Cơ chế xác định giá trị QSD đất của doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa - Thực trạng và kỳ vọng sau Luật Đất đai 2024

(Pháp lý). Các quy định hiện hành về xác định giá trị QSDĐ khi CPH doanh nghiệp còn bất cập, vướng mắc, nhiều quy định trong các nghị định chưa thực sự rõ ràng. Việc ban hành Luật Đất đai năm 2024 là một tiền đề tốt, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế, trong đó có các DNNN và các công ty cổ phần được CPH từ DNNN trong việc sử dụng QSDĐ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn DNNN nhanh hơn, hiệu quả hơn thì cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (và có thể là cả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công)
1-1724320281.jpg

Ảnh minh hoạ

I. Kết quả thực hiện kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2022

1. Về ban hành cơ chế, chính sách

Giai đoạn 2016 – 2020, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách liên quan đến sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong đó, Quốc hội đã ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính phủ ban hành 10 Nghị quyết chuyên đề, 30 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 Quyết định quy phạm pháp luật. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, Chính phủ ban hành 05 Nghị định, 03 Nghị quyết chuyên đề, Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 Quyết định các loại. Trong đó có những chính sách nổi bật sau liên quan đến cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN: 

- Các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng; tháo gỡ khó khăn trong CPH, thoái vốn; hỗ trợ doanh nghiệp…

- Các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về về quản lý DNNN, quản lý của chủ sở hữu, sắp xếp, CPH, thoái vốn,… 

- Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí phân loại DNNN, phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN; các kế hoạch CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập .

- Rất nhiều Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các cuộc họp về tháo gỡ khó khăn trong sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước.

2. Tình hình thực hiện cổ phần hóa

Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 thì Thủ tướng giao CPH 137 doanh nghiệp trong cả nước; đến Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp CPH đến hết năm 2020 đã ban hành Danh mục mới gồm 93 doanh nghiệp, thay thế Danh mục của Quyết định 58/2016/QĐ-TTg.

Kết quả triển khai 2 quyết định của Thủ tướng nói trên, giai đoạn 2016 – 2020, đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng; số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp.

Năm 2021 đã cổ phần hóa thêm được 04 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2022 chỉ CPH thêm được 01 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Phà An Giang với tổng giá trị DN là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 278 tỷ đồng.

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2021. Đến hết năm 2021, có 826 doanh nghiệp có vốn Nhà nước, trong đó có 476 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 197 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 153 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Tổng tài sản là 3.749.867 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu là 1.795.451 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 826 DN là 1.671.574 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Tổng doanh thu đạt 2.128.254 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Lãi phát sinh trước thuế đạt 205.045 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) là 323.876 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020; đóng góp khoảng 28% GDP.

Nhận xét, đánh giá: Qua tình hình hoạt động, kết quả CPH các DNNN với các số liệu nói trên cho thấy: (1) Số lượng doanh nghiệp có vốn Nhà nước hiện không còn quá nhiều (826 doanh nghiệp) Tuy nhiên, tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 826 DN vẫn còn rất lớn (hơn 1,67 triệu tỷ đồng); (2) Hoạt động của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước chưa CPH cũng như đã CPH có những dấu hiệu tốt dần lên trong những năm gần đây; vai trò chủ đạo của DNNN cũng được khẳng định qua những đóng góp của khu vực kinh tế này khoảng 28% GDP của cả nước; (3) tiến độ CPH trong những năm gần đây rất chậm, không đạt kế hoạch Thủ tướng giao và ngày càng có xu hướng chậm lại; (4) có nhiều nguyên nhân đẫn đến cổ phần hóa DNNN những năm gần đây diễn ra chậm, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn từ những khó khăn, vướng mắc trong xác định giá trị quyền sử dụng đất; (5) từ đó đặt ra yêu cầu cần tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách về đất đai, đẩy mạnh quá trình CPH DNNN nhanh hơn nữa.

2-1724320303.png

Ảnh minh hoạ

II. Thực trạng các quy định pháp luật về xác định giá trị quyền sử dụng đất trong và sau cổ phần hóa DNNN

1. Quy định của pháp luật về xác định giá trị quyền sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa và việc quản lý, sử dụng đất sau cổ phần hóa

1.1. Chính sách, cơ chế xác định giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) của các DNNN khi CPH có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ. Trong đó tập trung tại các nghị định của Chính phủ . Mỗi nghị định sau lại sửa đổi, bổ sung nghị định trước để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh quá trình sắp xếp, CPH DNNN, đồng thời tránh thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình CPH. Tuy vậy, càng về sau, tiến độ CPH càng chậm và nguyên nhân chính vẫn nằm ở cơ chế xác định giá trị doanh nghiệp CPH, trong đó có xác định giá trị QSDĐ.

1.2. Hiện nay, việc xác định giá trị QSDĐ khi cổ phần hóa DNNN được thực hiện theo NĐ số 126/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi NĐ số 140/2020/NĐ-CP). Theo quy định hiện hành thì việc xác định giá trị QSDĐ đối với doanh nghiệp CPH được quy định như sau:

a) Đối với những diện tích đất được giao để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê theo phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp theo quy định sau:

- Giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là giá đất cụ thể tại vị trí doanh nghiệp có diện tích đất được giao do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao) quyết định theo quy định tại khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 114 của Luật đất đai 2013.

- Khoản chênh lệch tăng giữa giá trị quyền sử dụng đất xác định lại với giá trị đang hạch toán trên sổ sách kế toán (nếu có) được hạch toán phải nộp ngân sách nhà nước.

Trường hợp giá trị quyền sử dụng đất xác định lại theo giá đất thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất đang hạch toán trên sổ kế toán thì giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp CPH theo giá trị doanh nghiệp đang hạch toán trên sổ sách kế toán.

- Trường hợp diện tích đất doanh nghiệp được giao bao gồm cả diện tích đất sử dụng cho các hoạt động sản xuất cung ứng các dịch vụ, sản phẩm công ích, phúc lợi công cộng (như công viên cây xanh, môi trường đô thị, bến bãi xe khách, đất làm công trình thủy lợi ...) không phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được loại trừ những diện tích này khi xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đối với diện tích đất sử dụng cho các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật về đất đai cũng được xem xét, loại trừ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp cổ phần hóa quản lý, sử dụng diện tích đất này theo đúng mục đích sử dụng đất đã được xác định và phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.

b) Đối với diện tích đất còn lại (sau khi loại trừ diện tích đất trên đây) theo phương án sử dụng đất khi CPH đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, doanh nghiệp thực hiện hình thức thuê đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai và trả tiền thuê đất hàng năm.

Công ty cổ phần thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai và không tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Đối với diện tích đất đã được Nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và diện tích đất do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất thuê đã trả tiền thuê một lần cho Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần được tiếp tục thuê đất trong thời hạn thuê đất còn lại. Số tiền doanh nghiệp đã nộp hoặc đã trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa hạch toán vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được xác định là khoản đã trả trước và được trừ vào tiền thuê đất mà công ty cổ phần phải trả hàng năm theo giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Đối với diện tích đất đã được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và diện tích đất do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất mà nay thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì phải chuyển sang thuê đất. Số tiền doanh nghiệp đã nộp khi Nhà nước giao đất hoặc đã trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa hạch toán vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được xác định là khoản đã trả trước và được trừ vào tiền thuê đất mà công ty cổ phần phải trả hàng năm theo giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

c) Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, công ty cổ phần có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về tài chính, các thủ tục để được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

d) Công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện quản lý và sử dụng đất của doanh nghiệp theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai;

e) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai. Chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục ký hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.

2. Những hạn chế, yếu kém và khó khăn, vướng mắc trong xác định giá trị QSDĐ khi cổ phần hóa DNNN

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra. Cổ phần hóa, thoái vốn chỉ đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020. Từ 2021 đến nay, tiến độ còn chậm hơn so với giai đoạn 2016-2020.

Do gặp nhiều vướng mắc, một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn đến nay vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để tiến hành các bước tiếp theo của cổ phần hóa như các Tập đoàn: Than- Khoáng sản, Bưu chính Viễn thông, Hóa chất; các Tổng công ty: Mobifone, Lương thực Miền Bắc; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn…Các Bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, xác định giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu, truyền thống, văn hóa, lịch sử, giá trị doanh nghiệp. 

Các vướng mắc điển hình như:

- Việc rà soát phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử, pháp lý đất đai phức tạp; Bộ Tài chính, cơ quan đại diện chủ sở hữu, địa phương phê duyệt, cho ý kiến chậm. Nghị định số 167/2017/NĐ-CP còn có nội dung chưa cụ thể, cách hiểu còn khác nhau dẫn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện, chậm được sửa đổi, bổ sung.

- Chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, nội dung, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất mà doanh nghiệp cổ phần phải lập theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về cổ phần hóa; khi doanh nghiệp cổ phần hóa trình phương án sử dụng đất nhưng không phù hợp với quy hoạch của địa phương thì thực hiện thu hồi đất.

- Việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn, Nghị định này đã có hướng dẫn nhưng còn có nội dung chưa cụ thể, cách hiểu còn khác nhau dẫn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện.

Nhận xét, đánh giá: Các quy định hiện hành về xác định giá trị QSDĐ khi CPH doanh nghiệp đã trở thành lực cản của quá trình CPH ở những khía cạnh sau đây: (1) Việc phân định thành các trường hợp: giao đất có thu tiền sử dụng đất; giao đất không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất trả tiền một lần và cho thuê đất trả tiền hằng năm, sau đó quy định việc xác định giá trị QSDĐ khác nhau đối với các trường hợp nói trên khi CPH DNNN là rất phức tạp, khó khả thi. Đặc biệt là các trường hợp phải xác định giá trị QSDĐ đất để tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp; (2) Điểm vướng mắc nhất hiện nay là khi doanh nghiệp CPH phải xây dựng phương án sử dụng đất và phê duyệt phương án sử dụng đất mà giá trị QSDĐ phải tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp. Hầu hết các DNNN tiến hành CPH chậm hoặc không CPH được đều do bị tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất trong trường hợp giá trị QSDĐ được tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp; (3) Một lực cản nữa là còn nhiều quy định trong các nghị định chưa thực sự rõ ràng, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà, kéo dài quá trình CPH.

3-1724320291.png

III. Kỳ vọng đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN từ việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024

1. Quy định của Luật Đất đai 2024 về quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế (trong đó có DNNN)

- Luật Đất đai năm 2024 quy định về quyền của tổ chức kinh tế đối với quyền sử dụng đất tại các điều 33 và 34, ngoài các quyền và nghĩa vụ chung quy định tại các điều 26 và 31 Luật Đất đai 2024. Cụ thể:

Điều 33 khoản 1 quy định: Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê ngoài các quyền và nghĩa vụ chung theo Điều 26 và Điều 31 Luật đất đai còn có các quyền cụ thể như: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất; tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cho xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc mở rộng đường giao thông, làm nhà tình nghĩa…; thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất…

Điều 34 khoản 1 quy định: Tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm ngoài các quyền và nghĩa vụ chung theo Điều 26 và Điều 31 Luật đất đai còn có các quyền cụ thể như: Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất; bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất; góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất; cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất; cho thuê lại quyền sử dụng đất…

- Các quy định khác của Luật Đất đai 2024 tại Chương XIII về chế độ sử dụng đất, Chương XIV về thủ tục hành chính về đất đai cũng có nhiều quy định mới về đơn giản hóa các thủ tục hành chính, về chế độ sử dụng các loại đất; phân định rạch ròi hơn giữa các quy định về Luật Đất đai với các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (khoản 3 Điều 83)… Dù không có các quy định trực tiếp nhưng các quy định này cũng có tác động gián tiếp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nói chung, DNNN thực hiện CPH nói riêng trong việc áp dụng pháp luật, tiếp cận đất đai cũng như trong thực hiện QSDĐ của doanh nghiệp.

2. Quy định của các luật khác về quyền của DNNN đối với QSDĐ. Ngoài Luật Đất đai còn một số đạo luật khác cũng có nhiều quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của DNNN như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp... Đặc biệt là đạo luật số 69/2014/QH13 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Hiện đạo luật này có nhiều quy định không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong CPH DNNN.

Nhận xét, đánh giá: (1) Qua các quy định hiện hành chúng tôi nhận thấy, quyền của DNNN đối với QSDĐ theo Luật Đất đai 2024 về cơ bản là kế thừa Luật Đất đai 2013, ngoài một số điểm mới như bổ sung cho DNNN quyền tặng cho QSDĐ cho Nhà nước hoặc tặng cho để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi, nhà tình nghĩa. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì được quyền dùng đất thuê để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các địa bàn ưu đãi đầu tư, huyện biên giới, hải đảo theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2024. Vì về cơ bản các quyền của tổ chức kinh tế đối với QSDĐ đã được mở hết từ Luật Đất đai 2013; (2) Do vậy, dù Luật Đất đai 2024 có bổ sung một số quy định mới tốt hơn, rõ hơn nhưng có thể sẽ không có quá nhiều kỳ vọng từ triển khai thi hành đạo luật này để có thể tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc của CPH DNNN; (3) Muốn thúc đẩy CPH DNNN cần sớm sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài chính soạn thảo và trình Chính phủ để trình QH sửa đổi Luật này. Đồng thời, để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai 2024 cũng cần cân nhắc việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

IV. Một số kiến nghị giải pháp

Chúng tôi cho rằng, việc ban hành Luật Đất đai năm 2024 là một tiền đề tốt, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế, trong đó có các DNNN và các công ty cổ phần được CPH từ DNNN trong việc sử dụng QSDĐ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn DNNN nhanh hơn, hiệu quả hơn thì cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (và có thể là cả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công), sau đó là ban hành các nghị định mới thay thế các nghị định 126/2017/NĐ-CP; 140/2020/NĐ-CP và các nghị định liên quan khác về CPH DNNN. Chúng tôi xin đề xuất một số định hướng sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Xử lý quyền sử dụng đất của DNNN trong quá trình CPH

Chúng tôi cho rằng, việc phân định thành các trường hợp: giao đất có thu tiền sử dụng đất; giao đất không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất trả tiền một lần và cho thuê đất trả tiền hằng năm, sau đó quy định việc xác định giá trị QSDĐ khác nhau đối với các trường hợp nói trên khi CPH DNNN là rất phức tạp, khó khả thi. Đặc biệt là các trường hợp phải xác định giá trị QSDĐ đất để tính vào giá trị doanh nghiệp. Đây chính là điểm vướng mắc nhất hiện nay khi doanh nghiệp CPH phải xây dựng phương án sử dụng đất và phê duyệt phương án sử dụng đất mà giá trị QSDĐ phải tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp. Chúng tôi kiến nghị cần đưa hết giá trị thực tế của DNNN về một mặt bằng, không phân biệt giao đất có thu tiền hay không thu tiền, thuê đất trả tiền một lần hay trả tiền hằng năm. Theo đó:

- Trường hợp DNNN thuê đất trả tiền hằng năm thì sau CPH vẫn tiếp tục thuê đất;

- Trường hợp thuê đất trả tiền một lần và trường hợp giao đất có thu tiền và không thu tiền sử dụng đất thì cần đưa ra cơ chế tính toán bù trừ, không tính giá trị QSDĐ vào giá trị thực tế của doanh nghiệp trong mọi trường hợp, để tất cả các công ty cổ phần được hình thành từ CPH DNNN đều chuyển sang thuê đất.

Việc tính toán bù trừ thế nào do các nhà kinh tế thực hiện, để tất cả các DNNN khi CPH đều không đưa giá trị QSDĐ vào giá trị thực tế của doanh nghiệp và đều chuyển sang thuê đất của Nhà nước sau khi đã chuyển đổi thành công ty cổ phần. Đất của DN sau cổ phần hóa vẫn là của Nhà nước và nên giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất của tỉnh để cho doanh nghiệp thuê theo cơ chế trả tiền hằng năm, theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định hằng năm theo quy định của Luật Đất đai 2024. Nếu làm được như vậy, đây có thể coi là điểm kỳ vọng vào Luật Đất đai mới về vai trò của tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương, nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ CPH.

2. Khi sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đặc biệt là các nghị định hiện hành liên quan đến CPH DNNN cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gắn liền với quy định rõ quyền và trách nhiệm (bao gồm cả chế tài) của các cơ quan, người có thẩm quyền để đẩy nhanh quá trình CPH DNNN trong thời gian tới.

3. Cần chọn lọc, chỉ giữ lại một số DNNN được coi là then chốt của nền kinh tế, giữ vai trò chi phối và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế thì Nhà nước cần nắm giữ trên 50% cổ phần chi phối, còn lại nên CPH 100% hoặc Nhà nước chỉ nắm dưới 50% hoặc dưới 35% cổ phần. Việc Nhà nước giữ trên 50% cổ phần ở các công ty cổ phần được CPH từ DNNN cũng là một nguyên nhân kém hấp dẫn cho các nhà đầu tư hiện nay. Vì họ không muốn cùng sở hữu một công ty khi Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối.

4. Sau khi DNNN đã CPH và trở thành công ty cổ phần thì quyền sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, bình đẳng như các công ty cổ phần được thành lập và thuê đất của Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong trường hợp Nhà nước còn nắm giữ cổ phần tại công ty cổ phần thì Nhà nước cũng phải bình đẳng với các cổ đông khác.

5. Về mặt hành chính, Thủ tướng cần giao các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp, kể cả trách nhiệm kỷ luật rất cụ thể nếu triển khai kế hoạch CPH các DNNN thuộc ngành, địa phương không đúng tiến độ hoặc để thất thoát tài sản nhà nước.

-----------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Các Nghị quyết: số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội; số 87/NQ-CP ngày 18/7/2022 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến xếp loại đối với các doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19; các Nghị quyết của Chính phủ về xử lý vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn; Nghị quyết về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Nghị quyết về một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

2.  Các Nghị định: số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DNNN và Công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; số150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; số 23/2022/NĐ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự ngiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp.

3. Các Quyết định: số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020; số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 và nhiều QĐ khác về phê duyệt Danh mục DNNN sắp xếp, CPH các năm từ 2016 đến 2021. 

4. Điển hình là một số nghị định sau: NĐ 64/2002/NĐ-CP về việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần; NĐ số 187/2004/NĐ-CP; NĐ số 109/2007/NĐ-CP; NĐ số 59/2011/NĐ-CP.

                                                                                               

PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ)   

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin