Bộ Tư pháp phải “mạnh” hơn trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

20/12/2022 14:13

Bộ Tư pháp phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã ký một loạt các hiệp định bảo hộ đầu tư với các nước.

1-1671519181.jpg

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh: Bộ Tư pháp phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế - Ảnh: VGP/Hải Minh

Đây là một trong những nhiệm vụ then chốt được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh giao cho Bộ Tư pháp tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023, diễn ra chiều 19/12.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Tư pháp tập trung xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ năng lực để phòng ngừa và bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, trong lĩnh vực mới nhưng hết sức quan trọng này.

Bộ Tư pháp cần tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác tư pháp.

Tham mưu thực hiện thực chất, hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, trong đó cần bám sát các quan điểm, mục tiêu, đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam để tập trung xây dựng.

2-1671519190.jpg

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023 diễn ra chiều 19/12 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Bộ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Thường trực đặc biệt nhấn mạnh phải kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản để sớm đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống.

Bộ Tư pháp cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành tư pháp tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn, đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế người làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế; đề xuất giải pháp bảo đảm nguồn lực tài chính, các điều kiện cần thiết khác nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt, lĩnh vực công tác tư pháp với yêu cầu, đòi hỏi và trách nhiệm ngày càng cao hiện nay.

Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành trong việc triển khai có hiệu quả các đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị.

3-1671519190.jpg

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre và Cục Kế hoạch-Tài chính (Bộ Tư pháp) - Ảnh: VGP/Hải Minh

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung nổi bật về phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước trong khi nhiều nước trên thế giới còn gặp khó khăn.

Nổi bật là, toàn ngành tư pháp đã tập trung rà soát một khối lượng rất lớn, gần 28.000 văn bản để từ đó bổ sung, sửa đổi, thay thế, bãi bỏ gần 6.000 văn bản, trong bối cảnh Chính phủ tổ chức triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Tư pháp đứng đầu trong các bộ, ban, ngành về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật thuộc Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2021.

Lần đầu tiên, Bộ phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưa cho Chính phủ về định hướng xây dựng pháp luật cho giai đoạn 5 năm tới; tham gia với vai trò chính trong việc xây dựng dự thảo Nghị quyết 27 của Trung ương về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đây là những công việc hết sức quan trọng.

Bộ Tư pháp cũng đã tham gia thẩm định Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, theo đúng tinh thần của Trung ương là bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, Chính phủ đã ban hành hầu hết các nghị định quy định chứng năng nhiệm vụ của các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự; hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế… của ngành tư pháp trong năm qua./.

Bạn đang đọc bài viết "Bộ Tư pháp phải “mạnh” hơn trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin