Cần sớm sửa các luật về thuế để phát triển doanh nghiệp

Sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội đã có buổi thảo luận tại tổ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

47
Tại đoàn Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ, qua các lần tiếp xúc cử tri, người dân đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng luật pháp, phải bảo đảm luật ban hành có tính ổn định lâu dài và người dân, doanh nghiệp dễ đoán định, tiên liệu khi Nhà nước thay đổi chính sách.

Cho rằng Quốc hội có chức năng xây dựng pháp luật, nhưng trách nhiệm rất lớn thuộc về cơ quan soạn thảo pháp luật, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo mạnh mẽ trong công tác xây dựng pháp luật.

Ông Vương Đình Huệ nêu ra những thay đổi quan trọng đối với công tác này. Thứ nhất là Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tại các phiên thảo luận, kể cả vòng 1, vòng 2 cho ý kiến về các dự án luật thì phải có bộ trưởng, trưởng ngành chủ trì soạn thảo dự án luật ngồi dự, giải trình, tiếp thu, phát biểu ý kiến tới các đại biểu Quốc hội. “Đây là chỉ đạo đúng đắn, làm tăng trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành lên”.

Thứ hai, về phía Chính phủ, các phiên họp Thường trực Chính phủ, hay họp Chính phủ thường kỳ đều dành phần lớn thời gian để xây dựng pháp luật, họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, sau đó mới thảo luận về kinh tế, xã hội. “Chính vì vậy mà trong gần một năm qua, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định mới để hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Không chỉ vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng giao các Phó Thủ tướng phụ trách ngành lĩnh vực liên quan chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành thảo luận về luật pháp, chứ không “giao khoán” cho bộ trưởng, vì có nhiều vấn đề liên quan tới nhiều ngành, như Luật về Quản lý tài sản công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho biết, trong Chính phủ từng có trường hợp hầu hết các thành viên biểu quyết thông qua nghị định, chỉ một vài ý kiến bác bỏ, và khi Chính phủ xem kỹ lại thì thấy ý kiến thiểu số lại đúng, nên lúc này “chân lý không phải là số đông”.

“Những trường hợp như vậy thì Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp và giao Phó Thủ tướng phụ trách họp với các bộ để rà lại và trình lại Chính phủ một lần nữa để thảo luận. Đó là những vấn đề rất chuyên sâu, rất cao mà nhiều người không thể hiểu được hết. Sau đó, kết quả biểu quyết lại hoàn toàn khác so với lúc đầu”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua một số dự án luật khi đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì ý kiến các bộ lại khác nhau và việc này đã được Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng pháp luật của Chính phủ.

“Ngay cả Luật Quy hoạch, sau khi trình Thường vụ Quốc hội vẫn còn ý kiến khác nhau thì Chính phủ lại họp lại mấy phiên để làm rõ và đạt đồng thuận cao. Nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát vì nội dung luật rộng, động chạm nhiều các luật khác”, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Các chính sách thuế chưa hợp lý

Cũng tại phiên họp tổ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nền kinh tế của đất nước đang gặp phải những khó khăn về tăng trưởng, một phần cũng do tác động của các chính sách thuế chưa hợp lý.

Ông Vương Đình Huệ nhắc tới quy định tại Luật số 71 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, đã đưa mặt hàng phân bón vào danh mục hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng, đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Quy định này được coi là không phản ánh bản chất của chính sách thuế.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn nêu thực trạng áp thuế VAT của hàng nông sản đã tác động đến các tỉnh ĐBSCL khá nhiều. “Theo khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương trong các năm 2014, 2015, tỉnh Cà Mau đã bị giảm thuế VAT trên địa bàn khá nhiều, với 200 tỷ đồng, vì toàn bộ hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản trước đây dùng bảng kê tính toán đầu ra và được khấu trừ đầu vào, nhưng sau đó có nhiều vấn đề gian lận mua bán hóa đơn, bảng kê… nên ta bỏ thuế này đi. Gian lận thì phải chống, chứ không phải vì thế mà bỏ đi. Nếu ta không sửa thì sẽ không phản ánh đúng bản chất thuế VAT”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ góp ý vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Ông Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính trình Thường vụ Quốc hội dùng một luật sửa đổi một số luật để khắc phục một số bất cập không thể không sửa trong các luật thuế; ban hành một số chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, kể cả doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phân bón, công nghệ cao, công nghệ thông tin, các chính sách cải tạo chung cư cũ của TPHCM và Hà Nội.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nếu thông qua việc sửa đổi Luật số 71 tại kỳ họp thứ 4 cuối năm nay theo thể thức rút gọn thì tốt, nếu không thì thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 5. Các doanh nghiệp, 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, trong đó đặc biệt là 4 doanh nghiệp phân bón đang mong ngóng việc sửa đổi luật này.

Cùng tổ với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho biết, quốc gia nào cũng muốn ổn định về thuế, nhưng rất khó vì chính sách thuế tác động rất mạnh tới đời sống sản xuất kinh doanh.

“Ở nước ta sửa luật về thuế hiện có rủi ro, nhưng càng sửa càng tốt cho môi trường đầu tư”, ông Giàu bày tỏ đồng tình với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Theo Bizlive

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin