp dụng án treo quá chặt, thu hẹp phạm vi áp dụng; tâm lý, thói quen phạt tù trong truyền thống xét xử của tòa án, coi phạt tù là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất trong phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, dư luận xã hội thiếu tích cực đối với tình hình áp dụng án treo, cho rằng án treo không có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm, đồng thời cũng nghi ngờ có tiêu cực của thẩm phán. Lý do khác là quy chế kỷ luật trong quản lý thẩm phán cũng làm cho một số thẩm phán e ngại trong áp dụng án treo, khiến nhiều thẩm phán có tâm lý ngại xử án treo.

TS. Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Nghị quyết quy định: “Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này, họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác...”. Vậy nếu họ không đóng quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa… có bị coi là không “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú” hay không? Khi áp dụng tình tiết này có cần ý kiến nhận xét, đánh giá của chính quyền địa phương hay không?” - Chánh án Minh Tuyên cho rằng qui định như vậy gây thêm khó khăn cho Tòa án. Theo ông Tuyên sau khi nghị quyết ra đời, việc áp dụng đường lối xét xử các vụ án liên quan đến chức vụ, quyền hạn rất khó khăn. Thực tế, tỉnh Bắc Ninh đã xét xử nhiều vụ án cán bộ xã, cán bộ thôn bán đất trái phép để lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương như đường, trường, trạm… phục vụ cho lợi ích cục bộ của địa phương. Dù không chứng minh được các bị cáo có tư lợi nhưng theo đúng nghị quyết hướng dẫn, các bị cáo này không được hưởng án treo.

Cần bảo đảm nguyên tắc công bằng

Ông Quảng Đức Tuyên - Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng cho rằng về nguyên tắc những người phạm vào nhóm tội liên quan đến tham nhũng sẽ ít có cơ hội được hưởng án treo, nếu không muốn nói là không có cơ hội hưởng án treo. Tuy nhiên, sẽ là không công bằng đối với những đồng phạm về tham nhũng nhưng giữ chức vụ nhỏ, vai trò thứ yếu, bị rủ rê, mua chuộc, phục tùng mệnh lệnh cấp trên, không được chia phần chiếm đoạt, thiệt hại người này gây ra không lớn và đã được khắc phục... Ví dụ: Kế toán HTX tham nhũng vặt vài triệu đồng không thể nào áp dụng giống những người tham nhũng hàng chục tỉ đồng nhưng đều khó cho hưởng án treo.

Trong một diễn biến khác ngoài Hội thảo, ví dụ thực tiễn xét xử tại tỉnh Bạc Liêu cũng cho thấy những bất cập do Nghị quyết 01 hướng dẫn. Theo báo cáo của TAND tỉnh Bạc Liêu, từ ngày 1/10/2016 - 31/7/2017, trong tổng số 374 vụ án hình sự mà Tòa án hai cấp đã giải quyết, chỉ có 22/607 bị cáo được hưởng án treo (chiếm tỷ lệ 3,62%). Có quan điểm cho rằng, việc áp dụng án treo không có tác dụng răn đe phòng ngừa tội phạm. Do đó, thà rằng áp dụng xử 3 tháng tù giam chứ không xử 3 năm tù treo.

Có tới 13/16 bị cáo được hưởng án treo trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại trên 9 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước xảy tại UBND huyện Đông Hòa (Phú Yên) (nguồn ảnh: dantri.vn)
Có tới 13/16 bị cáo được hưởng án treo trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại trên 9 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước xảy tại UBND huyện Đông Hòa (Phú Yên) (nguồn ảnh: dantri.vn))

Quan điểm hạn chế áp dụng án treo có cơ sở từ tình hình đấu tranh chống tội phạm với nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, không ít nơi có sự lạm dụng việc cho hưởng án treo nên đã gây ra sự nghi ngờ có tiêu cực từ phía Thẩm phán. Nhiều trường hợp đáng xử phạt tù giam thì lại cho hưởng án treo đã gây ra tâm lý coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, chế định án treo là một chế định pháp luật tiến bộ, biểu hiện cụ thể nguyên tắc trừng trị kết hợp với khoan hồng, tính nhân đạo trong pháp luật hình sự của nước ta. Và điều này tiếp tục được minh chứng, khi Bộ luật Hình sự 2015 tiếp tục duy trì điều luật quy định về án treo.

Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu rõ định hướng hoàn thiện về pháp luật hình sự: “Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm”.

Do đó, giảm hình phạt tù là một định hướng lớn đã được nêu rõ trong chiến lược cải cách tư pháp, nên cần được quán triệt. Án treo là một trong những chế định quan trọng của Bộ luật Hình sự thể hiện rõ nét tính nhân đạo này, là một chế định pháp luật ra đời rất sớm với tính tích cực của mình. Thực tiễn áp dụng qua nhiều thời kỳ đã chứng minh những kết quả tích cực - tạo điều kiện cho những người trót lầm lỡ mà phạm tội, có bản chất tốt, phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt được có cơ hội cải sửa. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay, hạn chế những hình phạt mang tính chất giam giữ.

Vì vậy, khi hạn chế áp dụng chế định án treo, vô hình trung, người phạm tội có đủ điều kiện để hưởng án treo mà không được hưởng án treo sẽ bị thiệt thòi hơn so với những trường hợp khác, không bảo đảm nguyên tắc cơ bản của pháp luật.

Do đó, yêu cầu thu hẹp đối tượng được hưởng án treo cần được xem xét một cách khách quan. Thực tiễn cho thấy trong nhiều năm qua, TANDTC thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Theo đó, việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo phải bảo đảm các căn cứ quy định tại Điều 60 BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Đối với các vụ án về tham nhũng mà có bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì Tòa án đã xét xử phải gửi bản án về TANDTC để giám đốc kiểm tra nhằm bảo đảm giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này.

Đối với các trường hợp cho các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, thì sẽ phải kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm, nếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc…

Những bất cập cần sớm tháo gỡ

Nghị quyết 01/2013 còn bất cập, cần sớm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Thạc sỹ Nguyễn Quang Lộc, nguyên Thẩm phán, TANDTC cho biết, trong Bộ luật Hình sự còn có khái niệm "phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng". Theo hướng dẫn tại điểm a, khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2013 thì không đề cập đến trường hợp này. Tuy chúng ta đều hiểu là phạm tội ít nghiêm trọng và trường hợp ít nghiêm trọng không phải là một. Vậy phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng có phải là một trong các điều kiện để cho hưởng án treo không?

Theo quan điểm của ông Lộc thì đây cũng là trường hợp có thể xem xét cho hưởng án treo. Trong thực tiễn xét xử các tội phạm đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia, đối với các trường hợp phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng (bị cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, kích động hoặc vợ, con, cha, mẹ che dấu, tiếp tế cho người thân thích để hoạt động chống phá cách mạng…) có thể cho hưởng án treo. Để đảm bảo thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao nên có sự hướng dẫn thêm về vấn đề này.

Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2013 "Đối với trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giữ, tạm giam thì chỉ cho hưởng án treo khi thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam ngắn hơn thời hạn phạt tù". Như vậy, nếu một người đã bị tạm giam 8 tháng mà tội của họ chỉ có thể bị xử phạt 6 tháng thì Tòa án cũng không được cho hưởng án treo. Muốn cho hưởng án treo thì Tòa án buộc phải nâng mức hình phạt (thời hạn phạt tù) nhiều hơn 8 tháng và như vậy hình phạt mà họ phải chấp hành hay hình phạt mà Tòa án đã quyết định không tương xứng với tính chất, mức độ, nhân thân… của người phạm tội, cho dù là Tòa án cho họ hưởng án treo. Như vậy, hướng dẫn này không hợp lý và nên sửa đổi cho phù hợp và đúng pháp luật.

Ông Lộc còn nêu một vấn đề khác, đó là thời hạn chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành chính được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết 01/2013/HĐTP-TANDTC chưa đề cập đến các trường hợp đối với người chưa thành niên. Theo quy định tại Điều 137 Luật xử lý vi phạm hành chính thì: 1. Người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm; 2.Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý mà không tái phạm thì được coi là chưa áp dụng biện pháp xử lý hành chính". Như vậy, thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên chỉ bằng 1/2 đối với người đã thành niên. Việc xác định thời hạn này rất quan trọng vì đó là một trong những điều kiện để Tòa án xem xét có hay không cho hưởng án treo, vì vậy, cũng cần có hướng dẫn bổ sung để các Tòa nhận thức và áp dụng thống nhất quy định của pháp luật.

Các giải pháp chặn tiêu cực

Mới đây trong qui chế mới ban hành của TANDTC có qui định, khi kết thúc nhiệm kỳ, thẩm phán có bản án xử phạt bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính),cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử lý trách nhiệm với hình thức không được đề nghị bổ nhiệm lại hoặc chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại. Các trường hợp không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại gồm ra bản án xử phạt 4 bị cáo trở lên hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật; Quyết định hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật đối với bị cáo phạm tội tham nhũng hoặc đối với bị cáo phạm tội khác gây dư luận xấu. Các trường hợp chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại gồm: Ra bản án xử phạt 1 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật thì chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong thời hạn 9 tháng; Ra bản án xử phạt 2 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật thì chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong thời hạn 12 tháng; Ra bản án xử phạt 3 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật thì chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong thời hạn 18 tháng.

Nguyên tắc chung là bản án của Tòa án phải có căn cứ pháp luật, không chỉ riêng việc quyết định hình phạt, cho hưởng án treo hay không cho hưởng án treo. Việc quyết định cho hưởng án treo đối với bị cáo không thỏa mãn các tiêu chí pháp luật qui định cũng như không cho bị cáo hưởng án treo khi đáp ứng đủ tiêu chí đều phải bị loại trừ, có như vậy mới bảo đảm công bằng, nghiêm minh và mục tiêu giảm án phạt tù đã nêu.

 Minh Khôi

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin