Cần cân nhắc Việt Kiều có được là chủ rừng hay không?

Phải cân nhắc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ rừng để phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi thảo luận về quy định chủ rừng một trong các vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 14/8.

Đưa ra ý kiến cụ thể, theo bà Ngân, Luật Đất đai quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất, cho thuê rừng, được thực hiện dự án đầu tư trồng rừng... Cho nên, cần cân nhắc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có phải là chủ rừng hay không cho phù hợp.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội còn lưu ý phải cân nhắc rất kỹ việc giao đất rừng sản xuất cho cộng đồng dân cư, vì cộng đồng dân cư không phải là một chủ thể được quy định trong Bộ luật Dân sự.

“Sẽ rất phức tạp, khó khăn nếu xảy ra tranh chấp cần xử lý theo pháp luật dân sự”, bà Ngân nói.

 Cân nhắc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ rừng
Cân nhắc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ rừng)

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: "Quy định của Hiến pháp và Luật Đất đai cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được làm chủ rừng, nhưng báo cáo giải trình dự thảo Luật lại nói là đất rừng ít quá chỉ giao cho người tại chỗ thôi thì có hợp lý không, cần phải cân nhắc".

Cũng trong cuộc thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, ông Phan Xuân Dũng cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp thứ ba, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung “nhóm hộ gia đình”, “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là chủ rừng.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, ông Dũng giải thích, mặc dù luật hiện hành quy định đây là một loại chủ rừng, Luật Đất đai quy định đối tượng này được Nhà nước giao, cho thuê đất.

Tuy nhiên, do quỹ rừng của Việt Nam còn rất ít (khoảng 2,7 triệu ha), trong khi nhu cầu được giao đất, cho thuê đất của người dân địa phương là lớn nên cần ưu tiên giao cho người dân tại chỗ để phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống người dân nơi có rừng.

Trong trường hợp cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp thì vẫn có thể hợp tác, liên kết với các chủ rừng khác hoặc thành lập pháp nhân để đầu tư phát triển rừng.

Chủ nhiệm Dũng nhấn mạnh: "Vì những lý do trên, cơ quan thẩm tra và ban soạn thảo xin phép không bổ sung quy định đối tượng này là chủ rừng trong dự thảo luật".

Trước đó, thảo luận về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) được tổ chức ngày 19/6/2016 cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến của ĐBQH về vấn đề quy định chủ rừng.

ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng - Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 7 cũng cho rằng, khi quy định về giao rừng thì Ban soạn thảo cần ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ hoặc bổ sung thêm các quy định về quyền, nghĩa vụ của chủ rừng, nhằm bảo đảm đời sống bà con.

Đồng tình quan điểm, ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh (đoàn ĐBQH Nghệ An) đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền giao rừng, cho thuê, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng từ trung ương đến địa phương.

Theo bà Trinh, cần làm rõ chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng có được cho thuê lại rừng hay không. Đặc biệt nên cân nhắc kỹ việc giao thẩm quyền này cho cấp huyện, vì thực tế vừa qua nhiều huyện đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nên nghiên cứu gắn trách nhiệm nghĩa vụ của các cơ sở chế biến lâm sản đối với việc phát triển rừng.

Trả lời thắc mắc của các ĐBQH, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về giao rừng, cho thuê rừng để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

"Giao rừng, cho thuê rừng để rừng có chủ thực sự là chủ trương nhất quán trong dự thảo Luật lần này", ông Cường nói.

Theo Bao Datviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin