Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề xuất áp thời gian phạt tù trẻ từ 14 đến dưới 16 tuổi bằng 1/4 - 1/3 với khung hình phạt tương ứng của người lớn.
Ngày 24/5/2017, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Trong phiên thảo luận này, các ĐB tranh luận gay gắt việc có nên hay không mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với trẻ từ 14 đến dưới 16 tuổi.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình là người ấn nút tranh luận cuối buổi sáng. Ông muốn đưa quan điểm tiếp cận ở góc độ khác để các ĐB tham khảo trước khi bỏ phiếu.
Ông Bình cho rằng cái đáng quan tâm là hướng tới chính sách xử lý, trong chính sách quan tâm đến nguyên tắc xử lý chứ không phải độ tuổi. Nguyên tắc này đã được nói trong điều 91 của BLHS 2015.
Theo ông Bình nói, trong quá trình xây dựng BLHS, các cơ quan đã tham khảo ý kiến một số chuyên gia của Pháp, Ý. Theo đó, tại Pháp áp dụng tăng các biện pháp giáo dục, hạn chế biện pháp cưỡng chế, tù giam. Những trường hợp buộc đưa vào tù là do tái phạm nhiều lần. Đặc biệt, tất cả các án liên quan đến trẻ em phải xử kín, đảm bảo các cháu không bị xúc phạm, để có cơ hội sửa sai về sau.
Chánh án TAND Tối cao dẫn chứng: "Họ không quy định 14-16 và 16-18 như ta. Độ tuổi của các cháu vị thành niên do HĐXX quyết định trên cơ sở nhận thức của các cháu với hành vi phạm tội đó, áp dụng cá biệt trong từng trường hợp cụ thể, nên anh 15 tuổi có thể bị xử nặng hơn 17”,
Trong trường hợp phải xử tù, các nước áp dụng hình phạt bằng 1/2 so với khung hình phạt tương ứng người lớn. Vì thế ông đề xuất, nếu Việt Nam áp dụng, có thể giảm còn bằng 1/4 - 1/3 thời gian.
Theo ông cách đó sẽ không loại trừ trường hợp nào, dù nặng hay nhẹ. “Những vụ đó vẫn đưa ra toà án nhưng là để cảnh cáo, giáo dục, hoà giải là cần thiết, chứ không phải ép các em vào tù”.
Trước đó, trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu ủng hộ phương án 2 là “Giữ như dự thảo luật do Chính phủ trình, chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên”.
“Xử lý như BLHS 2015 là rất nặng cho trẻ em, gần như không có sự phân hóa giữa trẻ em và người lớn phạm tội, trong khi người lớn gây thương tích từ 11% mới bị xử lý. Độ tuổi này diễn ra nhiều thay đổi về tâm sinh lý, tò mò, hiếu động, dễ bắt chước những điều mới lạ, hạn chế pháp luật...”, ĐB Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên thường trực UB Tư pháp Bắc Kạn phân tích.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng ủng hộ phương án 2. Ông cho rằng, việc chỉ xử lý những trường hợp rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ phù hợp với quản lý giáo dục hiện nay, trước tình trạng nhiều cơ sở giáo dục bắt buộc của Bộ Công an không có học viên trong khi hàng loạt trại giam đang quá tải.
Trước nhiều ý kiến ủng hộ phương án 2, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại không đồng tình. Ông cho rằng, nếu chỉ giáo dục đơn thuần sẽ không đủ sức răn đe và phòng chống tội phạm.
"Tôi là người rất cứng rắn, nhưng khi xem một số clip các em đánh nhau, xé quần áo, tôi không thể xem được hết. Nếu các vị đưa ra quốc tế, cho người nước ngoài xem, liệu họ có đồng tình với các vị là không xử lý các em không?”, ĐB nêu lý lẽ.
Trong khi đó, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính lại không đồng tình với cả 2 phương án.
Theo ANTT