Cần một Ủy ban giám sát việc thực thi luật quốc tế

(Pháp lý) - Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, số vụ việc vi phạm luật quốc tế, chỉ tính liên quan tới chủ quyền của các quốc gia – vùng lãnh thổ đang diễn ra ngày một nhiều hơn. Tuy dưới rất nhiều hình thức vi phạm khác nhau, nhưng thường diễn ra dưới hai hình thức chủ yếu: hoặc vi phạm trắng trợn, theo kiểu “bất chấp luật pháp”, hoặc tinh vi hơn dưới dạng vận dụng luật theo hướng có lợi cho mình.

Luật quốc tế “ngã” trước luật của “gã khổng lồ”

Những ngày cuối tháng 3, khi Sirya chuẩn bị những bước cuối cùng để quét sạch các tay súng IS khỏi lãnh thổ của mình, dưới sự hậu thuẫn của chính quyền Tổng thống Nga Putin, thì đất nước này lại phải đối mặt với một thách thức mới. Không phải từ tàn quân IS và những kẻ đứng sau. Thách thức đó đến từ một dòng trạng thái Twitter của Tổng thống Mỹ Donal Trump vào đêm 21/3 viết "Đã đến lúc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan sau 52 năm Israel kiểm soát cao nguyên chiến lược nằm trên biên giới giáp Syria". Chỉ 4 ngày sau dòng trạng thái đó, ngày 25/3, Tổng thống Mỹ D. Trump đã chính thức ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump)

Cao nguyên Golan là một vùng chiến lược rộng khoảng 1.800km2, nằm giữa Syria, Israel, Jordan và Lebanon. Với địa thế cao xấp xỉ 2.000m và tương đối bằng phẳng, cao nguyên này chỉ cách thủ đô Damascus của Syria chưa đầy 60km, lại có tầm nhìn phủ trọn phần lớn phía Nam Syria, phía Bắc Israel và phía Nam Lebanon. Dải đất này cũng nổi tiếng với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên cực lớn, gồm hàng tỷ mét khối dầu mỏ và khí đốt, đất đai màu mỡ và đáng giá nhất là nguồn nước ngọt.

Với vị trí đặc biệt như vậy, cao nguyên Golan trở thành điểm nóng xung đột giữa Israel với quốc gia láng giềng Syria trong suốt hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên, đây là vùng lãnh thổ của Syria từ năm 1944, khi quốc gia này được công nhận là nước cộng hòa độc lập. Trong cuộc chiến tranh Israel - Arab năm 1948, Syria từng dùng cao nguyên Golan để triển khai hệ thống pháo và nã đạn xới tung nhiều khu vực ở miền Bắc Israel. Đến năm 1967, Tel Aviv đã dùng vũ lực chiếm được vùng đất chiến lược này trong cuộc chiến tranh 6 ngày với các quốc gia Arab ở Trung Đông.

Mặc dù trên thực tế quyền kiểm soát của Israel đã không bị thách thức trong nhiều thập kỷ qua. Theo luật pháp quốc tế, mảnh đất cao nguyên có tầm quan trọng chiến lược này được coi là vùng lãnh thổ "bị chiếm đóng" kể từ khi Israel chiếm đoạt từ tay Syria.

Ngay sau khi Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, Bộ Ngoại giao Syria đã gọi quyết định này là “sự xâm lược” vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời đánh giá động thái trên của Mỹ thể hiện “mức độ coi thường đối với tính hợp pháp quốc tế”.

Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối. Giới quan sát nhận định, hành động này của Mỹ sẽ tác động tiêu cực lên tiến trình hòa bình tại Trung Đông cũng như ổn định, an ninh khu vực. Giới chuyên gia cảnh báo, động thái của Mỹ có thể làm suy yếu các lệnh cấm quốc tế, đối với việc giành được lãnh thổ bằng vũ lực và tạo tiền đề "chiến lược" để Mỹ có thể thực hiện việc công nhận khác trong tương lai như vấn đề chủ quyền Đài Loan...

Tuyên bố trên là hành động "hậu thuẫn" mới nhất mà Mỹ dành cho Tel Aviv, sau khi nước này (12/2017) công nhận Jerusalem làm thủ đô của Israel, miền đất này hiện vẫn là vấn đề trọng tâm trong xung đột Palestine và nhà nước Do Thái. Đặc biệt, tháng 4/2018, “với những bước đi chiến lược bất chấp”, Mỹ là nước đứng đầu liên quân không kích vào Syria với cáo buộc không đầu không cuối và không bằng chứng về một “Syria sở hữu vũ khí hóa học”.

Trước một loạt hành động đơn phương của Mỹ trong thời gian vừa qua tại khu vực Trung Đông nói riêng, trên toàn cầu nói chung, nhiều chuyên gia nhận định: xét về góc độ pháp lý, luật quốc tế, công ước đã được ký kết đều “vi phạm trắng trợn” nhưng Mỹ vẫn làm, tiếp tục làm và có thể mạnh hơn trong thời gian tới.

“Chính quyền của Tổng thống D. Trump không để ý quá nhiều vào luật quốc tế, mà cái chính là đạt được những toan tính của riêng mình. Không chỉ cho quốc gia Hoa Kỳ mà cả là những bước đi tiếp theo để có thể giúp ông Trump ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa ở Nhà Trắng. Trong trường hợp này, luật quốc tế đã thua luật của “gã khổng lồ” do họ tự đặt ra và thực hiện ” – Nhà bình luận quốc tế Dimirtri Colavic đến từ Nga khẳng định.

Cần một “Ủy ban giám sát việc thực thi luật quốc tế”

Theo chuyên gia Dimirtri Colavic, không chỉ Mỹ, trong thời gian qua, nhiều cường quốc đơn phương hành động bất chấp sự phản đối của nhiều nước, hầu hết những nguyên tắc cơ bản nhất của Liên Hợp Quốc như tôn trọng độc lập chủ quyền của các nước thành viên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng, hòa bình đều bị vi phạm. Sự vi phạm luật quốc tế ngang nhiên tới mức, sau các hành động, nhiều cường quốc tự “bịa” ra những lý do mới nghe vô cùng chính đáng nhưng ai cũng thừa hiểu thực chất mục đích, đằng sau của những hành động vi phạm pháp luật quốc tế là gì.

Đáng lưu ý, theo các chuyên gia sự đáng sợ trong một trật tự thế giới đang được hình thành là sự áp đặt ý đồ của các cường quốc dựa trên chính cơ quan có quyền phán quyết - Liên Hợp quốc.

Cao nguyên Golan là một cao nguyên chiến lược được Israel chiếm từ Syria vào năm 1967
Cao nguyên Golan là một cao nguyên chiến lược được Israel chiếm từ Syria vào năm 1967)

“Người ta có thể viện dẫn ra những lý do từ bảo vệ nhân quyền cho đến “chống bán phá giá, từ chống khủng bố quốc tế đến bảo vệ công dân để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Chủ quyền của một quốc gia bị đe dọa, nhẹ thì dưới dạng bị áp đặt phải theo một khuôn mẫu nào đó, nặng thì bị tấn công quân sự. Loại hình này đáng sợ ở chỗ, sự vi phạm lại được diễn giải từ chính những điều khoản của luật quốc tế, hoặc thông qua một quyết định tập thể từ một tổ chức quốc tế nào đó mà nước bị trừng phạt cũng là thành viên. Điển hình như cuộc không kích của NATO vào Lybia năm 2011, với lý do thực hiện nghị quyết 1973 về “thiết lập vùng cấm bay” của Hội đồng Bảo an LHQ” – ông Dimirtri Colavic nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu mới của Học viện Quốc phòng Australia trong tình trạng “nhất siêu nhiều cường” hiện nay, luật chơi chung, chủ quyền của các nước nhỏ luôn bị đặt trong các cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn. “Bối cảnh phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nước lớn sẽ không ngại vi phạm luật quốc tế để bảo vệ những lợi ích của họ” – nghiên cứu này chỉ rõ.

Lý do nữa là hệ thống luật pháp quốc tế đang tỏ ra hạn chế trước những thay đổi to lớn của đời sống quốc tế. Thay vì tìm cách hoàn thiện nó, các nước lớn đã lợi dụng triệt để những kẽ hở trong hệ thống này để phục vụ cho lợi ích của họ. Một tư duy "tự cho mình quyền được phạm luật" vẫn đang ngự trị trong các quyết sách của các nước lớn.

Theo các chuyên gia của Học viện Nghiên cứu Quốc tế Singapore, nếu không muốn hòa bình và thịnh vượng mãi vẫn chỉ là giấc mơ xa vời và nếu tất cả các quốc gia thực sự muốn xây dựng một "ngôi nhà chung" văn minh và dân chủ, thì có lẽ đã đến lúc cần phải bàn đến những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn. Trong muôn vàn các ý tưởng, thì cộng đồng quốc tế nên thành lập một Ủy ban giám sát việc thực thi luật quốc tế với sự tham gia của nhiều quốc gia lớn nhỏ và cần có những biện pháp trừng phạt nghiêm minh với những hành động vi phạm luật quốc tế.

Theo các chuyên gia luật pháp quốc tế, đa số các công pháp quốc tế được ban hành sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đều có kèm theo các chế tài buộc phải tuân thủ.
Một đặc trưng tiến bộ khác của công pháp quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 là đều xuyên suốt bởi những nguyên tắc cơ bản: công lý, công bằng, bình đẳng, nhân đạo, bác ái, đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân…

Qua gần 75 năm tồn tại và phát triển (1945-2019), đến nay tổ chức và hoạt động của Liên Hợp Quốc bộc lộ nhiều bất cập. Hiện đang có sự đòi hỏi phải cải tổ Liên Hợp Quốc theo hướng dân chủ hơn. Dẫu vậy, tác dụng của Liên Hợp Quốc trong việc ngăn ngừa xảy ra chiến tranh thế giới trong hơn 70 năm qua là một thành công lớn. Tuy vậy thế giới đang lo ngại bởi nguy cơ Chiến tranh Thế giới thứ 3 nay lại xuất hiện bởi hành vi ngang nhiên chà đạp công pháp quốc tế.

Nguyễn Nguyễn

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin