Ảnh minh họa
Sự cần thiết
Mặc dù được nhìn nhận đang có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp công nghệ số nhưng theo các chuyên gia, lĩnh vực này của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ công nghệ số ở mức thấp, năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ mới còn hạn chế; chưa chú trọng phát triển chất lượng, thương hiệu sản phẩm dịch vụ; thiếu định hướng công nghệ và hệ sinh thái công nghệ; thiếu tài nguyên dữ liệu chất lượng và nền tảng chia sẻ, khai thác dữ liệu hiệu quả; đầu tư phát triển hỗ trợ công nghiệp công nghệ số chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp công nghệ số trong khu vực ASEAN, mất cân đối sản xuất do phụ thuộc vào thị trường quốc tế; nguy cơ bị thâu tóm khi phụ thuộc về đầu tư nước ngoài, hạn chế về khả năng khai phá tài nguyên dữ liệu, chưa làm chủ hoàn toàn các công nghệ khai thác dữ liệu và bị mất lợi thế về nhân công giá rẻ và chảy máu chất xám... Hầu hết các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng nghiên cứu, đầu tư cho các công nghệ mới còn hạn chế nên dễ bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm ảnh hưởng đến sự phát triển ngành Công nghiệp công nghệ Việt Nam.
Dù Luật Tiếp cận thông tin (Luật số 104/2016/QH13) đã có qui định cụ thể, Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của các CQNN (Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020) nhưng hiện tại dữ liệu tại các bộ, ngành ở Việt Nam chia sẻ còn chưa nhiều. Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó tiếp cận dữ liệu của Bộ ngành để triển khai các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, đặc biệt là phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến như AI, phân tích dữ liệu... Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Tik tok… mở ra mô hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mới xuyên biên giới. Các dữ liệu của các tổ chức, cá nhân, bị khai thác triệt để, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Để có thể đối mặt với cạnh tranh và nghiên cứu phương hướng phát triển, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần chủ động giải quyết các vấn đề đang tồn tại như: nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, năng lực sáng tạo, năng lực thiết kế công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực AI… tiếp tục nghiên cứu - phát triển công nghệ số mới. Đây là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam do việc chuyển đổi số chỉ vừa mới được thực hiện trong những năm gần đây. Vì vậy, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ để có đủ nội lực cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực. Nhà nước cần sớm xây dựng các chính sách, hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhanh chóng cập nhật xu hướng thế giới, vươn tầm phát triển.
Cần nhiều chính sách ưu đãi đặc thù thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.
Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã có dự thảo dự án Luật công nghiệp công nghệ số. Tờ trình Dự án Luật nêu rõ, quy định pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin được ban hành hơn 17 năm qua, tại thời điểm ngành công nghệ thông tin mới bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Những quy định này chưa điều chỉnh được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin.
Do đó, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, phát triển thương hiệu ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam; phát triển thị trường trong và ngoài nước cũng như đầu tư, mua sắm và lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự thảo luật đã đề xuất một số chính sách nổi bật. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tổ chức, doanh nghiệp tham gia, thụ hưởng các hoạt động nêu trên, mức hỗ trợ tối thiểu 30% và tối đa không quá 80% tổng chi phí.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ số mà trong đó có tối thiểu 30% doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số doanh nghiệp tham gia và thực hiện hợp đồng lắp ráp, cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất trong nước để sản xuất ra sản phẩm và tối thiểu 30% giá thành sản phẩm được tạo ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm.
Về hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số, dự kiến có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; các ưu đãi đối với hoạt động công nghiệp công nghệ số; các chính sách tín dụng cho doanh nghiệp công nghệ số và nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp công nghệ số.
Ảnh minh họa
Trong đó, dự thảo luật đề xuất, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật về tín dụng đầu tư; được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của dự án. Dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số có sử dụng đất thuộc trường hợp được hỗ trợ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đầu tư ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Dự thảo luật cũng có qui định về chính sách ưu đãi đối với các dự án có tính chất đặc biệt, quy mô lớn: được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan; được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động R&D bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí R&D thực tế được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán; miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt làm việc tại các dự án; Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án, miễn trừ áp dụng điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 13 Dự thảo Luật đã có những đề xuất về sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu như : Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu là các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số được sử dụng và cung cấp trong lãnh thổ Việt Nam, có vai trò quan trọng, tác động lớn đến lợi ích quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, năng lực công nghệ quốc gia;
Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sở hữu và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu có trách nhiệm và nghĩa vụ: + Bán, xuất khẩu, chuyển giao sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu cho đối tác nước ngoài phải được chấp thuận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; + Bán từ 25% vốn điều lệ trở lên cho đối tác nước ngoài (mua trực tiếp hoặc gián tiếp) phải được chấp thuận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải bảo đảm tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ.
Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu là sản phẩm, dịch vụ đáp ứng một trong các nguyên tắc sau: + Là bộ phận chính, thiết yếu của các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, mạng lõi của hạ tầng viễn thông và hệ thống điều khiển trung tâm của các cơ sở hạ tầng quan trọng khác; + Là các nền tảng số có số lượng người sử dụng lớn và đồng thời thu thập, lưu trữ thông tin của người dùng là công dân Việt Nam; + Là các sản phẩm mang tính chiến lược quốc gia.
Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ công bố sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí xác định sản phẩm công nghệ số trọng yếu; quy định về việc bán, xuất khẩu, chuyển giao sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu cho đối tác nước ngoài và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Điều 4 Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số nêu rõ, nhà nước sẽ thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số nhằm phát huy vai trò nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp khác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung chú trọng và có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư phát triển công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, chuỗi khối, thực tại ảo/thực tại tăng cường và các công nghệ số mới khác; Khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ số theo hướng bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thân thiện với môi trường, hài hoà với tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới; Áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghiệp công nghệ số; tăng cường chính sách đặt hàng đào tạo và thực hiện hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với cơ sở đào tạo và người học…..
Đặc biệt, dự thảo Luật cũng qui định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công nghiệp công nghệ số như: Lợi dụng hoạt động công nghiệp công nghệ số để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam; Sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ, cung cấp, trao đổi và chia sẻ dữ liệu công nghiệp công nghệ số trái với quy định của pháp luật; Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Cản trở việc huy động nguồn lực công nghiệp công nghệ số phục vụ các hoạt động bảo đảm quốc phòng, an ninh, cơ yếu, khẩn cấp, phòng chống thiên tai của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền; cản trở hoạt động công nghiệp công nghệ số hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đồng thời qui định về bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động công nghiệp công nghệ số . Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, pháp luật về an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong hoạt động công nghiệp công nghệ số. Dữ liệu phục vụ sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghiệp công nghệ số thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, pháp luật về cơ yếu và pháp luật có liên quan.
Ảnh minh họa
Và những chính sách đột phá nhằm thúc đẩy, phát triển công nghiệp bán dẫn
Dự thảo luật cũng quy định về hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; chính sách thúc đẩy công nghiệp bán dẫn; quản lý và phát triển AI. Về nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, tập trung vào xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu công nghệ số và hình thành Chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ số theo từng thời kỳ sử dụng nguồn ngân sách khoa học công nghệ.
Liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số, dự kiến bao gồm các quy định thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số thông qua các chương trình tài trợ, vay vốn và hỗ trợ tài chính và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số. Trong đó, nổi bật là quy định về “doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số được miễn thuế hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hàng hoá nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ số”.
Về cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là một trong những chính sách đột phá trong dự thảo luật. Cơ chế thử nghiệm hiện chưa có tại Việt Nam tuy nhiên một số nước trên thế giới đã ban hành luật quy định về vấn đề này như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…Việc xây dựng quy định này nhằm đáp ứng sự phát triển, hội tụ rất nhanh của công nghệ số, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển và ứng dụng một số sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới, đột phá có khả năng mang lại giá trị cao nhưng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh. Dự kiến, cơ chế thử nghiệm sẽ hình thành quy trình, nguyên tắc xét duyệt hồ sơ đề nghị thử nghiệm của doanh nghiệp và quy định rõ đầu mối tiếp nhận xử lý hồ sơ, thẩm quyền cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm.
Cùng với đề xuất nhiều quy định, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến quy định một số chính sách đặc biệt ưu đã cho phát triển công nghiệp bán dẫn . Đối với quy định phát triển công nghiệp bán dẫn, Bộ Thông tin nhấn mạnh: đây là một nội dung rất quan trọng trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn trở thành ngành công nghiệp chủ chốt có vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng của mọi quốc gia; Đồng thời nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư khi rất nhiều tập đoàn toàn cầu lớn quan tâm đầu tư vào Việt Nam.
Dự thảo Luật dự kiến quy định một số chính sách đặc biệt cho phát triển công nghiệp bán dẫn như: ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng; có cơ chế về đối ứng đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tính lan tỏa trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn; có cơ chế đặc thù tuyển dụng các chuyên gia, nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn;
Cùng với đó đề xuất có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ chiến lược phát triển bán dẫn cho doanh nghiệp công nghệ số chủ lực trong nước; có cơ chế hỗ trợ chuyển giao công nghệ, mua bán sáp nhập các công ty công nghệ trong và ngoài nước; cơ chế một cửa liên thông quốc gia; cơ chế làn xanh cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Ngoài ra, trong bối cảnh AI được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực đời sống, việc quản lý nhằm hạn chế những rủi ro, đồng thời tận dụng tốt những lợi ích mà AI mang lại là vấn đề căn cơ, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững. Dự thảo dự kiến quy định khái niệm hệ thống AI, sản phẩm tạo bởi AI, chính sách phát triển hệ thống AI; các hoạt động AI bị cấm; phân loại cấp độ rủi ro đối với hệ thống AI và biện pháp quản lý; xây dựng nguyên tắc đạo đức AI, ... trên sở tham khảo AI Act của Liên minh Châu âu (EU). Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định dán nhãn nhận dạng đối với sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi AI theo kinh nghiệm của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, một nội dung rất mới được dự thảo quy định về tài sản số . Theo đó, trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất đưa ra khái niệm tài sản số với nội hàm là một loại sản phẩm công nghệ số và dự kiến giao một số bộ, ngành liên quan xây dựng hoặc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý liên quan đến tài sản số trong ngành, lĩnh vực của mình phụ trách.
Dự thảo dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng lấy ý kiến gồm 6 Chương, 90 Điều. Việc xây dựng luật nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam; góp phần xây dựng chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy thông minh hóa các ngành công nghiệp qua việc đưa công nghệ số thâm nhập, hội tụ vào các ngành, lĩnh vực thay đổi phương thức làm việc, mang lại các giá trị mới, tạo ra cuộc cách mạng thông minh hoá.