Cuối tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề báo chí phản ánh khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) về sửa đổi chính sách thuế. Vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi 5 luật thuế, trong đó có những nội dung tiếp thu khuyến nghị của WB.
Đẩy mạnh thu nội địa, mở rộng cơ sở thuế
Theo đó, WB khuyến nghị cải cách thuế ở Việt Nam theo hướng đẩy mạnh huy động thu nội địa; mở rộng cơ sở thu thuế giá trị gia tăng (GTGT), tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, bổ sung đối tượng thuế bảo vệ môi trường.
“Ưu tiên quan trọng trong thời gian tới vẫn là đẩy mạnh huy động thu nội địa từ thuế thông qua các biện pháp mang tính cơ cấu nhằm mở rộng cơ sở thu từ thuế và nâng cao tiềm năng thu, để đảm bảo củng cố tài khóa theo hướng đảm bảo chất lượng và thuận lợi cho tăng trưởng. Những sửa đổi về chính sách thuế có thể được cân nhắc, bao gồm áp dụng thuế tài sản thu thường xuyên, thống nhất thuế suất thuế GTGT và tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Đánh giá về những khoản ưu đãi thuế đang gây xói mòn cơ sở thu từ thuế TNDN cũng cần được thực hiện để làm cơ sở hợp lý hóa các hình thức ưu đãi và miễn giảm” – WB khuyến nghị tại báo cáo mang tên: “Điểm lại – cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, tháng 7/2017”.
Theo khuyến nghị của WB, Việt Nam cần cải cách thuế theo hướng đẩy mạnh huy động thu nội địa. WB đưa ra lý lẽ, theo thông lệ quốc tế thường chỉ có một mức thuế suất GTGT duy nhất, và diện miễn giảm rất hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam hiện quy định 26 nhóm mặt hàng không chịu thuế GTGT, 15 nhóm mặt hàng chịu thuế 5%, còn các mặt hàng còn lại chịu thuế 10%.
WB đánh giá, điều này không chỉ làm hẹp cơ sở thuế mà còn làm ngắt chuỗi khấu trừ đầu vào đầu ra thuế GTGT, gây phức tạp cho công tác quản lý.
Để xử lý các vấn đề này, WB cho rằng, cần cân nhắc từng bước thu hẹp danh mục không thuộc diện chịu thuế GTGT, chuyển các mặt hàng chịu thuế 5% sang 10%, tiến tới áp dụng thuế suất thuế GTGT duy nhất.
Cùng với đó, WB còn khuyến nghị Việt Nam mở rộng cơ sở thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và rà soát các hình thức ưu đãi thuế.
Quan điểm của WB là việc rà soát và điều chỉnh hợp lý các quy định ưu đãi thuế là cần thiết nhằm phát huy đúng hiệu quả của các chính sách ưu đãi, tránh ưu đãi không phù hợp, dàn trải, gây lãng phí nguồn lực, đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp mà không làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh chung của Việt Nam, do mức thuế suất TNDN hiện nay đã giảm khá thấp và cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Kết quả đánh giá một cách có hệ thống về tác động của các chính sách ưu đãi thuế đối với việc thu hút đầu tư và mở rộng cơ sở thuế cũng sẽ hỗ trợ cho các quyết định chính sách tài chính của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian tới.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, WB cũng khuyến nghị tăng thuế suất. Theo đánh giá của WB, ở Việt Nam, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt còn khá thấp đối với một số mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng (ví dụ như thuốc lá, rượu, bia). Vì thế, từng bước tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng này không chỉ giúp huy động thu được cao hơn, mà còn hạn chế được những thói quen không lành mạnh.
Tại dự thảo Luật sửa đổi 5 luật thuế, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều sửa đổi theo hướng đẩy mạnh huy động thu nội địa; mở rộng cơ sở thu thuế GTGT, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, rất phù hợp với những khuyến nghị từ WB.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất tập trung sửa đổi 4 nội dung. Trong đó, đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền đóng gói, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019.
Để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Phương án một là áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo quy định, lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá từ năm 2016 là 70%, từ năm 2019 là 75%. Qua đó, theo phương án này, ngoài tỷ lệ thuế trên, cơ quan chức năng đề nghị bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020. Phương án 2 được Bộ Tài chính đưa ra là tăng thuế suất theo lộ trình, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%. Từ năm 2021, mức thuế sẽ tăng lên 85%.
Đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết hội nhập
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập vào ngày cuối cùng của năm 2015. Với sức mạnh của 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có nước ta, cùng với hàng rào thuế quan và phi thuế quan được gỡ bỏ, một thị trường rộng lớn đã mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong trao đổi hàng hóa, thương mại, thu hút đầu tư và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực.
Tuy nhiên, song hành với cơ hội, việc cắt giảm thuế cũng tạo ra những thách thức không nhỏ. ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối, theo hiệp định này, đến năm 2018, ngoại trừ danh mục 3% dòng thuế trong danh mục loại trừ, toàn bộ số dòng thuế còn lại được thực hiện cắt giảm đúng cam kết, nghĩa là về 0%. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải tuân thủ lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô).
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng thu thuế xuất nhập khẩu của toàn ngành thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 141.000 tỷ đồng, trong đó thuế nhập khẩu khoảng 72.600 tỷ đồng. Như vậy, số thu mỗi năm hàng trăm nghìn tỷ đồng từ thuế nhập khẩu sẽ không còn khi mốc thời gian chúng ta thực hiện cam kết cắt giảm thuế đã cận kề.
Như vậy, khuyến nghị tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và đẩy mạnh huy động nguồn thu từ nội địa từ WB là rất hợp lý và cần tiếp thu, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Theo Bao Phapluat