600 cán bộ cấp chiến lược gồm các cán bộ trong Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ trưởng, trưởng các ngành, thứ trưởng, phó trưởng các ngành, bí thư và phó bí tỉnh uỷ, chủ tịch UBND và HĐND tỉnh
Theo ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4 (Vụ Các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư) – Ban Tổ chức T.Ư đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị TƯ 7 diễn ra từ 7-12/5 sẽ bàn về tiêu chuẩn, điều kiện của 600 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Quang Hưng cho biết, 600 cán bộ cấp chiến lược gồm các cán bộ trong Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ trưởng, trưởng các ngành, thứ trưởng, phó trưởng các ngành, bí thư và phó bí tỉnh uỷ, chủ tịch UBND và HĐND tỉnh.
Biết xây dựng và bảo vệ uy tín của Đảng
Những nhân sự dự kiến được quy hoạch cấp chiến lược cần tiêu chuẩn, điều kiện nào?
Nghị quyết TƯ 3 khoá 8 cũng đề ra tiêu chuẩn cán bộ cho các loại đối tượng cán bộ. Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 90 về tiêu chuẩn cán bộ diện Bộ Chính trị Ban Bí thư quản lý. Khung tiêu chuẩn chức danh là Quy định 89 cho tất cả chức danh lãnh đạo của cả hệ thống chính trị.
Trên cơ sở quy hoạch của các cấp uỷ cơ sở đảng trực thuộc T.Ư là cơ sở cho việc xem xét. Trên cơ sở đó, các cấp uỷ tổ chức đảng giới thiệu ra Ban chấp hành TƯ. Ban chấp hành TƯ sẽ lựa chọn những người đảm bảo tiêu chuẩn theo tiêu chí đã được ban hành. Ngoài ra, đề án đề ra việc ban hành cả yêu cầu đối với từng đội ngũ cán bộ.
Riêng đối với cán bộ cấp chiến lược thì ngoài các yêu cầu của cán bộ lãnh đạo quản lý thì phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lý tưởng, đạo đức nhân sinh quan cách mạng, có ý chí và nghị lực, có khát vọng đưa đất nước phát triển, sẵn sàng hi sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc có nhân dân, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt nhanh xu thế của thời đại. Đặc biệt, họ phải biết xây dựng và bảo vệ uy tín của đảng cũng như hình ảnh của cá nhân, không để các mối quan hệ cá nhân, lợi ích nhóm chi phối trong quá trình công tác.
Để án có nhấn mạnh đến việc triệt để chống chống chạy chức, chạy quyền. Vậy bằng cách nào để thực hiện việc này?
Vừa qua những bức xúc tồn tại hạn chế tình trạng chạy chức chạy quyền, tiêu cực xảy ra trong công tác cán bộ đặt ra yêu cầu chặn đứng những tiêu cực trong công tác cán bộ, nhất là tình trạng chạy chức, chạy quyền.
Làm được việc này trước hết phải chuẩn hoá quy trình, quy định về công tác cán bộ, phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm minh. Nếu các tổ chức, cá nhân để ra sai phạm thì thu hồi các quyết định sai trái đó và xử lý nghiêm minh.
Ban tổ chức cũng có những quy định chặt chẽ về kiểm soát quyền lực, các cơ chế để ngăn chặn chạy chức chạy quyền, đề cao giám sát của QH, tổ chức chính trị xã hội và người dân.
Với quyết tâm, nỗ lực lớn như vậy thì chắc chắn sẽ có những tác dụng tích cực trong việc ngăn chặn chạy chức, chạy quyền.
Có tính toán đến việc nhất thể hóa không?
Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 về tinh gọn bộ máy, trong đó có đặt vấn đề nhất thể hoá một số chức danh. Vậy đối với cán bộ cấp chiến lược thì trong đề án có có tính toán đến việc nhất thể hóa không?
Nhiều nhiệm kỳ qua chúng ta thực hiện nhất thể hoá một số chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch cấp huyện, xã. Hiện trong đề án mới, chúng tôi cũng đang đặt ra chuyện hướng tới là giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cấp dưới trực tiếp của mình, được giới thiệu để bầu cử vào cấp phó vào ban thường vụ cấp uỷ các cấp.
Việc thực hiện dần đi tới đề cao thẩm quyền của người đứng đầu, xác định rõ thẩm quyền trách nhiệm người đứng đầu trong quy trình công tác cán bộ.
Thứ 2 là việc nhất thể hoá không còn là chủ trương thí điểm mà bây giờ đang được thực hiện ở cấp huyện, tỉnh. Sắp tới ở 3 đặc khu kinh tế cũng hướng tới là nhất thể Bí thư đồng thời là chủ tịch ở những nơi bầu cử mới này.
Như vậy là chúng ta đang đổi mới công tác cán bộ để làm sao phát huy và đề cao được trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp.
Còn việc nhất thể hoá một số chức danh cán bộ cấp chiến lược như kinh nghiệm Trung Quốc, ví dụ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước thì sao?
Cái này thì sắp tới T.Ư sẽ nghiên cứu. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi quá trình thấu đáo, đạt được những yêu cầu cả trong nước và quốc tế, đảm bảo cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng được yêu cầu.
Cái này nhiều khoá trước Ban chấp hành T.Ư cũng có những lần thảo luận. Lần này đề án này tập trung thảo luận vào tập thể Ban chấp hành T.Ư, Bộ chính trị. Còn việc quyết định lưạ chọn phương án là do Ban chấp hành T.Ư và đại hội xem xét, quyết định.
Trong đề án có đặt vấn đề thu hút người tài ngoài đảng, liệu có đặt vấn đề này đối với cán bộ cấp chiến lược hay chỉ ở cấp dưới?
Chúng ta thu hút người tài không phân biệt đảng viên hay người ngoài đảng, người Việt Nam hay người nước ngoài, miễn là họ có tâm, có năng lực, có nhu cầu cống hiến cho đất nước thì đều được trọng dụng.
Tuy nhiên tuỳ từng vị trí lãnh đạo quản lý mà có tiêu chuẩn, điều kiện riêng. Quá trình đất nước phát triển chúng ta sẽ có những quy định cụ thể trong từng giai đoạn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tienphong