(Pháp lý) - Ở Việt Nam hiện nay, tính bình quân năm 2017, chỉ riêng cấp bộ và cấp tỉnh, cứ hơn hai ngày có một văn bản trái pháp luật được ban hành, nếu chỉ tính những ngày làm việc (5 ngày/tuần) thì khoảng 1,5 ngày lại có một văn bản trái pháp luật được ban hành. Đó quả là thực tế rất đáng lo ngại, để lại hậu quả xấu cho xã hội, cần sớm có “liều thuốc” đặc trị để chấm dứt tình trạng này.
Hậu quả xấu không lường hết được
Báo cáo đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật mà Bộ Tư pháp vừa gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2017 có tới 5.639 văn bản trái pháp luật được các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành.
Phân tích số liệu trên cho thấy, có 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Chỉ trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện và kết luận 26 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền, tổng cộng là 157 văn bản.
Tính bình quân năm 2017, chỉ riêng cấp bộ và cấp tỉnh, cứ hơn hai ngày có một văn bản trái pháp luật được ban hành, nếu chỉ tính những ngày làm việc (5 ngày/tuần) thì khoảng 1,5 ngày lại có một văn bản trái pháp luật được ban hành.
Bộ Tư pháp cho biết, mặc dù các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương chưa thực hiện việc phân loại nội dung trái pháp luật của các văn bản trong từng lĩnh vực cụ thể, nhưng qua báo cáo từ các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương có thể nhận thấy, số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế, xã hội.
Trong số 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, gồm 26 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh có 85 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực kinh tế (gồm 10 văn bản của Bộ, 75 văn bản của địa phương), chiếm 54%; 29 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực khoa giáo – văn xã (gồm 10 văn bản của Bộ, 19 văn bản của địa phương), chiếm 18%; 43 văn bản trong lĩnh vực nội chính (gồm 6 văn bản của Bộ, 37 văn bản của địa phương), chiếm 28%.
Một con số thật khủng khiếp, tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh vì chiếm tỷ lệ cao nhất trong số văn bản trái pháp luật là lĩnh vực kinh tế. Những đối tượng chịu tác động của những văn bản đó có thể thiệt hại lớn nhưng hầu như chưa có trường hợp nào được bồi thường, do còn thiếu những quy định của pháp luật. Thiếu sót này chắc chắn phải được khắc phục để bảo đảm nguyên tắc công bằng của pháp luật.
Bộ Tư pháp cho rằng, văn bản trái pháp luật được phát hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nội dung trái pháp luật đa dạng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp cơ quan, tổ chức, cá nhân với các mức độ khác nhau.
Nhìn tổng thể, văn bản trái pháp luật thời gian qua đã gây ra những hậu quả xấu ở nhiều khía cạnh. Trước hết, việc ban hành và thi hành văn bản trái luật làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; trật tự, kỷ cương trong ban hành, thi hành văn bản quy phạm pháp luật; giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Văn bản vi phạm quy định về nguyên tắc xây dựng pháp luật, các hành vi bị nghiêm cấm, vi phạm thẩm quyền ban hành văn bản đã thể hiện sự "nhờn luật", không nghiêm túc trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây tốn kém thời gian, công sức của cơ quan nhà nước và nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Một số văn bản trái pháp luật, có nội dung hạn chế quyền tự do kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (4 văn bản) như : quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trái thẩm quyền; quy định thêm cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của doanh nghiệp làm hạn chế quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp…
Có ý kiến cho rằng: Nhà nước chi ngân sách để nuôi bộ máy, trả lương và chi phí cho công tác ban hành văn bản, lại có đến 5.600 “sản phẩm” bị lỗi thì phí tiền phí của. Chưa hết, khi phát hiện văn bản trái luật, lại phải có bộ phận xử lý nó, Nhà nước phải chi phí tất cả những khoản đúng ra không nên có.
Tóm lại, xây dựng và ban hành văn bản không nghiêm túc, trái luật thì hậu quả không thể tính hết được.
Cần “liều thuốc” đặc trị
Trước hết là giải pháp chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể thật nghiêm minh. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định 8 lọai đối tượng chịu trách nhiệm.
Theo quy định chỉ riêng khoản 8 Điều 7: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện”.
Đã có sự phân tích cho thấy số đối tượng phải chịu trách nhiệm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật là 5 người đứng đầu năm cơ quan gồm: Cơ quan chủ trì soạn thảo; Cơ quan thẩm định; Cơ quan trình; Cơ quan thẩm tra và Cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Với 5.639 văn bản trái pháp luật, số người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm sẽ là 5.639x5 = 28.195 người. (Đấy là chưa tính ít nhất một cấp phó và một chuyên viên trực tiếp liên quan đến văn bản đó). Gần 30 ngàn công chức phải xử lý trách nhiệm. Vấn đề quan trọng là có xử lý không và xử lý như thế nào? Có vướng mắc gì trong công tác xác định trách nhiệm để xử lý không? Thực tế cho thấy, do không xử lý, xử lý không đúng mức nên gây nhờn luật ngay chính từ những người “chắp bút” soạn thảo, đề xuất ra văn bản trái pháp luật. Vì nhờn luật, xuê xoa, dễ dãi cho qua, nên các năm qua, số lượng các văn bản trái luật ít thuyên giảm, ngược lại có năm tăng cao.
Đã có ý kiến cho rằng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của văn bản trái pháp luật, hậu quả của nội dung trái pháp luật gây ra đối với xã hội và tính chất, mức độ lỗi mà cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài xem xét, xử lý trách nhiệm khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật, một loạt các vi phạm pháp luật trong khâu kiểm tra văn bản cũng cần được xem xét, xử lý, có như vậy, việc tăng cường chất lượng và nâng cao ý thức kỷ luật trong kiểm tra văn bản mới được bảo đảm.
Do đó giải pháp đầu tiên là quy trách nhiệm cá nhân thật rõ ràng và xử lý thật nghiêm minh, đó là “liều kháng sinh” mạnh đánh vào căn bệnh nan y mang tên ban hành văn bản trái pháp luật kéo dài nhiều năm qua.
Thứ hai là giải pháp kỹ thuật, cụ thể là yêu cầu chấp hành đầy đủ các khâu chuẩn bị văn bản mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.
Thực tế cho thấy trong quá trình dự thảo văn bản, nhiều cơ quan chưa tuân thủ đầy đủ về trình tự, thủ tục theo quy định. Đó là không tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội trước khi xây dựng dự thảo văn bản ( kể cả đánh giá tác động các quy định về thủ tục hành chính), không lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản hoặc có lấy ý kiến nhưng chưa đảm bảo thời gian theo quy định, đối tượng lấy ý kiến hẹp, chất lượng góp ý không cao.
Do “làm tắt”, “làm ẩu”, bỏ bớt công đoạn dẫn đến kết quả là chất lượng của văn bản thấp, sai cả nội dung và thể thức, dẫn đến sau khi ban hành bị phản đối mới phải hủy sửa.
Vì thế, có ý kiến đề nghị cần coi đánh giá tác động là quy định bắt buộc. Trong quy trình xây dựng chính sách, đánh giá tác động về mọi mặt của chính sách là bước vô cùng quan trọng để giúp các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn phương án tối ưu nhất giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn quản lý. Trong đó, phải xây dựng các tiêu chí đánh giá một cách đầy đủ và đúng đắn như: Tính hiệu lực của chính sách, tính hiệu quả, tính công bằng của chính sách.
Bên cạnh đó, phải gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra văn bản với soạn thảo, thẩm định và theo dõi thi hành pháp luật, tăng cường năng lực xử lý những tình huống văn bản sai tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội.
Thái Đăng